Thu tàu lặn của Mỹ ở Biển Đông, Trung Quốc phát tín hiệu gì?

Hoàng Hà |

Việc thu giữ tàu lặn không người lái của Mỹ ở Biển Đông vào ngày 15/12 vừa qua xem ra không chỉ đơn giản cho thấy sức mạnh của Quân đội Trung Quốc.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump dường như đã phá vỡ thông lệ kể từ thời điểm quan hệ ngoại giao giữa Đài Loan và Mỹ bị cắt từ năm 1979 khi thực hiện cuộc điện đàm với lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc).

"Ông chủ Nhà Trắng" đương nhiệm Barack Obama hôm 16/12 lên tiếng cảnh báo Bắc Kinh sẽ không ứng phó với việc Mỹ thay đổi chính sách về Đài Loan một cách hời hợt, thậm chí sẽ phản ứng nghiêm trọng hơn so với cách mà họ phản ứng về vấn đề Biển Đông.

Cảnh báo này được đưa ra một ngày sau khi Hải quân Trung Quốc đã thu giữ một tàu lặn không người lái thuộc tàu điều tra hải dương USNS Bowditch của Hải quân Mỹ ở vùng biển ngoài khơi Vịnh Subic.

Sau vụ việc, người phát ngôn Lầu Năm góc Peter Cook lên tiếng yêu cầu Trung Quốc trả tàu lặn cho phía Mỹ.

Tuy nhiên, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ngày 17/12, tới nay, Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về cuộc đối đầu mới nhất giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông.

Dẫu vậy, theo Giáo sư Wang Yiwei thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, "việc thu giữ tàu lặn không người lái của Mỹ cho thấy sức mạnh của quân đội Trung Quốc. Nó phát đi tín hiệu rằng chúng tôi (Trung Quốc) có khả năng chặn đứng sự can thiệp quân sự của Mỹ".

Chuyên gia về quan hệ quốc tế còn cho rằng căng thẳng ở Biển Đông vẫn chưa chấm dứt và vụ việc nêu trên chỉ rõ cuộc đấu tranh giữa quân đội hai nước đã bước vào giai đoạn mới, đó là cạnh tranh dưới nước.

Về phần mình, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Hải Ngô Sỹ Tồn nhận định thông qua vụ việc, Trung Quốc muốn bắn đi tín hiệu rằng "nếu anh do thám chúng tôi ở dưới nước và đe dọa an ninh của chúng tôi thì chúng tôi sẽ có biện pháp để đáp trả".

Ở một góc nhìn khác, Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Bonnie Glaser cho rằng người Trung Quốc khá lo lắng về khả năng ông Trump sẽ thay đổi chính sách đối với Trung Quốc sau khi nhậm chức vào ngày 20/1/2017 tới.

Trong một phát biểu được tờ Guardian đăng tải hôm 17/12, bà Glaser nói về mặt công khai, Trung Quốc khá kiềm chế và họ tin rằng cần phải gửi thông điệp trước lúc ông Trump tuyên thệ, để ông nhận được thông điệp về những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và những rủi ro thực sự sẽ phải đối mặt nếu thách thức lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, người Trung Quốc cũng đủ thông minh để biết rằng nếu họ cứng rắn quá sẽ khiến ông Trump nổi giận và đó không phải là cách lựa chọn để đối xử với Tổng thống đắc cử Mỹ.

Khi không thể chỉ trích ông Trump một cách công khai, theo bà Glaser, Trung Quốc đang cố gắng tìm cách để "chỉ bảo" và "ảnh hưởng" tới vị Tổng thống tương lai của nước Mỹ cũng như ê kíp của ông mà không dẫn tới sự thụt lùi trong quan hệ Trung - Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại