Chọn S-400 của Nga: Thổ Nhĩ Kỳ đang thay đổi cuộc chơi trên thị trường vũ khí?

Trung Phạm |

Hợp đồng mua bán này được xem là dấu hiệu "quay mặt" của Thổ Nhĩ Kỳ với NATO, liên minh quân sự đã kéo Ankara ngả sang phương Tây hơn 6 thập kỷ qua.

Hãng tin Bloomberg ngày 14/7cho biết, sau một quá trình dài thương thảo, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý chi trả 2,5 tỷ USD để mua S-400, hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất của Nga. Theo thỏa thuận sơ bộ, Ankara sẽ tiếp nhận 2 tổ hợp S-400 từ Nga ngay trong năm tới, sau đó sẽ sản xuất thêm 2 tổ hợp nữa tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo dự đoán, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ triển khai một tổ hợp gần eo biển Bosphorus và Dardanelles, còn tổ hợp thứ hai sẽ được bố trí gần Ankara hoặc theo hướng Đông Nam, giáp với Syria và Iraq.

Thay đổi cuộc chơi trên thị trường vũ khí

Bình luận về hợp đồng mua bán này, chuyên gia nghiên cứu Konstantin Makienko thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ có trụ sở ở Moscow nhận xét:

Các mặt hàng quan trọng nhất và nhạy cảm nhất trên thị trường vũ khí là hệ thống máy bay chiến đấu – tiêm kích và các hệ thống phòng không tầm xa. Vì thế, nếu Thổ Nhĩ Kỳ mua các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga, đó sẽ là động thái "dịch chuyển kiến tạo, thay đổi cuộc chơi trên thị trường vũ khí".

Makienko cho rằng, việc chuyển giao các hệ thống như vậy có một ý nghĩa rất quan trọng, chúng sẽ "khóa bầu trời Thổ Nhĩ Kỳ, ít nhất cũng một phần. Hệ thống sẽ khóa các máy bay chiến đấu do phương Tây sản xuất".

Theo phân tích của Bloomberg, S-400 của Nga dù không tương thích với các hệ thống phòng thủ khác của NATO nhưng sẽ không bị ràng buộc bởi những quy định do liên mình này áp đặt. NATO ngăn cấm Thổ Nhĩ Kỳ triển khai các hệ thống phòng thủ của khối này trên biên giới với Armenia, vùng bờ biển Aegea hay biên giới Hy Lạp.

Makienko cho rằng, hợp đồng với Nga sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa ở bất cứ địa điểm nào trên toàn lãnh thổ. Giao dịch này cũng giúp thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng, hiện thực hóa mục tiêu đa dạng hóa các nguồn cung vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chọn S-400 của Nga: Thổ Nhĩ Kỳ đang thay đổi cuộc chơi trên thị trường vũ khí? - Ảnh 1.

Hệ thống phòng không tiên tiến S-400 của Nga triển khai tại Syria. Ảnh: Sputnik

Chọn Nga vì quá thất vọng với phương Tây

Bloomberg đánh giá, hợp đồng thương mại này là dấu hiệu "quay mặt" của Thổ Nhĩ Kỳ với NATO, liên minh quân sự đã kéo Ankara ngả sang phương Tây hơn 6 thập kỷ qua.

Thực vậy, Thổ Nhĩ Kỳ gia nhận NATO ngày từ những năm đầu Chiến tranh Lạnh, giữ vai trò chủ chốt như một quốc gia tuyến đầu tiếp giáp Liên Xô.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quan hệ giữa Ankara với các quốc gia đồng minh ngày càng trở nên căng thẳng khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan theo đuổi một chính sách ngoại giao quyết đoán và độc lập hơn do những xung đột diễn ra ở hai quốc gia láng giềng Iraq và Syria.

Căng thẳng với Mỹ gia tăng khi Washington hậu thuẫn cho phiến quân người Kurd ở Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ coi đât là các phần tử khủng bố. Cùng lúc đó, quan hệ với Liên minh châu Âu cũng diễn biến xấu đi khi khối này chỉ trích Ankara ngày càng độc tài.

Tháng trước, Đức đã quyết định rút quân khỏi căn cứ chính của NATO đóng tại Incirlik sau khi Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho các nhà lập pháp Đức đến thăm binh lính ở đây.

"Chọn hợp đồng tên lửa với Nga là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang quá thất vọng với Mỹ và châu Âu", Makienko nhận xét.

Trong một bình luận riêng rẽ về vấn đề này trên tờ Vzglyad, chuyên gia phân tích chính trị Kirill Koktysh, ‎Phó giáo sư Học viện Quan hệ Quốc tế Moscow (MGIMO) nói:

"Việc chuyển giao các chủng loại vũ khí như vậy được nhất trí chỉ trên điều kiện có những lý do chiến lược vững chắc và một kế hoạch hợp tác quân sự dài hạn. Do đó, chúng ta đang chứng kiến việc nối lại tình hữu nghị giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, tạo dựng một thực tế chiến lược và một vùng an ninh chiến lược mới".

Theo Koktysh, Thổ Nhĩ Kỳ đang có một mức độ tin tưởng rất thấp và gần như không có bất kỳ kế hoạch chiến lược nào với châu Âu và Mỹ.

"Ankara đang tìm kiếm một định hướng chiến lược khác và những đồng minh đáng tin cậy hơn" - ông nói.

Với Thổ Nhĩ Kỳ, khía cạnh quan trọng nhất của hợp đồng là chuyển giao công nghệ. Nước này đang rất muốn tự sản xuất các hệ thống phòng thủ tiên tiến cho riêng mình và việc Nga đồng ý cho phép Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất 2 tổ hợp S-400 trong nước sẽ đáp ứng được nguyện vọng đó.

S-400 được thiết kế để phát hiện, bám bắt và tiêu diệt máy bay chiến đấu, máy bay không người lái và tên lửa. Đây là hệ thống phòng không tích hợp tiên tiến nhất của Nga, có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 250 dặm (400 km).

Bloomberg dẫn lời một quan chức cấp cao đề nghị giấu tên của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, các hệ thống được chuyển giao cho Ankara sẽ không có thiết bị nhận diện bạn - thù, nghĩa là chúng có thể được triển khai chống lại bất cứ mối đe dọa nào mà không bị hạn chế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại