Bức màn tối sau chuyện Văn Thanh mất cơ hội sang châu Âu vì SEA Games

AQ |

Thật tình cờ và thật bất ngờ, năm nay là tròn 1 thế kỷ kể từ lúc Franz Kafka bắt đầu ấp ủ kiệt tác “Lâu đài”.

1. Sau 5 năm thai nghén, Kafka hạ bút viết "Lâu đài" vào tháng 1/1922. Đó là câu chuyện về K, một chàng trai chuyên đo đạc ruộng đất. Một ngày kia, K được gọi đến làm việc trong một tòa lâu đài tại một ngôi làng nọ. K mừng lắm.

Vừa đến làng, K đã được dân chúng cho biết rằng tòa lâu đài có quyền lực ghê gớm, chi phối toàn bộ cuộc sống trong làng. Tất cả dân làng đều sợ hãi khi nhắc đến lâu đài. Chưa cần bàn đến chức sắc cao nhất trong lâu đài là ngài Klamm bí ẩn, ngay cả những kẻ "ăn theo", "sống bám" trong tòa lâu đài cũng oai khủng khiếp.

Để vào được lâu đài nhận việc, K phải xin được giấy phép. Nhưng cái điều tưởng chừng cực kỳ đơn giản ấy, cho đến hết đời K vẫn không làm được bởi chàng vấp phải một bộ máy hành chính quan liêu, lằng nhằng và đầy những góc khuất.

Lâu đài thực sự là của ai? Quý ngài Klamm là thật hay là giả? K không bao giờ trả lời được câu hỏi ấy, vì mọi dấu vết của Klamm đều bị xóa sạch. Ngay đến chữ ký trong bức thư có vẻ là của ông ta gửi K, chàng cũng không thể đọc được.

Bức màn tối sau chuyện Văn Thanh mất cơ hội sang châu Âu vì SEA Games - Ảnh 1.

Chính các cầu thủ liệu có biết bên trong lâu đài VFF là gì?

Trong toàn bộ cuốn tiểu thuyết, K lạc vào một thế giới thực mà tựa như ảo ảnh. Chàng nhìn thấy lâu đài, nhưng không sao đến được đó. Chàng nghe kể về Klamm, nhưng không thể gặp.

Ban đầu Kafka định cho nhân vật chính một cái danh xưng đầy đủ cả tên lẫn họ. Cuối cùng ông quyết định chỉ dùng một chữ viết tắt nhằm lột tả sự nhỏ bé, bất lực của những người không được sống trong lâu đài, như K.

2. Câu chuyện mà Kafka viết, phần nào khá giống với hiện thực của bóng đá Việt Nam. Tất cả các CĐV trên mảnh đất hình chữ S đều nhìn thấy một tòa "lâu đài" có biển đề "Liên đoàn Bóng đá Việt Nam", nhưng chẳng ai hiểu gì về những nhân vật bám trụ trong đó.

Hoặc nhìn nhận theo cách khác, chẳng ai biết gì về cách thức làm việc của các "quý ngài Klamm" trong tòa "lâu đài" VFF cả.

Một phóng viên từng hỏi ông Phó chủ tịch phụ trách truyền thông rằng: "Ông làm Phó chủ tịch phụ trách truyền thông mà không giữ quyền phát ngôn, thì ông làm gì?". Người được hỏi không trả lời, cứ ngồi im một cách bí hiểm.

Bóng đá Việt Nam quả thực khó định dạng không khác nào tòa lâu đài của Kafka. Luật ghi rõ là một ông chủ không được phép sở hữu nhiều hơn một đội bóng tham dự cùng một giải đấu. Ấy thế mà…

Bức màn tối sau chuyện Văn Thanh mất cơ hội sang châu Âu vì SEA Games - Ảnh 2.

Văn Thanh phải gác lại giấc mơ trời Âu vì mục tiêu "ao làng"!

Bỏ qua những thứ được ghi trong văn bản, ngó sang một sự kiện đáng bàn khác vừa xảy ra trong đời thực. Hậu vệ trẻ VănThanh được mời sang châu Âu thi đấu cho CLB Vojvodina Novi Sad, kèm theo đó là có cơ hội được chơi tại giải đấu danh tiếng Europa League mùa sau, nếu CLB Serbia vẫn giữ nguyên phong độ tại giải quốc nội.

Nhưng với ông chủ của Văn Thanh và cũng là sếp lớn tại VFF, Cúp châu Âu không quan trọng bằng một giải đấu thuộc tầm Đông Nam Á.

Trong khi Thái Lan đã chán "ao làng" đến tận họng, chúng ta vẫn hì hục bơi trong đó với quyết tâm thật khó tả thành lời.

Lại nhớ một dạo, có một bài viết trên một tờ báo lớn mang tựa đề: "Liên đoàn Bóng đá Việt Nam: Ai làm, ai chơi?".

Bài viết được mở đầu như sau: "Quan chức VFF, nhiều người giữ ghế quan trọng nhưng cả năm, công luận tịnh không thấy "đụng tay" vào việc nào. Hoặc giả có làm nhưng bên ngoài không có điều kiện để biết?".

Tất nhiên ở ngoài thì làm sao mà tỏ tường được những gì xảy ra bên trong những bức tường kiên cố của "lâu đài". Mà các CĐV thì đâu có quyền gì mà đòi vào trong. Tất cả, tương tự nhân vật K trong tiểu thuyết của Kafka, chỉ có thể đứng từ xa mà nghe, mà đoán, mà tự hỏi nhau.

"Lâu đài kia là của ai vậy nhỉ?".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại