Vai trò đặc biệt của Jerusalem trên chính trường Mỹ: Tại sao ông Trump "dám nói dám làm"?

TS Terry F. Buss |

Trong sự kiện Jerusalem, giới truyền thông Mỹ cho rằng ông Trump đã đi một nước cờ chính trị "có tính toán" để phục vụ nhiều mục đích khác nhau.

Không phải tới tận gần đây Jerusalem mới là điểm nóng chính trị. Theo Wikipedia, trong hơn 3.000 năm lịch sử, Jerusalem đã bị tấn công và chiếm đóng 52 lần, bị tái chiếm 44 lần, bị bao vây 23 lần và phá hủy 2 lần.

Vài năm trở lại đây, Jerusalem đã trở thành quân cờ trong cuộc chiến giữa người Israel và Palestine, chưa kể tới các quốc gia Hồi giáo mà tiêu biểu là Iran và Ả Rập Saudi.

Phần còn lại của thế giới cũng không thể định nghĩa rõ ràng được thành phố này. Liệu Jerusalem là thủ đô của Israel, thủ đô Palestine, một thành phố tự do hay là vùng ngoại ô của Jordan?

Vai trò đặc biệt của Jerusalem trên chính trường Mỹ: Tại sao ông Trump dám nói dám làm? - Ảnh 1.

Thứ Tư (6/12) vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ "nhúng tay" vào cuộc khủng hoảng bằng việc tuyên bố Mỹ sẽ cho dời Đại Sứ Quán (ĐSQ) của nước này từ Tel Aviv tới Jerusalem và cùng lúc công nhận thành phố là thủ đô của Israel.

Ngay lập tức, các quốc gia trên thế giới phản ứng quyết liệt và bạo động bắt đầu nhen nhóm nổ ra tại Trung Đông.

Từ Đức Giáo hoàng, Liên Hợp Quốc (LHQ) cho tới các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) và các nước Ả Rập lên án hành động của ông Trump; trong khi người dân Mỹ và các đảng chính trị cũng bị chia rẽ về quan điểm. Có khả năng các cuộc biểu tình lớn sẽ nổ ra ngay trên đất Mỹ.

Các kênh truyền thông cho rằng ông Trump đã đi một nước cờ chính trị "có tính toán" để phục vụ nhiều mục đích khác nhau.

Trong số đó có thể kể tới ý định nhằm củng cố quyền lực cho Israel; làm gia tăng căng thẳng Trung Đông; chuyển hướng chú ý khỏi vụ điều tra can thiệp Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016; kêu gọi sự ủng hộ vững chắc hơn từ những người theo phe ông Trump; tạo ra sự khác biệt giữa chính sách của ông Trump và ông Obama; tạo tiền đề cho kế hoạch hòa bình sẽ được công bố vào tháng 1 tới; hoàn thành lời hứa khi tranh cử; tranh thủ sự hỗ trợ từ cộng đồng người Do Thái ở Mỹ; và cũng không loại trừ trường hợp ông Trump đã tính toán sai lầm nghiêm trọng.

Vai trò đặc biệt của Jerusalem trên chính trường Mỹ: Tại sao ông Trump dám nói dám làm? - Ảnh 2.

Ông Trump kí xác nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ về thành phố này. Ảnh: Jim Lo Scalzo/ EPA

Lời chỉ trích gay gắt nhất tới từ Washington Post: ông Trump đã cố tình "mời gọi" sự bất đồng, căng thẳng để thuyết phục mọi người rằng ông là người duy nhất có thể giải quyết chúng. Hành động của ông Trump cũng được đánh giá là thực sự bất thường nếu so với chính sách của Mỹ từ trước tới nay.

Đôi lúc lời nói của ông Trump không đi kèm hành động, nhưng trong trường hợp này ông đã "dám nói dám làm".

Vai trò đặc biệt của Jerusalem trên chính trường Mỹ: Tại sao ông Trump dám nói dám làm? - Ảnh 3.

Vấn đề Jerusalem, và vấn đề lớn hơn về hòa bình Israel – Palestine, phản ánh sự đồng thuận giữa lưỡng đảng Mỹ cho tới cuộc tranh cử tổng thống 2016 giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton. Từ khi đó, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đã dần dần có quan điểm đối lập với nhau.

Hành động của ông Trump phản ánh quan điểm của đảng Cộng hòa, trái ngược hẳn với đảng Dân chủ.

Đảng Dân chủ, hồi năm 2016, đã bắt đầu nghiêng về phía người Palestine chống lại Israel. Hồi tháng 12/2016, lần đầu tiên trong lịch sử, Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power, bỏ phiếu trắng trong cuộc trưng cầu về việc hỗ trợ Israel. Bà không bỏ phiếu để tránh LHQ lên án việc Israel định cư trong khu vực lãnh thổ của Palestine với ý định sẽ giành luôn quyền kiểm soát khu vực.

Vai trò đặc biệt của Jerusalem trên chính trường Mỹ: Tại sao ông Trump dám nói dám làm? - Ảnh 4.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power. Ảnh: CNN

LHQ tuyên bố rằng Israel là một lực lượng "xâm chiếm" bất hợp pháp. Việc này cho phép LHQ đặt áp lực cả về kinh tế và chính trị lên Israel, buộc nước này phải từ bỏ lãnh thổ, gián tiếp ngăn những người Do Thái cầu nguyện tại thánh địa linh thiêng hàng trăm năm tuổi và trao quyền kiểm soát khu vực cho người Palestine.

Alan Dershowitz, chuyên gia hàng đầu về luật hiến pháp Mỹ, kết luận rằng ông Obama đã "bỏ rơi" Israel.

Tháng 1/2017, trước khi ông Trump nhậm chức, đảng Cộng Hòa đã biểu quyết nhằm lên án Nghị quyết của LHQ. Đảng Cộng hòa đã mời Thủ tướng Israel Netanyahu phát biểu trước Quốc hội trong khi ông Obama và chính quyền của ông tỏ ra không hài lòng với hành động này. Ông Obama và ông Netanyahu đã công khai chỉ trích nhau về vấn đề Israel.

Sự bất đồng giữa các đảng đã trở thành chướng ngại trong việc đảm bảo hòa bình trong khu vực Trung Đông. Khoảng cách giữa hai đảng lớn đang ngày càng gia tăng nếu xét tới việc cầm quyền của ông Trump cùng những người phản đối vị tổng thống đương nhiệm. Thêm vào đó, đảng Dân chủ đã dần trở nên bài Israel và ủng hộ Palestine.

Năm 1995, trong cuộc họp Quốc hội chủ trì bởi đảng Cộng hòa, đảng Dân chủ đã áp dụng Luật Đại sứ quán Jerusalem để công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển ĐSQ của Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem.

Từ khi đạo luật này có hiệu lực, các đời tổng thống từ Bill Clinton, George W. Bush cho tới Barack Obama đã thường xuyên kí lệnh miễn trừ để hoãn việc thi hành luật.

Có thể thấy, các vị cựu tổng thống Mỹ đều cảm thấy luật pháp dựa vào quyền lực của họ để đưa ra các chính sách ngoại giao. Đạo luật này được cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ủng hộ.

Năm 2017, Thượng viện Hoa Kỳ đã tái xem xét lại đạo luật trong một cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng với 93 phiếu thuận, 5 phiếu chống.

Năm 2012, trong cuộc tranh cử giữa ông Obama và Mitt Romney, đảng Cộng hòa tuyên bố đảng này tin vào giải pháp "hai nhà nước" mà theo đó, Israel và Palestine sẽ trở thành 2 quốc gia độc lập, dân chủ với Jerusalem là thủ đô của Israel.

Vai trò đặc biệt của Jerusalem trên chính trường Mỹ: Tại sao ông Trump dám nói dám làm? - Ảnh 5.

Hai ứng viên tổng thống Barack Obama và Mitt Romney tranh luận năm 2012. Ảnh: AP

Năm 2016, trong cuộc tranh cử giữa ông Trump và bà Hillary Clinton, đảng Cộng hòa bỏ qua giải pháp hai nhà nước, mà chỉ giữ lại ý công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Đảng này cũng phủ nhận việc coi Israel là "nước xâm chiếm" lãnh thổ của Palestine và từ chối phong trào của cánh tả nhằm bài trừ, tước đoạt hoặc cấm vận (BDS) Israel. Mới đây, ngày 7/12, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa đã đăng tải thông điệp đồng ý với quyết định của ông Trump.

Năm 2016, đảng Dân chủ lại đề cập tới giải pháp hai nhà nước, nhưng lần đầu tiên trong lịch sử, giải pháp này không chỉ đơn thuần giải quyết lợi ích cho người Israel, mà còn nhắc tới quyền lợi và sự tôn trọng dành cho người Palestine. Nhưng đảng này cũng tuyên bố: "Mặc dù Jerusalem là vấn đề cần được thảo luận rõ ràng, nhưng thành phố này vẫn nên là thủ đô của Israel…"

Năm 2012, đảng này cũng đưa ra khẳng định tương tự về Jerusalem, nhưng gây nhiều tranh cãi hơn. Tổng thống Barack Obama, khi tranh cử nhiệm kì thứ hai, đã buộc Ủy ban Quốc gia Dân chủ phải công nhận "Jerusalem là thủ đô của Israel." Ông Obama đã phục hồi khẳng định này và đây có thể coi là dấu hiệu thể hiện chính sách của đảng Dân chủ về vấn đề Israel.

"Tuyên bố về Jerusalem" của ông Trump đã lí giải hành động của ông. Ông Trump nói một cách đơn giản rằng đây là sự thật và ông muốn công nhận điều đó. Gần như mọi cơ quan chính phủ của Israel đều tập trung tại Jerusalem. Vậy nên, ông cảm thấy hành động của mình cũng không tạo nên mấy sự thay đổi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, ngày 6/12/2017

Ông Trump đã công nhận tình trạng của Jerusalem, và ông cho rằng mình đang thể hiện sự dũng cảm mà các tổng thống trước đó không có được. Ông Trump cũng thừa nhận sự hỗ trợ từ lưỡng đảng cho hành động của ông từ năm 1995. Ông Trump tin rằng chính sách của Mỹ với vấn đề Israel – Palestine đã thất bại, và hành động của ông đang đem tới "luồng gió mới" cho vấn đề này.

Cuối cùng, ông Trump khẳng định Israel và Palestine phải giải quyết chuyện Jerusalem bằng các cuộc hòa đàm. Bởi không có nước nào đặt ĐSQ tại Jerusalem, vậy nên Mỹ sẽ là nước tiên phong. ĐSQ của tất cả các quốc gia khác đều được đặt tại Tel Aviv.

Vai trò đặc biệt của Jerusalem trên chính trường Mỹ: Tại sao ông Trump dám nói dám làm? - Ảnh 7.

Các cơ quan quyền lực của Mỹ đã công khai phản đối hành động của ông Trump.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã cùng chỉ trích việc đặt lại ĐSQ Mỹ tại Jerusalem. Ông Tillerson cũng đã lập một lực lượng đặc nhiệm khẩn cấp để xử lí hậu quả của quyết định.

Các ĐSQ Mỹ khắp thế giới cũng được tăng cường an ninh. Trước đó, ông Tillerson cũng đã nằm trong "danh sách đen" của ông Trump do những quan điểm đối ngoại đối lập giữa hai người, và điều đó được cho là sẽ khiến ông Tillerson sớm phải rút lui khỏi chính trường.

Pháp, Anh và các nước khác trong Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc (HĐBALHQ) đã yêu cầu nhóm họp khẩn cấp với ông Trump vào ngày thứ Sáu (8/12).

Mọi chuyện đều có nguyên do của nó.

Israel chiếm phía Đông Jerusalem từ Jordan trong cuộc chiến Sáu ngày năm 1967, sau đó sát nhập và tạo lập một Jerusalem thống nhất.

Nhưng tới gần đây, dưới thời chính quyền Obama, HĐBA LHQ vẫn đưa ra nghị quyết tuyên bố rằng "… sẽ không thay đổi bất kì điều gì trong nghị quyết hồi năm 1967 về việc không công nhận một Jerusalem hoàn chỉnh, trừ những cam kết đạt được qua đàm phán giữa các bên liên quan".

Ông Trump đã tự mình vi phạm nghị quyết của HĐBA LHQ. Đây không phải là dấu hiệu tốt bởi các chính sách đối ngoại của Mỹ thường phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ HĐBA. Trung Quốc và Nga, các thành viên thường trực của hội đồng, có thể sẽ rất "vui" khi tận dụng được thời điểm này để buộc tội ông Trump.

Việc các nước Trung Đông đồng loạt phản ứng là điều ai cũng có thể đoán trước. Nhưng các quốc gia khác bao gồm Indonesia – với phần đông dân số theo đạo Hồi – cũng đã lên tiếng.

Bạo động nổ ra khắp khu vực Jerusalem sau tuyên bố của ông Trump. Nguồn: Fox News

Vai trò đặc biệt của Jerusalem trên chính trường Mỹ: Tại sao ông Trump dám nói dám làm? - Ảnh 9.

Ông Trump đã mở đường cho vấn đề Israel nhiều tháng trước khi trúng cử. Ông tin rằng đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều ủng hộ quyết định của mình, và do đó, việc ông công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và cho chuyển ĐSQ Mỹ tới đây không phải là chuyện quá bất ngờ.

Điều đáng nói là thời điểm công bố và ảnh hưởng của quyết định này. Jared Kushner, con rể ông Trump đã và đang tham gia tiến trình hòa bình Israel – Palestine.

Không ai có thể lý giải làm cách nào việc thay đổi tình trạng của Jerusalem có thể thúc đẩy tiến trình hòa bình khu vực Trung Đông. Người Palestine tuyên bố hành động của ông Trump đã "hủy diệt" mọi hi vọng hòa bình trong khi chính quyền ông Trump cho rằng đã tới lúc Palestine "phải trưởng thành".

Xét tới việc cả thế giới – trừ Israel - chống lại Mỹ, có vẻ như cái giá phải trả cho tuyên bố này lớn hơn lợi ích rất nhiều. Vậy mục đích thực sự của tuyên bố là gì?

Trên tờ New York Times, Thomas Friedman, nhà bình luận chính trị Trung Đông, nhận định Israel từ lâu đã "khao khát" được các nước công nhận Jerusalem là thủ đô của mình, và về cơ bản, ông Trump làm điều đó mà không thu lại được lợi ích gì.

Trong khi đó, mọi chính quyền Mỹ tiền nhiệm và hầu hết các quốc gia khác đều nhất trí rằng tình trạng của Jerusalem phải được quyết định thông qua đàm phám, chứ không phải qua sự thừa nhận của một chính phủ bên ngoài.

Vai trò đặc biệt của Jerusalem trên chính trường Mỹ: Tại sao ông Trump dám nói dám làm? - Ảnh 10.

Nhưng hiện tại, đàm phán có vẻ là điều vô nghĩa nếu xét tới động thái đóng cửa các văn phòng của Palestine ở Washington của ông Trump do đại diện của quốc gia này không chịu đàm phán với Israel.

Sau đó, Mỹ lại bất ngờ mở cửa các văn phòng này và các nhà bình luận lại tỏ ra hoài nghi về triết lý của ông Trump trong quyển "Nghệ thuật đàm phán" (tên gốc: The Art of the Deal).

Tôi hi vọng rằng đây không phải là nỗ lực nhằm cải thiện mối quan hệ của Mỹ với Israel vốn đã đi xuống từ cuối thời kì ông Obama hay để ông Trump chứng tỏ rằng ông là vị tổng thống tốt hơn ông Obama. Nếu điều đó là sự thực, thì những nỗ lực này đã thực sự thất bại.

Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ phải đợi tới khi căng thẳng khắp thế giới dịu lại và tiến trình hòa bình mới được công bố vào tháng 1 tới. Các bên cũng không nên quá căng thẳng bởi một vấn đề đã khởi nguồn từ năm 1947 khi đất nước Israel được thành lập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại