Phúc thẩm đại án thất thoát 9.000 tỉ tại VNCB: Phạm Công Danh bị bệnh trước phiên xử

Đức Nguyên |

Đây là một trong những đại án kinh tế gây thiệt hại số tiền lớn nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam, từng được TAND TP HCM xét xử sơ thẩm trong hơn hai tháng.

25/36 bị cáo có kháng cáo

Theo TAND cấp cao tại TP.HCM, sáng nay (27/12) sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án thất thoát 9.000 tỉ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) do Phạm Công Danh (51 tuổi, quê Quảng Ngãi) - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB và đồng phạm thực hiện.

Phiên tòa dự kiến diễn ra gần 1 tháng từ 27/12/2016 đến 25/1/2017. Trong giai đoạn phúc thẩm này 25 trong tổng số 36 bị cáo có kháng cáo. 

Phiên xét xử phúc thẩm sẽ do các thẩm phán Phạm Trung Tuấn, Huỳnh Thanh Duyên và Đặng Quốc Khởi (chủ tọa) tham gia xét xử.

Trước đó tại phiên xử sơ thẩm vào tháng 9/2016, TAND TP.HCM tuyên mức án 30 năm tù cho bị cáo Phạm Công Danh về 2 tội vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng và cố ý làm trái.

Các bị cáo Phan Thành Mai - nguyên tổng giám đốc VNCB bị tuyên 22 năm tù; Mai Hữu Khương - nguyên giám đốc chi nhánh VNCB Sài Gòn 20 năm tù; Hoàng Đình Quyết - Nguyên phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn 19 năm tù cùng về 2 tội danh trên.

Ngoài mức án trên, tòa cũng tuyên buộc Phạm Công Danh phải hoàn trả tổng cộng hơn 6.000 tỉ đồng gốc và lãi mà Danh thực hiện các hành vi vi phạm rút hoặc vay từ VNCB.

Ngay sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, bị cáo Phạm Công Danh đã có đơn xin giảm nhẹ hình phạt và kháng cáo với phần dân sự.

Trước phiên xử các luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh cho biết, hiện sức khỏe của thân chủ không tốt do bị suy thận. Họ lo ngại sức khoẻ của bị cáo không đảm bảo để tham gia phiên tòa.

Phúc thẩm đại án thất thoát 9.000 tỉ tại VNCB: Phạm Công Danh bị bệnh trước phiên xử - Ảnh 1.

Ông Hà Văn Thắm.

Mối quan hệ giữa Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm 

Một nhân vật được nhắc đến nhiều trong phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm là Hà Văn Thắm (44 tuổi), nguyên chủ tịch HĐQT Oceanbank. 

Hai cựu chủ tịch ngân hàng thương mại này không chỉ có liên quan đến nhau trong thương vụ mua bán Ngân hàng Xây dựng - VNCB, mà còn có những hợp đồng vay mượn tại Oceanbank.

Trước đó Viện KSND tối cao cũng đã tống đạt cáo trạng truy tố Hà Văn Thắm cùng 46 bị can khác về các tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong các hành vi vi phạm của Hà Văn Thắm bị đề nghị truy tố có hành vi cho Công ty Trung Dung của Phạm Công Danh vay 500 tỉ đồng để tái cơ cấu VNCB. 

Liên quan đến Đại Tín (tiền thân của VNCB), cáo trạng cũng xác định rõ vai trò của Hà Văn Thắm trong việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần của ngân hàng này.

Theo đó, hồ sơ xác định vào đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. 

Do muốn thâu tóm một số ngân hàng về Oceanbank nên Hà Văn Thắm đã gặp bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông của Ngân hàng Đại Tín) đặt vấn đề chuyển giao lại Ngân hàng Đại Tín cho Thắm.

Thắm đưa ra những sai phạm trong việc quản trị, điều hành của HĐQT và việc vay vốn của bà Phấn tại Ngân hàng Đại Tín để yêu cầu bà Phấn chuyển nhượng ngân hàng.

Ngày 23/2/2012, bà Phấn cho Ngô Thị Kim Huệ, phó tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín, ký hợp đồng kinh tế với Hà Văn Thắm để bán hơn 254.000 cổ phần (tương đương 84,9% vốn điều lệ) với giá 4,4 tỉ đồng, kèm theo việc kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ và sở hữu tài sản đảm bảo là các khoản vay với trị giá 3.553 tỉ đồng, khoản đầu tư 920 tỉ đồng và một số nghĩa vụ khác.

Sau khi ký hợp đồng, Hà Văn Thắm đã cho người vào quản lý Ngân hàng Đại Tín và thực hiện việc sáp nhập vào Oceanbank, nhưng không thực hiện việc thanh toán 4,4 tỉ đồng cho bà Phấn. Bà Phấn nhiều lần yêu cầu trả tiền nhưng Thắm không trả.

Sau khi đưa người vào quản lý ngân hàng, Thắm nhận thấy Đại Tín có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi nên nảy ra ý định chuyển nhượng lại Ngân hàng Đại Tín.

Thông qua các mối quan hệ xã hội, Hà Văn Thắm gặp gỡ Phạm Công Danh (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Một thành viên Thiên Thanh để bàn bạc bán lại Ngân hàng Đại Tín cho Danh. 

Hai bên thỏa thuận, Hà Văn Thắm chuyển nhượng ngân hàng Đại Tín cho cho Phạm Công Danh thông qua bà Hứa Thị Phấn với trị giá hơn 4.619 tỉ đồng, đổi lại Danh phải trả cho thắm khoản tiền môi giới là 800 tỉ đồng.

Sau khi tiếp nhận, Phạm Công Danh đổi tên ngân hàng Đại Tín thành ngân hàng TMCP Xây Dựng và giữ chức chủ tịch HĐQT ngân hàng này.

Tuy nhiên, Phạm Công Danh đã không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với bà Phấn và cũng không trả 800 tỉ đồng môi giới cho Hà Văn Thắm. 

Bản chất số tiền chuyển nhượng ngân hàng trị giá 4.619 tỉ đồng là tất toán các khoản vay của bà Hứa Thị Phấn tại ngân hàng TMCP Đại Tín. 

Nếu Phạm Công Danh không thực hiện thì các khoản nợ không được thanh toán và ngân hàng này sẽ bị Nhà nước sát nhập, đồng nghĩa việc chuyển nhượng giữa các bên không được thực hiện.

Từ đó, cuối năm 2012, Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn đã bàn bạc, thống nhất với nhau việc Ocean Bank sẽ cho ông Danh vay 500 tỉ đồng và thế chấp bằng tài sản của bà Phấn. 

Hà Văn Thắm và Phạm Công Danh thống nhất lấy tư cách pháp nhân của Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ Trung Dung, là công ty sân sau của Phạm Công Danh để thực hiện việc này.

Cho đến nay, khoản tiền 500 tỉ đồng của Ocean Bank có nguy cơ mất trắng. 

Bản án tại phiên tòa sơ thẩm xác định bị cáo Danh được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Trustbank thành VNCB (2012-2014).

Được nắm quyền kiểm soát, chi phối VNCB, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm trong quản lý kinh tế và cho vay trái phép, gây thất thoát 9.000 tỉ đồng.

Tháng 5/2013, bị cáo chỉ đạo Phan Thành Mai (tổng giám đốc VNCB), Mai Hữu Khương (giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) và nhiều thuộc cấp ký khống với các công ty của Tập đoàn Thiên Thanh về cung cấp dịch vụ nâng cấp hệ thống CoreBanking, rút trái phép hơn 63 tỉ đồng.

Cũng trong thời gian này, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới chuyển hơn 900 tỉ đồng cho các công ty của Quỹ Lộc Việt, ủy thác đầu tư để mua 900 trái phiếu do Tập đoàn Thiên Thanh phát hành. Số tiền này sau đó được chuyển cho bị cáo Danh sử dụng, hiện không có khả năng thu hồi.

Tiếp đó, Phạm Công Danh bị cho là chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng khống thuê mặt bằng với hai công ty của mình, rút từ VNCB hơn 600 tỉ đồng trả nợ cho 6 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và tiền chăm sóc khách hàng.

Cuối tháng 8/2013, thông qua việc thực hiện các hợp đồng vay thế chấp giữa bà Trần Ngọc Bích với VNCB, bị cáo Danh đã rút 5.190 tỉ khỏi ngân hàng nhưng không có chứng từ, chữ ký của chủ tài khoản.

Ngoài ra, bị cáo Danh và đồng phạm còn bị cáo buộc sử dụng 12 pháp nhân công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh làm hồ sơ mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, để vay 5.000 tỉ đồng của VNCB.

Nhà chức trách cũng xác định Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới nâng khống nhiều lần giá trị lô đất tại Sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng, và một số bất động sản tại TP HCM để thế chấp - trong khi chúng đã được dùng đảm bảo khoản vay tại ngân hàng khác.

* Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại