Nếu không cấm lấn làn BRT, sẽ phải có ô tô bay mới đi lại được trong Thủ đô

Trần Văn Phúc |

Hà Nội sẽ không thể có ô tô bay, ít nhất là trong nhiều chục năm nữa không thể có. Nhưng thành phố đã triển khai thí điểm xe buýt nhanh ở một số tuyến đường.

Trong bộ phim "Trở lại tương lai - Back to the future", nhà khoa học lập dị Doc Brown đã nhấc bổng chiếc ô tô DeLorean lên khỏi mặt đất và nói với anh bạn trẻ Marty rằng: "Nơi chúng ta đang đi, chúng ta không cần đường".

Mỗi lần lái xe ở Hà Nội hay Sài Gòn vào những giờ cao điểm, trong trạng thái kiệt sức vì tắc đường, tôi lại mơ ước có được một chiếc ô tô bay.

Nhưng khi ý tưởng chiếc ô tô bay đầu tiên trên thế giới được người Mỹ thử nghiệm năm 2015 thì tôi lại hoang mang. Bởi trong bộ phim khoa học viễn tưởng kia, chính Doc Brown đã đấm tay xuống bàn điều khiển và tuyên bố dẹp nó sang một bên.

Hà Nội sẽ không thể có ô tô bay, ít nhất là trong nhiều chục năm nữa không thể có. Nhưng thành phố đã triển khai thí điểm xe buýt nhanh (Bus Rapid Transit – BRT) ở một số tuyến đường. Dư luận mà tôi biết, đa số phản đối BRT, họ tin rằng sớm muộn BRT sẽ chết.

Chiều hôm qua, tôi đã thử trải nghiệm BRT đúng giờ cao điểm. Trên tuyến phố Giảng Võ xuống Lê Văn Lương và Khuất Duy Tiến kéo dài, tôi quan sát thấy hầu hết các phương tiện giao thông cá nhân nhường đường xe buýt, chỉ thỉnh thoảng có chiếc ô tô ngang nhiên lấn làn, xe máy thì nhiều hơn.

Nếu không cấm lấn làn BRT, sẽ phải có ô tô bay mới đi lại được trong Thủ đô - Ảnh 1.

Tác giả Trần Văn Phúc đi xe bus ở Singapore. Ảnh tác giả cung cấp

Nhìn sang Indonesia, thủ đô Jakarta của họ cũng có mật độ giao thông không kém gì Hà Nội, họ mới bắt đầu triển khai BRT và đã gặt hái được những thành công đáng kể.

Thủ đô Delhi của Ấn Độ cũng vậy, họ vừa triển khai BRT và đang tập trung nghiên cứu đánh giá một cách bài bản, có sự phản biện hết sức trách nhiệm của người dân về từng vấn đề cụ thể, tất cả nhằm hoàn thiện hơn cho BRT.

Trên thế giới, những thành phố hiện đại không lạ gì BRT; nó cung cấp phương tiện đi lại cho tất cả mọi người, làm cho giao thông công cộng trở nên văn minh và thuận tiện, điều mà các phương tiện giao thông cá nhân không thể có được.

BRT còn làm thay đổi cảnh quan đường phố, với hình ảnh giao thông theo dòng chảy có trật tự, thay vì một thành phố lộn xộn chứa toàn ô tô và xe máy.

Nếu không cấm lấn làn BRT, sẽ phải có ô tô bay mới đi lại được trong Thủ đô - Ảnh 2.

Hà Nội từ những năm 80 trở lại trước, được biết đến là thành phố phù hợp với người đi bộ và xe đạp.

Công cuộc đổi mới đã kéo theo sự mở rộng của thành phố, thị trường bất động sản trở lại đã kết nối các khu đất bỏ hoang thành khu đô thị, sự kết nối nhưng không kèm theo những con đường đủ rộng và đủ dài, làm cho thành phố trở thành cái túi chứa mật độ cao cả dân cư lẫn thương mại.

Khi những toà nhà cao tầng mọc lên như nấm, cùng những khu dân cư chật chội, xe máy và ô tô phát triển tự do, thì tất yếu giao thông sẽ rơi sâu vào thảm họa, trở thành "kỳ quan thế giới" chẳng giống ai.

Hậu quả của việc thiết kế một thành phố xung quanh chiếc xe máy, sẽ là văn hóa giao thông của thành phố mang tầm chiếc xe máy, nó ăn sâu vào tiềm thức từng người dân để chống lại sự phát triển của một thành phố hiện đại.

Bởi vậy mà tôi quan sát thấy trong buổi chiều hôm qua, ở những đoạn đường khá thông thoáng, vẫn có những chiếc xe máy và ô tô nghênh ngang đi vào làn đường BRT như một sự thách thức.

Ai cũng biết, ở một thành phố văn minh, thì giao thông công cộng là nền tảng. Người ta không thể xây dựng đủ đường sá, không thể xây dựng đủ bãi đỗ xe để chứa hết những chiếc xe máy và ô tô cá nhân cho tất cả mọi người.

Chi phí cho xăng xe, chi phí cho sức khỏe con người do ô nhiễm và mệt mỏi, thực tế lớn hơn nhiều so với sự lạm phát của cả nền kinh tế. Bởi vậy mà giao thông công cộng chính là giải pháp duy nhất của thành phố hiện đại, không có cách nào khác.

BRT được thiết kế để giải quyết những hạn chế của xe buýt thường bị chậm lại do những chiếc ô tô và xe máy vây quanh trong suốt thời gian qua.

Giao thông công cộng của một thành phố hiện đại được dựa trên 3 hình thức, gồm có tàu điện ngầm và đường sắt hạng nhẹ, tiếp sau là BRT.

Nhiều người cho rằng ở Thủ đô Hà Nội với đường sá chật hẹp, giao thông hỗn loạn, tắc đường liên miên, thì việc triển khai BRT chiếm không gian làn đường dành riêng là không hợp lý, phải nhường đường đó cho xe máy và ô tô để tránh ùn tắc, đồng thời phát triển tàu điện ngầm và đường sắt nội đô.

Thực tế hoàn toàn ngược lại, BRT có tính năng tương tự đường sắt nhẹ hay tàu điện ngầm; nhưng nó đảm bảo nhanh hơn và thuận tiện hơn bởi hành khách chỉ phải di chuyển quãng đường ngắn và không phải xếp hàng chờ mua vé, chi phí cho hạ tầng và phương tiện lại rẻ hơn rất nhiều.

Hai thuộc tính cơ bản của BRT, là tốc độ và sự tiện lợi. Để được ví như tàu điện ngầm hay đường sắt hạng nhẹ, thì việc dành riêng làn đường là bắt buộc.

Thủ đô Delhi của Ấn Độ cũng vô cùng chật chội, tình trạng tắc đường cũng liên miên, nhưng chính quyền vẫn cho xây dải phân cách để ô tô và xe máy không lấn làn sang đường riêng của BRT.

Tháng 6 năm 2016, thủ đô Jakarta của Indonesia cũng ra lệnh cấm tất cả các phương tiện, kể cả xe của công vụ của thị trưởng thành phố, xe ngoại giao, xe cảnh sát. Chính quyền Indonesia chỉ cho phép xe cứu thương và xe cứu hỏa đường đi vào làn đường đặc biệt này.

Hà Nội khi triển khai BRT cũng không thể là ngoại lệ. Việc lấy không gian đường phố của ô tô và xe máy, chuyển nó sang làn đường ưu tiên cho BRT, sẽ là một trong những phương cách tốt nhất làm thay đổi thói quen đi lại của người dân.

Vẫn biết xe máy là một phần quan trọng phát triển thành phố trong quá khứ, nhưng hôm nay Hà Nội hoàn toàn có lý do để loại trừ dần xe máy và ô tô cá nhân.

Trong tương lai, chúng ta cần một hệ thống giao thông có sự kết hợp cân bằng, đó là mô hình giao thông đa phương thức. Ở đó có sự cân bằng nhu cầu giữa các hình thức di chuyển như đi bộ, xe đạp, xe buýt, tàu điện ngầm, xe lửa hạng nhẹ, ô tô, taxi, thậm chí là xe máy.

Người tham gia giao thông, thay vì chỉ có duy nhất một chiếc chìa khóa, thì trong túi sẽ có thẻ tàu điện ngầm, có vé xe buýt, có điện thoại ứng dụng thông minh.

Thành phố bao giờ cũng có những con đường, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là cách chúng ta sử dụng đường, mà ngay từ bây giờ chúng ta phải tạo dựng được để trở thành thói quen.

Tác giả Trần Văn Phúc, hiện là bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Saint Paul (Hà Nội). Năm 2014, Trần Văn Phúc được bầu chọn là 1 trong 10 thầy thuốc trẻ tiêu biểu toàn quốc.

Ngoài hoạt động y khoa, anh còn tham gia lĩnh vực âm nhạc, là nhạc sĩ Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Anh cũng tham gia viết báo ở các lĩnh vực y khoa, văn hóa nghệ thuật, các vấn đề nóng của xã hội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại