Viết từ Washington DC: Nước ngoài bỏ cả tỉ đô la làm hồ, người Việt bỏ tiền để biến hồ thành Thị Nở

Hiệu Minh |

Ai là người có thể biến hồ Tây, hồ Thành Công và những hồ khác của Hà Nội thành những nàng "Hằng Nga"?

Hồ Thành Công - Từ bãi rác đến lá phổi xanh mát

Người viết bài này từng sống ở B6 khu tập thể lắp ghép Thành Công cuối những năm 1970 và gần đó là bãi rác của thành phố.

Phòng 6,5m2 đủ một cái giường cá nhân và vài thứ lặt vặt trên tầng 4 ngăn bằng cót ép với gia đình 4 người bên cạnh.

Nhìn ra phía nam buổi tối có ánh sáng lập lòe của người bới rác, đủ loại mùi xú uế bay vào mấy chục tòa nhà 5 tầng với hàng vạn cư dân.

Sau cả chục năm chịu đựng, bãi rác được chuyển đi, nơi đó biến thành cái hồ nhân tạo khá rộng như một lá phổi kỳ diệu cho khu lắp ghép này. Dù ở trong cái phòng bé tý nhưng dường như có điều hòa do hơi mát từ hồ thổi vào.

Tôi đi khỏi khu Thành Công khá lâu rồi, những mỗi lần có việc đi qua đều nhớ về cái hồ này và tự hỏi, liệu vì một lý do nào đó mà cái hồ này có thể biến mất như mấy chục cái hồ khác ở Hà Nội?

Dường như những building quanh đó chưa đủ phá kiến trúc nên người ta muốn xây thêm nhà cao tầng cho hợp với kiến trúc bê tông và nhôm kính?

Ngắm hồ ở Mỹ, chạnh nhớ hồ Hà Nội

Sang Washington DC làm việc 12 năm, tôi thường chờ đợi cuối tháng 3 và đầu tháng 4, hơn chục ngàn gốc hoa anh đào nở rực rỡ ven bờ Tidal Basin và bờ tây sông Potomac. Mấy ngày nay trên facebook của bạn bè tràn ngập hoa anh đào.

Tidal Basin tương tự như hồ Tây của Hà Nội nhưng nhỏ hơn rất nhiều lần. Từ những năm 1880, người Mỹ muốn có cái hồ này đã phải đào bới cái đầm nhỏ bẩn thỉu, bằng sức người sức của, để biến thành cái hồ rộng mênh mông.

Tidal Basin thông với sông Potomac nên có thuỷ triều lên xuống, nước trong xanh, nhiều cá tự nhiên và sạch.

Viết từ Washington DC: Nước ngoài bỏ cả tỉ đô la làm hồ, người Việt bỏ tiền để biến hồ thành Thị Nở - Ảnh 1.

Người dân đi dạo và chạy bộ bên hồ Tidal Basin

Xung quanh hồ, trồng nhiều hơn cả là loại cây anh đào do ông Chủ tịch Thành phố Tokyo (Nhật) tặng Thủ đô Washington DC năm 1912. Đây là món quà bao gồm 3000 cây, thể hiện mối tình hữu nghị giữa hai dân tộc Nhật- Mỹ những năm tháng êm đềm.

Như vậy, có nhiều cây đã gần trăm tuổi. Sau đại chiến thứ hai, vào năm 1965, người ta trồng thêm 3800 cây nữa để phủ kín xung quanh bờ hồ, mong hoa anh đào giúp xoá đi nỗi đau chiến tranh tàn khốc giữa hai dân tộc.

Bắt đầu từ cuối tháng 3 đến khoảng 10-4, hoa anh đào nở rực rỡ, tô điểm cho National Mall.

Hàng triệu khách du lịch tới đây tham quan, dự festival mùa hoa nở và lễ hội đón xuân ở DC. Người Nhật vốn nổi tiếng về trồng anh đào nhưng cũng phải cất công bay sang Mỹ để xem hoa nở vào dịp này. Thật lạ lùng, anh đào Nhật khi trồng ở đây lại nở hoa đẹp hơn ở trên núi Phú Sỹ (Tokyo).

Nhìn quanh hồ Basin chỉ thấy một ngôi nhà tưởng niệm duy nhất của tổng thống Jefferson phía xa xa. Xung quanh hồ là không gian tự nhiên thoáng đãng. Đứng bên hồ người ta có cảm giác đứng giữa đất, trời và nước mông mênh, không có nhà cao tầng nào che tầm mắt.

Những cành anh đào đầy hoa trắng hồng soi bóng xuống mặt nước. Nhìn cánh hoa mỏng mảnh bay nhẹ trên mặt hồ, đàn hải âu bay lượn hay đôi thiên nga âu yếm nhau, du khách không khỏi thán phục vẻ đẹp thiên nhiên và ngưỡng mộ tài năng của những con người có tầm nhìn kiến trúc và quy hoạch tổng thể xây dựng từ hơn thế kỷ trước cho mảnh đất này.

Mùa xuân về, hàng cây anh đào với hoa nở rực rỡ làm cho Tidal Basin như một "Hằng Nga ngủ trong rừng".

Nhớ về Hà Nội, có thể lòng tôi gắn bó với miền đất này đã lâu nên đi đâu cũng thầm so sánh, dù tôi gốc đặc quê.

Đừng để Hằng Nga thành Thị Nở

Thiên nhiên đã ban tặng cho thủ đô cả trăm cái hồ lớn nhỏ. Hồ Tây hoàn toàn tự nhiên mà có. Các nước muốn có một hồ rộng như hồ Tây chắc phải bỏ ra hàng chục tỷ đô la để xây dựng.

Sang Canberra, thủ đô của Úc, thấy cái hồ rộng, hỏi thì biết là họ đã phải đào, bơm nước để có chút nước thiên nhiên giữa thành phố.

Di Hoà Viên của Bắc Kinh cũng có một hồ nhân tạo do hàng chục vạn người đào đắp mà nên.

Tiếc thay, hồ tự nhiên của Hà Nội đang có nguy cơ bị xâm hại dần, không bị lấn chiếm thì bị ô nhiễm.

Viết từ Washington DC: Nước ngoài bỏ cả tỉ đô la làm hồ, người Việt bỏ tiền để biến hồ thành Thị Nở - Ảnh 2.

Mấy tuần sau Tết, người Hà Nội được ngắm hoa anh đào thật từ đất nước Mặt trời mọc chuyển đến. Tiếc thay, những gốc hoa anh đào đi máy bay sang xứ ta đang nằm đâu đó vạ vật như những gốc cây đợi khô và cho vào bếp.

Mấy trăm tấn cá chết nổi trắng trên hồ Tây không hiểu vì lý do gì. Đủ loại nhà cao thấp, kiến trúc cổ kim tân thời lẫn lộn, lều cấp ba tre nứa xen lẫn villa "xịn" đua nhau tiến ra mặt hồ. Cũng may có đường bao quanh, nếu không hồ Tây sẽ thành ao làng.

Có du khách đã than "Hà Nội có những hồ tự nhiên rất đẹp nhưng sao lại để nham nhở như "Thị Nở" thế này".

Giá đừng xây nhà lôm nhôm xung quanh thì hồ Tây là "Hằng Nga". Nếu thêm những huyền thoại về trâu vàng trâu bạc hay câu thơ mơ mộng: "Tiếng chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ" thì thủ đô đang sở hữu một cái hồ xây bằng vàng thật.

Nước người bỏ hàng tỷ đô la để có một cái hồ. Có trong tay vài chục tỷ đô la của thiên nhiên trao tặng lại ta đang tự đánh mất dần. Chúng ta đổ tiền lấp hồ, xây nhà cao tầng để rồi hồ thành ao, thậm chí cho chúng biến luôn khỏi mặt đất.

Nước người chi tiền ra để biến "Thị Nở" thành "Hằng Nga", còn chúng ta đang sở hữu "Hằng Nga" rồi lại bỏ thật nhiều tiền để biến nàng thành "Thị Nở".

Viết từ Washington DC: Nước ngoài bỏ cả tỉ đô la làm hồ, người Việt bỏ tiền để biến hồ thành Thị Nở - Ảnh 3.

Ảnh gốc: Zing.vn.

Tầm nhìn xa và không gian thở

Nước Mỹ năm 1880 giàu hơn Việt Nam bây giờ. Người lãnh đạo thủ đô DC thời đó không thể có bằng cấp cao hơn những chúng ta hiện nay. Nhưng người quản lý Washington DC xa xưa đã nhìn thấu tương lai hơn thế kỷ sau để con cháu được hưởng thành quả đó.

Khi được phỏng vấn điều gì làm ông lo lắng nhất cho đất nước khi thoát nghèo, Tổng thống Senegal (châu Phi) nói, không lo vì không có tiền, các nhà tài trợ thấy nước nghèo sẽ cố giúp để không bị nghèo nữa.

Điều ông sợ nhất là đất nước thoát nghèo rồi lại không có lãnh đạo có tầm nhìn, nhân dân không có tầm nhìn, tai hại hơn thế hệ trẻ không có tầm nhìn, và lo nhất nền giáo dục không sinh ra được thế hệ có tầm nhìn. Senegal còn khổ vì chính tầm nhìn hạn chế của người nghèo, ông than thở.

Ai đó đang định lấp một phần hồ Thành Công, tuy muốn đào trả lại phía khác, nhưng cần suy nghĩ xem: Cạnh hồ mọc lên thêm những khối nhà cao tầng, thêm nhiều ngàn người nữa, thì có bù lại được cảnh quan và không khí?

Nếu không lấp hồ, nhưng lấp luôn không gian để thở, thì bản chất vẫn vậy.

Còn nếu vẫn giữ được hài hoà mọi yếu tố từ mật độ đến cảnh quan, giao thông, thì chắc chắn đó sẽ là giải pháp tuyệt vời.

Cha ông đào sông, đào hồ cho thông thoáng, con cháu lấp đi và bê tông hóa dưới danh nghĩa phát triển. Nỗi lo như Tổng thống Senegal về tầm nhìn đang hiện hữu.

Ước mơ 50, 100 năm nữa…

Viết từ Washington DC: Nước ngoài bỏ cả tỉ đô la làm hồ, người Việt bỏ tiền để biến hồ thành Thị Nở - Ảnh 4.

Theo dòng người vô tận ngắm anh đào nở bên hồ Basin, tôi thấy loài hoa này khá đẹp. Nhưng vì yêu quê hương xứ sở nên tôi thấy hoa đào Nhật Tân của ta đẹp hơn. Hoa mai vàng của phương Nam rực rỡ bội phần.

Những loài hoa này chỉ nở trong thời gian ngắn rồi lụi tàn. Và đó là vẻ đẹp kỳ bí của thiên nhiên, rực rỡ trong vài ngày để rồi mất đi, bắt mong đợi đến mùa sau để tìm lại được vẻ đẹp chốc lát nhưng thực ra lại vĩnh hằng với thời gian

Ai là người có thể biến hồ Tây, hồ Thành Công và những hồ khác của Hà Nội thành những nàng "Hằng Nga" với đào thắm Nhật Tân, mai vàng xứ Huế hay muôn vàn loài hoa độc đáo khác của nước Việt?

Liệu 50, 100 năm nữa, du khách đến Hà Nội có thán phục tầm nhìn xuyên thế kỷ của những nhà quản lý đô thị và các kiến trúc sư, rồi thả bộ chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiênnhư họ đã đến hồ Tidal Basin ở Washington DC mỗi khi hoa anh đào nở?.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại