Chuyên gia cảnh báo viễn cảnh kinh tế thế giới sụp đổ từ cuộc chiến Iran - Ả Rập Saudi

Tất Đạt |

Theo đó, giá dầu thế giới có thể tăng tới... 500%, kéo theo lạm phát, làm suy kiệt đời sống người dân và gây "thảm họa" cho kinh tế toàn cầu.

Cuộc giao tranh giữa Riyadh và Tehran có thể sẽ gây ra biến động lớn cho thị trường dầu mỏ và nền kinh tế thế giới. Mới đây, RT (Nga) đã phỏng vấn các chuyên gia về hậu quả của cuộc chiến giữa 2 cường quốc Trung Đông.

Theo đó, nếu chiến tranh thực sự xảy ra, giá dầu thô thế giới có thể sẽ tăng lên… 500%.

Nhận định của giới chuyên gia

Ông Mikhail Mashchenko, nhà phân tích mạng xã hội eToro cho các nhà đầu tư thương mại, nói: "Giá năng lượng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ nghiêm trọng của vụ mâu thuẫn. Trong ngày đầu tiên giao tranh, giá dầu có thể tăng lên 150-200USD/1 thùng… Nếu Ả Rập Saudi và Iran tấn công các mỏ dầu của nhau, 1 thùng dầu có thể bị đẩy giá lên tới 300USD."

Ivan Karyakin, chuyên gia phân tích đầu tư tại Global FX, chỉ ra rằng mâu thuẫn vũ trang giữa các quốc gia Trung Đông có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới 1/3 lượng dầu thế giới. Ả Rập Saudi, Iraq, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Kuwait, Oman và Qatar sản xuất hơn 28 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm gần 30% sản lượng toàn cầu.

Ông nhận định: "Mọi sự sẽ phụ thuộc vào việc giao tranh sẽ diễn ra bao lâu. Thị trường thế giới có thể chống chịu được khoảng 2 tới 3 ngày. Nếu mâu thuẫn kéo dài hơn 1 tuần, giá dầu sẽ tăng lên ít nhất 200USD/1 thùng, gây hậu quả về mặt dài hạn do trữ lượng dầu giảm sút."

Nhà phân tích cho rằng Riyadh và Tehran sẽ ít có khả năng chiến tranh, một phần cũng vì sự can thiệp của Nga và Trung Quốc. 

"Nga là một đối tác quan trọng với các nước Trung Đông. Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu lớn của khu vực và sẽ là nước chịu rủi ro lớn nhất khi giá dầu tăng. Trung Quốc sẽ cố gắng hết sức để ngăn chiến tranh xảy ra," ông nói.

Ivan Kapuystiansky, chuyên gia kinh tế của Forex Optimum đồng tình với quan điểm trên: "Các nước nhập khẩu dầu sẽ chịu thiệt hại trực tiếp. Những nước này bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh Châu Âu, hay nói cách khác, những 'đầu tàu' của nền kinh tế thế giới."

Chuyên gia cảnh báo viễn cảnh kinh tế thế giới sụp đổ từ cuộc chiến Iran - Ả Rập Saudi - Ảnh 1.

Quân đội Ả Rập Saudi. Nguồn: Ahmed Jadallah / Reuters

Cả Ả Rập Saudi và Iran đều hiểu dầu mỏ quan trọng như thế nào tới nền kinh tế của họ, và sẽ cố gắng khai thác dầu kể cả khi có giao tranh. Nếu bị mất thị phần, những quốc gia khác có thể ngay lập tức chiếm lấy vị trí của các nước Trung Đông trên thị trường dầu mỏ.

Theo một chuyên gia Nga, việc giá dầu tăng đột ngột cũng sẽ đe dọa sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu, tạo điều kiện cho lạm phát gia tăng, đẩy phần đông dân số thế giới vào đói nghèo. Do đó, cả nhà sản xuất và các nước nhập khẩu dầu buộc phải kìm giá hết mức có thể để ngăn viễn cảnh ấy xảy ra.

Chiến tranh không có lợi cho cả Ả Rập Saudi lẫn Iran

Theo ông Petr Pushkarev, trưởng nhóm phân tích tại TeleTrade, mối quan hệ giữa Riyadh và Tehran đã từng tệ hơn hiện tại rất nhiều. Cách mạng Iran hồi năm 1978-1979 và sự kiện hành hương tới Mecca năm 1987 khiến hàng trăm người Iran thiệt mạng là những "bài thử" căng thẳng hơn rất nhiều cho hai quốc gia.

"Trong những năm tới, Ả Rập Saudi sẽ rất bận rộn với các dự án công nghệ và đổi mới nhằm thay thế việc quá phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ. Nước này chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh vũ trang toàn diện tốn kém với các nước láng giềng. Hơn thế nữa, đây cũng không phải thời điểm phù hợp khi Thái tử Mohammed Bin Salman đang tập trung củng cố quyền lực," ông Pushkarev nói.

Với tất cả những lí do nói trên, hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng cuộc chiến giữa Ả Rập Saudi và Iran sẽ không diễn ra trực tiếp, mà sẽ chỉ là Chiến tranh Lạnh, thông qua các chiến trường và các nhóm quân tại Yemen và Syria.

Hãng Fox News đưa tin về tình hình căng thẳng giữa Iran và Ả Rập Saudi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại