Người VN duy nhất 4 lần bay siêu vận tải cơ An-124 chuyển khí tài quân sự về nước

Hùng Nguyễn (từ Moscow, Nga) |

Người VN, kể cả các phi công quân sự có lẽ chưa ai được đi An-124 Ruslan của Nga, riêng tôi có may mắn và hãnh diện được bay 4 lần chuyến với "Người Khổng lồ" này.

Hãnh diện 4 lần được bay cùng siêu vận tải cơ không lồ

Lần đầu tiên tôi được bay cùng vận tải cơ khổng lồ An-124 Ruslan là ở Nhà máy sản xuất Antonov (Ukraine) vào năm 1996 và 3 lần sau là với các máy bay của hãng hàng không Volga Dnepr (Nga).

Những năm đó, tôi làm trợ lý cho một công ty chuyên cung cấp trang bị quân sự cho Bộ Quốc phòng của Việt Nam, những chuyến bay cùng An-124 chính là các lần chở khí tài về Việt Nam. Tôi được vào thành phần tổ bay để áp tải hàng hóa và là phiên dịch cho các chuyên gia bạn về Việt Nam để bàn giao khí tài.

Đáng nhớ nhất là lần thứ 2 khi chúng tôi đưa một loạt xe đặc chủng về sân bay Nội Bài.

Cần phải nói rằng là An 124 có một kíp bay rất đông, tới 6 người (tổ lái gồm cơ trưởng, 2 cơ phó, hoa tiêu, liên lạc, cơ giới) và một đội ngũ kỹ sư (10 người) vừa theo dõi bảo dưỡng động cơ vừa làm việc sắp xếp hàng hóa, chằng buộc và cân bằng trọng tải.

Và họ rất cẩn thận sau tai nạn kinh hoàng năm 1997 ở Irkutsk khi một chiếc An-124 với 2 chiếc Su-27 trên khoang trên đường cất cánh đi bàn giao cho Việt Nam đã không may gặp nạn, rơi xuống một chung cư 5 tầng trong cái rét buốt âm 35-40 độ C.

Người VN duy nhất 4 lần bay siêu vận tải cơ An-124 chuyển khí tài quân sự về nước - Ảnh 1.

Máy bay vận tải khổng lồ An-124 đón lô xe bọc thép Typhoon và Tiger của QĐ Nga. Ảnh minh họa.

Kỷ niệm không bao giờ quên

Từ sân bay Minsk, 8 chiếc xe đặc chủng trên cơ sở KAMAZ và 2 chiếc xe Uaz chỉ huy đã được tập kết từ sớm. Chiếc An-124 đồ sộ từ Samara bay đến, hạ cánh và lăn đến sân đỗ, gần điểm tập kết khí tài. Sau khi trao đổi thông tin, xem sơ đồ bố trí khí tài trong khoang, cơ trưởng quyết định nhận hàng.

Cả đầu và đuôi máy bay được mở ra, sàn máy bay sáng lóe lên và rộng như một sân bóng đá mini. Một lái xe chuyên nghiệp được hướng dẫn từng tý để lái xe từ phía đuôi lên, từng chiếc một và vô cùng cẩn thận.

Các nhân viên kỹ thuật mở các ổ móc khóa trên sàn và nịt chặt (không nhúc nhích) các xe bằng xích kim loại với sàn máy bay. Hai chiếc Kamaz sát nhau chỉ khoảng 20 cm, cách sườn máy bay khoảng 30 cm. Cái trước cách cái sau cũng chỉ khoảng 30 cm. Cuối cùng là 2 chiếc Uaz với bánh sau của chúng nằm trên đúng bản lề của cửa đuôi.

Người VN duy nhất 4 lần bay siêu vận tải cơ An-124 chuyển khí tài quân sự về nước - Ảnh 2.

Máy bay vận tải khổng lồ An-124 đón lô xe bọc thép Typhoon và Tiger của QĐ Nga. Ảnh minh họa.

Thử hình dung xem 8 chiếc xe Kamaz đặc chủng và 2 chiếc Uaz chỉ huy, vị chi là 5 cặp xe ôtô đã yên vị trong bụng "ông khổng lồ" Ruslan, vừa vặn trọng tải tối đa của Ruslan là 120 tấn.

Trong lúc mọi người đang xếp hàng thì tổ bay lập trình kế hoạch bay cho chuyến bay.

Chúng tôi, gồm 6 người được lên khoang sau (tầng 2) sát với đuôi đứng cùng với nhóm kỹ sư. Ở khu vực này có 10 cái giường cho nhân viên, có tủ sách và đèn đọc sách. Khá giống như cúpe tầu hỏa. Sát với cầu thang xuống khoang hàng là 4 hàng ghế 3 chỗ.

Ở góc có bếp, bình nóng lạnh, toilet và buồng tắm đứng cho nhân viên. Tất nhiên là có cả hệ thống liên lạc với buồng lái và một vài đồng hồ cơ bản thể hiện thông số chuyến bay (tốc độ, độ cao, áp suất, nhiệt độ). Hồi đó chưa có máy ảnh kỹ thuật số, càng chưa có điện thoại thông minh như bây giờ nên không thể ghi lại được hình ảnh.

Chúng tôi thực hiện hành trình Minsk - Dubai - Rangoon (nay là Yangon, Myanmar) - Nội Bài.

Người VN duy nhất 4 lần bay siêu vận tải cơ An-124 chuyển khí tài quân sự về nước - Ảnh 3.

Người VN duy nhất 4 lần bay siêu vận tải cơ An-124 chuyển khí tài quân sự về nước - Ảnh 4.

Người VN duy nhất 4 lần bay siêu vận tải cơ An-124 chuyển khí tài quân sự về nước - Ảnh 5.

"Nội thất bên trong" của một chiếc An-124 Ruslan.

Đến Dubai sau 6h bay, chúng tôi (crew - tổ bay) được đưa về nghỉ ở một khách sạn 5 sao. Cách đây 20 năm, được đến Dubai và ở khách sạn 5 sao ăn buffet với những người đàn ông từ "quê lên tỉnh" thật sự là đến thiên đường.

Người VN duy nhất 4 lần bay siêu vận tải cơ An-124 chuyển khí tài quân sự về nước - Ảnh 6.

Hùng Nguyễn, nguyên cán bộ Quân chủng PK-KQ hiện đang công tác ở Moscow, Nga.

Ngày hôm sau, vì phải xin giờ bay vào Việt Nam nên chúng tôi được nghỉ ngơi hơn một ngày và tranh thủ đi chơi, sắm đồ ở siêu thị. Lúc đó ở Moscow hay Hà Nội cũng chưa có các mô hình này. Buổi trưa ở Dubai rất nóng, nhiệt độ ngoài trời lên đến 52°C.

Nhìn thấy nước biển trong vắt, tôi cùng 2 cậu chuyên gia Nga khá trẻ cởi đồ và lao xuống nước. Nước vừa đến bụng chúng tôi phải vội vàng quay lên vì nóng quá. Sau đó nhìn thông báo của khách sạn mới biết là nước biển nóng tới 42°C. Thế là phải xuống bể bơi, chỗ có hệ thống làm mát nước luôn luôn ở khoảng 25 độ C.

Đến 1h đêm chúng tôi cất cánh về hướng Miến Điện (nay là Myanmar). Lên máy bay có thêm một manager người Mỹ.

Đến Myanmar sau 5h bay, chúng tôi hạ cánh và nạp dầu bằng tiền mặt do manager hàng không làm việc với chính quyền sở tại.

Chặng bay từ Myanmar về Nội Bài tôi xin phép cơ trưởng lên buồng lái. Để lên được đó, tôi phải trèo bằng một thang nhôm, như lên gác xép của một nhà tập thể xưa. Cơ phó đóng cái nắp cửa với khoang hàng, nhưng không quên mở một ô nhỏ cỡ bằng bàn tay trên cái nắp đó để cân bằng áp suất 2 khoang.

Sát cửa có 2 ghế ngồi để các phi công hút thuốc. Bên cạnh là 4 buồng ngủ cho tổ lái. Sau khi cất cánh, lấy độ cao 6.000 m và đặt autopilot (chế độ bay tự động) ở tốc độ 550km/h. Nhân viên cơ giới xin đi nghỉ và nhường ghế ngồi trong buồng lái cho tôi.

Tôi nói chuyện với các người lái xung quanh những câu chuyện rất đời thường và hiểu rằng tại sao họ gọi máy bay là tầu và cơ trưởng là Captain. Bởi vì họ lênh đênh suốt mấy tháng liền khắp nơi trên thế giới theo các hợp đồng vận chuyển được công ty mẹ ký kết.

Được một lúc, cơ trưởng bỗng đưa cho tôi một bát mỳ ăn liền của Nhật và hất hàm ra hiệu cho tôi đi đổ nước sôi.

Ăn xì xụp bát mỳ ăn liền trên bàn của cơ giới ở buồng lái máy bay An-124 ở trên không có lẽ là bát mỳ ngon nhất trong đời tôi. Cho dù sau này nhiều lần ngồi buồng lái với anh em phi công hay ngồi ghế hạng C, được các em tiếp viên xinh đẹp, chân dài, ân cần chăm sóc cũng không thể sánh với độ sướng khi tự mình húp bát mỳ đặc biệt đó.

Từ Myanmar đến Việt Nam chúng tôi cũng bay hơn 4 tiếng. Từ Yên Bái đã nghe léo nhéo tiếng Việt trong tai nghe. Cả tổ bay chỉ có cậu nhân viên liên lạc là nói tốt tiếng Anh, còn lại là rất kém.

Máy bay hạ cánh ở Nội Bài. Chiếc An-124 nặng nề thế mà giảm tốc rất nhanh, chúng tôi được một xe "Follow me" dẫn về bãi đậu của sân bay quân sự Trung đoàn Không quân 921. Ở đây đã tập trung khá đông anh em sĩ quan và chiến sĩ đến xem máy bay. Tôi gặp anh Tuấn "bụng" là E trưởng 921 đến làm việc.

Tất cả mọi người đều ồ lên khi khoang trước máy bay được mở ra, và người lái lành nghề lại lần lượt đưa từng chiếc xe xuống sân đỗ để bàn giao cho các lái xe của Việt Nam.

Trong khoang, tôi được một sĩ quan biên phòng nhờ tập trung tất cả hộ chiếu của tổ bay để làm thủ tục nhập cảnh. Còn bên hải quan không xuất hiện vì họ không có phận sự kiểm tra hàng hóa quốc phòng.

Có thể nói, đây là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời tôi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại