Viết thư chuộc tội nhưng Đệ nhất sát thủ lại khiến Tưởng Giới Thạch mất mặt, ra lệnh xử tử

Thủy Thu |

Triệu Lý Quân vốn là Đệ nhất sát thủ với biệt danh "Truy mệnh Thái tuế" được Tưởng Giới Thạch rất tin tưởng nhưng sau này cũng chính Tưởng đã ra lệnh xử tử Triệu.

"Truy mệnh Thái tuế"

Đài truyền hình Giang Tây (Trung Quốc) cho biết, ngày 13/8/1937, binh biến Thượng Hải bùng phát. Lúc này, Tưởng Giới Thạch nhận được tin Đường Thiệu Nghi - một trong những yếu nhân của Quốc dân đảng có ý "phản bội" Quốc dân đảng nên đã lệnh cho người hạ sát Đường.

Triệu Lý Quân (sinh năm 1905), một sát thủ của Cục Điều tra Thống kê trực thuộc Ủy ban Quân sự trung ương Quốc dân đảng (hay Cục Quân thống) được giao nhiệm vụ này. Cục Quân thống khi đó do Đới Lạp - cánh tay phải của Tưởng Giới Thạch đứng đầu.

Theo đó, sau khi điều tra biết Đường Thiệu Nghi sống ở khu tô giới Pháp, lại luôn có nhóm vệ sĩ đi theo, rất khó tiếp cận nên Triệu Lý Quân đã nhanh chóng tìm cách mua chuộc một người nhà của Đường là Tạ Chí Bàn, nhằm "đi cửa sau" tiêu diệt Đường.

Viết thư chuộc tội nhưng Đệ nhất sát thủ lại khiến Tưởng Giới Thạch mất mặt, ra lệnh xử tử - Ảnh 1.

Triệu Lập Quân. Ảnh tư liệu Trung Quốc

 Biết Đường Thiệu Nghi thích sưu tầm cổ vật nên Triệu Lý Quân đã đóng giả là thương thân sưu tầm cổ vật, lại nhờ Tạ Chí Bàn dẫn đường tới gặp mặt Đường Thiệu Nghi.

Do không thể mang súng vào nhà họ Đường, Triệu Lý Quân đã bí mật thiết kế thêm ngăn kép trong hộp đựng bình hoa cổ và đặt vào đó một chiếc rìu nhỏ khi tới nhà Đường Thiệu Nghi.

Để đánh lạc hướng quản gia của Đường Thiệu Nghi, vừa vào đến phòng khách, Triệu Lý Quân đã nhanh tay với lấy hộp diêm để trên bàn cho vào túi buộc viên quản gia phải xuống bếp lấy hộp diêm khác để nhóm lửa hầu trà. Nhân cơ hội này, Triệu Lý Quân lập tức dùng chiếc rìu được giấu kỹ ra tay với Đường Thiệu Nghi và rời khỏi nhà họ Đường.

"Dùng rìu hạ sát Đường Thiệu Nghi trở thành vụ án kinh điển của Cục Quân thống. Lập công lớn, Triệu Lý Quân càng trở nên nổi tiếng và trở thành Đệ nhất sát thủ cục Quân thống với mệnh danh Truy mệnh Thái tuế", Đài truyền hình Giang Tây cho biết, sau vụ án này, Triệu Lý Quân càng nhận được sự tin tưởng của Tưởng Giới Thạch.

Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc cho hay, năm năm sau đó (1942) chính Tưởng Giới Thạch đã đích thân ra lệnh xử tử Triệu Lý Quân.

Vụ mất tích bí ẩn

Sáng 16/3/1942, Tư lệnh chiến khu thứ nhất Quốc dân đảng Tưởng Đỉnh Văn nhận được báo cáo, nhóm nhân vật chính trị quan trọng của Quốc dân đảng gồm chuyên viên giám sát hành chính tỉnh Hà Nam Vi Hiếu Nho và Hiệu trưởng trung học Phúc Đán cùng mất tích sau một đêm tại Lạc Dương.

Tưởng Đỉnh Văn lập tức ra lệnh giới nghiêm toàn thành cũng như phong tỏa khắp các tuyến đường giao thông huyết mạch. Tưởng Giới Thạch cũng ra lệnh cho Đới Lạp tham gia vào vụ tìm kiếm này.

Trong quá trình điều tra, nhóm của Tưởng Đỉnh Văn phát hiện ra một chiếc giếng bỏ hoang khả nghi được lấp đầy đất mới ở ngoại ô phía Nam Lạc Dương. Đáng chú ý, khi đào giếng lên, Tưởng Đỉnh Văn phát hiện ra thi thể của Vi Hiếu Nho và nhóm người mất tích.

 Trùng hợp hơn, mấy ngày sau một vụ xô xát xảy ra ở quán rượu trong thành Lạc Dương. Trong lúc xô xát, một đối tượng để lộ ra việc mình đã tham gia bắt cóc giết hại Vi Hiếu Nho. Sau khi bị đưa tới đồn cảnh sát, nghi phạm này khai ra người đứng sau vụ việc bắt cóc trên là Triệu Lý Quân.

Truyền thông Trung Quốc cho hay, nguyên nhân sự việc trên bắt nguồn từ xích mích cá nhân giữa Triệu Lý Quân và Vi Hiếu Nho. Cụ thể, sau đại án Đường Thiệu Nghi, Triệu Lý Quân được Tưởng Giới Thạch và Đới Lạp cử tới Hà Nam nhằm giám sát Diêm Tích Sơn, một tướng lĩnh cấp cao của Quốc dân đảng. Tại Hà Nam, Triệu Lý Quân khoa trương thanh thế, mở quán rượu, sòng bạc và buôn bán thuốc phiện.

Viết thư chuộc tội nhưng Đệ nhất sát thủ lại khiến Tưởng Giới Thạch mất mặt, ra lệnh xử tử - Ảnh 2.

Đới Lạp (bên phải) - người đứng đầu Cục Quân thống. Ảnh tư liệu Trung Quốc

Lúc này, Vi Hiếu Nho vốn thuộc Cục điều tra thống kê trực thuộc Ủy ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng (hay Cục Trung thống) - cơ quan tình báo khác của Quốc dân đảng muốn mượn cớ buôn bán thuốc phiện để tiêu diệt "cái gai trong mắt" là Triệu Lý Quân. Bị Vi Hiếu Nho thu giữ thuốc phiện và sát hại cấp dưới, Triệu Lý Quân tìm cơ hội trả đũa lại Vi Hiếu Nho.

Cuối năm 1942, nhằm chỉnh đốn đội ngũ quan chức địa phương, Tưởng Đỉnh Văn yêu cầu các chuyên viên giám sát và quan chức đứng đầu các huyện tới Lạc Dương họp mặt, Vi Hiếu Nho cũng đến hội nghị theo lệnh trên.

Triệu Lý Quân nhân cơ hội này đã sai người đến bắt cóc nhóm của Vi Hiếu Nho, sau đó đưa lên xe tải chở đến ngoại ô đánh ngất xỉu rồi chôn xuống chiếc giếng hoang.

Khi sự việc được lật tẩy, cấp trên của Vi Hiếu Nho - người đứng đầu Cục Trung thống Trần Lập Phu tức giận gây áp lực với Tưởng Giới Thạch.

Do Trung thống và Quân thống vốn tồn tại mâu thuẫn nên Trần Lập Phu đã lợi dụng sự kiện này, cáo buộc Triệu Lý Quân là gián điệp Nhật Bản đồng thời tìm đến sự ủng hộ của các tướng lĩnh trong Quốc dân đảng.

Truyền thông Trung Quốc cho biết, cuối cùng trước các sức ép trên cũng như việc Triệu Lý Quân trong ngục viết thư chuộc lỗi, kể về công lao đã qua gửi Tưởng nhưng thư tiết lộ quá nhiều thông tin quan trọng nhưng bất lợi cho Tưởng Giới Thạch khiến ông này mất mặt nên tức giận, hạ lệnh xử tử Triệu Lập Quân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại