Bí mật sự sụp đổ của thành phố Angkor cuối cùng đã có lời giải?

Mỹ Huyền |

"Angkor được xây dựng lên từ nước và cũng chính nước đã phá hủy thành phố này."

Cạnh con đường dẫn vào phế tích Angkor Wat ở Campuchia, có một cây cầu đá vỡ vụn đứng độc lập. Cây cầu này dường như không có gì đáng chú ý, không có nước chảy bên dưới nó. Nhưng đối với chuyên gia về lịch sử môi trường Dan Penny, cây cầu trên có một câu chuyện hấp dẫn.

Những gì còn sót lại của cây cầu cho thấy, Angkor Wat được xây dựng lên từ nước và cũng chính nước đã phá hủy di tích này.

Nguyên nhân đế quốc Khmer sụp đổ vào đầu thế kỷ 15 vẫn còn là bí ẩn. Nhưng các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những trận mưa theo gió mùa lớn, xảy ra sau một đợt hạn hán kéo dài ở khu vực này đã tàn phá cơ sở hạ tầng của thành phố, dẫn đến sự sụp đổ của nó.

Dan Penny cho biết: "Mức độ tàn phá của cây cầu chỉ ra rằng một dòng lũ lớn, vượt xa mức tải của con kênh, đã chảy qua trung tâm thành phố. Nó gây thiệt hại lớn về cơ sở vật chất, còn cư dân thời đó không thể khôi phục nổi."

Bí mật sự sụp đổ của thành phố Angkor cuối cùng đã có lời giải? - Ảnh 1.

Thành phố nước

Thời kỳ Angkor bắt đầu vào năm 802. Thời điểm cực thịnh, thủ đô Angkor của đế quốc Khmer là một đô thị lớn với gần một triệu dân – thành phố lớn nhất thế giới thời kỳ tiền công nghiệp.

Ngay từ thuở ban đầu, nước là trung tâm sự phát triển của Angkor. Các kênh và hồ chứa được xây dựng để tiếp nhận và dự trữ nước từ những ngọn đồi, đồng thời để kiểm soát lũ lụt và phân phối nước cho nông nghiệp. Thành phố có cả hệ thống dẫn nước dư thừa đến hồ Tonle Sap ở phía nam.

Penny đánh giá: "Đó là hệ thống thủy lợi có một không hai trên Trái Đất."

Nước và sự kiểm soát nước cũng đóng vai trò tôn giáo trong xã hội Angkor. Nước gắn chặt với quyền lực của nhà vua.

Bí mật sự sụp đổ của thành phố Angkor cuối cùng đã có lời giải? - Ảnh 2.

Sự tàn phá của gió mùa

Mạng lưới kênh rạch trong thành phố trải qua nhiều lần sửa chữa và tu bổ. Những đoạn kênh ra đời sớm đều dùng để dẫn và xử lý nước. Bắt đầu từ thế thế kỷ 12 – khoảng thời gian ngôi đền Angkor Wat được xây dựng, đế quốc phát triển đến đỉnh cao – những con kênh lớn mới giữ vai trò xử lý nước chủ yếu.

Vài thế kỷ tiếp theo, hệ thống thủy lợi dường như hoạt động khá tốt, thành phố tiếp tục phát triển. Nhưng đến cuối những năm 1300, Angkor bắt đầu chịu hạn hán liên tục.

Sau đó vài năm, gió mùa mang đến một đợt mưa mạnh bất thường, gây ngập lụt sâu rộng mà có lẽ cơ sở hạ tầng của thành phố không thể đối phó.

Lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng cho hệ thống thủy lợi, cắt đứt mối liên hệ giữa các khu vực. Ở phía nam, các kênh bị tắc nghẽn bởi đất đá xói mòn từ trung tâm thành phố. Cây cầu ở Angkor Thom được xây dựng bằng những khối đá tái sử dụng từ các ngôi đền, bởi nhiều khối trong đó được chạm khắc phức tạp.

Penny cho rằng: "Việc cư dân thời đó thể dỡ một phần từ ngôi đền để xây lên thứ trần tục như một cây cầu, chỉ ra rằng một vấn đề nghiêm trọng đã xảy ra."

Dựa trên hư hại của cây cầu, những nỗ lực kiểm soát lũ lụt cuối cùng đã thất bại. Cuối cùng, sông Siem Reap, vốn chảy bên dưới cây cầu, đã bẻ hướng vòng qua nó.

Bị lũ lụt phá hủy, Angkor sụp đổ. Năm 1431, quân Xiêm chiếm lấy thành phố. Rất nhiều ngôi đền đã bị rừng rậm bao phủ, số khác vẫn còn lưu giữ những không gian tôn giáo quan trọng của người Khmer. Đến tận những năm 1860, Angkor Wat mới được phương Tây biết đến.

Cảnh báo về biến đổi khí hậu?

Những nhà nghiên cứu làm việc cho dự án phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông nói rằng có rất nhiều bài học rút ra từ sự sụp đổ của Angkor.

Sudeep Chandra – Giám đốc Trung tâm Nước Toàn cầu tại Đại học Nevada (Mỹ) – cho biết: "Có một điều rõ ràng là, văn hóa và khí hậu có mối liên kết.

Ông cũng chia sẻ rằng, các chuyên gia đã thấy nhưng cộng đồng trên khắp thế giới đang phải vật lộn để tìm ra cách đối phó với biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.

Trong nỗ lực kiểm soát dòng nước lũ, các kỹ sư người Angkor đã chuyển hướng nước từ hệ thống sông đã có, dẫn đến việc hình thành các lưu vực mới. Nhưng điều này có thể gây ra hậu quả xấu với môi trường, gây bất ổn cho thành phố và cuối cùng đưa nó đến sụp đổ.

Người Khmer thời Trung Cổ đã phải đương đầu với một giai đoạn khí hậu bất ổn mà họ chưa từng trải qua. Nó thay đổi hoàn toàn quy tắc trò chơi mà người Khmer đã chơi trong suốt hàng trăm năm.

Dan Penny nói rằng, một thách thức tương tự đang hiện hữu với những cộng đồng hiện đại khi khí hậu bắt đầu biến đổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại