Chuyên gia Việt nói gì về việc tăng thuế VAT?

Nguyễn Nam |

Nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ nên tìm kiếm các giải pháp khác trước khi tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) tại Việt Nam bởi điều này sẽ gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với thị trường và người tiêu dùng.

Mới đây, Bộ Tài chính vừa đề xuất chuyển một loạt hàng hoá từ không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) lên chịu thuế, những nhóm hàng đang áp mức 5% hiện tại lên 10% và tăng mức thuế VAT thông thường từ 10% lên 12%. Đây là loại thuế gián thu và đánh trực tiếp vào người tiêu dùng.

Lý giải về mức tăng này, Bộ Tài chính cho rằng mức thuế suất thông thường 10% của Việt Nam vẫn còn tương đối thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Bộ Tài chính dẫn chứng, nhiều nước trên thế giới đã điều chỉnh tăng loại thuế này. Ví dụ thuế suất trung bình tại các nước EU từ 19% (năm 2000) tăng lên gần 21,5% (năm 2014). Các nước xung quanh như Lào, Indonesia, Campuchia hiện có mức thuế phổ thông là 10%, Philippines là 15%, còn với Trung Quốc, mức thuế phổ thông cũng là 17%.

PGS. TS Phí Mạnh Hồng, khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cho rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất mức tăng thuế như vậy là do Chính phủ đang đứng trước áp lực chi tiêu công ngày càng gia tăng, trong khi đó, nợ công của cả nước cũng đang rất cao. Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập, mức thuế nhập khẩu của Việt Nam có xu hướng giảm, nhiều loại thuế như thuế hải quan, thuế tài nguyên cũng giảm theo. Vì vậy, để bảo đảm nguồn thu, Chính phủ không còn cách nào khác ngoài việc đặt ra bài toán tăng thu từ thuế giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, theo ông, tỷ suất thuế trên GDP của nước ta đang ở mức cao so với thế giới, nếu tiếp tục tăng, chắc chắn sẽ tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế, đồng thời kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp.

Cùng chung nhận định, TS. Hoàng Khắc Lịch, Chủ nhiệm bộ môn Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cho rằng việc tăng thuế VAT là chưa hợp lý và có thể gây ra những hậu quả nghiệm trọng

"Đầu tiên, việc tăng thuế VAT sẽ làm méo mó giá cả trên thị trường, dẫn đến giá cả trong nền kinh tế bị xáo trộn, những lựa chọn hàng hóa tối ưu của người tiêu dùng và các doanh nghiệp trước đây sẽ không còn đúng nữa. Vì vậy, trong giai đoạn đầu, người tiêu dùng và các doanh nghiệp sẽ phải tính toán lại các lựa chọn của mình, dẫn đến sự mất mát về phúc lợi và lợi nhuận. Đó là chưa kể đến, nếu Chính phủ tăng không có lộ trình mà tăng ngay từ 10% lên 12% sẽ tạo ra một cú sốc đối với giá cả, ảnh hưởng đến thu nhập sau thuế của nhiều người.

Tăng thuế giá trị gia tăng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính công bằng thuế, tức là theo nguyên tắc, người có thu nhập cao phải đóng thuế cao hơn người có thu nhập thấp. Đối với thuế VAT, tất cả mọi người trên thị trường mua 1 mặt hàng đều chịu 1 khoản thuế như nhau, bất kể giàu hay nghèo. Tăng thuế như vậy sẽ có 1 tính lũy thoái, tạo ra 1 áp lực vô cùng lớn đối với người tiêu dùng, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Vì vậy, cuộc sống của người nghèo, người có thu nhập thấp sẽ bị xáo trộn mạnh", ông Lịch nêu quan điểm.

Cũng theo TS. Hoàng Khắc Lịch, việc Bộ Tài chính đưa ra tỷ suất thuế của các nước khác trên thế giới để chứng mình rằng tỷ suất thuế của Việt Nam ở mức thấp là chưa chính xác. Bởi lẽ, vào năm 2015, trong cơ cấu thuế của nước ta, thuế tiêu dùng chiếm đến 55% trong tổng các nguồn thu từ thuế, trong khi đó, con số này đối với các nước OECD chỉ là 30-35%, tức là mức thu từ thuế tiêu dùng của nước ta vốn đã rất cao so với thế giới. Theo ông, những số liệu mà Bộ Tài chính và một số báo đưa ra chỉ là so sánh về tỷ lệ thuế suất chứ chưa nhắc đến những khía cạnh khác.

Hiện tại, với mức thu từ thuế tiêu dùng chiếm quá nửa tổng nguồn thu từ thuế, vị này cho rằng việc tiếp tục gia tăng thuế tiêu dùng là không hợp lý. Thay vào đó, việc quan trọng hơn đó là chi tiêu công cần phải hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao tính công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong chi ngân sách nhà nước. Còn đối với các khoản thu, cần tăng kỷ luật và cải cách hành chính thuế, thu đúng, thu đủ.

Vị tiến sĩ này cho hay, nếu tăng thuế, Chính phủ nên xem xét ở việc gia tăng diện chịu thuế, tập trung vào thuế thu nhập cá nhân và thuế doanh nghiệp thay vì thuế giá trị gia tăng.

"Theo phỏng đoán của tôi, nên tăng thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, chúng ta nên tính toán và cân đối vì nó có thể ảnh hưởng đến động lực sản xuất kinh doanh của họ. Nhưng với thuế thu nhập cá nhân thì đó là 1 loại thuế chúng ta có thể tăng được nhưng Bộ Tài chính lại không tăng mà họ lại muốn tăng vào thuế VAT. Vì thế, theo nhận định cá nhân, cấu trúc thu như vậy là không ổn".

Trả lời về câu hỏi ảnh hưởng của chính sách tăng thuế đối với tốc độ tăng trưởng GDP, TS Lịch cho biết, việc này sẽ phụ thuộc vào việc Ngân hàng Trung ương có dự định bơm tiền cho thị trường trong giai đoạn này hay không.

Xét trên nhu cầu GDP tăng trưởng trong bối cảnh lấy thu bù chi như hiện nay, ông Lịch cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ cần hạ lãi suất, gia tăng cung tiền, tuy nhiên việc này cũng sẽ kéo theo yếu tố lạm phát. Đó là "cái giá" mà nền kinh tế phải trả để đạt được nhiều mục tiêu vĩ mô nhất có thể vào năm nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại