Cách phòng tránh và xử trí khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn

An Nhiên |

Bệnh viện quận Thủ Đức vừa cấp cứu một trường hợp người dân bị rắn lục đuôi đỏ cắn.

Khoa Hồi sức tích cực chống độc A, Bệnh viện quận Thủ Đức vừa cấp cứu kịp thời cho một trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Bệnh nhân là chị Nghiên Thị X. (42 tuổi, ngụ ở phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) bị rắn cắn vào ngón tay trái trong lúc đang phát quang bụi rậm sau nhà.

Bệnh nhân vào Bệnh viện quận Thủ Đức trong tình trạng tay sưng phù từ đầu ngón tay lan hết khuỷu tay, tại vết cắn có chảy máu.

Sau khi sơ cấp cứu, bệnh nhân được truyền 6 lọ huyết thanh, thuốc kháng sinh phòng ngừa nhiễm trùng, thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm. Sau 3 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục tốt, sưng nề giảm dần và xin xuất viện.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Thịnh, khoa Hồi sức tích cực chống độc A cho biết, thời gian gần đây, khoa ghi nhận có nhiều trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn tại Thủ Đức và khu vực giáp ranh (tỉnh Bình Dương).

Theo các bác sĩ, khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, bệnh nhân có thể gặp các hiện tượng như tan máu, phù nề, nhiễm độc thần kinh, liệt hô hấp, trụy tim mạch.

Nếu không được sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể bị sốc tâm lý, chất độc di chuyển nhanh đến tim, rối loạn đông máu và dẫn đến mất mạng.

Để phòng tránh bị rắn lục đuôi đỏ cắn, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên thường xuyên dọn dẹp xung quanh nhà, cắt ngắn cây cỏ, phát quang bụi rậm bởi đây có thể là nơi trú ngụ của nhiều loài rắn.

Khi dọn dẹp nên mặc quần dài, áo dài tay, đi ủng, mang bao tay loại dày, trùm kín vùng đầu, cổ, mặt, đeo kính bảo hộ, khua gậy dài trước khi dọn cỏ.

Giữ nhà cửa và môi trường xung quanh sạch sẽ. Diệt chuột và các loại côn trùng vì chúng là những con mồi yêu thích của rắn lục đuôi đỏ.

Khi bị rắn cắn, tuyệt đối không đắp các loại lá hay thảo dược mà cần sơ cứu đúng cách: Dùng tay, gạc hoặc khăn sạch ép lên phía trên vết thương. Để nạn nhân nằm thoải mái, đặt phần bị thương cao hơn để giảm áp lực máu.

Sau đó, dùng dây vải băng ép miếng gạc hoặc khăn vào vết thương, buộc một cách chắc chắn nhưng vẫn đủ để máu lưu thông. Nên băng ép chặt phía trên vết thương từ 5 – 10 cm để ngăn chất độc lan ngược lại các bộ phận khác, sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại