Thổ Nhĩ Kỳ muốn Nga cung cấp tổ hợp phòng ngự chủ động trên xe tăng

Tuấn Sơn |

Ngày 19-3, trả lời phỏng vấn báo giới, lãnh đạo Tập đoàn quốc doanh Rosoboronexport, Alexander Mikheyev cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đang ngỏ ý muốn Nga cung cấp các tổ hợp phòng thủ chủ động (APS) trang bị trên xe tăng và nhiều vũ khí bộ binh khác.

Hợp đồng này sẽ được tiến hành đồng thời với nhu cầu muốn sở hữu tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumph của Ankara.

"Thổ Nhĩ Kỳ thực sự là đối tác quan trọng của Rosoboronexport. Quan hệ giữa hai bên hiện rất có tiềm năng. Ngoài tên lửa phòng không, Ankara đang rất chú ý tới công nghệ APS, vũ khí trang bị bộ binh của Nga", ông A. Mikheyev cho biết.

Tuy nhiên, ông này không công bố rõ Ankara quan tâm tới công nghệ APS nào của Nga và hai bên đã khởi động quá trình đàm phán hay chưa.

Nga hiện là một trong số ít quốc gia trên thế giới sở hữu công nghệ và kinh nghiệm chế tạo các tổ hợp APS hiện đại.

Công nghệ APS của Nga đã được minh chứng khả năng bảo vệ xe tăng khỏi các mối đe dọa từ đạn rocket, tên lửa chống tăng như Drozd, Arena. Gần đây, Nga còn giới thiệu tổ hợp Afganit trang bị trên xe tăng T-14 Armata.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn Nga cung cấp tổ hợp phòng ngự chủ động trên xe tăng - Ảnh 1.

Xe tăng Leopard-2A4 của Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn hạ ở Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn Nga cung cấp tổ hợp phòng ngự chủ động trên xe tăng - Ảnh 2.

Tổ hợp APS Arena lắp trên xe tăng T-80U.

Giới chuyên gia nhận định, trong khi tổ hợp APS Drozd đã lỗi thời, Afganit đang trong quá trình hoàn thiện, thì nhiều khả năng Ankara có thể tiếp cận công nghệ của tổ hợp Arena-E.

Tổ hợp APS Arena được phát triển trong giai đoạn những năm 1980 dưới thời Liên Xô với tên mã kỹ thuật là "Thợ mỏ". Hệ thống này sử dụng ra-đa băng tần mm lắp trên tháp pháo xe tăng để cảnh giới và phát hiện mục tiêu.

Khi định dạng được mối nguy hiểm đối với xe tăng, APS Arena sẽ kích hoạt 1 trong số 26 đạn đánh chặn lắp đặt xung quanh tháp pháo. Đạn đánh chặn sau khi được phóng đi sẽ phát nổ và tạo ra chùm mảnh tiêu diệt mục tiêu tiếp cận. APS Arena có thể tiêu diệt các đầu đạn chống tăng có sơ tốc tới 700m/giây ở khoảng cách 50m. Thời gian phản ứng của hệ thống chỉ khoảng 0,07 giây.

Ankara chú ý tới công nghệ APS của Nga có thể liên quan tới thiệt hại của lực lượng tăng-thiết giáp trong chiến lược quân sự tại Syria gần đây.

Tại Syria, các đơn vị xe tăng M-60T Sabra và thậm chí là cả Leopard-2A4 của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành "mục tiêu dễ tổn thương" trước vũ khí chống tăng cá nhân của đối phương. Liên quan tới vấn đề này, mới đây, Ankara đã lên kế hoạch nâng cấp quy mô lớn lực lượng tăng-thiết giáp hiện có.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại