Thư gửi con trai: Làm bác sĩ phải nhẫn nhịn vô bờ bến, đừng giận dữ, dỗi hờn con trai nhé!

Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng |

Con gái lớn của tôi nói không với nghề bác sĩ. Nó bảo: Làm như bố, khổ quá, vất vả áp lực quá mà con chưa hiểu được.

Không có chiến tranh 1979, tôi không làm nghề y. Với tôi, việc nối nghề của cha - cựu sinh viên Đại học Kinh tế Kế hoạch mới là mục tiêu. Tôi thích học Kinh tế Kế hoạch từ nhỏ, chứ Bách khoa ngay cạnh lớp học cũng không thấy say mê gì.

Hình ảnh những thương binh dồn dập đổ về, tôi đăng ký vào Đại học Quân y với một mong ước: Làm bác sĩ chữa chạy cho những chiến thương, những anh hùng đang cần sự chăm sóc của người thân nhiều nhất, cần hơn bao giờ hết, hơn chỗ nào hết.

Nghề y-lựa chọn và Nghiệp y tế - vận đến từng suy nghĩ, hơi thở, từng nhịp sống của bản thân và gia đình tôi.

Làm nghề hồi sức cấp cứu, công việc gắn với từng nhịp tim đập, từng hơi thở của người bệnh, coi người bệnh như ruột thịt trở thành bản tính.

Ngày nay, dù không trực tiếp chữa bệnh, chúng tôi vẫn cống hiến hết sức tích cực cho sự nghiệp phòng bệnh, cứu chữa người bệnh và phục hồi sức khỏe con người.

Tôi có hai đứa con, đứa lớn khi hỏi con có thích trở thành bác sĩ không, câu trả lời dứt khoát: KHÔNG.

Sao thế? Nó bảo làm như bố, khổ quá, vất vả áp lực quá mà con chưa hiểu được, chưa cảm thấy thích.

Cháu học về Kinh tế, như ước mơ của bố ngày trước. Nghề này làm ra nhiều của cải cho xã hội, cho gia đình và bản thân, quá tốt và tôi cũng quá thích.

Thư gửi con trai: Làm bác sĩ phải nhẫn nhịn vô bờ bến, đừng giận dữ, dỗi hờn con trai nhé! - Ảnh 1.

Bệnh nhân Võ Thành Trung (34 tuổi) lên cơn kích động mạnh, lấy cây kéo trên xe đựng dụng cụ y tế rượt đâm các nhân viên y tế ở Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ. Ảnh trích xuất từ camera bệnh viện tháng 8/2016.

Con trai bé tôi, một hôm về bảo, con thích làm bác sĩ giống bố. Hỏi sao vậy? Nó bảo vì nghề y cần những người thực sự giỏi và là nghề được coi trọng, dễ kiếm tiền…

Tôi bảo, thôi cũng được, nhưng nghề y chọn người kỹ càng lắm, và vô cùng vất vả, vô cùng cần sự cống hiến cho cộng đồng, và thải loại cũng nhiều lắm. Nếu không làm được bác sĩ thì con chỉ làm y tá, điều dưỡng có chịu không? Cháu chịu. "Thế thì được, cố lên con trai" – tôi bảo.

Con ạ, làm bác sĩ, làm thầy thuốc đông y, làm y tá điều dưỡng, thậm chí y công… đều rất tốt đẹp.

Nhưng còn rất nhiều công việc khác nữa cũng là góp phần cứu chữa người bệnh: Vận tải y tế, Quản lý y tế, Kinh tế y tế, Hậu cần y tế, Thông tin y tế, Giáo dục y tế… nhiều việc lắm.

Chưa kể mới tinh là nghề làm chủ doanh nghiệp Y Dược đang manh nha và sẽ có bước phát triển vượt bậc trong thời gian gần nữa.

Mọi thành công đều dựa trên tiêu chí đầu tiên và Số một: sự đam mê, con trai nhé.

Con có thể làm Y công, cái nghiệp vụ dành yêu thương con người, nghiệp của những vị soeur - thánh nhân từ thiện vô cùng.

Con có thể là Y tá điều dưỡng, những phụ tá không thể thiếu của bác sĩ cũng đầy vinh dự và rất tự hào nhé.

Là bác sĩ, trực tiếp gắn bó với người bệnh, chịu đựng nỗi đau, chịu đựng cái mất mát của gia đình họ, trở thành một phần của cuộc đời người bệnh, con được nhiều lắm.

Thần, Phật, Chúa trời sinh ra con người, nhưng việc chữa trị những thiếu sót, đau đớn bệnh tật thì chỉ có một: người bác sĩ.

Để làm được, con phải dùng hết sức của mình, học tập hết trí óc của mình, và nhẫn nhịn đến vô bờ bến.

Không có cái giận dữ, ghét bỏ, hờn dỗi hay tham lam nào được quyền tồn tại trước cơn bệnh, trước người bệnh và trước kẻ thù chung: mọi loại bệnh tật.

Làm được như thế, con mới trở thành LƯƠNG Y, và "một đời lương y, ba đời sinh quý tử" là phần thưởng lớn nhất, chứ hoàn toàn phần thưởng không phải là tiền bạc, của cải hay chức vụ, danh hiệu này kia đâu, con trai ạ.

Giáo sư Nguyễn Ấu Thực, vị thầy của những người thầy ngoại khoa dã chiến đã dạy bố rằng:

Thư gửi con trai: Làm bác sĩ phải nhẫn nhịn vô bờ bến, đừng giận dữ, dỗi hờn con trai nhé! - Ảnh 2.

Làm bác sĩ giỏi, con chữa được vài ba người bệnh một ngày.

Làm chủ nhiệm khoa giỏi, con cùng nhân viên chữa được một vài chục bệnh nhân một ngày.

Làm giám đốc bệnh viện giỏi, con lo cho mọi nhân viên cùng chữa trị cho nhiều trăm người bệnh, mang niềm vui đến hàng trăm gia đình một ngày.

Tâm niệm đó đi với bố suốt đời khám và chữa bệnh.

Cuối đời, bố theo đuổi một ước mơ, ước mơ được làm chủ một hệ thống mà ở đó, bố được phép của các thầy Cô, của gia đình mang hết tâm huyết, mang hết trí lực, tài lực, vật lực và sự hiểu biết kinh nghiệm truyền lại cho thế hệ đi sau.

Cùng mọi người chiến đấu với bệnh tật, phòng bệnh và hồi phục sức khỏe con người.

Ước mơ vất vả ấy có lúc vô cùng thất vọng, rất xấu trong mắt rất nhiều người, và làm các con cũng mất đôi chút tin tưởng, bố xin lỗi.

Nếu con thực sự thích trở thành Lương Y, bố không còn cái mừng nào hơn thế.

Cố lên, con trai!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại