Ai bảo tiêm kích tàng hình F-35 là "quan tài bay": Hãy xem!

Trung tá Trịnh Ngọc Tiến / Trường Đại học Chính trị - Bộ Quốc phòng |

Trong quá trình thử nghiệm, F-35 đã có ba lần xảy ra lỗi gây cháy động cơ, nhưng không có chiếc máy bay nào bị rơi và chỉ có một người bị thương.

Những chiếc F-35 đã vượt qua mốc thời gian 100.000 giờ bay mà không gây tai nạn dẫn đến chết người và phải hủy máy bay; đây là một kỷ lục lịch sử trong phát triển máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ.

Chương trình của nhiều "cái nhất"

Chương trình phát triển máy bay chiến đấu tương lai của quân đội Mỹ F-35 là một chương trình lập nhiều kỷ lục đáng nể nhất:

- Chi phí phát triển cao nhất (gần 400 tỉ USD), thời gian đưa vào sử dụng chậm nhất (4 năm);

- Trang bị nhiều kỹ thuật hiện đại nhất;

- Số đối tác tham gia phát triển nhiều nhất (8 nước) và cũng phát sinh nhiều lỗi kỹ thuật khiến chương trình phải dừng lại để khắc phục nhiều nhất...

Gần đây F-35 đã lập một kỷ lục đáng nể đó là loại máy bay an toàn nhất trong quá trình phát triển. Có lẽ đây là điểm sáng hiếm hoi trong trương trình phát triển dòng máy bay nhiều tai tiếng này của Mỹ.

Những chiếc F-35 Joint Strike Fighter đã đạt đến mốc thời gian 100.000 giờ bay mà không xảy ra những tai nạn đáng tiếc nào dẫn đến thiệt mạng phi công hoặc máy bay bị phá hủy. Đây là một dấu mốc quan trọng cho một chương trình phát triển dòng máy bay lớn như vậy.

Trong quá trình thử nghiệm, F-35 đã có ba lần xảy ra lỗi gây cháy động cơ, nhưng không có chiếc máy bay nào bị rơi và chỉ có một người bị thương. Điều này trái ngược với việc phát triển các máy bay chiến đấu khác; nhất là trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, có tỷ lệ tai nạn cao hơn rất nhiều.

Những chiếc F-35 đã xảy ba sự cố "Lớp A" (theo bảng đánh giá thiệt hại của quân đội Mỹ xác định, tai nạn Lớp A là tai nạn gây thiệt hại cho máy bay lớn hơn 2 triệu USD hoặc làm mất mạng hay gây tàn tật vĩnh viễn cho phi công) trong quá trình thử nghiệm.

Năm 2014, một chiếc F-35A thử nghiệm bị bắt lửa khi chuẩn bị cất cánh tại căn cứ không quân Eglin. Phi công đã kịp thời xử lý không gây thiệt hại lớn. Vào tháng 10/2016, một chiếc F-35A khác bất ngờ phát hỏa trên không buộc phi công phải hạ cánh khẩn cấp.

Trước vụ tai nạn trên 1 tháng, một tai nạn loại A cũng được ghi nhận đối với phiên bản F-35A. Động cơ máy bay đã phát lửa khi phi công đang cố khởi động chiếc máy bay đỗ dưới mặt đất. Do gió mạnh thổi từ phía sau là thủ phạm khiến chiếc F-35A bốc cháy.

Tuy nhiên đám cháy được dập tắt nhanh chóng; trong lần tai nạn này phi công đã bị bỏng trên cổ, đầu và mặt.

Ai bảo tiêm kích tàng hình F-35 là quan tài bay: Hãy xem! - Ảnh 1.

F-35 bắn thử pháo trên thân.

Những thành tích đáng được ghi nhận

Trong lịch sử phát triển các loại máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ, chiếc F-15 là máy bay có tỷ lệ tai nạn của lớp A là 2,36 trên 100.000 giờ bay. Đây cũng là máy bay có tỷ lệ tai nạn thấp sau gần 40 năm hoạt động nếu so sánh với máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-22 Raptor có tỷ lệ tai nạn tương đối cao là 5,49 trên 100.000 giờ bay.

Trong số các máy bay chiến đấu, kỷ lục an toàn có thể sánh với F-35 chính là những chiếc máy bay của không quân hải quân F/A-18 Super Hornet với tỷ lệ trung bình là 2,84 vụ/100.000 giờ bay đạt được trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2013.

Tuy nhiên những năm gần đây, tỷ lệ tai nạn của dòng máy bay này tăng chóng mặt, đến nỗi các phi công Mỹ đặt tên cho máy bay F/A-18 Super Hornet là những chiếc "quan tài bay".

Ai bảo tiêm kích tàng hình F-35 là quan tài bay: Hãy xem! - Ảnh 2.

Tiêm kích F-35.

Máy bay chiến đấu F-16 là loại máy bay chiến đấu được biên chế nhiều nhất hiện nay trong quân đội Mỹ; nhưng loại máy bay này mức độ tai nạn lớp A cũng đạt tỷ lệ tương đối cao là 3,45/100.000 giờ bay.

Kỷ lục các vụ tai nạn lớp A hiện nay thuộc về máy bay cất hạ cánh thẳng đứng của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ AV-8B Harrier. Năm 2002, theo một điều tra của báo Los Angeles Times báo cáo rằng tỷ lệ tai nạn Lớp A của AV-8B Harrier là 11,44/100.000 giờ bay.

Trong lịch sử phát triển các dòng máy bay chiến đấu phản lực; trong thời kỳ đầu khi các động cơ phản lực mới được đưa vào sử dụng, tỷ lệ sự cố lớp A rất lớn, vượt xa những gì ngày hôm nay.

Trong những năm 1960, máy bay chiến đấu F-100 Super Sabre của không quân Mỹ đã có trung bình 21 tai nạn lớp A trên 100.000 giờ bay. Trong tổng số 2.294 Super Sabre do Không quân Mỹ mua, đã có 889 chiếc đã bị rơi do tai nạn.

Theo tạp chí Không lực Mỹ FAA thống kê cho biết: chỉ trong riêng năm 1958 đã có 116 vụ tai nạn máy bay F-100, làm thiệt mạng 47 phi công.

Giữ kỷ lục về số vụ tai nạn từ thời hậu Thế chiến II đến nay là chiếc Starfighter F-104G. Một biến thể của chiếc F-104 thuộc biên chế Không quân CHLB Đức; nó đã gây ra 139 tai nạn trên 100.000 giờ bay. Không quân CHLB Đức đã mất đến 30% số máy bay Starfighter F-104G trong tổng số máy bay của mình.

So với các con số tai nạn của máy bay trong suốt thời kỳ chiến tranh Lạnh, F-35 là một chiếc máy bay được đánh giá là an toàn. Còn khi so sánh với những dòng máy bay chiến đấu mới phát triển gần đây của quân đội Mỹ nó có hiệu số an toàn cao hơn rất nhiều (tính đến thời điểm hiện tại).

Hầu như tất cả các máy bay chiến đấu hiệu năng cao đều mất một hoặc hai chiếc máy bay trong giai đoạn phát triển.

Trong suốt quá trình thử nghiệm, việc F-35 chỉ phát sinh 3 sự cố lớp A trong 100.000 giờ bay thực sự không phải là cao so với các chương trình phát triển máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ (kể cả máy bay thế hệ 5 F-22 Raptor).

Đối với những máy bay vẫn đang trong quá trình phát triển; hầu hết đều gặp phải tai nạn vì những vấn đề về thiết kế hoặc chất lượng; thậm chí là do phi công chưa thích nghi được với những loại máy bay mới.

Tỷ lệ tai nạn có xu hướng giảm khi những vấn đề này được giải quyết. Nếu tỷ lệ tai nạn của F-35 giữ được thấp như hiện nay, nó có thể là một trong những máy bay chiến đấu an toàn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại