Con trai không muốn mẹ tái hôn, một trận mưa rào đã khiến anh không thể cưỡng lại "ý trời"

Diệp Anh |

Nghe mẹ báo tin sẽ tái hôn, người con trai quỳ sụp xuống khóc lóc. Anh có nỗi khổ riêng nếu mẹ làm vậy. Nhưng rồi, một trận mưa rào đã quyết định tất cả mọi chuyện sau đó...

Có một câu chuyện rất hay, được lưu truyền ở Trung Quốc cho đến ngày nay như thế này:

Cách đây rất lâu, có một thư sinh tên gọi Chu Huy Tông. Khi người này mới được 1 tuổi, phụ thân vì bệnh nặng qua đời.

Mẹ của Chu vì không muốn con trai tủi thân nên chấp nhận ở vậy, chịu đựng mọi khó khăn gian khổ nuôi con khôn lớn. Khi con đến tuổi đi học, bà đưa Chu đến nhà thầy giáo Trương Trung Cử trong làng, nhờ thầy dạy học.

Nhờ sự dạy bảo nghiêm khắc của thầy, Chu Huy Tông đã gặt hái nhiều thành tích trong học tập. Năm 15 tuổi, người này đã đậu tú tài, 18 tuổi đỗ trạng nguyên.

Khi được Hoàng thượng triệu kiến, khí chất và học thức của Chu khiến người đứng đầu triều đình hết sức hài lòng. Ngay sau đó, Chu được vua yêu mến chỉ định kết hôn với công chúa.

Lúc bấy giờ, Chu Huy Tông đột nhiên nhớ đến người mẹ ở quê. Không chút giấu giếm, phò mã tương lai kể lại chuyện mẹ đã một mình nuôi mình khôn lớn, đến nay vẫn chưa tái hôn…

Nghe xong, nhà vua rất cảm động, lập tức hạ chỉ lập một "lầu trinh tiết" dành cho mẹ của Chu ở quê nhà.

Theo lẽ thường, sau khi đỗ trạng nguyên, các trạng nguyên sẽ trở về quê hương bái lễ tổ tiên, tạ ơn đấng sinh thành. Chu Huy Tông cũng không ngoại lệ.

Khi người mẹ nhìn thấy người con trai giờ đã là trạng nguyên của mình, bà cảm động không nói lên lời. Chu nói với mẹ về chiếu chỉ của vua, rằng sẽ dựng một "lầu trinh tiết" để tôn vinh bà. Thế nhưng, nét mặt người mẹ đột nhiên chuyển sang trạng thái bất an.

Bị con trai hỏi dồn, bà mới nói ra một sự thật. Thì ra kể từ sau khi vợ thầy giáo Trương qua đời, giữa hai người trong quá trình tiếp xúc với nhau đã dần nảy sinh tình cảm. Sau khi con đã đỗ đạt, trưởng thành, bà đã nghĩ đến chuyện tái hôn với người đàn ông ấy.

Mẹ vừa dứt lời, Chu Huy Tông liền quỳ rạp xuống đất, khóc thống thiết: "Mẹ ơi, mẹ thực sự phải làm như vậy sao. Như vậy sẽ phạm tội ‘lừa dối vua’, phải chịu tội chu di cửu tộc!"

Người mẹ lúc đó nước mắt cũng lã chã rơi. Bởi lẽ, một mình bà chống đỡ, gánh cả một gia đình không dễ chút nào. Con trai giờ đã đi xa, muốn có người nói chuyện, tâm sự cùng cũng không biết tìm ai, nỗi khổ tâm và vất vả của bà, có ai hiểu được đây?

Nghĩ đi nghĩ lại, bà thở dài nói với con trai: "Tất cả sẽ thuận theo ý trời đi!"

Vừa nói, bà vừa cởi chiếc váy mặc bên ngoài ra đưa cho Chu Huy Tông: "Con trai, con hãy tận hiếu với mẹ một lần đi. Ngày mai, con giúp mẹ giặt chiếc váy này. Nếu đến khi trời tối, chiếc váy khô, vậy mẹ sẽ không tái giá nữa. Nhưng nếu nó vẫn ướt, con đừng cản mẹ nữa."

Không còn cách nào khác, Chu đành đồng ý với cách của mẹ.

Ngày hôm sau, trời quang mây tành. Chu Huy Tông vừa giặt váy cho mẹ vừa mừng thầm, nghĩ bụng đừng nói có một cái váy, đến 10 cái cũng sẽ khô thôi.

Thế nhưng, thật chẳng ai có thể ngờ, đến khi chiếc váy vừa được đem đi phơi, mây đen ở đâu bất ngờ kéo đến và sau đó, một trận mưa rào xối xả ập xuống. Cơn mưa cứ thế kéo dài đến tận nửa đêm vẫn chưa dứt hẳn. 

Vì thế, chiếc váy của người mẹ chẳng thể khô mà còn ướt hơn lúc vừa giặt xong.Đến lúc này, mẹ của Chu mới nói với con trai: "Con ạ, trời đổ mưa rồi, mẹ sẽ lấy người ta, đây có lẽ là ý trời rồi, chúng ta chẳng thể làm khác được."

Con trai không muốn mẹ tái hôn, một trận mưa rào đã khiến anh không thể cưỡng lại ý trời - Ảnh 1.

Nguồn: Internet.

Khỏi phải nói trong lòng Chu Huy Tông đau khổ cơ nào. Nhưng tình hình đã vậy, vị trạng nguyên chẳng thể nào làm khác được ngoài việc chấp nhận sự thật.

Về kinh thành, Chu đem chuyện của mẹ muốn tái hôn và cả câu chuyện giặt váy, gặp trời mưa kể cho Hoàng thượng nghe và thỉnh cầu bề trên trách phạt.

Thế nhưng, vừa nghe xong, nhà vua không những không trách cứ mà còn cảm thấy đây thực sự là một điều kỳ lạ. "Trời tự nhiên đổ mưa, mẹ đi lấy chồng, đây chính là sự tác hợp của trời đất, hãy để bà ấy làm vậy đi", nhà vua phán.

Kể từ đó về sau này, điển tích này đã được người Trung Quốc vận dụng để hun đúc lên một câu tục ngữ: "Trời tự nhiên đổ mưa, mẹ đi lấy chồng" để hình dung về những sự an bài của tạo hóa, không thể thay đổi được.

Con trai không muốn mẹ tái hôn, một trận mưa rào đã khiến anh không thể cưỡng lại ý trời - Ảnh 2.

Bài học rút ra

Câu truyện cũng như ý nghĩa của câu tục ngữ trên muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng, trong cuộc sống này, có những điều phải đến, ắt sẽ đến. Những điều đó sẽ đến một cách tự nhiên, như sự an bài của tạo hóa.

Cho dù chúng ta có nỗ lực ngăn chặn hay tìm mọi cách kìm hãm hoặc thay đổi nó, kết quả dường như cũng vô ích mà thôi.

Vì thế, đã được sống trên đời, chúng ta hãy cứ vui vẻ ngẫm ngợi rằng, "vạn sự tùy duyên". Không nên tính toán quá nhiều, cũng không nên cố gắng tìm mọi cách cầu cạnh, mong người khác giúp đỡ.

Trong nhiều tình huống thực tế, những lúc nghĩ càng nhiều, trong lòng càng rối và kết quả là càng không được như mong đợi. Và rất nhiều khi chúng ta không có chủ tâm theo đuổi, thứ chúng ta cần lại bất ngờ xuất hiện.

Hãy nhớ rằng, có những thứ không thể nắm chặt trong tay, hãy để nó thuận theo lẽ tự nhiên để bản thân ta được nhẹ nhõm, trong đầu không phải đè nặng những mối suy tư.

Với những gì đã xảy ra, hãy cứ nghĩ nó là một phần tất yếu của cuộc sống này. Đừng quá nặng nề để rồi phải gánh thêm những ưu tư phiền muộn không đáng có.

Con trai không muốn mẹ tái hôn, một trận mưa rào đã khiến anh không thể cưỡng lại ý trời - Ảnh 3.

Vạn sự tùy duyên, việc gì đến ắt sẽ đến. Có rất nhiều việc trong cuộc sống này không thể khiên cưỡng, đừng tốn quá nhiều công sức để thay đổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại