Đây là lý do vì sao đừng đợi mắc ung thư mới tập khí công, yoga hoặc đi bộ!

Đình Mạnh (biên tập) |

"Khí công tăng cường lượng oxy, cải thiện lưu thông máu và nâng cao mức độ, cường độ dòng chảy của Khí (sinh lực hay năng lượng)".

Kích hoạt cơ chế tự bảo vệ của cơ thể

"Khí công duy trì sức khỏe tối ưu cho phép chữa lành các tế bào và các cơ quan bị bệnh..." - đó là nhận định của Tiến sĩ Amir Farid Isahak, người khởi xướng bộ môn đi bộ khí công để chữa bệnh ung thư nổi tiếng tại Malaysia.

Có vẻ như mới hôm qua, người ta còn khuyên các bệnh nhân ung thư, đặc biệt là sau khi phẫu thuật, hãy nghỉ ngơi cho khỏe. Nhưng bây giờ, ngay cả sau khi được cấy ghép tủy xương, một số bác sĩ, như Klaus Schule của Học viện thể thao Đức ở Cologne, đã khuyên bệnh nhân của họ, đứng dậy và tập thể dục.

Tại sao có sự thay đổi hoàn toàn như vậy?

"Tập thể dục kích hoạt cơ chế bảo vệ", giáo sư Horst Michna của Đại học kỹ thuật Munich nói.

Làm rõ thêm về chuyện này, Tiến sĩ Amir Farid Isahak của Malaysia - một thầy khí công và Reiki(1), bác sĩ phụ khoa, người thực hành y học tổng thể và có nhiều bệnh nhân ung thư nói: "Dù bệnh nhân phải trải qua bất kể một cách điều trị y tế nào, toa điều trị tổng thể của tôi vẫn như vậy vì nó nhằm trao quyền phòng vệ cho cơ thể để chiến đấu và dành chiến thắng trên các tế bào ung thư".

Nói ngắn gọn, Tiến sĩ Amir Farid dạy bệnh nhân cách "chống ung thư bằng khí công và làm siêu oxy hóa cơ thể của họ bằng cách hít thở sâu..."

Đây là lý do vì sao đừng đợi mắc ung thư mới tập khí công, yoga hoặc đi bộ! - Ảnh 1.

Tiến sĩ Amir Farid (trái) cùng nhà sư Ven Dr Jinwol tại Đại Lễ Phật Đản Vesak Liên Hiệp Quốc 2014.

Sự nghỉ ngơi quá mức và tình trạng ít vận động sẽ dẫn đến kết quả làm suy yếu cơ thể nghiêm trọng và làm suy giảm chức năng cơ thể. "Hãy sử dụng nó hoặc mất nó". Và không vận động thường mang đến bệnh trầm cảm.

Trong thực tế, hiện nay nhiều bác sĩ thấy rằng tập thể dục rất có lợi và họ cho phép, thậm chí khuyến khích, bệnh nhân ung thư bắt đầu một chương trình thể dục trước khi hoàn thành phiên hóa trị. (Điều này, kế hợp với giải độc bằng nước trái cây hữu cơ và thiền định, chắc chắn sẽ làm tăng cơ hội bình phục cho bệnh nhân).

"Thậm chí khi bệnh nhân ở giai đoạn cuối tập thể dục, hãy nhận biết sự cải thiện về tình trạng sức khỏe và chất lượng cuộc sống của họ", một số chuyên gia y tế nói.

Người có bệnh tập cường độ cao là sai lầm!

Tại Singapore, nơi số người trung niên tập thể dục thể thao là không nhiều, thế mà nhiều bệnh nhân ung thư vú đã tham gia "đua thuyền rồng".

Vâng, họ nói, họ tận hưởng những thách thức!

Nhưng Tiến sĩ Deepak Chopra – chuyên gia ngành nội tiết, người đã giới thiệu cách điều trị bằng Ayurveda (2)Yoga cho phương Tây – đã gióng lên một sự cảnh báo mạnh mẽ phản đối tập thể dục cường độ cao, nhất là đối với bệnh nhân ung thư ở độ tuổi từ giữa 40 trở lên.

Ông nói rằng, theo quan điểm Ayurveda, phần lớn các bài tập khuyến nghị ngày hôm nay không đạt được mức độ lý tưởng hóa. Ví dụ, thể dục nhịp điệu được thực hiện dành cho một trái tim hoặc luyện tập thể hình dành cho các cơ bắp của người tập, có thể đạt được một số điều tốt cho bạn, nhưng đấy không phải là hoạt động đủ toàn diện.

"Điều lý tưởng cần đạt tới là sự cân bằng toàn bộ hệ thống gồm tâm trí và cơ thể. Vấn đề cũng quan trọng là việc tập thể dục phải làm tăng thêm năng lượng hơn là năng lượng mà nó sử dụng, và đó là điều mà hầu hết mọi người có xu hướng bỏ qua", Tiến sĩ Chopra nhận xét.

Đây là lý do vì sao đừng đợi mắc ung thư mới tập khí công, yoga hoặc đi bộ! - Ảnh 2.

Tiến sĩ Deepak Chopra.

Vì vậy, theo những gì mà Tiến sĩ Chopra đã dạy, đi bộ được coi là lý tưởng cho tất cả các loại cơ thể và ông nói, "nửa giờ đi bộ nhanh mỗi ngày là một trong những khuyến nghị của Ayurveda chúng tôi".

Tiến sĩ Chopra chắc chắn sẽ tán thành chế độ tập luyện của Linda Chan, Irene Yeo và Sally Mah. Tất cả ba người phụ nữ này đều trên 50 tuổi và họ nói rằng, họ thường "đi bộ nhanh" dọc theo hồ nước trong khu bảo tổn thiên nhiên và luôn cảm thấy tỉnh táo, tràn đầy sinh lực.

Chắc chắn bơi ở biển là bài tập mong muốn nhất nhưng thật buồn, chỉ số ít bệnh nhân ung thư có thể tới được bãi biển và biển không bị ô nhiễm. Còn hồ bơi có khử trùng bằng clo không phải là một lựa chọn phù hợp.

Tập thể dục ở đâu là tốt nhất?

Bây giờ chúng ta xem xét vấn đề tại sao bệnh nhân ung thư đang trải qua hóa trị hoặc xạ trị làm suy yếu lại được khuyên nên tập thể dục.

Đó là vì tập thể dục và các hoạt động đem lại niềm vui, làm cho cơ thể sản sinh ra Endorphins (hormone hạnh phúc), và làm giảm cảm giác bất lực, tuyệt vọng của bệnh nhân.

Cặp vợ chồng Khadijah-Shaari và Yeong Sek-Yee thuộc Trung tâm chăm sóc ung thư Kuala Lumpur (tác giả cuốn sách Tập thể dục và phục hồi ung thư - Exercise and cancer recovery) đã và đang khuyến khích bệnh nhân thay đổi chế độ ăn uống và năng tập thể dục.

Họ nhận thấy rằng, những bệnh nhân đã hoàn thành phương pháp điều trị y tế của họ "thường phải đối mặt với rất nhiều tác dụng phụ của phương pháp điều trị khiến họ suy nhược lâu dài. Và các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng tập thể dục thích hợp sẽ ngăn ngừa sự mệt mỏi kéo dài".

Tiến sĩ Ian Gawler cũng nhắc nhở chúng ta rằng bệnh ung thư khó tiến triển với sự hiện diện của oxy. Và, việc tập thể dục thích hợp với sự hít thở sâu là cách nhanh nhất để đưa oxy tới các tế bào trong cơ thể. Chắc chắn vùng rừng Yarra Living Valley, nơi đóng trụ sở của tổ chức Qũy Gawler, là một nơi lý tưởng cho việc đi bộ trong thiên nhiên và chương trình tập khí công của họ.

Tại Malaysia, Trung tâm Sống khỏe của Tiến sĩ Mohammed Ishak có hồ riêng của họ, trang trại hữu cơ và một quang cảnh tuyệt đẹp của vùng Gunong Ledang (Núi Ophir). Đó là nơi lý tưởng cho việc tập Yoga mà các nhà liệu pháp của Trung tâm đang hướng dẫn bệnh nhân thực hành.

Ngay cả khu vườn nhiệt đới thu nhỏ của Khadijah và Yeong, được chia tách bởi các lối đi, trên sân thượng của ngôi nhà nằm ở góc phố của họ ở Subang Jaya, ngoại ô Kuala Lumpur, là minh chứng mạnh mẽ rằng, mặc dù trong thành phố, con người vẫn có thể tạo ra một ốc đảo xanh che chắn mọi ô nhiễm không khí bên ngoài.

Đây là lý do vì sao đừng đợi mắc ung thư mới tập khí công, yoga hoặc đi bộ! - Ảnh 3.

Tập khí công, chọn nơi không khí tự nhiên trong lành sẽ làm cho bài tập đạt hiệu quả cao.

Ở đây, tại trung tâm cũng đồng thời là nhà của họ, cặp vợ chồng này thường tiếp nhận bệnh nhân ung thư, phục vụ trà thảo dược và giới thiệu học đến với khí công.

Hiện nay khoa học đã chứng minh rằng "tập thể dục là một trong những trụ cột giúp bệnh nhân ung thư chữa lành, chúng ta sẽ xem xét những kiểu thể dục nào có ích nhất với họ.

Việc lựa chọn kiểu thể dục phụ thuộc vào độ tuổi của bệnh nhân và sự năng động của từng cá thể. Trong khi các bệnh nhân ung thư đang thích thú với các bài tập aerobic, chạy, chèo thuyền, đi xe đạp, đi bộ, bơi lội, tennis và khiêu vũ thì khí công và yoga, với sự nhấn mạnh việc kiểm soát hơi thở, là hai kiểu tập thể dục đã được công nhận trên toàn thế giới là có ích nhất cho bệnh nhân ung thư.

* Bài viết này rút từ sách "Phòng và điều trị ung thư theo phuong pháp tự nhiên" của tác giả Betty L Khoo-Kingsley, Đào Dũng Tuấn dịch, Thái Hà Books phối hợp Nhà xuất bản Lao động ấn hành.

Bài viết được chỉnh lý bởi biên tập viên Đình Mạnh. Các tiêu đề trong bài do tòa soạn đặt.

Theo website Komo, Betty L Khoo-Kingsley là nhà nghiên cứu và tác giả chuyên viết về sức khỏe tổng thể tự nhiên; một người đam mê với môi trường và làm vườn biodynamic.

Hơn 10 năm qua, bà đã tham gia cùng các nha "chữa bệnh" khác của Trái Đất trong việc thứ tỉnh và giảng dạy cho tất cả những người cởi mở - bằng các trang viết, các cuộc trò chuyện – cách khôi phục lại sức khỏe và sự hài hòa của con người với Mẹ Trái đất.

Bà là một tình nguyện viên toàn thời gian cho Thiên nhiên. Sinh ra ở Singapore, Betty đã có thẻ xanh của Úc và hiện đang cư trú tại Singapore.

Tác giả Betty L Khoo-Kingsley

Chú thích:

(1) Reiki được biết đến là một trong những phương pháp dưỡng sinh và trị bệnh lâu đời nhất của loài người, được phát hiện lại và truyền bá từ thế kỷ thứ XIX bởi bác sĩ người Nhật tên là Mikao Usui.

(2) Ayurveda (tiếng Phạn: Ayurveda, "tri thức cuộc sống") là một hệ thống y học Hindu truyền thống có nguồn gốc từ tiểu lục địa Ấn Độ. Cách thực hành như hiện nay bắt nguồn từ truyền thống Ayurveda là một loại y học thay thế. (theo Wiki)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại