Vụ trao nhầm con: 2 cô gái bí ẩn hóa giải biến cố

Việt Đông - Mai Phượng |

Trong bề bộn đau khổ và rối rắm, đã có 2 cô gái người S’tiêng, tiếc thay không phải từ phía các hội đoàn của chính quyền, âm thầm bắc một cây cầu yêu thương, giúp đỡ 2 gia đình dần xoá bỏ những khác biệt.

Mở lòng người vào Tổng Cui Lớn

Ngay trong ngày đầu tiên tiếp xúc với gia đình anh Vũ Đình Khiên, PV VietNamNet đã được cảnh báo về những khó khăn khi vào ấp Tổng Cui Lớn, tiếp xúc với gia đình chị Liên.

Vụ trao nhầm con: 2 cô gái bí ẩn hóa giải biến cố - Ảnh 1.

Vụ trao nhầm con: 2 cô gái bí ẩn hóa giải biến cố - Ảnh 2.

Hai gia đình phải hạn chế thấp nhất sự tổn thương tới các cháu bé

Tâm lý dễ bị kích động của chị Thị Liên, nhất là khi đang mang bầu, rất dễ lan truyền sang những người thân và hàng xóm, và sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường.

Gia đình anh Khiên luôn khuyên chúng tôi nên hết sức cẩn trọng khi đi một mình.

Nếu đó chỉ là một cuộc gặp chớp nhoáng để phục vụ công việc, các P.V có nhiều cách để giấu mình an toàn, mà vẫn có thông tin.

Nhưng nếu để làm điều có ý nghĩa hơn, là thông qua việc tiếp xúc, giúp 2 gia đình hiểu nhau, có tiếng nói chung, để các cháu có cơ hội làm quen dần với sự thực…thì đó là cả một câu chuyện hoàn toàn khác.

Hỏi kỹ hơn về việc khi sự vụ đã lan truyền trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan đoàn thể địa phương đã có những động thái gì để tạo cầu nối, xoá nhoà sự khác biệt về văn hoá và phong tục giữa 2 gia đình? Anh Khiên chỉ cười buồn, lắc đầu.

Vụ trao nhầm con: 2 cô gái bí ẩn hóa giải biến cố - Ảnh 3.

Vụ trao nhầm con: 2 cô gái bí ẩn hóa giải biến cố - Ảnh 4.

Họ phải là cầu nối để các cháu cảm nhận như chị em một nhà

May mắn thay, khi vào xã Phước An, khi trải lòng với những người dân ở đó, PV đã nhận được sự đồng cảm từ 2 cô gái trẻ người S’tiêng.

Gác qua một bên câu chuyện là người đang công tác trong bộ máy hành chính địa phương, với tư cách cá nhân, họ sẵn lòng giúp đỡ.

Thậm chí, 2 cô gái còn chủ động đảm trách vai trò là “người hoà giải” sau này mỗi khi gia đình anh Khiên có ý định lên thăm, hay gửi thực phẩm hỗ trợ cháu Ngọc Yến đang trong tình trạng suy dinh dưỡng.

Thuận lợi hơn nữa, một trong hai cô gái lại có họ hàng với bà Thị Ché, bà ngoại cháu Ngọc Yến.

Với sự “tháp tùng” kiêm phiên dịch của 2 cô gái S’tiêng, PV VietNamNet có cơ hội được hoà mình vào cộng đồng người S’tiêng trong ấp Tổng Cui Lớn. Sau khi “báo cáo” với già làng trong ấp, PV được ông đích thân dẫn tới nhà bà Ché.

Và cho đến thời điểm chị Liên sau khi nghe một cuộc điện thoại từ đâu đó, không dằn được sự xúc động, lớn tiếng khóc lóc gào thét, PV mới cảm nhận được vai trò vô cùng quan trọng của 2 cô gái tốt bụng người S’tiêng.

Giữa dòng người ùn ùn kéo đến xem có chuyện gì xảy ra, và to tiếng nói với nhau chỉ bằng ngôn ngữ dân tộc, 2 cô gái S’tiêng là phao cứu mệnh, trấn an và giải thích với đám đông, đồng thời phiên dịch cho PV rõ điều gì đang xảy ra.

Và cũng chính 2 cô gái đã đi cùng PV về lại thị xã Bình Long thăm hỏi cháu Lan Anh. 2 cô gái cũng hứa đảm nhận vai trò đầu mối giữa hai gia đình, hoá giải những hiểu nhầm không đáng có về ngôn ngữ, văn hoá…

Nhìn 2 cô gái trẻ vui đùa cùng cháu Lan Anh, khen cháu có đôi mắt đẹp của người S’tiêng, khen cháu có những nét đẹp hiếm có, rủ cháu về thăm bà ngoại thực sự… gia đình anh Khiên thở phào nhẹ nhõm.

Hạn chế thấp nhất sự tổn thương

Liên quan đến sự việc trên, luật sư Vũ Quang Đức - Văn phòng luật sư Vũ Quang Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, chia sẻ về những khó khăn, mất mát hai gia đình cháu bé đã trải qua.

Tuy nhiên, sự việc sẽ được giải quyết ra sao để đúng quy định pháp luật?

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đức cho rằng việc tiếp theo cần tiến hành các thủ tục pháp lý để xác nhận nhân thân hai cháu bé.

Theo đó, bệnh viện - nơi đã trao nhầm con của hai sản phụ cần có văn bản xác nhận đã trao nhầm con.

Sau đó, bệnh viện phải gửi bản xác nhận này kèm theo các giấy tờ có liên quan (kết quả xét nghiệm ADN, hồ sơ vụ việc) đến Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước để đính chính hộ tịch.

Về mặt dân sự, bệnh viện nơi 2 sản phụ sinh con có lỗi khi để xảy ra vụ việc nên gia đình hai cháu bé có thể yêu cầu bệnh viện bồi thường tổn thất về mặt tinh thần (mức tối đa là 10 tháng lương tối thiểu) và những chi phí phát sinh như chi phí đi lại, chi phí xét nghiệm ADN (nếu có)....

Khi hai bên không đạt được thỏa thuận, gia đình hai cháu bé có thể khởi kiện ra tòa.

Về việc giao lại con, luật sư Đức cho rằng, trong trường hợp một trong hai bên không muốn giao lại con thì bên còn lại có thể khởi kiện ra tòa yêu cầu truy nhận con cho cha mẹ.

Tuy nhiên, theo luật sư Đức không nên làm như vậy. Bởi về tình cảm, một người cha, người mẹ trải qua hơn 3 năm gắn bó, chăm sóc ắt hẳn rất yêu thương đứa trẻ.

Họ có thể bị sốc chưa muốn chấp nhận sự thật, đối với đứa trẻ đây cũng là một biến cố lớn.

Vì vậy, theo luật sư Đức, hai gia đình nên gần gũi, tạo môi trường thân thiện để những đứa trẻ có thể thân quen như chị em một nhà.

Khi đó hãy đổi con cũng chưa muộn, hạn chế thấp nhất sự tổn thương đối với hai cháu bé và những người thân.

(còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại