MC Phan Anh: Xin đừng làm tổn thương lòng tốt

Hoàng Nguyên Vũ |

MC Phan Anh đã từng làm từ thiện cùng những người là đối tượng có 'số má'. Và theo anh, việc làm từ thiện luôn đáng trân trọng, nên "đừng làm tổn thương lòng tốt".

Câu chuyện "Làm từ thiện để làm gì" vẫn chưa đi đến hồi kết khi mỗi cá nhân có một cách làm từ thiện của riêng mình, ở mảnh đất còn nhiều cảnh ngộ éo le cần đến sự chung tay giúp sức của những tấm lòng.

Từ những tấm lòng ấy, nhiều người đã vượt qua nghịch cảnh để vững bước hơn trên đường đời. Nhưng còn đâu đó những sự tha hoá bởi sự độ lượng của những đôi tay nhân gian.

Một Hào Anh đã trở thành kẻ đua đòi, tiêu xài hoang phí rồi dẫn đến con đường phạm pháp. Không ít những người thân của những người được nhận từ thiện, có tiền thì mất tình mất nghĩa. Rồi sự ăn chơi, lãng phí và lười biếng, đâu đó lại lên ngôi.

Và một lần nữa, lòng tốt lại bị tổn hại, khi chính những người làm từ thiện gieo lòng tốt, lại lên mạng, lên sóng truyền hình chỉ trích nhau về cách làm.

Hãy tạo cơ hội cho cái thiện nảy mầm

Ngay những người làm việc tốt chỉ trích nhau, nhiều người cho rằng lòng tốt thực sự trong đời không còn nhiều. Anh có nghĩ thế không?

Tôi tin lòng tốt tồn tại trong tất cả chúng ta, ngay cả kẻ sát nhân cũng có mầm thiện. Vấn đề là môi trường và lòng người có tạo cơ hội cho mầm thiện đó nảy mầm, và liệu điều kiện có đủ để nó vươn lên khi có thể xung quanh rất nhiều cỏ dại.

MC Phan Anh: Xin đừng làm tổn thương lòng tốt - Ảnh 1.

MC Phan Anh cùng ca sĩ Tuấn Hưng, nhạc sĩ Tú Dưa,, nhóm Oplus và những người bạn của mình đến trao quà cho bà con ngư dân ở Thôn Cừa Thôn, Xã Hải Ninh, Quảng Bình hồi đầu tháng 6/2016. Ảnh: Hanoimoi.

Lần gần đây nhất tôi thực hiện một hoạt động thiện nguyện mà khá nhiều đóng góp lại là những người mà chúng ta hay quen gọi đối tượng có 'số má'. Họ cũng không chỉ đóng góp mà còn trực tiếp tham gia tất cả các hoạt động không câu nệ, hào hứng, đầy nghĩa khí.

Với tấm lòng từ bi khi đón nhận mọi người, tôi nghĩ chúng ta sẽ dễ nhìn ra hơn những điều tốt đẹp!

Vâng. Làm từ thiện, cách này hay cách khác thì cái tâm cũng hướng đến điều tốt đẹp. Điều này người ta nói nhiều rồi. Nhưng, khi quay lại chỉ trích nhau, thì theo anh, ý nghĩa tốt đẹp có bị tổn hại không?

Nếu đủ bình tâm nhìn vào những điều tích cực thì tôi nghĩ nó là quá trình phát triển của nhận thức. Ai cũng cần mở rộng trái tim, trí tuệ để đón nhận những quan điểm khác nhau.

Sau mỗi cuộc tranh luận, mỗi người đều có thể rút ra cho mình những bài học, những trải nghiệm vì chắc chắn không ai là luôn đúng. Mỗi vấn đề luôn tồn tại rất nhiều góc nhìn do nhận thức khác biệt.

Với những người chỉ trích nhau tôi nghĩ là họ đang bị định kiến và cố gắng bảo vệ quan điểm của mình là đúng nhất. Khi bắt đầu cuộc chỉ trích cũng là quá trình họ bắt đầu bới móc, vạch lá tìm sâu mà quên đi bản chất bông hồng nào cũng đẹp, bông đẹp nhất là bông nở đúng thời điểm mà thôi.

Như thực tế anh vừa chia sẻ ở trên, cả những người là đối tượng có 'số má', ta còn khơi dậy được lòng tốt của họ, thì không lý gì chúng ta chèn ép lòng tốt của nhau. Vậy ở đây, để lòng tốt phát triển, thì sự tử tế là cái quyết định?

Tôi nghĩ là như vậy. Có ý kiến cho rằng nhiều người làm từ thiện nghĩ ngắn, họ chỉ đang giải quyết chuyện trước mắt. Đúng là không phủ nhận thực tế có chuyện như vậy. Nhưng họ có sai, có đáng bị chỉ trích hay là nên có được sự hướng dẫn đúng đắn?

Và giống như sự ví von của tôi trước đó, lòng thiện như một mầm cây, cây có thể mọc sai chỗ, nhưng thay vì vùi dập, ta nên mang đi trồng nơi phù hợp nhất là khi ta đang cần một cánh rừng, đặc biệt hơn nữa cánh rừng của lòng người có nhiều chỗ còn đang bị tan hoang.

Có những cái rất đau, nhưng tôi chỉ trách mình

Người ta nói nhiều về lòng tốt đặt sai chỗ, nhất là khi người mà ta từ thiện bị tha hoá bởi đồng tiền. Người ta chỉ trích người nhận mà quên mất người cho. Vậy theo anh, ai đáng trách ở đây: người nhận, người cho, hay không ai đáng trách cả?

Lòng tốt, việc thiện nguyện đều cần được phải suy nghĩ thấu đáo khi thực hiện. Sự thấu đáo này tất nhiên tuỳ vào độ nhận thức và trải nghiệm của mỗi người. Tôi đã chứng kiến có những người họ cãi nhau, giằng xé nhau vì món quà mà mình mang đến.

Đó là một nỗi đau, và cũng là bài học cho chính bản thân mình. Cách cho, phương pháp cho thật sự là điều chúng ta nên suy ngẫm, càng thấu đáo càng tốt.

Nhưng tuyệt nhiên, tôi không thấy những người nhận họ đáng trách, mà đáng thương, chính do điều kiện sống thiếu thốn, thiếu cả những sự giáo dục đạo đức cần có mà nảy sinh chuyện đó. Và riêng với bản thân tôi, tôi nghĩ tiên trách kỷ, hậu trách nhân, nên nếu trách tôi trách chính mình.

Nếu trách anh, anh trách điều gì, trong những trường hợp như thế này?

Ví dụ cụ thể, tôi trách mình chưa dành đủ thời gian để nghiên cứu từng trường hợp để biết hoàn cảnh gia đình họ có thể khác nhau nhưng món quà lại giống nhau.

Rồi mình chia quà theo hộ nhưng có hộ 2 người có hộ lại 7-8 người, vì vậy mình gây ra tâm lý so bì, ganh ghét không đáng có giữa những người hàng xóm láng giềng. Tất nhiên là chúng tôi có những giải thích, và xử lý sau đó song vẫn còn một chút gì áy náy.

Thế nên, quan điểm của tôi từ đó về sau là trừ những các hoạt động cứu trợ nhân đạo khẩn cấp, các hoạt động thiện nguyện đều nên đi vào chiều sâu, tuỳ theo sức của mình.

Có thể chọn những dự án nhỏ để tập trung theo đuổi hiệu quả bền vững. Còn nếu không có kinh nghiệm có thể đóng góp vào những dự án của các tổ chức uy tín, có kinh nghiệm và minh bạch.

Về lâu dài hình thức thiện nguyện đó sẽ có ý nghĩa hơn, vì mục đích của những hoạt động thiện nguyện là làm sao các chương trình từ thiện dần không còn cần thiết nữa.

Anh có thể nói rõ hơn ý này của mình: "Vì mục đích của những hoạt động thiện nguyện là làm sao các chương trình từ thiện dần không còn cần thiết nữa"?

Tôi nghĩ mỗi người đều có quyền được sống bằng chính khả năng của mình. Và nhiệm vụ của chúng ta (nếu có) là hỗ trợ những người kém may mắn hơn thực hiện quyền đó chứ không phải là tước đi quyền đó của họ.

Ví dụ đơn giản là tôi đi giúp một gia đình nghèo chẳng hạn thì việc hay nhất là tôi giúp họ tìm được công việc để thoát khỏi sự nghèo khổ, không cần sự trợ giúp của các chương trình tự thiện nữa, chứ không phải khiến họ nghĩ rằng cứ nghèo khổ đi rồi sẽ có người giúp. Như thế từ thiện không bao giờ là đủ.

Lòng tốt không có lỗi

Thực ra thì chúng ta đã có những bài học cay đắng về từ thiện. Một Hào Anh bị đánh đau đớn, trở thành kẻ ăn chơi rồi vào tù. Một đứa bé bệnh tật được tặng tiền, hôm sau người mẹ mua ngay cái Iphone mới cứng.

Chúng ta đã sai như thế nào và chúng ta cần làm gì cụ thể hơn, để đúng đây, thưa anh?

Nếu coi đấy là bài học thì phải chấp nhận bài học nào cũng có giá, thậm chí là đau đớn. Ai nên khôn không dại một lần? Cái đó cũng thuộc về sự nhận thức, môi trường giáo dục của mỗi người.

Nếu nhận thức và giáo dục tốt, các trường hợp đó sẽ hiếm dần đi. Sự lên án của xã hội cũng sẽ là bài học cho những ai có ý định tương tự. Người làm việc tốt rồi cũng sẽ hiểu mình phải làm việc tốt sâu sát, thấu đáo hơn chứ không đơn giản là góp một số tiền.

Bên cạnh đó, tôi thấy cũng không nên lấy đó làm một điều quá tiêu cực vì thực tế còn hàng ngàn trường hợp đã vươn lên từ chính sự giúp đỡ của những tấm lòng mà chúng ta chưa kể ra thôi!

Nhưng anh biết không, hàng ngàn trường hợp như anh kể, đa số là do những cá nhân họ đến đúng lúc, họ "cho cần câu", mà không "cho cá" một cách ồ ạt theo phong trào, anh ạ!

Thế nào là cần câu? Người biết sử dụng họ cũng biến con cá thành cần câu được anh ạ! Nhà tôi ngày trước nghèo lắm, rồi có người giúp 20000 đồng. Mẹ tôi mua đàn vịt. Rồi từ bán trứng vịt đẻ mà mua nồi nấu rượu. Từ bán rượu mà mua thêm mấy con lợn… Cứ thế cũng thoát nghèo!

Có phải anh cũng muốn kết tội, dù một lần thôi, rất nhiều những người đang làm từ thiện không?

Tôi chẳng có quyền kết tội ai, vì theo tôi họ không có tội và tôi cũng chẳng phải quan toà. Nhưng, tôi vẫn ủng hộ việc từ thiện đúng cách và làm sao để cả người cho lẫn người nhận sống tốt hơn, đẹp hơn!

Tôi cũng vậy. Tôi ủng hộ mọi hành động thiện nguyện, tất nhiên đúng cách thì càng tốt. Chứ cũng có trường hợp yêu nhau như thế bằng 10 hại nhau!

Và cũng cố gắng đừng làm tổn thương lòng tốt! Bởi vì những điều tốt đẹp bị huỷ diệt thì cuộc sống chúng ta còn lại điều gì để sống có ích?

Chúng ta làm không đúng cách, người nhận họ bị tha hoá bởi lòng tốt chúng ta, thì lúc đó, tự chúng ta làm tổn thương lòng tốt chúng ta đấy chứ?

Lúc đó chúng ta là người khởi nguồn, ta cũng phải chịu trách nhiệm là đúng rồi.

Dẫu sao một người cũng không thể có 3 đầu 6 tay để vừa trao lòng tốt lại vừa tặng trách nhiệm được, anh ạ! Vậy, vấn đề đặt ra: làm thế nào, chúng ta vừa phát huy được tấm lòng, lại vừa thể hiện được trách nhiệm?

Sự trao đổi, tranh luận thậm chí chỉ trích nhau ở một nhìn theo hướng tích cực cũng là một giải pháp. Vì qua đó sẽ nhiều người sẽ nhận ra vấn đề khi vấn đề được đào xới, phản biện và đưa ra nhiều quan điểm đối lập nhau.

Bình tĩnh lại, sau cơn giông bão đó người ta sẽ nhìn thấy nhiều điều sáng sủa. Tôi tin là như vậy, chỉ có sự im lặng mới kìm hãm quá trình phát triển của nhận thức và xã hội thôi.

Thế nên trong mọi trường hợp tôi đều mong muốn đừng im lặng mà hãy nên lên tiếng, quan trọng là cách lên tiếng thế nào, lên tiếng với ai. Còn chuyện cụ thể tôi cũng khó chia sẻ.

Nhưng xin được một lần nữa nhắc lại, việc gieo mầm thiện là tốt nhưng gieo đúng nơi, đúng chỗ, đúng thời điểm, đúng người cần thì tốt hơn nhiều. Đó mới là hoạt động từ thiện mang lại hiệu quả bền vững, lâu dài và là cơ hội để nẩy những mầm thiện tiếp theo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại