Rùm beng về quân sự, ông Trump đang lộ sự bế tắc về Triều Tiên?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Không phải những chuyện thuộc về quan hệ hợp tác song phương mà Triều Tiên hiện đang thử thách toàn bộ mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bầu không khí quan hệ thân thiện, quyết tâm hợp tác xây dựng với nhau trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau và thông cảm cho nhau được thể hiện trong cuộc gặp đầu tiên giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi đầu tháng 4 năm nay ở Mỹ, cho đến cuộc hội đàm ngày 11/8 (giờ Mỹ) giữa hai nhà lãnh đạo.

Ông Trump không tiến hành trừng phạt Trung Quốc ngay vì những cáo buộc Trung Quốc từ khi còn vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ, và như đã cam kết khi ấy là Trung Quốc trợ giá xuất khẩu và thao túng tiền tệ, để mong đổi lấy việc Bắc Kinh tác động và gây áp lực tới mức buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.

Hôm 16/4, ông Trump đã công khai chủ ý khi tuyên bố "Tại sao tôi lại coi Trung Quốc là thao túng tiền tệ khi Trung Quốc giúp Mỹ trong vấn đề Triều Tiên ?".

Có thể hiểu từ đó là chỉ cần Trung Quốc đáp ứng mong mỏi của Mỹ trong vấn đề Triều Tiên thì ông Trump sẽ quên hết, hoặc ít nhất thì cũng không coi trọng nữa việc Mỹ bị thâm hụt rất lớn trong cán cân thương mại với Trung Quốc, ông Trump cũng không còn quan tâm gì nữa đến chính sách tiền tệ của Trung Quốc, sẵn sàng không theo đuổi chính sách mới với Đài Loan, ôn hoà và kiềm chế hơn trước những ý đồ và hành động quân sự của Trung Quốc ở khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông...

Trong khoảng thời gian từ cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình đến nay, Bắc Kinh đã tỏ ra găng với Triều Tiên và hợp tác với Mỹ trong vấn đề Triều Tiên ở mức độ mạnh mẽ và chặt chẽ như chưa từng thấy trước đó. Không phải ông Trump không nhận thấy và ghi nhận điều ấy, nhưng rõ ràng là vẫn chưa đủ mức đối với Mỹ và lại càng chưa thể đủ để kiềm chế Triều Tiên.

Như chính quyền của ông Trump đã không còn "kiên nhẫn chiến lược" được nữa với Triều Tiên, ông Trump hiện đang mất dần sự kiên nhẫn với Trung Quốc - đi cùng với thất vọng và không hài lòng ngày càng tăng về Trung Quốc. Cho nên mới nói cái thời thân thiện giữa Mỹ và Trung Quốc xem ra chỉ ngắn ngủi và có dấu hiệu đang dần qua.

Rùm beng về quân sự, ông Trump đang lộ sự bế tắc về Triều Tiên? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)

Nguyên do ở Mỹ và Triều Tiên

Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân và phóng tên lửa, thậm chí lớn giọng đe dọa tấn công tên lửa vào lãnh thổ của Mỹ. Đối với ông Trump, đó là những bằng chứng xác thực nhất cho thấy tất cả những gì mà Mỹ, LHQ và cả Trung Quốc đã làm cho tới nay vẫn chưa đủ để cản bước đi của Triều Tiên trong chương trình tên lửa và hạt nhân, đồng thời cũng còn là cả bằng chứng là Trung Quốc chưa thật sự làm tất cả những gì có thể làm được để buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình tên lửa và hạt nhân.

Trong nhìn nhận của ông Trump, chìa khoá cho việc giải quyết vấn đề Triều Tiên hiện ở trong tay Trung Quốc.

Trong cuộc khẩu chiến hiện tại giữa Mỹ và Triều Tiên, ông Trump đao to búa lớn không chỉ để thị uy và răn đe Triều Tiên mà còn cảnh báo và gây áp lực đối với Trung Quốc, vì một khi xảy ra đụng độ quân sự giữa Mỹ và Triều Tiên thì Trung Quốc không thể tránh khỏi bị vạ lây và bị lôi kéo vào thảm hoạ chung.

Cách tư duy của phía Mỹ ở đây là cho Trung Quốc thấy nếu muốn tránh bị vạ lây bởi thảm hoạ thì hãy đứng về phía Mỹ, giúp Mỹ và đáp ứng yêu cầu của Mỹ. Trên Twitter, ông Trump đã thể hiện tâm trạng thất vọng và đã bắt đầu có lời lẽ găng với Trung Quốc.

Trên thực tế, chính quyền của ông Trump đã bắt đầu chuẩn bị những biện pháp trừng phạt Trung Quốc về thương mại và tài chính. Ở khu vực Biển Đông, tầu chiến của Mỹ lại tiến hành những hoạt động thách thức Trung Quốc.

Sau thời thân thiện ban đầu giữa hai nước, Trung Quốc hiện trong tình thế khó xử với ông Trump hơn nhiều so với thời chính quyền trước đó ở Mỹ. Trung Quốc không muốn găng với Mỹ nhưng không thể đáp ứng được hết mọi yêu cầu của Mỹ liên quan đến Triều Tiên.

Trung Quốc không muốn Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và nước này căng thẳng, đối địch với Mỹ và hai nước còn lại trong khu vực Đông Bắc Á. Lợi ích chiến lược của Trung Quốc là Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân và duy trì nguyên trạng chia cắt trên bán đảo Triều Tiên để có vùng đệm về an ninh.

Rùm beng về quân sự, ông Trump đang lộ sự bế tắc về Triều Tiên? - Ảnh 2.

Trung Quốc coi Mỹ, chứ không phải vấn đề Triều Tiên, là cản trở chính đối với sự trỗi dậy về mọi phương diện của Trung Quốc.

Sự khác biệt quan điểm hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc là trong khi Mỹ cho rằng chừng nào còn dựa cậy được vào Trung Quốc thì chừng đó Triều Tiên còn chưa sẵn sàng chịu từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa, đồng thời còn tiếp tục khẩu chiến và doạ tấn công quân sự vào Mỹ, Trung Quốc lại cho rằng vì Mỹ và đồng minh cứ tiếp tục những hoạt động khiến Triều Tiên cảm thấy bị đe doạ trực tiếp về an ninh nên Triều Tiên còn bám giữ vào chương trình hạt nhân và tên lửa.

Càng làm rùm beng về ý định tấn công quân sự Triều Tiên, ông Trump càng bộc lộ mức độ bế tắc chiến lược trong vấn đề Triều Tiên. Chừng nào còn bế tắc như thế thì chừng đó ông Trump còn o ép Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc vừa không muốn lại vừa không thể đáp ứng hoàn toàn mọi yêu cầu của Mỹ. Thời thân thiện vì thế mà ngắn ngủi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại