“Đẻ” ra VPF để làm gì?

Độc Phong |

137 tỉ đồng, hãy bắt đầu từ con số: Tiền bán bản quyền Toyota V.League trong 3 mùa giải từ 2015 đến 2017. Con số ấn tượng đó, thực tế là “tiền trên… lý thuyết”.

5 năm trước khi đứng ra thành lập VPF để điều hành, quản lý các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, bầu Kiên đấu tranh quyết liệt để giành lại quyền sở hữu bản quyền V.League mà VFF đã bán cho AVG trong 20 năm và tuyên bố sẽ bán được để bóng đá sẽ nuôi bóng đá.

Ông Kiên nói rồi làm và bán được thật, bằng cách lập ra Hội đồng bảo trợ cho BĐVN với 10 doanh nghiệp, thương hiệu lớn đóng góp mỗi đơn vị 10 tỉ đồng. Với các đài truyền hình, thay vì việc mất tiền để được lên sóng thì phải mua bản quyền nhưng không phải bằng tiền mà quy đổi bằng quảng cáo trước, trong và sau các trận đấu.

Nhắc lại câu chuyện cũ để nhìn lại và so sánh, sau 5 năm thì VPF không tiến mà còn thụt lùi, nếu nhìn ở mục tiêu phủ sóng V.League và bán bản quyền. Bởi thời lượng 15 phút mỗi trận mà các đài trả quyền lợi cho đơn vị tổ chức V.League, VPF thất bại trong việc lấp đầy do không thể bán được quảng cáo.

Tiền bản quyền truyền hình 137 tỉ đồng đó, nó chỉ là con số quy đổi giá trị tính theo báo giá quảng cáo chứ không phải tiền VPF thu về. Nó chỉ có ý nghĩa tượng trưng và có thể là rất nhỏ, nếu một ngày V.League phát triển như một món "hàng hot" có thể bán bản quyền.

Cái ngày đó, sau 5 năm kể từ ngày VPF ra đời, đến giờ vẫn rất mông lung. Nó thể hiện ngay ở nỗi lo nếu Toyota chia tay khi hết hợp đồng 3 năm, như những thương hiệu trước đó nhảy vào đồng hành, hỗ trợ BĐVN rồi hết thời hạn tài trợ thì "bỏ của chạy lấy người", V.League 2018 sẽ kiếm đâu ra nhà tài trợ chính để gắn tên và có tiền mà "chạy"...

VPF ra đời để thay VFF quản lý, điều hành giải chuyên nghiệp. 5 năm, VPF cũng làm được nhiều điều, thay đổi được nhiều thứ. Thế nhưng ấn tượng, ác cảm và hình ảnh V.League thì vẫn chưa được cải thiện. Vòng đấu nào cũng có sự cố, nhìn đâu cũng thấy vấn đề và chưa thu hút được khán giả cũng như sự quan tâm, trong khi thông tin theo hướng tiêu cực thì lấn át hết những cái tích cực.

Nhìn ở khía cạnh này, VPF chưa thành công và thậm chí phải coi là thất bại.

Thất bại đó, thật đau là những con số không phản ánh hết…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại