Nhiệm vụ "đặc biệt" của hạm đội Nga từng khiến quân IS tại Syria khiếp vía

QS |

Kể từ năm 2010, Moscow đã tăng cường mạnh mẽ sự hiện diện quân sự tại biển Caspi. Theo kế hoạch, hạm đội Caspi sẽ được trang bị gần 90% thiết bị quân sự mới vào năm 2020.

Ham đội "đặc biệt"

Trong hai tháng qua, hạm đội Caspi của Nga đã tiến hành một số cuộc tập trận quân sự trên biển Caspi, với sự tham gia của hơn 20 tàu chiến, tàu hỗ trợ, tàu quét mìn và tàu đổ bộ.

Bên cạnh đó, các tàu quân sự của hạm đội còn ghé thăm cảng biển của Azerbaijan và Kazakhstan trong tháng 9.

Đây là hạm đội đã đóng vai trò tích cực trong các cuộc tấn công từ biển của Hải quân Nga nhằm vào các mục tiêu IS ở Syria.

Theo các quan chức trực thuộc Quân khu miền Nam của Nga, những hoạt động trên nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia ven biển Caspi. Ngoài ra, hạm đội đặc biệt này còn được giao trọng trách thể hiện rõ sự hiện diện của hải quân Nga tại biển Caspi.

Hãng thông tấn RIA Novosti cho biết, hạm đội Caspi từng tiến hành một cuộc tập trận có nội dung bảo vệ các cơ sở dầu mỏ và khí gas tự nhiên trước mối đe dọa tiềm tàng từ "các tổ chức vũ trang bất hợp pháp".

Kể từ đầu năm nay, hạm đội Caspi của Nga đã tiến hành 700 cuộc tập trận nhằm đối phó và ngăn chặn khủng bố.

Theo Viện nghiên cứu và phân tích Jamestown Foundation (trụ sở tại Washington, D.C), hướng đi này đã làm nổi bật các mục tiêu kinh tế và địa chính trị của Nga trong khu vực.

Đầu tiên, vùng Caspi rất có giá trị quân sự đối với Nga do vị trí tiếp giáp với Trung Đông và lân cận với Caucasus (Cáp-ca-dơ, khu vực địa lý nằm ở biên giới giữa châu Âu và châu Á), cũng như Trung Á.

Tàu chiến của Hạm đội Caspi phóng tên lửa hành trình Kalibr tiêu diệt IS hồi tháng 10/2015. Nguồn: Bộ QP Nga

Như chiến dịch quân sự của Nga tại Syria đã cho thấy, biển Caspi là khu vực an toàn để tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình. Vì thế, với sự hỗ trợ của Iran, Nga đã tích cực tìm cách ngăn "các bên thứ ba" tiếp cận Caspi, chẳng hạ như Mỹ và các quốc gia châu Âu.

Thứ hai, sự hiện diện quân sự tại biển Caspi cho phép Nga gây áp lực và duy trì áp lực này đối với các quốc gia ven biển Caspi, cũng như duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với bắc Caucasus.

Thứ ba, lưu vực biển Caspi rất giàu dầu mỏ và tập trung các nguồn khí gas tự nhiên.

Bên cạnh đó, biển Caspi còn đóng vai trò như một mắt xích trong dự án hành lang quá cảnh quốc tế dành cho các chuyến tàu chở năng lượng đi từ Trung Á tới phương Tây (đi qua Nam Caucasus). Dự án được các nước phương Tây tích cực thúc đẩy nhưng Nga phản đối và hy vọng có thể làm tiêu tan dần ý định này.

Mục tiêu thật sự

Theo Jamestown Foundation, trên danh nghĩa, mục tiêu chính của hạm đội Caspi là bảo vệ các vùng ven biển của Nga, ngăn chặn nạn đánh bắt trộm và bảo vệ các lợi ích quốc gia của Nga tại khu vực sản sinh dầu mỏ.

Nói đúng ra, đây cũng là mục tiêu mà các nước xung quanh biển Caspi từng tuyên bố. Tuy nhiên, nếu xét về cả khía cạnh số lượng và chất lượng thì các hạm đội của họ thua xa lực lượng hải quân của Nga trong khu vực.

Kể từ năm 2010, Moscow đã tăng cường mạnh mẽ sự hiện diện quân sự tại biển Caspi. Theo kế hoạch, hạm đội này sẽ được trang bị gần 90% thiết bị quân sự mới vào năm 2020.

Hiện tại, hạm đội Caspi có 2 khinh hạm đề án 11661 (Tatarstan và Dagestan), 3 tàu hộ tống đề án 21631 (Grad Sviyazhsk, Uglich, Great Ustyug), 1 tàu tên lửa đề án 12411 (Stupinets), cùng 3 tàu pháo cỡ nhỏ (Astrakhan, Volgodonsk và Makhachkala).

Nhiệm vụ đặc biệt của hạm đội Nga từng khiến quân IS tại Syria khiếp vía - Ảnh 2.

Một cuộc tập trận của hạm đội Caspi. Nguồn: Sputnik

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Nga đang có kế hoạch hoàn tất xây dựng quân cảng ở Kaspiisk (Cộng hòa Dagestan) vào năm 2020. Cơ sở mới sẽ được thiết kế để có thể triển khai các tàu mặt nước cỡ lớn, trang bị vũ khí chính xác. Sau khi hoàn tất, Kaspiisk sẽ trở thành căn cứ hải quân chủ lực của Nga ở biển Caspi.

Iran là thế lực quân sự mạnh thứ hai tại lưu vực biển Caspi. Trong những năm gần đây, nước này đã chế tạo nhiều mẫu tàu mới, tương đối mạnh, trong đó có 1 tàu khu trục và 1 tàu ngầm tấn công hạng trung.

Trong khi đó, lực lượng hải quân của các quốc gia khác (thuộc Liên Xô cũ) ở ven biển Caspi lại yếu hơn nhiều.

Azerbaijan và Kazakhstan đã nỗ lực tăng cường lực lượng hải quân từ những năm 1990, trong khi Turkmenistan bắt đầu củng cố sức mạnh trên biển vào năm 2010. Kazakhstan và Azerbaijan thậm chí còn tìm tới nguồn hỗ trợ bên ngoài.

Trong những năm 2000, "Sáng kiến bảo vệ Caspi" của Mỹ đã phối hợp các hoạt động giữa Kazakhstan và Azerbaijan với hoạt động của các cơ quan chính phủ Mỹ để tăng cường an ninh trong khu vực.

Washington đã hỗ trợ 2 quốc gia này phát triển khả năng ngăn chặn và đáp trả các mối đe dọa trên biển. Mối quan hệ hợp tác giữa các bên được kéo dài nhiều năm sau đó.

Azerbaijan và Kazakhstan còn thường xuyên hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ để nâng cao năng lực hải quân.

Mặc dù cả 2 nước này cũng thường xuyên tham gia các hoạt động quân sự do Nga dẫn đầu tại lưu vực biển Caspi nhưng Moscow vẫn chỉ trích mạnh mẽ bất cứ sự hợp tác nào giữa Azerbaijan, Kazakhstan với Mỹ.

Theo Jamestown Foundation, tầm nhìn chiến lược của Kremlin (liên quan tới mục tiêu bảo vệ lợi ích quốc gia của Nga tại Caspi và ngăn các thế lực bên ngoài tiếp cận khu vực này) đã thúc đẩy Moscow tăng cường "khoe cơ bắp".

Điều đó có thể thấy qua các cuộc tập trận và viếng thăm cảng biển các nước của hạm đội Caspi.

Jamestown Foundation nhận định, những màn "phô trương lực lượng" của Nga sẽ gia tăng áp lực lên các nước nhỏ trong khu vực, cũng như có khả năng làm gián đoạn các dự án chiến lược mà phương Tây đang thúc đẩy ở khu vực Caspi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại