Lạnh gáy kịch bản cuộc chiến và so sánh tiềm lực quân sự Trung - Ấn

Quốc Vinh |

Có ý kiến cho rằng, nếu xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ nổ ra ở vùng biên giới, hai cường quốc châu Á sẽ chỉ phân định được thắng thua bằng các chiến dịch trên biển.

Thế giới sẽ điêu đứng?

Theo nhà phân tích quân sự Kyle Mizokami của tạp chí National Interest, chỉ cần giả định trên lý thuyết cũng đủ thấy, cuộc chiến tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc sẽ là một trong những xung đột có quy mô tàn phá khốc liệt nhất ở châu Á.

Một cuộc chiến giữa hai cường quốc sẽ khiến khu vực giáp ranh với cả hai trở thành chiến trường đẫm máu với hàng nghìn người thương vong cũng như ảnh hưởng đáng kể đối với nền kinh tế toàn cầu.

Lạnh gáy kịch bản cuộc chiến và so sánh tiềm lực quân sự Trung - Ấn - Ảnh 1.

Ấn Độ - Trung Quốc đã có nhiều năm xích mích ở biên giới

Ấn Độ và Trung Quốc có tranh chấp biên giới với nhau tại hai địa điểm, miền Bắc Ấn Độ /Tây Trung Quốc và Đông Ấn Độ /miền Nam Trung Quốc.Cũng theo chuyên gia này, những đặc điểm về vị trí địa lý, nhân khẩu học sẽ đóng một vai trò độc đáo, hạn chế phạm vi của chiến tranh, cũng như là điều kiện tối hậu cho chiến thắng.

Hai nước từng xảy ra một cuộc chiến kéo dài hồi tháng 10/1962, mà giới học giả đánh giá là Bắc Kinh đã có lợi thế nhỉnh hơn một chút so với New Delhi.

Chính sách "Không ưu tiên sử dụng" liên quan đến vũ khí hạt nhân, mà hai nước đều đồng ý, sẽ khiến một cuộc chiến tranh hạt nhân trên thực tế khó xảy ra.

Theo chuyên gia Mizokami, cả hai quốc gia đều có dân số khổng lồ với mỗi bên hơn 1,3 tỷ người. Về cơ bản Ấn Độ và Trung Quốc đều khó có thể khuất phục nhau một cách hoàn toàn.

Giống như tất cả các cuộc chiến tranh hiện đại, một cuộc chiến tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc sẽ được phát động trên mặt đất, trên biển và trên không.

Vị trí địa lý của cả hai sẽ khiến cho cuộc chiến trên mặt đất gặp nhiều hạn chế. Thay vào đó, trọng tâm cuộc chiến sẽ là trên không, với sự huy động của máy bay chiến đấu và cả tên lửa, những vũ khí sẽ gây ra tàn phá nặng nề nhất đối với hai bên.

Tuy nhiên, con át chủ bài đang rơi vào tay Ấn Độ, quốc gia có thể chiếm ưu thế dễ dàng trong một cuộc xung đột trên biển bằng việc gây ra hậu quả thảm khốc cho nền kinh tế Trung Quốc.

Tiềm lực quân sự Trung - Ấn: Mèo nào cắn mỉu nào?

Lạnh gáy kịch bản cuộc chiến và so sánh tiềm lực quân sự Trung - Ấn - Ảnh 2.

Chiến dịch trên không của Trung Quốc sẽ gặp hạn chế do thiếu căn cứ tiền phương

Cả hai nước được đánh giá là duy trì lực lượng không quân chiến thuật lớn có khả năng làm nhiệm vụ tầm xa hoàn hảo. Một cuộc chiến tranh giữa hai nước nếu xảy ra, sẽ không giống như cuộc chiến năm 1962, mà thay vào đó, các chiến dịch trên không sẽ được huy động tối đa.

Đơn vị Không quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong Quân khu Lan Châu sẽ được triển khai tấn công các bang Punjab, Himchal Pradesh và Uttarakhand. Còn từ Quân khu Thành Đô, các máy bay sẽ mở rộng tầm ngắm đối với bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ.

Lan Châu là "quê hương" của tiêm kích J-11, J-11B, cứ điểm của hai trung đoàn oanh tạc cơ chiến lược H-6 và chiến đấu cơ J-7, J-8.

Mặc dù vậy, việc thiếu căn cứ tiền phương ở Tân Cương khiến cho chiến dịch không kích phát động từ Quân khu Lan Châu tiến vào miền Bắc Ấn Độ có thể bị hạn chế.

Trong khi đó Quân khu Thành Đô - nơi biên chế các tiêm kích J-11A và J-10 tiên tiến cũng gặp phải điều tương tự khi có tương đối ít các sân bay quân sự ở Tây Tạng hay bất cứ nơi nào gần Ấn Độ.

Tuy nhiên, Trung Quốc không nhất thiết phải huy động máy bay chiến thuật để gây tổn thương cho Ấn Độ. Nước này có thể bổ sung hỏa lực với tên lửa đạn đạo từ Lực lượng tên lửa Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLARF).

PLARF có thể huy động 2.000 tên lửa đạn đạo DF-11, DF-15 và DF-21 tới sát biên giới với Ấn Độ.

Một khi tổng lực triển khai, những tên lửa này được sử dụng để đe dọa mục tiêu chiến lược của Ấn Độ trên mặt đất, tuy nhiên nó sẽ khiến cho khả năng phòng thủ ở sườn giáp biển phía Đông của Trung Quốc trở nên mỏng manh.

Lạnh gáy kịch bản cuộc chiến và so sánh tiềm lực quân sự Trung - Ấn - Ảnh 3.

Ngược lại, Ấn Độ sẽ thúc thủ trước dàn tên lửa của Trung Quốc

Hạm đội trên không của New Delhi bao gồm 230 tiêm kích Su-30MKI, 69 tiêm kích MiG-29 và thậm chí những chiến đấu cơ Mirage 2000 cũng tỏ ra vượt trội so với hầu hết máy bay của Bắc Kinh. Ngoài ra, lực lượng không quân của Ấn Độ đang được đánh giá về khả năng làm chủ bầu trời tốt hơn so với Trung Quốc.

Hơn nữa, Ấn Độ có đủ máy bay để đối phó với một cuộc chiến tranh dàn trên hai mặt trận, kể cả trong trường hợp Không quân Pakistan nhảy vào cùng một lúc.

Nước này cũng triển khai các hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Akash để bảo vệ căn cứ không quân và các mục tiêu có giá trị cao khác.

Dù trong ngắn hạn, Ấn Độ có thể tự tin đối đầu trên không nhưng họ lại không có cách nào ngăn chặn một cuộc tấn công tên lửa đạn đạo từ Trung Quốc.

Các đơn vị tên lửa Trung Quốc ở Tân Cương và Tây Tạng có thể bắn trúng bất cứ mục tiêu nào ở phần nửa trên miền Bắc Ấn Độ một cách dễ dàng. Trong khi đó, Ấn Độ không có hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo và các vũ khí cần thiết để săn lùng và tiêu diệt các bệ phóng tên lửa.

Theo chuyên gia Mizokami, chiến trường mặt đất dường như không mang nhiều ý nghĩa trong cuộc chiến tranh giữa hai cường quốc châu Á.

Sườn biên giới của cả Ấn Độ và Trung Quốc đều mang địa hình gồ ghề, không có cơ sở hạ tầng vận tải, khiến việc cử bộ binh cơ giới đến hoàn toàn khó khăn. Những chiến dịch quy mô lớn ở địa hình nhiều đồi núi sẽ dễ dàng bị pháo binh "hốt trọn". Do đó đấu trên bộ sẽ khiến cả hai rơi vào bế tắc và thiệt quân không đáng có.

Lạnh gáy kịch bản cuộc chiến và so sánh tiềm lực quân sự Trung - Ấn - Ảnh 4.

Mặt trận quyết định sẽ ở trên biển, khi Ấn Độ dường như sẽ là bên có lợi thế hơn

Hải quân Ấn Độ với lực lượng tàu ngầm, tàu sân bay INS Vikramaditya và chiến hạm mặt nước có thể dễ dàng ngăn chặn dòng chảy thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Trong khi đó, cuộc chiến trên biển sẽ là mặt trận quyết định trong một cuộc xung đột giữa hai nước. Là "ông chủ" ở Ấn Độ Dương, Ấn Độ đang nắm giữ yết hầu của Trung Quốc.

Sẽ mất đến vài tuần Hải quân Trung Quốc mới có thể lắp ráp đội hình và hành trình tới phá thế vây hãm. Thậm chí Bắc Kinh cũng khó mà phá được đội hình của New Delhi khi lực lượng của họ phải chịu thiệt thòi khi làm nhiệm vụ ở nơi xa xôi, không có căn cứ hậu cần.

Nếu điều này xảy ra, Trung Quốc sẽ buộc phải chuyển hướng các tàu hàng qua Tây Thái Bình Dương, nơi cũng không dễ chịu hơn là mấy với các hoạt động hải quân của Australia, Nhật hay Mỹ quấy nhiễu.

87% nhu cầu xăng dầu của Trung Quốc được nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Đông và châu Phi. Trữ lượng dầu lửa chiến lược của Trung Quốc có thể đáp ứng tình trạng thiếu nhiên liệu khẩn cấp trong 77 ngày, sau đó Bắc Kinh sẽ phải tuyên bố chấm dứt chiến tranh nếu không muốn tình hình càng tồi tệ.

Một cuộc chiến tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc dù ngắn ngủi nhưng nếu xảy ra nó sẽ trở nên tồi tệ, tàn bạo và mang đến những hậu quả sâu xa cho nền kinh tế toàn cầu.

Cả hai bên đều hiểu rõ điều này. Đó là lý do tại sao đã không có cuộc chiến tranh nào giữa họ trong suốt 50 năm qua. Và theo nhà phân tích Kyle Mizokami, một cuộc xung đột sẽ khó xảy ra kể cả trong tình hình hiện tại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại