Thư viện vùng quê cho trường THCS An Châu - Thái Bình

Mạnh Mường |

Nếu ở vùng cao, điều kiện tương đối khó khăn thì một ngôi trường như vậy không có gì lạ lùng, nhưng ở đây thì quả là hiếm có.

Ngôi trường "cổ" cần sự chung sức, chung tay

Khi chưa đến đây, chúng tôi quả quyết rằng, "vùng đồng bằng này làm gì còn chỗ nào mà trường lớp là nhà cấp 4?" 

Ấy vậy mà sự thật lại khác.

Chúng tôi nói đùa với cô hiệu trưởng: "Chắc các thầy cô định giữ lại mấy nếp nhà cấp 4 này làm trường cổ đây mà?"

Chị Hương, hiệu trưởng nhà trường cười vui mà nói với chúng tôi: "Địa phương và nhà trường cũng cố gắng lắm rồi nhưng chưa thể xây dựng được nên bấy lâu nay, học sinh vẫn phải học tại các phòng học đã xuống cấp như thế thôi..."

Sở dĩ, chúng tôi nói đó là trường "cổ" bởi vì, ai cũng có thể bắt gặp ở đây hình ảnh một ngôi trường khác xa với hình ảnh thường thấy ở nhiều ngôi trường khác, từ khuôn viên xung quanh cho đến cơ sở vật chất phục vụ học tập.

Tất cả quá đỗi giản dị, giản dị đến mức lạc lõng so với nhiều nơi!

Ngôi trường chúng tôi nhắc đến ở đây chính là Trường THCS An Châu, tiền thân là trường PTCS cấp 1, 2 xã An Châu, được thành lập từ năm 1974 thuộc xã An Châu, huyện Đông Hưng, Thái Bình.

Thư viện vùng quê cho trường THCS An Châu - Thái Bình - Ảnh 1.

Toàn cảnh Trường THCS An Châu, Đông Hưng, Thái Bình

Thư viện vùng quê cho trường THCS An Châu - Thái Bình - Ảnh 2.

Phòng học cũ kỹ nằm giữa cánh đồng xã An Châu, dù được sửa lại nhiều nhưng do xây dựng khá lâu nên xuống cấp nghiêm trọng.

Năm 1994, trường được tách ra và xây dựng lại, cũng từ đó đến nay, lớp lớp học trò ở đây vẫn thừa kế cơ sở vật chất từ những thập niên đầu 90 đó.

Tất cả từ cổng vào, đến phòng học và khuôn viên trường đều quá đơn sơ, mộc mạc.

Thư viện vùng quê cho trường THCS An Châu - Thái Bình - Ảnh 3.

Cả trường có 7 phòng học, cả phòng bộ môn là 9 phòng. Tổng số học sinh toàn trường hiện tại là 277 em.

Qua 22 năm xây dựng và trưởng thành, mặc dù còn nhiều khó khăn song với những nỗ lực không ngừng, cán bộ, giáo viên trường THCS An Châu đã đưa phong trào giáo dục xã nhà tiến bước.

Đáng chú ý ở đây, cấp ủy chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến việc phát triển giáo dục, trong đó, phong trào khuyến học ở các thôn, dòng họ khuyến học đang phát triển mạnh mẽ.

Tuy vậy, việc hạn chế do thiếu thốn về cơ sở vật chất trường lớp và trang thiết bị học tập đã cũ kỹ cũng đã mang đến những khó khăn nhất định ảnh hưởng đến các hoạt động chung của nhà trường.

Thư viện vùng quê và những suất học bổng cho học trò An Châu

Nhằm góp phần động viên, cổ vũ tinh thần học tập của các em học sinh ở ngôi trường còn nhiều khó khăn này, đồng thời khơi gợi tinh thần học tập, khuyến khích văn hóa đọc, ngày 10/01, Báo điện tử Trí Thức Trẻ đã tiến hành trao tặng sách trong dự án THƯ VIỆN VÙNG QUÊ NGHÈO tại đây.

Thư viện vùng quê cho trường THCS An Châu - Thái Bình - Ảnh 4.

Đại diện Báo điện tử Trí Thức Trẻ trao tặng sách Thư viện vùng quê nghèo cho các em học sinh trường THCS An Châu.

Tại buổi trao tặng này, nhà báo Bùi Văn Khương, một người con của quê hương An Châu cũng đã trao tặng 10 suất học bổng cho 5 em học sinh có thành tích học tâp xuất sắc và 5 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn luôn cố gắng vươn lên trong học tập.

Thư viện vùng quê cho trường THCS An Châu - Thái Bình - Ảnh 5.

Nhà báo Bùi Văn Khương trao 10 suất học bổng cho 10 em học sinh trường THCS An Châu

"Đã 21 năm rồi, khi đó mình cũng độ tuổi như các em học sinh ngồi đây. Giờ về thăm lại trường, bao cảm xúc, bao suy tưởng lại ùa về. Mình luôn ghi nhớ công ơn dạy dỗ của các thầy cô giáo, lúc nào cũng đau đáu muốn làm điều gì đó cho trường cũ, cho quê hương, bây giờ mới có cơ hội để làm những điều đó. 

Mặc dù cũng chưa có gì đáng kể nhưng hy vọng những suất học bổng thường niên thế này sẽ phần nào động viên khích lệ các em cố gắng hơn trong học tập...", chia sẻ của nhà báo Bùi Văn Khương.

Thư viện vùng quê cho trường THCS An Châu - Thái Bình - Ảnh 6.

Nhà báo Bùi Văn Khương

Cô giáo Nghiêm Thu Hương – Hiệu trưởng Trường THCS An Châu xúc động chia sẻ trước toàn trường trong buổi tiếp nhận sách:

"Hoạt động này không chỉ đơn thuần mang giá trị vật chất mà còn thể hiện nghĩa cử cao đẹp, có tác động không nhỏ đến phong trào học tập, giảng dạy của thầy và trò trường THCS An Châu chúng tôi. Đây sẽ là sự ủng hộ khởi đầu cho những hoạt động sau này từ những người con từng đi ra từ mái trường này.

Từ hôm nay, các em học sinh sẽ có thêm một món ăn tinh thần bổ ích nhất, khơi gợi tâm hồn các em, giúp các em có thêm hành trang đẹp đẽ để cảm nhận cuộc sống. 

Người ta nói, văn chương phản ánh cuộc sống muôn hình vạn trạng thì cuộc sống chính là thể hiện những điều mà văn chương phản ánh. Điều đó chỉ có thể thấy trong sách vở khi chúng ta chịu có đọc, nó bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn mỗi chúng ta. Đây là kênh thông tin kiến thức vô cùng quan trọng và phong phú..."

Thư viện vùng quê cho trường THCS An Châu - Thái Bình - Ảnh 7.

Cô giáo Nghiêm Thu Hương, hiệu trưởng Trường THCS An Châu cùng ông Nguyễn Văn Lai, Chi hội trưởng Hội phụ huynh tại buổi tiếp nhận sách.

Đấy là những lời tâm huyết mà các thầy cô giáo nói chung gửi đến các em học sinh, mong muốn các em tiếp tục cố gắng vươn lên trong học tập, noi gương những người đi trước. Từ đó có những ứng xử, cử xử tốt, đặc biệt việc thực hiện nề nếp nội quy cho đến những sinh hoạt ở gia đình, nơi công cộng... làm sao để xứng đáng với sự tin yêu mà các em đã, đang đón nhận hôm nay.

Trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch UBND xã An Châu, ông cho biết: "Hiện tại, trên địa bàn xã, mới chỉ có trường mầm non và trường tiểu học được đầu tư xây dựng, còn trường cấp 2 có lẽ phải tiếp tục cố gắng và chờ đợi. Cũng rất mong sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành, các mạnh thường quân chia sẻ với những khó khăn của nhà trường."

Thư viện vùng quê cho trường THCS An Châu - Thái Bình - Ảnh 8.

Ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch UBND xã An Châu.

Bản thân chúng tôi, những người làm báo, luôn cố gắng làm tốt trách nhiệm xã hội của mình, để xứng đáng với sự tin yêu từ bạn đọc khắp nơi.

Chúng tôi thực sự vui sướng khi nhận thấy những nụ cười, ánh mắt của các em học sinh trong ngày nhận sách, thấy ấm áp hơn khi những món quà này sẽ góp phần nhỏ bé nuôi dưỡng tâm hồn các em, hỗ trợ các em trong việc học tập.

Thư viện vùng quê cho trường THCS An Châu - Thái Bình - Ảnh 9.

Mong rằng những cuốn sách bổ ích sẽ góp thêm vào hành trang giúp các em tiến bước, thực hiện những ước mơ, hoài bão của mình.

Cô bé Diệp Anh, học sinh lớp 7B dù rất nhỏ nhắn cũng hăng hái cùng các bạn bê sách vào thư viện. Được biết, cô bé học giỏi tiếng Anh từ năm lớp 3, em có niềm yêu thích đặc biệt với môn tiếng Anh và Lịch sử.

Thư viện vùng quê cho trường THCS An Châu - Thái Bình - Ảnh 10.

Diệp Anh đang cùng các bạn học chuyển sách vào thư viện nhà trường

"Ở nhà em hay lấy sách của chị để đọc, bây giờ có thêm sách em sẽ có thêm những tài liệu học tập mà em thích, có thể tìm đọc được nhiều hơn những cuốn sách em cần nên em vui lắm." Diệp Anh vui vẻ chia sẻ về niềm yêu thích của mình.

Hoạt động xây dựng THƯ VIỆN VÙNG QUÊ NGHÈO sẽ là hoạt động dài hơi, cần sự chung tay, đóng góp của Qúy bạn đọc và các nhà hảo tâm gần xa. Hãy cùng chúng tôi xây dựng văn hóa đọc, giúp nhiều nơi, nhiều người hơn nữa được tiếp cận những cuốn sách quý, những kiến thức bổ ích.

Mọi thông tin liên quan đến việc ủng hộ chương trình THƯ VIỆN VÙNG QUÊ vui lòng liên lạc: Ông Phạm Đình Mạnh, Phụ trách Công tác xã hội, Báo điện tử Trí Thức Trẻ. Số điện thoại: 0974.974.104

Hoặc đóng góp gửi về Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ.

Tài khoản: 1912.832.546.5015

Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Hai Bà Trưng - Hà Nội

Địa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại