Cô gái bị bỏng tay vì ly trà nóng và câu viết "ám ảnh" của Trịnh Công Sơn

Ngọc Thảo |

Bạn có bao giờ tự hỏi, tại sao những con đường dài không được làm thẳng mà thường có nhiều khúc cong?

Có một người bạn tôi là kĩ sư cầu đường có nói: "Đường dài mà cứ thẳng tắp thì người lái xe dễ bị ảo giác, nên khi thiết kế đường trường, người ta thường làm đường hơi cong để các bác tài tỉnh giác khi ngồi sau vô-lăng".

Và có lẽ điều đó cũng đúng trên đường đời. Nếu cuộc đời cứ thuận lợi mãi, việc gì cũng như ý, con người ta dễ rơi vào ảo giác về bản thân.

Đã sống trên đời, không có ai được toại nguyện hoàn toàn cả, ai cũng có một vài nỗi khổ, chỉ là có thể hiện ra hay không mà thôi.

Phải chăng, những khúc cong của cuộc đời, những khổ đau vấp ngã đã trở thành một cơ hội học hỏi, để tỉnh giác, trưởng thành và tiến bước xa hơn?

Cô gái bị bỏng tay vì ly trà nóng và câu viết ám ảnh của Trịnh Công Sơn - Ảnh 1.

Đau quá khắc tự buông

Có một cô gái nọ quá buồn đau vì bị người yêu phản bội, bị mất việc làm đồng nghĩa với việc cô phải lang thang ở một thành phố xa lạ trong những tháng ngày vô định không biết điều gì chờ mình ở phía trước, nơi với cô - phố thị không phải là nhà.

Đến một ngôi chùa vãn cảnh, khuôn mặt cô không giấu nổi sợ đờ đẫn vô hồn, cùng sự khổ đau trong đôi mắt. Bà sư già mời cô nhấp ngụm trà cùng trò chuyện.

Khi cô gái cầm chén lên, bà rót trà, rót đến tràn cả ra tay cô, quá nóng cô thả tay, chiếc chén rơi xuống đất.

Sư bà nói với cô bằng một giọng điệu chậm rãi, khoan dung: "Đau quá thì cũng phải buông thôi con".

Ly trà nóng và câu nói kia khiến cô gái như tỉnh ngộ. Cuộc tình đã thành quá khứ, anh người yêu cũng chỉ còn là những nghĩ suy về có khứ, không còn tồn tại.

Nhưng cô vẫn đau lòng là bởi cô cứ cầm mãi ly trà nóng, mặc cho nước rót bỏng tay. Đã đến lúc phải buông để tự giải thoát cho chính mình.

Và sư bà bắt đầu nói về vẻ đẹp của khổ đau.

Hai vẻ đẹp của khổ đau

Khi cuộc sống còn đang thuận lợi, đôi khi con sẽ chủ quan hoặc kiêu ngạo, nghĩ rằng mình rất tốt mà dẫn đến những hành xử sai lầm, hoặc không còn động lực cố gắng nữa. Nhưng phải chăng gặp cảnh khổ là một khoảng lặng để tự nhìn lại mình, xem xét lại con đường đã đi qua?

Khổ đau giúp người ta nhận ra sự thật, đó là: "Mình bị đau khổ là bởi mình đã từng gây ra đau khổ cho người khác, loài khác, về thân mạng, sức khỏe hoặc tinh thần".

Tục ngữ Việt Nam có câu: "gieo gió gặt bão", "gieo nhân nào gặt quả ấy", nếu chưa từng gieo nhân gây đau khổ thì chắc chắc không thể có ngày hôm nay.

Mọi sự trên đời đều tuân theo luật nhân quả, không phải người đàn ông ấy, vị sếp ấy cố tình đến, cố tình xuất hiện với mục đích làm con khổ đau. Nếu hiểu được như vậy, con sẽ không thấy bất công, vô lý.

Chấp nhận thực tại như nó vốn là, đó là vẻ đẹp đầu tiên của khổ đau.

Cô gái bị bỏng tay vì ly trà nóng và câu viết ám ảnh của Trịnh Công Sơn - Ảnh 2.

Khi con gặp đau khổ, ngay lập tức con sẽ nghĩ đó là do người khác gây ra cho con, nếu con không sửa suy nghĩ đó bằng trí tuệ về nhân quả, cả cuộc đời con sẽ luôn là nạn nhân của một ai đó.

Nhưng, nếu hiểu mình cần nhận được bài học về cảm giác đau khổ là như thế nào, nó đến từ chính mình chứ không đến từ ai, thì con sẽ là chủ nhân của cuộc đời con, con có thể vẽ đời mình theo cách mà con muốn. Nếu vậy thì đau khổ không phải rất đẹp sao?

Không còn đổ lỗi cho người khác, đó là vẻ đẹp thứ hai mà cảnh khổ mang lại cho chúng ta.

Nếu đường đời cứ mãi bằng phẳng, ví như công việc cứ tốt lên mãi, thì con có bao giờ nghĩ sẽ phải cố gắng cải thiện mình nhiều hơn? Nếu không bị đuổi việc, có lẽ mọi thứ sẽ dậm chân tại chỗ? Hoặc giả sử người thương cứ ở bên mình mãi, thì mình có khoảng trống để tự vấn lòng, rằng mình đã đủ từ bi hỷ xả với người ấy hay chưa?

Cho nên khoảng thời gian này chính là lúc con tự nhìn lại bản thân, và cũng sẽ là động lực giúp con cố gắng hơn cho những ngày đang tới. Đó chính là món quà thứ ba mà đau khổ mang lại cho con.

Cô gái bị bỏng tay vì ly trà nóng và câu viết ám ảnh của Trịnh Công Sơn - Ảnh 3.

Lời kết

 "Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau… Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng, để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa", cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết như thế trong một bài tự sự mang tên "Nỗi lòng của tên tuyệt vọng".

Khi đi đến tận cùng của khổ đau mà nhìn nhận lại, cái tôi trở nên yếu dần đi và nó không còn muốn kháng cự lại nhân quả, kháng cự lại hiện tại nữa. Và từ đó, bản tính chấp nhận hiện ra, để thấy rằng cuộc đời này mọi thứ xảy đến đều đẹp, đẹp như một bông hoa.

* Một số nguồn tham khảo: 
http://www.trinh-cong-son.com/tcsvan1.html
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/2-cau-chuyen-can-doc-khi-nan-long-252696.html

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại