Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bị "bỏ rơi, sống nghèo khổ": Hé lộ những thông tin bất ngờ

Ngọc Anh |

Câu chuyện nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bị con gái ruột bỏ rơi, phải sống trong cảnh nghèo túng lúc cuối đời nhận được sự chú ý lớn của dư luận.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: "Tôi khổ lắm"

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý giờ đã ngoài 90 tuổi. Ông sống trong căn phòng chưa đến 10m2, cuộc sống gói gọn trên chiếc giường sắt cũ kĩ. Phòng khách trong căn nhà được bài trí sơ sài, xung quanh nhà treo ảnh ông và những bằng khen đạt được trong những năm còn sáng tác.

Tay chân ông bây giờ rất yếu nên khó thể đi đứng, đôi khi muốn đứng dậy pha tách trà mà cũng không làm nổi.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bị bỏ rơi, sống nghèo khổ: Hé lộ những thông tin bất ngờ - Ảnh 1.

Một phần bên trong nơi sống của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

 Mọi sinh hoạt thường ngày của ông đều phải cậy nhờ vào người cháu họ xa tên Thương- vốn chăm sóc ông suốt mấy mươi năm qua.

"Cuộc sống của tôi bây giờ chỉ trông nhờ vào người cháu họ xa, tôi buồn và cô đơn lắm!", ông chia sẻ trên báo Phụ nữ Thành phố HCM.

Theo lời nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, hiện tại cả 2 người con của ông đều không đoái hoài đến người cha già yếu, bệnh tật và không biết còn sống được bao lâu nữa.

Khi trò chuyện với phóng viên, ông cứ liên tục nhắc đi nhắc lại câu: "Tôi khổ lắm". Hỏi ông vì sao khổ, ông nói vì không có ai yêu thương.

Ông muốn được gần con nhưng lâu rồi không thấy con gái đến thăm, ông gọi cũng chẳng thèm nghe máy.

Không chỉ có cơ đơn, cuộc sống của nhạc sĩ già cũng hết sức túng quẫn phải trông chờ vào phần lương hưu mỗi tháng cùng sự hỗ trợ từ các Mạnh Thường Quân gần xa, giúp ông trang trải chi phí thuốc men cũng như có bữa cơm bữa cháo trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng.

Trước câu chuyện về bố gây xôn xao dư luận, giảng viên Thái Linh - con gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã chính thức lên tiếng. 

Bà Thái Linh nói trên báo Phụ nữ TPHCM: "Đây không phải là lần đầu tiên bố nói những điều này, rằng 2 con gái của bố tệ bạc ra sao, bất hiếu thế nào… Rất nhiều năm nay chúng tôi chịu sự chỉ trích của người đời, những lời chỉ trích đến cay nghiệt. Chị em chúng tôi chỉ biết chịu đựng chúng".

Những lời trách con từ bố, cũng không phải vì bố không thương con. Vì thế mà tôi nghĩ những cay nghiệt và miệt thị mà chúng tôi chịu đựng bao nhiêu năm qua, dù có nhiều hơn nữa, cũng không sao cả

 Sau khi đọc được những gì bố chia sẻ trên báo hôm qua, chị gái tôi gọi điện vào mà khóc ngất. Dường như chúng tôi chỉ có thể chia sẻ với nhau nỗi buồn này bằng cách đó, là khóc, bao năm qua đều như thế".

Bà Linh cũng thẳng thắn nói về "ngọn nguồn cơ sự" rằng: Tất cả những gì ông đối xử với chúng tôi đã có sự sự tác động của người thứ 3.

2 vợ chồng bà Linh từng có thời gian bỏ lại nhà riêng, dọn qua ở chung với ông để tiện bề chăm sóc. Nhưng chưa được bao lâu, ông gọi công an khu vực đòi đuổi 2 vợ chồng đi. Thậm chí, ông còn chỉ vào con gái khẳng định "là kẻ thù số một".

"Ông muốn chúng tôi ra khỏi nhà cho bà Thương (vốn là cháu dâu - người đang sống cùng nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý) về lại nhà"

Tất cả những điều đó khiến bà Linh uất ức và không thể tiếp tục sống cùng bố đẻ.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bị bỏ rơi, sống nghèo khổ: Hé lộ những thông tin bất ngờ - Ảnh 2.

Bà Thương - người chăm sóc nhạc sĩ nhiều năm nay

Về chuyện tiền nong, bà Thái Linh cho hay, thu nhập của ông mỗi tháng cũng phải trên dưới 20 triệu, đó là tiền lương hưu, tiễn hỗ trợ của Hội Âm nhạc TP.HCM, tiền hỗ trợ từ một đơn vị ngoài Hà Tĩnh, tiền tác quyền âm nhạc, tiền con cái gửi...

"Ông có tiền nhưng tiền trong tay nhưng lại không có bao nhiêu, bởi bị người ta bòn rút", bà Linh tỏ ra chua xót.

Thêm một sự thật bất ngờ khác

Trước những luồng thông tin phức tạp trên, nhà thơ Lưu Trọng Văn - một người thân thiết với gia đình nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đã chia sẻ những thông tin khá bất ngờ trên trang cá nhân về "sự nghèo" của vị nhạc sỹ lớn tuổi. Được sự đồng ý của Nhà thơ, chúng tôi xin trích dẫn lại chia sẻ của ông:

"Gã muốn im lặng, nhưng thấy báo chí và dân mạng ầm ĩ quá chuyện "nghèo" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, rồi những lời trách móc con gái của nhạc sĩ bỏ rơi nhạc sĩ trong cảnh túng quẫn, già nua, rồi nhạc sĩ nói muốn chết quách cho rồi... gã đành phải lên tiếng.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chính là người bế ẵm gã từ tay bà mụ Lê Thị Thịnh, khi gã chào đời. Và ông chính là người hát câu hát ru gã đầu tiên. Gã luôn kính trọng ông. Khi về già, ông thường điện thoại cho gã: "Văn ơi có đi chơi đâu khỏi Sài Gòn thì rủ chú đi với".

Gã từng rủ ông đi... phượt ở nhiều vùng quê. Đi với ông sướng lắm vì ăn theo sự ngưỡng mộ của dân quê với ông. Được nghe ông hát Dư Âm, Một khúc tâm tình, Tấm áo mẹ vá năm xưa, Mẹ ru con, Dáng đứng Bến Tre... Và được ngóng tai, tròn mắt thấy ông trổ tài tán các bà các cô tươi xinh.

Ông hơn đứt nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi ở đôi lúm đồng tiền duyên và ánh mắt đa tình. Vậy thì ông yêu lung tung xòe và được các bà các cô tỏ tình xòe lung tung là do Trời... "đày" chứ đâu phải lỗi của ông. Chả là giai thoại đâu, trong giới nhạc ai chả biết cứ sau mỗi khúc tâm tình, với... đi mô, với dáng đứng là một cuộc tình.

Ông không hề giấu gã về các cuộc tình vụng trộm đẩu đâu. Nói chung đã là nhạc sĩ thì luôn đồng nghĩa với đa tình, luôn đồng nghĩa với ngoại... tình. Gã nói vậy, gã thách có bác nhạc sĩ nào dám tuyên bố rằng, thằng Văn mày đừng có đặt điều, tao đây không đa tình, không ngoại tình. Gã nghĩ rồi, người có thể chửi gã là bố láo chắc chỉ có nhạc sĩ Lưu Hữu Phước mà thôi.

Các cuộc tình không để lại hậu quả, mà chỉ để lại các chiến quả thì các bác nhạc sĩ thường khoe. Và các bà vợ, con cái thường dễ dàng tha thứ cho các bác ấy vì do... lấy cảm hứng sáng tác.

Nhưng các cuộc tình không có chiến quả là bài hát để đời nào mà chỉ có hậu quả làm phức tạp và rắc rối các mối quan hệ gia đình thì các bà vợ và con cái của họ khó mà cho qua.

Nói gần nói xa là rứa. Là rứa, xung khắc bố con chú Tý của gã.

Là rứa, bố muốn con hiểu bố, cảm thông với bố, chia sẻ gánh nặng cho bố, con không chịu, vậy thì: Con bị mang tiếng là bỏ rơi bố.

Gã chứng kiến Linh, con gái rượu của chú Tý, lo cho bố thế nào, chăm sóc từng miếng ăn, bước đi, giấc ngủ cho bố ra sao. Linh cứ nhắc đến bố là ứa nước mắt.

Hôm ấy Linh bảo gã đến nhà Linh. Gã bất ngờ thấy một căn phòng rất đẹp nhìn ra vườn cây. "Anh vào đi, chú ở trong ấy". Linh tỏ ra rất vui khi bố về ở với mình. Nhưng khi chỉ có gã và chú Tý, chú lại rơm rớm nước mắt. Chú bảo: "Con Linh nó thương chú nhưng nó không hiểu chú cháu à. Chú chỉ muốn ở đằng kia".

Và rồi chỉ ở vài hôm căn phòng đầy đủ tiện nghi và sự chăm sóc tận tình của con gái, cô con gái mà nhạc sĩ từng viết nên ca khúc tuyệt diệu, ru con, me ru con à ới ru hời, miệng con chúm chím... ông nhạc sĩ bỏ đi. Ông về lại cái mà ông gọi là ổ chuột nhưng với ông chính là tổ ấm của ông.

Chuyện bắt đầu từ vợ của chú - cô Lê, em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương qua Đức ở với Linh, khi đi cô nhờ cháu gái của cô cũng tên Thương chăm sóc cơm nước cho chú Tý. Và rồi, chuyện gì xảy ra...

Chú Tý có lần nói với gã, đó là lỗi do cô, sao cô lại bỏ chú qua Đức để chú ở một mình? Khi cô Lê cùng Linh từ Đức trở về, biết sự tình, cô đã im lặng và sống riêng với Linh cho đến khi cô qua đời. Gã biết cô tuy cứ cười cười nhưng trong lòng thì đớn đau lắm.

Thương là người phụ nữ mê thơ, âm nhạc và dân ca Quảng. Thương chăm sóc hết mình cho chú... Tý. Chú Tý nói với gã, chú đau yếu, bệnh tật, già nua, chú phải luôn biết ơn Thương và con gái của Thương đã hết mình chăm sóc chú. 

Đấy là cái tình và tình thương. Gia đình của Thương rất nghèo khó, con cái cũng nghèo khó.

Chú Tý có lần khóc với gã: "Người ta lo cho mình, thương mình làm sao mình bỏ người ta được cháu ơi!".

Còn Linh nói với gã trong nước mắt: "Bao nhiêu tiền bố em cho người ta cả chứ có tiêu pha gì cho mình đâu. Làm sao một ông già có thể gánh cả gánh nặng như thế. Đã thế lại còn cháu của người ta nữa... Em làm sao có thể chấp nhận được điều ấy. Xót quá anh à. Xót đứt ruột anh à".

Gã đến nhà chú Tý thấy một thằng bé rất dễ thương, rất đẹp trai, đó là con trai của con gái của Thương, tức là cháu ngoại của Thương. Gã hỏi bố của bé là ai, chú Tý bảo, không biết. Chú ôm đứa bé, bế đứa bé, gã cảm nhận từng ánh mắt của chú thật kỳ lạ, cứ sáng rực lên. Chú bảo với gã, đi đâu một lúc nhớ thằng bé không chịu được.

Tình. Tình thương. Thế thôi. Bi kịch từ đó mà ra. Bi kịch của những người tử tế.

Bây giờ thì ai đó đã phần nào hiểu được và tha thứ cho người nhạc sĩ, cho con gái nhạc sĩ, cho cả gia đình người đàn bà lam lũ nhiều năm nay sống, chịu muôn tủi cực, chua xót miệng lưỡi thế gian hiện đang sống cùng nhạc sĩ.

Chú Tý nói với gã, chú gần đất xa trời rồi, chú cần gì cho chú nữa đâu cháu ơi, chú chỉ lo chú chết đi thì gia đình của Thương sẽ sống ra sao, thằng bé mà chú rất yêu nó, bao năm sống bên chú sẽ ra sao?

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đâu có than cho ông. Ông hiểu đoạn cuối cuộc hành trình của mình, ông chỉ còn vũ khí duy nhất là...than thôi. Ông đâu còn quyền lực và vũ khí nào khác nữa đâu.

Có lần gã hỏi ông, nếu một ngày nào đó chú ra đi, thì điều mong ước cuối cùng để lại là gì? Ông khóc và bảo: Mọi người hãy hiểu cho chú và tha thứ cho chú".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại