Chủ tịch Quốc hội Indonesia bị tố "diễn" nằm viện sau lệnh bắt vì biển thủ công quỹ

Hà Liên |

Bức ảnh Chủ tịch Quốc hội Indonesia Setya Novanto được chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện tư nhân ở Jakarta đang được lan truyền trên mạng xã hội. Những hình ảnh này làm dấy lên cáo buộc từ những người phản đối rằng ông đang “diễn”.

Cơ quan chống tham nhũng Indonesia (KPK) phát lệnh bắt giữ Chủ tịch Quốc hội Setya Novanto, người bị tình nghi biển thủ 169 triệu USD công quỹ. Ông Setya Novanto đã nhiều lần trốn tránh việc triệu tập để thẩm vấn.

Tối 15.11, KPK đã đến nhà riêng của Chủ tịch Quốc hội Indonesia ở Kebayoran Batu, phía nam Jakarta để bắt ông, nhưng chỉ gặp vợ và luật sư của ông này.

Theo Jakarta Post, cho tới sáng 16.11, tung tích ông Setya Novanto vẫn chưa được tìm ra.

"Để phục vụ việc điều tra, KPK đã quyết định phát lệnh bắt giữ ông Setya Novanto vì những cáo buộc về vai trò của ông với vụ biển thủ công quỹ trong việc cấp thẻ căn cước điện tử mới e-KTP,", Febri Diansyah - phát ngôn viên của KPK cho biết.

"Chúng tôi đã làm tất cả mọi thứ có thể để thuyết phục ông tuân thủ lệnh triệu tập với tư cách một nhân chứng và người bị tình nghi", người phát ngôn của KPK nói thêm.

Cơ quan chống tham nhũng Indonesia kêu gọi ông Setya Novanto trình diện trong vòng 24h đồng hồ nếu không sẽ phát lệnh truy nã.

Từ tuần trước, Chủ tịch Quốc hội Indonesia, thủ lĩnh đảng Golkar bị cáo buộc là nghi phạm liên quan tới vụ bê bối biển thủ công quỹ gây thiệt hại 169 triệu USD cho nhà nước trong việc cấp e-KTP. Tính đến ngày 16.11, KPK đã triệu tập Chủ tịch Quốc hội Setya Novanto ít nhất 11 lần với tư cách một nhân chứng và người bị tình nghi trong vụ việc.

Tuy nhiên, ông phớt lờ lệnh triệu tập thẩm vấn của KPK, đề cập tới quyền miễn trừ của ông với tư cách là thành viên Quốc hội. Cụ thể, thành viên của Quốc hội Indonesia sẽ không bị trừng phạt và không thể bị truy tố nếu không có sự đồng ý của tổng thống.

Khi đó, ông Setya Novanto cho biết, sẽ không đến trụ sở KPK cho đến khi Toà án Hiến pháp đưa ra phán quyết về đề nghị của ông trong việc xem xét lại đạo luật năm 2002 với KPK.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại