Quân đội Israel: Lỗ hổng và thích ứng

Bảo Lâm |

Israel không ngừng tăng cường sức mạnh và tối ưu hóa cơ cấu, vũ khí trang bị của quân đội nhằm đối phó hàng loạt thách thức trong bối cảnh mới.

Mối đe dọa không đối xứng

Những bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi thời gian qua đã khiến kế hoạch quân sự mang tên Kela 2008 của Israel bị đảo lộn. Kế hoạch này vốn được xây dựng sau cuộc chiến tranh năm 2006, chủ trương giảm đáng kể quân số dư thừa của lực lượng bộ binh, đặc biệt với những sư đoàn bọc thép dự bị hoạt động không hiệu quả.

Sau khi một sư đoàn bọc thép dự bị đã bị giải tán, thì việc giải tán đối với sư đoàn thứ hai đã được hoãn lại. Bộ tham mưu của Tsahal chờ xem tình hình nội bộ của các nước láng giềng sẽ tiến triển như thế nào, qua đó xác định được mối đe dọa tiềm tàng, trước khi tiếp tục hoặc đảo ngược tiến trình này.

Quân đội Israel: Lỗ hổng và thích ứng - Ảnh 1.

Binh sĩ Israel tuần tra tại Beit Kahil, gần thành phố Hebron ở Bờ Tây

Hiện tại, lực lượng bộ binh Israel có 15 sư đoàn gồm: 2 sư đoàn xe bọc thép thường trực (để đối đầu với Syria và Jordan), 6 sư đoàn bán thường trực (gồm 1 đơn vị xe bọc thép, 1 đơn vị máy bay vận tải quân sự và 4 đơn vị bộ binh cơ giới) và 7 sư đoàn xe bọc thép dự bị. Trong số này, 3 sư đoàn trang bị vũ khí lỗi thời (xe tăng M-60) có thể bị giải tán.

Mặc Quân đội Israel được đánh giá là hùng mạnh và tiên tiến về mặt công nghệ, nhưng ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ lãnh thổ quốc gia vốn dễ bị tổn thương trước các loạt đạn rocket và tên lửa, như lực lượng Hezbollah và Hamas đã chứng minh điều này vào các năm 2006, 2008 và 2012.

Người dân Israel không hiểu vì lẽ gì mà Tsahal không thể ngăn chặn những phát đạn rocket và đạn súng cối thông thường, trong khi khái niệm "vùng lãnh thổ thiêng liêng bất khả xâm phạm" là một trong những trụ cột của học thuyết Israel. Trước đây, trong các cuộc chiến tranh Israel-Arab, đã không có quả bom nào rơi xuống một thành phố lớn của Israel.

Quân đội Israel: Lỗ hổng và thích ứng - Ảnh 2.

Cảnh sát Israel thu thập mảnh rocket nã vào thành phố Sderot từ phía Dải Gaza hồi tháng 10/2016

Họ cũng không hiểu tại sao các cơ quan an ninh, dù được trang bị những khí tài tối tân nhất, vẫn không thể ngăn chặn được các phần tử khủng bố liều chết, trong khi vào lúc cao điểm của cuộc chiến chống Tổ chức giải phóng Palestine (PLO), đã không có bất cứ du kích Palestine nào hành động cảm tử.

Tình hình hiện nay đã thay đổi và người dân Israel trở thành một mục tiêu thu hút và dễ bị tổn thương hơn bất cứ một đơn vị quân sự nhỏ nhất nào.

Để tạo dư luận và khẳng định mình tại bàn đàm phán, các đối thủ của Israel không còn cần phải bắn hạ một chiếc máy bay hay phá hủy một chiếc xe tăng nữa. Họ chỉ cần tạo ra sự ám ảnh khiến người dân Israel không thể có cuộc sống bình thường.

Trước tình thế này, các sư đoàn bọc thép và các phi đội tiêm kích của Tsahal sẽ mất tác dụng, trừ phi lao vào các chiến dịch trả đũa – điều này khiến cho họ đánh mất lòng dân và khiến cho Israel càng bị cô lập.

Hợp lý hóa không quân

Không quân luôn là "mũi xung kích" của Tsahal. Để phối hợp tốt nhất hoạt động của các máy bay tiêm kích ném bom, các trực thăng tấn công, các máy bay tác chiến điện tử, các máy bay không người lái và các vệ tinh do thám, một bộ chỉ huy không quân và vũ trụ đã được thành lập dựa trên mô hình chỉ huy không quân và vũ trụ của Mỹ, củng cố hơn nữa sự hợp tác giữa Israel và Mỹ.

Bộ chỉ huy này giám sát toàn bộ các lực lượng không quân và cả trung tâm vũ trụ Palmachim nằm ở phía nam Tel Aviv, các vệ tinh trinh sát trên quỹ đạo mặt đất (Ofek) và các đơn vị tên lửa chống tên lửa.

Quân đội Israel: Lỗ hổng và thích ứng - Ảnh 3.

Israel phóng vệ tinh Ofek 11 từ Palmachim

Bộ chỉ huy này sẽ càng phát huy hiệu quả hơn nữa khi được kết nối trực tiếp với tổng hành dinh của Bộ chỉ huy không quân và vũ trụ Mỹ, tại căn cứ Peterson (Colorado), nơi giám sát không phận của Israel và có thể tham gia phối hợp chặn đánh các mục tiêu của đối phương.

Sự hợp tác này càng chặt chẽ hơn vì Mỹ có một căn cứ radar tại sa mạc Negev (Mont Keren) trong khuôn khổ của chương trình lá chắn tên lửa và tiến hành các cuộc tập trận chung ở Israel.

Đổi lại và để hạn chế những khoản chi tiêu tăng theo cấp số nhân của lực lượng không quân vốn chiếm phần lớn nhất trong số 15 tỷ USD ngân sách quốc phòng (7% GDP), bộ tham mưu Israel đã phải giảm số phi đoàn và chiến đấu cơ, hạn chế số chủng loại máy bay để hợp lý hóa vấn đề hậu cần và bảo dưỡng.

Quân đội Israel: Lỗ hổng và thích ứng - Ảnh 4.

Dàn 8 chiếc F-16 thuộc phi đội 110 và 117 của Không quân Israel

Nếu như cách đây 15 năm, không quân Israel đã có 19 phi đội máy bay tiêm kích, 450 máy bay chiến đấu (với 5 loại khác nhau) và 150 máy bay dự bị, thì giờ đây họ chỉ triển khai 300 máy bay chiến đấu (chỉ gồm các F-15 và F-16 đời mới nhất, hoặc vừa được hiện đại hóa) chia thành 12 phi đội. Số máy bay tiêm kích dự bị đã được cắt giảm một nửa (75 chiếc F-16 A/B).

Tương tự, số máy bay trực thăng tấn công giảm từ 120 xuống còn 75 (45 chiếc AH-64 Apache và 30 chiếc AH-1 Cobra).

Phần lớn các máy bay tiêm kích ném bom đã được trang bị tối ưu cho các nhiệm vụ tấn công ở khoảng cách xa (đặc biệt là máy bay F-15 và F-16D, tăng cường cho các máy bay F-15I và F-16I được thiết kế riêng cho mục đích nói trên).

Quân đội Israel: Lỗ hổng và thích ứng - Ảnh 5.

Máy bay F-15i của Israel thực hiện tiếp dầu trên không

Các phi công thường xuyên bay tập luyện dọc Địa Trung Hải và Biển Đỏ để chứng tỏ khả năng tấn công các mục tiêu xa. Trong tình huống cần thiết, 230 máy bay có thể tham gia tấn công các mục tiêu ở xa 1.500 km.

1/3 số máy bay này có thể được tiếp nhiên liệu trên không bởi 5 chiếc Lockheed KC-130 và 8 Boeing KC-707, qua đó tăng tầm bay gấp đôi hoặc gấp ba lần.

Những máy bay này có thể được 5 chiếc Gulfstream G-550 Nachshon hỗ trợ để phát hiện và gây nhiễu các máy bay và tên lửa đối phương. Nếu không phải tấn công xa như thế, không quân Israel luôn sẵn sàng đẩy lùi bất cứ mối đe dọa mặt đất nào nhằm vào cao nguyên Golan hay vượt qua bán đảo Sinai.

Mặt khác, các máy bay không người lái đã được phát triển từ trước. Ba phi đội đóng quân tại các căn cứ Palmahim và Tel Nof, gồm có các máy bay không người lái Heron, HALE Hermes 900, Hermes 450. Máy bay không của Israel có thể được trang bị 2 tên lửa chống tăng Hellfire, và ít nhất 3 máy bay không người lái Heron TP có tầm hoạt động xa.

Nâng cao vai trò hải quân

Hải quân Israel, sau một thời gian dài không được chú ý, đã nhận được sự quan tâm trở lại từ khi các mỏ khí đốt lớn ngoài khơi ở phía Đông Nam đảo Chypre được phát hiện. Chỉ riêng hai mỏ khí mà Israel đòi chủ quyền (mỏ Tamar và Leviathan) đã có trữ lượng lên tới gần 700 tỷ m3 khí tự nhiên, cho phép Israel có thể độc lập về năng lượng trong trung hạn.

Việc bảo vệ những mỏ khí ngoài khơi này được coi như một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Hải quân Israel, và như vậy đảm bảo cho Israel một tầm nhìn và một ngân sách lớn hơn.

Quân đội Israel: Lỗ hổng và thích ứng - Ảnh 6.

Tàu hải quân Israel tuần tra gần một giàn khai thác khí đốt của nước này trên Địa Trung Hải

Tuy nhiên, Hải quân Israel phải tiếp tục gánh vác những nhiệm vụ khác: bảo vệ các bờ biển, duy trì việc phong tỏa đối với các vùng duyên hải Palestine và Lebanon, triển khai các tàu ngầm.

Để tăng cường sự hiện diện trên biển của mình ở Biển Đỏ và Ấn Độ Dương, Israel sẽ thiết lập các cơ sở hạ tầng hải quân ở Ấn Độ và thương lượng việc sử dụng một căn cứ ở Eritrea.

Hải quân Israel hiện có 5 tàu ngầm, 3 tàu hộ tống chở trực thăng Saar 5, 10 tàu tuần tra tên lửa Saar 4 và 4.5 cùng nhiều tàu và vũ khí khác. Hải quân Israel cũng có lực lượng biệt kích tinh nhuệ, từng nổi tiếng trong cuộc tấn công gây tranh cãi chống con tàu chở hàng nhân đạo Mavi Marmara của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 31/5/2010.

Duy trì liên minh

Trong bối cảnh tình hình có nhiều biến động bất ngờ và đôi khi bị cô lập, Israel hiểu được sự cần thiết phải duy trì bằng mọi giá các mối quan hệ đặc biệt với Washington và Berlin.

Mỹ và Đức vẫn là những nước ủng hộ trung thành nhất của Israel, và đảm bảo cho nước này một sự trợ giúp quân sự sống còn – cho phép Israel tính đến việc hiện đại hóa kho vũ khí của mình và nhờ đó duy trì khoảng cách công nghệ với các đối thủ tiềm tàng.

Đây cũng chính là một trong những lý do khiến Israel nhiệt tình tham gia chương trình F-35 với tổng số lượng đặt mua dự kiến ban đầu lên tới 60 chiếc. Tháng 12/2016, Israel đã trở thành quốc gia đầu tiên ngoài Mỹ tiếp nhận loại máy bay tàng hình thế hệ 5 này.

Quân đội Israel: Lỗ hổng và thích ứng - Ảnh 7.

Một trong 2 chiếc F-35 đầu tiên về tới Israel vào tháng 12/2016

Israel cũng thương lượng với Lầu Năm Góc để mua máy bay vận tải quân sự V-22 Osprey, đặc biệt là máy bay tiêm kích đánh chặn tàng hình F22 vốn được coi là đỉnh cao của công nghệ Mỹ và bị Quốc hội Mỹ cấm xuất khẩu.

Để hiện đại hóa hạm đội tàu mặt nước, Israel dự định mua các tàu hộ tống MEKO do công ty ThyssenKrupp của Đức chế tạo (công ty này đã cung cấp cho Israel các tàu ngầm) hay một loạt chiến hạm ven bờ LSC (Littoral Combat Ship) của hãng Lockheed-Martin.

Trong khi tích cực mua vũ khí hiện đại, Israel đã sử dụng cơ sở trung gian của họ ở Washington và ở Berlin để phản đối bất cứ hoạt động bán các hệ thống vũ khí tinh xảo nào cho các nước Arab.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại