"Suốt 20 năm hành nghề, tôi chưa thấy bệnh nhân nào khỏi nhờ thực phẩm chức năng hết!"

Hoàng Xuân ghi |

Uống thuốc tây thấy không bớt bệnh còn có thể nghi ngờ là là do thuốc, chứ uống thực phẩm chức năng không bớt thì làm sao biết là do bệnh hay do thực phẩm chức năng?

LTS: Lần đầu tiên, nhiều bác sĩ và bệnh nhân người Việt ở nhiều nơi trên thế giới đã ngồi lại trong một buổi trao đổi trực tuyến (webinar) "Vai trò của thực phẩm chức năng trong điều trị ung thư", diễn ra cuối tháng 10/2017 do tổ chức VietMD và Tổ chức Y học cộng đồng thực hiện.

Mời độc giả theo dõi các phần trước tại đây:

Bài 1: Thần dược "dụ tế bào ung thư vào chỗ chết" ở VN bị cấm ghi điều gì ở Nhật?

Bài 2: BS Việt tại Nhật "bóc" sự thật về TPCN trong điều trị ung thư: Tinh nghệ, Fucoidan, đông trùng hạ thảo

Bài 3: Bác sĩ ở TP.HCM 4 lần bị ung thư, đã sống 14 năm: Bí quyết không phải nọc rắn độc, Fucoidan

Bài 4: Cuộc đối thoại của các bác sĩ "phát lộ" sự thật về nhân sâm, tổ yến, gạo lứt

Sau 4 bài viết đã đăng tải như link bên trên, dưới đây là bài cuối cùng, chúng tôi xin tiếp tục trích dẫn lời thảo luận của các bác sĩ về nhiều vấn đề trong điều trị cho bệnh nhân ung thư, qua đó "trả" thực phẩm chức năng về đúng vị trí của nó thay vì bị thổi phồng nhan nhản trên mạng như hiện nay nhằm trục lợi trên sự cả tin, nhẹ dạ của gia đình hàng triệu người bệnh.

Cuộc đối thoại của các bác sĩ về nhiều vấn đề trong điều trị cho bệnh nhân ung thư

Nên giấu hay cho bệnh nhân biết họ bị ung thư?

BS Từ Quốc Thanh (chuyên ngành Nội tổng quát BV Trưng Vương TP HCM): Có những bệnh nhân ung thư mà các BV chuyên khoa trả về thì đến chỗ tôi điều trị nâng đỡ hoặc giảm đau.

Tôi nhận thấy về tâm lý, ở VN có thể chia làm hai nhóm, trong đó một nhóm cho rằng không nên nói cho bệnh nhân biết họ bị ung thư.

Chúng tôi thì luôn luôn làm theo đúng y luật là phải nói cho bệnh nhân biết, bệnh nhân có toàn quyền biết, nhưng luôn bị người nhà phản ứng. Họ trách BS nói ra làm người thân bị sốc, bỏ ăn, mất ăn mất ngủ thành ra mất sớm. Và đã có nhiều trường hợp họ thưa kiện BS về việc này, dù mình làm đúng luật.

Suốt 20 năm hành nghề, tôi chưa thấy bệnh nhân nào khỏi nhờ thực phẩm chức năng hết! - Ảnh 2.

BS Từ Quốc Thanh

Nhiều đồng nghiệp cũng ủng hộ quan điểm này. Riêng tôi ủng hộ quan điểm thứ hai là phải báo cho bệnh nhân biết về chẩn đoán, điều trị như thế nào. Kinh nghiệm của tôi là lúc đầu bệnh nhân sẽ rất lo lắng khi biết mình bệnh ung thư nhưng khi biết rõ về bệnh rồi thì tâm lý họ lại thoải mái hơn, lạc quan hơn, từ đó tuân thủ điều trị tốt hơn, dẫn đến hiệu quả điều trị cũng tốt hơn.

BS Nguyễn Đình Vân: Tôi làm trong chuyên ngành ung thư được 17 năm, bên đây lúc nào cũng phải nói thẳng thôi, không bao giờ được giấu, vì nó là luật rồi.

Suốt 20 năm hành nghề, tôi chưa thấy bệnh nhân nào khỏi nhờ thực phẩm chức năng hết! - Ảnh 3.

BS Nguyễn Đình Vân

Nhưng điều trị tâm lý thì phải nói là điều trị cụ thể như thế nào, chứ không được nói chung chung như "Don’t worry (xin chớ lo lắng)".

Vì vậy khi điều trị ung thư thì bên này có hẳn một đội ngũ hỗ trợ. Họ chỉ dẫn cho bệnh nhân từng chi tiết, ví dụ thuốc này dự kiến sẽ có tác dụng phụ gì xảy ra, khi nó xảy ra thì bệnh nhân phải gọi ai và xử trí như thế nào, có số điện thoại để liên lạc. Trong khi điều trị thì có điều dưỡng theo dõi.

Ở Việt Nam thì tôi biết rất khó (làm được như vậy). Người bệnh chạy đi mua TPCN vì điều trị chính thống không làm tròn được vai trò của mình.

BS Minh Đỗ: Tôi không điều trị trực tiếp bệnh nhân ung thư nhưng bệnh nhân của tôi có kha khá người qua đời vì ung thư. Đúng là có những lúc rất khó nói cho bệnh nhân kết quả chẩn đoán.

Có những bệnh nhân đi khám chuyên khoa rồi nhưng cứ gọi cho BS gia đình hỏi kết quả trước. Nhất là có những bệnh nhân người Mỹ dù đã hỏi BS ung thư rồi nhưng nghe kết quả choáng quá lại quay về hỏi BS gia đình.

Bên này có hướng dẫn những kỹ thuật để truyền đạt tin xấu cho bệnh nhân, cũng là một kỹ năng mà BS cần phải học.

Bên Mỹ yêu cầu tôn trọng quyết định điều trị của bệnh nhân nên BS sẽ thông tin cho bệnh nhân các hướng điều trị mà mình cho là phù hợp nhất và giúp ích tốt nhất cho BN, nhưng bệnh nhân có quyền chọn lựa cách điều trị của mình.

Suốt 20 năm hành nghề, tôi chưa thấy bệnh nhân nào khỏi nhờ thực phẩm chức năng hết! - Ảnh 4.

BS Minh Đỗ

BS khi đó sẽ hỗ trợ tối đa để cho bệnh nhân cảm thấy thoải mái nhất. Có các nhóm chăm sóc cho bệnh nhân vào giai đoạn cuối của cuộc đời nên cũng đỡ đi phần nào.

Về điều mà các anh đã nói là ở VN hỏi thăm BS hơi bị khó, đặc biệt khi có tác dụng phụ hoặc phản ứng thuốc. Như mẹ tôi bị một căn bệnh (không phải ung thư) nhưng đúng là phụ nữ VN gan dạ anh hùng, bị tác dụng phụ quá trời luôn nhưng vẫn cắn răng xài cho đủ liều.

Bên đây mà bệnh nhân bị tác dụng phụ gì là la ầm lên chạy tới BS rồi hoặc gọi cho điều dưỡng rồi.

Đúng là có những điều mà ở VN cần phải làm cho tốt hơn nhưng tôi cũng hiểu là điều kiện VN không có đủ nhân lực. Tuy vậy kỳ vọng trong tương lai sẽ có các cải thiện, đặc biệt là cho nhóm bệnh nhân ung thư vì họ cần hỗ trợ nhiều mặt chứ không chỉ là thuốc men.

Các nhà sản xuất TPCN đang đánh vào niềm tin của người bệnh ung thư hay không?

BS Phạm Nguyên Quý: Tình cờ hôm qua tôi lên mạng search xem có vụ án nào liên quan đến bán TPCN hay không. Có một số vụ sau khi bị bắt thì các bloggers bình luận là sao thằng này dại quá đi, khi bán những thứ đó thì bán ngầm thôi, ai lại bán công khai quá... 

Vì luật ở Nhật là đã bán công khai thì phải tuân thủ quy định về nhãn mác; bán TPCN thì không được ghi là có thể chữa bệnh gì hết.

Nhưng nếu muốn được biết đến nhiều thì phải đánh qua các group như là group hỗ trợ bệnh nhân nào mà càng kín càng tốt, hoặc phải nhờ BS nào đó móc nối để kê đơn vì BS bên này được cho phép kê thuốc ngoài bảo hiểm nếu có đồng thuận với BN.

Suốt 20 năm hành nghề, tôi chưa thấy bệnh nhân nào khỏi nhờ thực phẩm chức năng hết! - Ảnh 5.

BS Phạm Nguyên Quý

Ở VN như BS Vóc đã chia sẻ thì có nguyên nhân là do bệnh nhân khủng hoảng niềm tin. Cho nên họ phải tìm các phương tiện khác ngoài y khoa chính thống, tạo cơ hội cho các hãng sản xuất TPCN đánh vào niềm tin này của họ.

Tôi cũng chưa nghĩ ra điều gì tốt hơn ngoài việc cố gắng cung cấp cho bệnh nhân ung thư các thông tin xác thực.

Một điều nữa là văn hóa VN khác với các nước nhưng có điểm giống giống Nhật là người bệnh có thể không được tự chủ mà gia đình quyết định giùm luôn, nên nhiều khi người bệnh chưa biết nên uống cái gì thì chú Ba chú Tư anh Năm ở bên Mỹ đã gửi về cho một nạm TPCN rồi.

Herballife từng bị FDA cảnh cáo

BS Wynn Huynh Tran: Có bạn hỏi về thực phẩm Herballife. Tôi trả lời ngắn gọn: FDA không kiểm soát TPCN, thành thử các bạn nào thấy TPCN bán trên mạng mà ghi "FDA approved" (Cơ quan quản lý Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận), thì đều là giả. FDA không liên quan và họ cũng không kiểm soát.

Vào năm 2014 tức cách đây 3 năm FDA có gởi một lá thư tới công ty Herbalife cảnh cáo là không được mạo danh FDA nữa. Quý vị có thể search các thông tin này trên mạng. Sau đó Herbalife có giảm tí xíu, nhưng bây giờ đến hẹn lại lên rồi, họ tiếp tục quảng cáo tiếp.

Chiêu này thì trong kinh doanh tất cả mọi người đều biết rồi: đợi khi nào (làn sóng phản bác) lắng xuống thì lại quảng cáo tiếp.

BS Đặng Trần Khiêm (nghiên cứu sinh tại ĐH Y Shiga - Nhật Bản): Lần trước tôi về VN cũng muốn mua vài bịch tảo ở Nhật đem về. Nhưng nói chuyện với một anh dược sĩ người Nhật thì ảnh sa sầm mặt nói tuyệt đối không được mua TPCN gì hết, TPCN ở Nhật này anh ấy còn không dùng vì chỉ toàn quảng cáo thôi.

Về điều trị tâm lý, cách đây hai tháng, BV chúng tôi tổ chức một seminar về chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc bệnh nhân giai đoạn cuối, có BS giám đốc một viện chăm sóc tư nhân chuyên trị những bệnh nhân giai đoạn cuối chia sẻ rất hay.

Bệnh nhân giai đoạn cuối thì không thể điều trị triệt để được nữa mà chuyển sang phần chăm sóc, nên lúc này họ tập trung vào phần nâng cao chất lượng sống trong quãng đời còn lại của bệnh nhân.

Có một hình ảnh tôi rất ấn tượng là một bác ung thư giai đoạn cuối, sống còn vài tháng thôi, BS này cho bệnh nhân thả cửa làm những gì mình thích.

Có tấm ảnh bà cụ rất lớn tuổi bưng hai ly bia thật lớn, ăn một bữa ăn cực kỳ thịnh soạn, rất vui vẻ quây quần với con cháu. Vài ngày sau thì cụ qua đời. Buổi lễ qua đời của cụ được tổ chức y như lễ sinh nhật, mọi người không ai khóc hết mà đứng xung quanh giường hát và trao hoa tưởng niệm, sau đó đưa cụ ra nghĩa trang.

Tấm hình đó làm các BS và điều dưỡng ở viện rất xúc động. Đó là chi tiết rất quan trọng trong chăm sóc tâm lý và tinh thần cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.

Suốt 20 năm hành nghề, tôi chưa thấy bệnh nhân nào khỏi nhờ thực phẩm chức năng hết! - Ảnh 6.

(Ảnh minh họa)

BS Nguyễn Đình Vân: Ở Canada cũng giống như ở Mỹ, có các tổ chức hỗ trợ bệnh nhân ung thư về thông tin, tài chính, nói chung là tất cả những gì cần giúp đỡ liên quan đến ung thư.

Trước giờ các tổ chức này chỉ "đổ thừa" (nhưng chúng ta - tức các BS - cũng đồng ý), rằng ung thư trước nhất do di truyền, thứ hai là do lối sống/thói quen sinh hoạt như uống rượu, hút thuốc, không tập thể dục, ăn uống không sạch sẽ… nhưng có một vấn đề mà họ né tránh, cho đến giờ vẫn né, đó là nguyên nhân từ môi trường.

Ở VN môi trường rất tệ và người ta đã gióng một tiếng chuông cảnh báo rồi. Cách đây mười mấy năm tôi không thấy tỷ lệ ung thư bùng nổ như hiện giờ. Điều này không thể chỉ giải thích do di truyền hay do thói quen sinh hoạt được.

Chảy máu đường ruột, suýt chết vì mua củ nghệ về chữa bệnh

BS Wynn Huynh Tran: Có một kinh nghiệm của tôi liên quan đến Fucoidan. Mọi người cũng biết củ nghệ và Fucoidan đang là một trào lưu chữa bệnh tại Mỹ. Cá nhân tôi có chữa một số bệnh nhân dùng hai loại này và mọi người nên biết là củ nghệ và Fucoidan có những tác dụng phụ rất nguy hiểm. Một trong những tác dụng phụ đó là làm cho máu dễ chảy hơn.

BN của tôi nhập viện cách đây một vài tháng, đang dùng thuốc chống đông máu thì nghe lời khuyên trên mạng nên mua củ nghệ về dùng và bị chảy máu đường ruột, chút nữa thì tử vong do mất máu. Quý vị tưởng TPCN vô hại nhưng nó có thể có tác dụng phụ nguy hiểm như vậy đó.

Do vậy quý vị nên trao đổi với BS điều trị, vì biết đâu Fucoidan hay củ nghệ/tinh bột nghệ có thể tương tác với thuốc mà quý vị đang dùng và gây ra hậu quả xấu.

Suốt 20 năm hành nghề, tôi chưa thấy bệnh nhân nào khỏi nhờ thực phẩm chức năng hết! - Ảnh 7.

BS Wynn Huynh Tran

BS QP Hồ: Đồng tình và chia sẻ thêm với BS Wynn là củ nghệ và Fucoidan có thể gây ra tác dụng phụ rất kinh khủng.

Tôi có mổ các ca mổ rất lớn cho bệnh nhân mà trước đó hỏi họ có dùng TPCN nào hay không thì họ bảo không, nhưng mà ca mổ không cách nào cầm máu nổi, chảy máu suốt năm sáu tiếng đồng hồ. Mãi mới cầm máu được, hỏi lại họ thì bảo: "À má em uống Fucoidan. Trên Paris By night nói nên má uống mấy tháng nay cho cái bướu nó giảm xuống".

Trời ơi bà uống gì bà không khai cho con để cho con đứng suốt năm sáu tiếng đồng hồ muốn gãy cái cẳng. Các bạn nhớ nha, uống gì thì nhớ khai thật với BS, kẻo mất mạng như chơi đó!

BS Từ Quốc Thanh: Việt Nam mình có một thứ văn hóa rất "dễ thương" là văn hóa "mách cách trị bệnh". Ví dụ tôi điều trị cho một bệnh nhân cao huyết áp thì bệnh nhân này thường sẽ mách cho một bà hàng xóm là thuốc này hiệu quả lắm nè uống đi. Dễ thương chớ, nhưng nguy hiểm. Trong những gì liên quan đến TPCN thì văn hóa mách bệnh này còn phổ biến hơn.

Mấy ngày nay tôi share lên FB một trường hợp người bệnh ung thư giai đoạn cuối, cũng nhận được rất nhiều lời khuyên "mình dùng loại này hiệu quả nè, cho ảnh dùng đi". Tôi không tin, cho đến giờ này tôi vẫn không tin vào các TPCN bổ sung/thay thế trong điều trị ung thư, nhưng rồi lại sợ. Sợ là nếu mình không cho ảnh dùng lỡ có vấn đề gì thì có thể họ sẽ chỉ trích.

Ở VN hay như vậy đó, họ sẽ nói là đã có người chỉ rồi, có hiệu quả mà BS Thanh lại không áp dụng cho người thân của tôi.

Nhưng trong suốt hai mươi mấy năm hành nghề tôi thực sự chưa thấy bệnh nhân nào của tôi khỏi bệnh nhờ TPCN cả mặc dù họ uống đủ thứ hết.

Gần đây nhất là hồi nãy có một bệnh nhân hỏi về vị thuốc từ con bọ cạp xanh. Điều này xuất phát từ nhiều thông tin trên mạng cho rằng Cuba là nước điều trị được bệnh ung thư và họ có nhiều sản phẩm - thực ra là TPCN chứ không phải là thuốc - điều trị được bệnh ung thư, và bọ cạp xanh là một trong số đó.

Cách đây vài tuần vợ của một bệnh nhân ung thư phổi di căn gan, đã được hóa trị nhiều lần- đưa tôi xem cái hũ bọ cạp xanh nói là của Cuba sản xuất. Giá rất mắc, một chai thuốc khoảng 20 ml thôi mà giá 6 triệu đồng, và họ nói muốn mua thì phải gọi cho công ty mua chứ đừng mua ở ngoài kẻo gặp thuốc giả. 

Bệnh nhân hỏi tôi uống cái này được không, giờ giai đoạn cuối rồi thì uống cái gì cũng được. Sau đó tôi có hỏi lại một bệnh nhân cũng là đồng nghiệp và là bạn học của tôi, anh bảo chưa uống nhưng cũng muốn uống. Tôi khuyên anh khoan, chờ xem đã, thì vài ngày sau bệnh nhân mà tôi vừa nói đã hấp hối. Tôi mới nói anh thấy chưa, dù sao cũng đỡ tốn 6 triệu rồi đó.

Suốt 20 năm hành nghề, tôi chưa thấy bệnh nhân nào khỏi nhờ thực phẩm chức năng hết! - Ảnh 8.

Thuốc từ bọ cạp xanh (Ảnh minh họa).

Tôi kể điều này để thấy tâm lý của người bệnh ung thư giai đoạn cuối là sẵn sàng bám víu vào bất cứ điều gì để mong kéo dài cuộc sống, và với tình hình TPCN quảng cáo đại trà như thế này thì rất nguy hiểm. Mà ở VN thuốc tây còn giả nói gì đến TPCN.

Uống thuốc tây thấy không bớt còn có thể nghi ngờ là là do thuốc chứ uống TPCN không bớt thì làm sao biết là do bệnh hay do TPCN?

Họ giả nhãn mác của Anh của Mỹ của Úc bán, nếu uống không thấy hiệu quả cũng đâu biết vì sao. TPCN thật còn chưa thấy hiệu quả huống gì TPCN giả? Những thứ này ở Mỹ, Nhật, Úc.. không kiểm soát được thì ở VN càng không kiểm soát được.

Thấy bệnh nhân bị cuốn theo TPCN, tốn nhiều tiền rất tội nghiệp, nhưng họ muốn điều đó. Can cũng khó mà không can cũng khó, nhưng nguyên tắc của tôi là chỉ khuyên họ áp dụng các biện pháp điều trị chính thống trước đã, rồi sau đó muốn dùng thêm TPCN thì dùng.

Nói chung những thứ TPCN chỉ do truyền tai nhau là nhiều và vô tình làm khổ thêm bệnh nhân ung thư.

"Điểm 10" của công ty quảng cáo thực phẩm chức năng: Lấy được lòng tin của người dân!

BS Huỳnh Thị Diễm Thúy (Đà Nẵng): Xin chia sẻ với quý vị từ góc độ một người thân của một gia đình đã có rất nhiều người qua đời vì ung thư.

Khi tìm hiểu về TPCN tôi thấy những công ty quảng cáo đã chiếm được lòng tin của người dân vì họ luôn luôn chỉ đưa ra những thông tin tốt và hoàn toàn không thấy có thông tin xấu nào. Với người dân, chỉ cần thấy có một hai người đáp ứng tốt là tin ngay rồi, họ không cần đến các chứng cứ y khoa và các thông tin khoa học khác như giới chuyên môn.

Tôi rất mong muốn các nhà khoa học có tiếng nói thực sự bình dân, đến được với người dân để họ hiểu được mặt trái của TPCN.

Suốt 20 năm hành nghề, tôi chưa thấy bệnh nhân nào khỏi nhờ thực phẩm chức năng hết! - Ảnh 9.

BS Phạm Nguyên Quý: Tôi cảm thấy có một phần trách nhiệm vì hiện nay sản phẩm của Nhật Bản đang được rất nhiều người dân VN tin dùng, bất cứ cái gì từ Nhật về đều có thể bán tốt, rất nhiều người quen lẫn không quen của tôi đang nhập TPCN/TP bổ sung về VN bán rất chạy và họ quảng cáo hơi quá tay.

Tôi nghĩ điều quan trọng là làm rõ thông tin cho người thân của người bệnh, vì văn hóa của VN là thương nhau, một người bệnh thì người thân bạn bè mua TPCN cho.

Bây giờ TPCN đã trở thành một món quà, do vậy BS phải giới thiệu cho họ một hình thức thay thế TPCN, làm sao để họ biết các quan tâm khác ngoài việc thể hiện bằng mua TPCN.

BS Đặng Tài Vóc: Tôi nghĩ ở VN cần xây dựng một trang web hoàn chỉnh cho bệnh nhân ung thư và giới thiệu các cách chăm sóc họ. Đó là cách theo tôi là tốt nhất để giải quyết việc bệnh nhân dùng thuốc nam thuốc bắc không rõ nguồn gốc và TPCN.

Suốt 20 năm hành nghề, tôi chưa thấy bệnh nhân nào khỏi nhờ thực phẩm chức năng hết! - Ảnh 10.

BS Đặng Tài Vóc

Nội dung bài viết được rút từ buổi trao đổi trực tuyến (webinar) "Vai trò của thực phẩm chức năng trong điều trị ung thư" diễn ra hồi cuối tháng 10/2017 do tổ chức VietMD và Tổ chức Y học cộng đồng thực hiện với các bác sĩ (BS) và bệnh nhân (BN) ở khắp nơi trên thế giới.

Người điều phối chương trình là BS Wynn Huynh Tran (chuyên khoa cơ xương khớp và da liễu tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ), BS Minh Đỗ (chuyên khoa Nội tổng quát-phòng khám Lão khoa tại Dallas, Texas, Hoa Kỳ), BS Nguyễn Đình Vân (từng công tác trong ngành gây mê hồi sức tại Việt Nam, hiện đang là điều dưỡng tại Ottawa, Canada).

Khách mời là các bác sĩ:

- BS.TS Phạm Nguyên Quý, chuyên khoa Nội tổng quát và ung thư tại Kyoto, Nhật Bản. BS Quý cũng là người sáng lập và điều hành dự án Y học cộng đồng chuyên cung cấp các thông tin hữu ích về sức khỏe cho bệnh nhân và người thân.

- BS Đặng Tài Vóc, chuyên khoa ung thư tại Hà Nội. BS Vóc đã hoàn thành chương trình nội trú về ung thư tại BV Bạch Mai. Anh có nhiều bài viết chia sẻ trên các tạp chí chuyên ngành, đã giành được giải thưởng và là hội viên của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ và Hội nội khoa châu Âu.

- Các bác sĩ Phạm Trường Giang (bị 4 loại ung thư từ năm 2003), bác sĩ QP Hồ

Hết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại