Tuần lễ cấp cao APEC 2017: Ấn tượng 121 thoả thuận trị giá hơn 20 tỷ đô

An Bình |

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 13/11 đã có những chia sẻ, đánh giá ban đầu và các câu chuyện trong khuôn khổ Năm APEC 2017 và Tuần lễ cấp cao APEC 2017.

Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng- sự kiện đỉnh cao của Năm APEC 2017 vừa kết thúc. Trong cuộc họp báo ngày 13/11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có những chia sẻ, đánh giá ban đầu và các câu chuyện trong khuôn khổ Năm APEC 2017 và Tuần lễ cấp cao APEC 2017.

Vai trò dẫn dắt và các sáng kiến của Việt Nam

Đánh giá kết quả nổi bật của Tuần lễ cấp cao APEC 2017 và cả Năm APEC 2017 nói chung, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng thành công lớn nhất của chuỗi sự kiện này là duy trì được mục tiêu của APEC trong bối cảnh hết sức phức tạp, tình hình kinh tế có những chiều hướng khác nhau trong vấn đề kinh tế, thương mại, đầu tư và các lĩnh vực mới. Hội nghị cấp cao APEC đã khẳng định APEC là diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, tiếp tục các mục tiêu của APEC là: tự do thương mại, thuận lợi hóa đầu tư và tăng trưởng trong khu vực.

Đồng thời, APEC 2017 cũng đã tạo ra nền tảng hết sức quan trọng trong phát triển khu vực. Bên cạnh vấn đề tiếp tục ủng hộ thương mại, hệ thống thương mại đa biên, tạo thuận lợi cho đầu tư, thì những vấn đề mới như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng những vấn đề khác cũng được đặt ra tại Hội nghị lần này.

Ông Phạm Bình Minh cũng cho biết, Việt Nam cũng đã có nhiều sáng kiến tổ chức các hội nghị bên ngoài chương trình APEC. Trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Việt Nam đã xúc tiến tổ chức phiên họp giữa APEC và ASEAN – nhân dịp kỉ niệm 50 năm thành lập ASEAN. Tại phiên họp này, hầu hết các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế APEC và ASEAN đều tham gia – điều tạo ra liên kết của các nước ASEAN và APEC.

Tuần lễ cấp cao APEC 2017: Ấn tượng 121 thoả thuận trị giá hơn 20 tỷ đô - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại cuộc họp báo. (Ảnh: Minh Khánh)


Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng chia sẻ về cách Việt Nam thực hiện vai trò chủ nhà của APEC 2017 trên ba khía cạnh cơ bản. Việt Nam đã rất thành công khi đưa ra chủ đề lớn của Năm APEC 2017: Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung và 4 ưu tiên hợp tác – đều được tất cả các nền kinh tế APEC hết sức ủng hộ. Việt Nam quy tụ được những vấn đề của các nước, xúc tiến thảo luận, tham vấn và đưa ra được quan điểm chung để tất cả các nền kinh tế thành viên đều chấp nhận.

Nước chủ nhà APEC 2017 cũng đã thực hiện các khâu tổ chức hết sức thành công, không chỉ trong Tuần lễ cấp cao APEC, mà còn tại 10 tỉnh, thành phố trong cả năm APEC 2017. Việt Nam đã tổ chức hết sức thành công về cơ sở vật chất, điều kiện cho các đoàn tham dự và đỉnh cao là Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng.

Về ý nghĩa việc Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC 2017, ông Phạm Bình Minh nói rằng, đối với Diễn đàn APEC, với những văn kiện của Tuần lễ cấp cao và văn kiện của các bộ trưởng APEC đã vạch ra định hướng cho năm APEC tiếp theo và đây là một cơ sở hết sức quan trọng cho các năm APEC sau đó.

Đối với Việt Nam, kết quả này cũng đã thể hiện rõ chủ trương hội nhập quốc tế. Việt Nam không chỉ tham gia mà đã dẫn dắt được những chủ đề, những nội dung trong Năm APEC 2017. Đây là vai trò Việt Nam rất mong muốn để đóng góp vào tiến trình hội nhập quốc tế một cách tích cực, chủ động.

Với việc phát triển quan hệ đối tác của Việt Nam, Năm APEC 2017 là dịp để Việt Nam nâng cao quan hệ song phương với các nền kinh tế. Nhân dịp APEC, Việt Nam đã đón 4 chuyến thăm chính thức của các nhà lãnh đạo cấp cao từ Trung Quốc, Mỹ, Chi lê và Canada.

Việt Nam cũng đã tiến hành 50 cuộc trao đổi của lãnh đạo cấp cao với lãnh đạo các nền kinh tế - là cơ sở để tăng cường quan hệ Việt Nam với các nền kinh tế chủ chốt, đóng vai trò quan trọng trong khu vực.

Lí giải nguyên nhân cho sự thành công này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói kết quả này xuất phát từ chủ trương, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự tham gia nhiệt tình, tạo động lực từ chính phủ, các Bộ ngành, tỉnh thành, địa phương.

Chú ý thành tựu kinh tế

Trong năm 2017, Việt Nam đã đón khoảng 21.000 đại biểu tới tham dự các Hội nghị APEC tại các tỉnh thành của Việt Nam và riêng Tuần lễ cấp cao là 11.000 người, gồm lãnh đạo cấp cao, các quan chức, cũng như doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.

Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2017, với chủ đề "Việt Nam- Đối tác kinh doanh tin cậy", Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit-VBS) cũng đã có hơn 2.000 đại biểu tham gia – đều thể hiện sự quan tâm của các doanh nghiệp đối với các nền kinh tế trong khu vực và mang theo hiệu ứng lan tỏa về môi trường kinh tế, môi trường đầu tư.

Trong thời gian tổ chức APEC 2017, về mặt hợp tác kinh tế, Việt Nam cũng đã có 121 thỏa thuận với tổng trị giá hơn 20 tỷ USD. APEC cũng đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, cuốn hút các doanh nghiêp và tạo sự phấn khởi của doanh nghiệp và người dân Việt Nam về APEC 2017.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ đã ký một loạt thỏa thuận thương mại lên tới 12 tỷ USD, bao gồm: Biên bản ghi nhớ có ràng buộc về Hợp đồng bảo dưỡng động cơ máy bay Pratt & Whitney PW1100G-JM trị giá khoảng 1,5 tỷ USD; Bản ghi nhớ về dự án Kho cảng khí đốt hóa lỏng tự nhiên Sơn Mỹ trị giá khoảng 1,3 tỷ USD; Bản ghi nhớ về Hợp tác cung cấp khí đốt hóa lỏng tự nhiên và Đầu tư thượng nguồn; Hợp đồng mua, hỗ trợ sản phẩm động cơ PW1100G-JM….

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, APEC 2017 là sự hội tụ nhiều yếu tố như 30 năm đổi mới của đất nước cùng với vị thế hiện tại của Việt Nam. Sau APEC 2017, Việt Nam đã thể hiện được rằng, đất nước ta không chỉ tham gia hội nhập mà đã chủ động, tích cực, dẫn dắt hội nhập quốc tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại