Đại học Fulbright lý giải việc mời Bob Kerrey làm Chủ tịch

Minh Châu- Hạ Anh - Thu Hà (Thực hiện) |

Câu chuyện cụ thể của những người mất tới hơn hai mươi năm vận động Quốc hội Mỹ đồng ý cung cấp tài chính thành lập trường đại học Fulbright Việt Nam, do chính hai cựu binh Bob Kerrey và Thomas J. Valelly, lên tiếng.

Sau chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam, nơi ông tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí và bày tỏ ủng hộ tuyệt đối việc thành lập Trường Đại học Fulbright Việt Nam, dư luận đột nhiên “nóng” lên về vai trò của TNS Bob Kerrey khi ông là Chủ tịch Hội đồng tín thác của trường này.

Phóng viên: Trong bài phát biểu trước các bạn trẻ tại TP.HCM tuần trước, Tổng thống Obama đã cảm ơn ông như “một trong những người chủ chốt giúp dẫn dắt nỗ lực” xây dựng Trường Đại học Fulbright Việt Nam sẽ khai giảng vào mùa thu này.

Ông đã tham gia vào nỗ lực này như thế nào?

Bob Kerrey: Đó là cả một câu chuyện dài. Tôi tham gia dự án này từ năm 1991 khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt và chúng tôi phân bổ tiền từ quỹ Fulbright Mỹ để thành lập một trường đào tạo cao học ở thành phố Hồ Chí Minh.

Chương trình Việt Nam Đại học Harvard, do ông Thomas Vallely làm giám đốc đứng ra tổ chức chương trình này.

Chúng tôi đã nâng cấp chương trình cao học này trong đạo luật bình thường hoá quan hệ với Việt Nam năm 1995 và mở rộng nó vào năm 2000 với dự luật mà tôi đồng bảo trợ.

Đại học Harvard và New School mà lúc đó tôi đang là Chủ tịch đã thực hiện hai nghiên cứu cho Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam về vấn đề Việt Nam cần làm gì để có một đại học độc lập ưu việt.

Tầm nhìn của Đại học Fulbright Việt Nam đã hình thành từ những nghiên cứu đó.

Đến năm 2013, chúng tôi có một cuộc thảo luận với sự tham dự của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận tại New York.

Cũng tại đây, lộ trình thành lập FUV đã được hai bên thống nhất.

Trong vài năm qua, chúng tôi đã nỗ lực thuyết phục Quốc hội Mỹ dành tiền tài trợ để xây dựng FUV.

Năm ngoái, nỗ lực của chúng tôi đã thành công khi Quốc hội quyết định tài trợ một khoản gần 20 triệu USD để xây dựng FUV, còn phía chính phủ Việt Nam dành cho trường khu đất.

Năm nay, Quốc hội Mỹ có thể sẽ tài trợ thêm tiền cho FUV. Chúng tôi cũng bắt đầu vận động gây quỹ từ các nhà tài trợ tư nhân. Khoản tiền này sẽ được dành để hỗ trợ học bổng cho những sinh viên xứng đáng.

Điều gì đã thôi thúc ông, một cựu binh trong chiến tranh Việt Nam nhận lời làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác của Trường Đại học Fulbright Việt Nam, một quyết định mà tôi nghĩ là ông biết rằng sẽ gây ra tranh cãi?

Trong một bữa tối để thảo luận về việc thành lập Hội đồng tín thác, tôi nhận được lời đề nghị làm Chủ tịch Hội đồng.

Chức danh này ở Việt Nam thì nghe có vẻ to tát nhưng ở Hoa Kỳ, bản chất thực sự của công việc này là người đóng vai trò chính trong việc gây quỹ cho trường.

Tôi đã suy nghĩ nhiều và quyết định nhận lời dù đó là lựa chọn khó khăn đối với cá nhân tôi. Những ký ức đau buồn vẫn theo đuổi tôi cho đến ngày hôm nay.

Nhưng chúng ta phải đối mặt với quá khứ một cách chân thực ngay cả khi nó gây đau đớn đến đâu. Song, chúng ta không thể sống mãi trong quá khứ. Tương lai là tất cả những gì chúng ta có.

Và khát vọng của chúng tôi là giúp Việt Nam có được điều mà họ thực sự mong muốn: Một trường đại học đẳng cấp mang lại giá trị kinh tế và văn hoá cho Việt Nam.

Tôi vẫn nhớ cuộc gặp đầu tiên với một người phụ nữ Việt Nam, người sẽ là Hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Fulbright Việt Nam.

Cô ấy sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Cô ấy vẫn nhớ về cuộc chiến tranh. Cô ấy vẫn nhớ trận ném bom đêm Giáng sinh. Cô ấy vẫn nhớ sự đổ nát, hoang tàn của thời đó.

Nhưng cô ấy không căm ghét chúng tôi. Cô ấy coi chúng tôi như những người bạn, người đồng nghiệp. Tôi nghĩ, chúng tôi cần phải làm tất cả để xứng đáng với niềm tin đó.

Trong vai trò là Chủ tịch Hội đồng Tín thác FUV, ông sẽ đóng góp gì cho dự án đang được mong đợi này?

Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh điều này: Trường Đại học Fulbright Việt Nam là một dự án do chính người Việt Nam xây dựng và phát triển. Hiệu trưởng của trường và hội đồng trường chủ yếu là người Việt Nam sẽ cùng nhau vun đắp và phát triển những truyền thống của trường mang bản sắc của Việt Nam.

Trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Tín thác, tất cả những gì tôi có thể làm được là ủng hộ hết mình ban lãnh đạo người Việt Nam để cùng xây dựng một cơ sở đào tạo xuất sắc, trước hết là hỗ trợ vận động gây quỹ.

Chúng tôi sẽ cần xây trường, cung cấp học bổng hỗ trợ cho sinh viên và giúp cho FUV bền vững về mặt tài chính.

Tôi luôn tin rằng khi chúng ta thành lập một trường đại học mới, chúng ta luôn có rất nhiều cơ hội để làm khác.

Bạn đã nghe đến cái tên đại học Minerva bao giờ chưa? Tôi tham gia sâu vào dự án này và có thể nói rằng Minerva đang là một hiện tượng trong giáo dục đại học Mỹ.

Trường này mới thành lập năm 2012 nhưng đến nay đã trở thành cái tên thu hút đông đảo sinh viên. Mỗi năm, có tới 15.000 đơn xin xét tuyển trong khi chúng tôi chỉ chấp nhận khoảng 300 hồ sơ.

Điều quan trọng hơn cả là những người điều hành Minerva đã nỗ lực để duy trì học phí ở mức thấp nhất có thể. Học phí của trường ở mức 10 nghìn USD/năm, so với mức khoảng 30-50 nghìn USD tại các trường hạng top và hạng trung.

Rõ ràng, cung cấp những chương trình đào tạo chất lượng, đáp ứng đòi hỏi của thị trường ở mức chi phí thấp nhất có thể đang là một yêu cầu đối với giáo dục đại học trên thế giới, chứ không riêng gì Việt Nam.

Và những nhà điều hành FUV phải giải được bài toán này.

Tôi hi vọng mình có thể giúp kết nối với các nguồn lực và các đối tác có tầm nhìn, những người cùng chia sẻ cam kết với chúng tôi để giúp FUV trở thành một trường đại học Việt Nam trong top những trường đại học xuất sắc trên thế giới.

Như ông từng nói, khi nhận lời tham gia Trường Đại học Fulbright Việt Nam cũng có nghĩa là chấp nhận đối mặt với quá khứ đau buồn một lần nữa. Ông sẽ nói gì với người dân Việt Nam?

Hành động của tôi ở Việt Nam là kinh khủng và tôi tin đã được điều tra kĩ càng. Đó không phải là Mỹ Lai.

Tuy nhiên, như bộ phim tài liệu sẽ sớm được phát của Ken Burn cho thấy: Chiến thuật của chúng tôi đã khiến ít nhất một triệu người vô tội thiệt mạng.

Trong email gửi Zing lần trước, tôi đã nhắc lại lời xin lỗi nhân dân Việt Nam về những gì tôi đã làm trong chiến tranh. Nhưng một lời xin lỗi sẽ không bao giờ là đủ. Giống như một bát súp thiếu gia vị.

Và vì vậy, tôi luôn cố gắng để giúp đỡ Việt Nam bất cứ khi nào có thể.

Bằng cách tham gia đóng góp vào việc chấm dứt luật cấm vận với Việt Nam, bình thường hoá quan hệ, ủng hộ việc mở rộng quan hệ thương mại song phương và đặc biệt là ủng hộ việc nâng cao hệ thống giáo dục của Việt Nam thông qua Chương trình Fulbright.

Với một quá khứ như vậy, ông có nghĩ rằng nếu mình nhận một vị trí ít quan trọng hơn, thay vì đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Tín thác thì đã không gây tranh cãi đến như vậy?

Tôi không mong đợi nhưng cũng không ngạc nhiên khi quyết định này gây tranh cãi.

Chắc chắn có nhiều người có khả năng hơn tôi để ngồi vào vị trí này. Và tôi sẽ vui mừng mà rút lui nếu tôi tin rằng sự có mặt của tôi đặt sự phát triển của ngôi trường này vào tình thế khó khăn.

Nhưng lựa chọn một vị trí thấp hơn rất có thể vẫn gây nên những chỉ trích như thường.

Xây dựng hoà bình bao giờ cũng là điều vô cùng khó khăn bởi vì ký ức thì không bao giờ rõ ràng như cảm xúc của chúng ta.

Điều này đã được mô tả rất rõ trong bài thơ “Sự cứu rỗi của thành Troy” của nhà thơ người Ai-Len Seamus Heaney, người đã trải qua những nỗi niềm cay đắng và bạo lực xuất phát từ những ký ức chiến tranh.

Tôi xin trích một đoạn trong bài thơ:

“Loài người chịu đựng

Tra tấn lẫn nhau

Họ đau đớn, họ trở nên khắc khổ

Thế giới không còn thơ và nhạc

Không còn biết đúng sai

Đau thương và cam chịu

Lịch sử nói: hãy thôi hy vọng

Phía bên này của nấm mộ,

Một hôm nào đó trong cuộc đời

Dòng thuỷ triều từ lâu ta mong đợi

Mang công lý đến nơi

Hy vọng và lịch sử cùng hát nốt nhạc vui…”

Chúng ta không thể thay đổi quá khứ. Điều duy nhất chúng ta có thể thay đổi là tương lai cho dù điều đó làm ta đau đớn đến đâu.

Xin cảm ơn ông!

"Bob Kerrey xứng đáng với vị trí này"

Thomas Vallely, Chủ tịch Quỹ Tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam (TUIV). TUIV là tổ chức phi lợi nhuận tại Mỹ, chịu trách nhiệm huy động vốn để đầu tư trường Đại học Fulbright Việt Nam.

Phóng viên: Tại sao Bob Kerrey được lựa chọn là Chủ tịch Hội đồng Tín thác FUV mà không phải là ai khác?

Thomas Vallely: Đó là một câu chuyện dài. Chúng tôi đã cân nhắc kĩ trước khi chọn Bob Kerrey cho vị trí này và tin rằng ông ấy xứng đáng.

Yếu tố đầu tiên quan trọng nhất là sự đóng góp lâu dài và nhiệt thành của Bob Kerrey cho quan hệ Việt – Mỹ và trao đổi giáo dục giữa hai nước.

Suốt hai nhiệm kỳ Thượng nghị sĩ, Bob đã có những cống hiến quan trọng như giúp bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, thành lập Chương trình học bổng Fulbright.

Ông ấy là nhà bảo trợ chính cho đạo luật thành lập Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), tổ chức đã đưa hàng trăm người Việt Nam sang học cao học và tiến sĩ trong các ngành khoa học tự nhiên tại Mỹ.

Đấy là những sáng kiến giáo dục quan trọng tạo nền tảng cho sự ra đời của trường Đai học Fulbright Việt Nam, dự án mà Bob Kerrey đã theo đuổi cùng chúng tôi một thời gian dài.

Lý do thứ hai là Bob Kerrey có kinh nghiệm lâu dài như một nhà lãnh đạo giáo dục. Trong mười năm làm Chủ tịch Đại học New School, ông ấy đã dẫn dắt trường đại học này đạt được sự tăng trưởng chưa từng có về số lượng sinh viên, giảng viên, học bổng, cơ sở vật chất, nghiên cứu và hợp tác quốc tế.

Mặc dù những quyết định của ông ấy thường táo bạo và gây tranh cãi, nhưng chúng tôi tin rằng một dự án trường đại học mới như FUV rất cần tuýp người như Bob. Bởi sự thành công của FUV sẽ phụ thuộc vào khả năng tạo dựng những mối liên kết bền chặt, cùng có lợi với cả khu vực công và tư.

FUV cũng cần huy động những nguồn tài chính quan trọng từ các nhà tài trợ bên ngoài. Kinh nghiệm và mạng lưới quan hệ của Bob Kerrey sẽ là tài sản vô giá cho FUV.

Hơn nữa, liệu còn ai thích hợp cho vị trí tại một trường đại học mới như Bob, người có truyền thống đổi mới giáo dục. Sau khi rời New School, Bob Kerrey trở thành Chủ tịch của Dự án Minerva School, một cơ sở đào tạo giáo dục khai phóng đang đi tiên phong trong việc áp dụng những tiến bộ mới nhất trong giảng dạy vào giáo dục đại học.

Cam kết đổi mới giáo dục của Bob phù hợp với tầm nhìn của FUV.

Cuối cùng, trong những năm làm Chủ tịch tại New School, Bob đã chứng tỏ khả năng gây quỹ rất thành công cho giáo dục đại học. Ở một trường đại học tư không vì lợi nhuận, điều có ý nghĩa sống còn là hội đồng tín thác phải có kinh nghiệm gây quỹ. Bob là một nhân vật nổi tiếng trong chính giới và công chúng Mỹ suốt 40 năm qua. Ông ấy có thể sử dụng các mối liên kết và quan hệ của mình để huy động các nguồn lực cho FUV. Hơn nữa, chúng tôi hẳn đã không thể vận động thành công khoản tài trợ 20 triệu USD từ Chính phủ Mỹ nếu không nhờ những mối quan hệ của Bob với những lãnh đạo Đảng Dân chủ và Cộng hoà trong Thượng viện.

Nhưng lựa chọn một nhân vật có quá khứ gây tranh cãi như Bob Kerrey liệu có phù hợp?

Tôi lại không nghĩ đó là một bất lợi cho FUV mà ngược lại. Nhiều năm qua, trong những phát biểu công khai, Bob luôn thừa nhận trách nhiệm của mình trong tấn thảm kịch kinh khủng ở Thạnh Phong năm 1969. Ông ấy đã bày tỏ sự hối lỗi một cách thành thực nhất.

Bạn biết đấy, chiến tranh vốn rất phức tạp. Và chúng tôi tin rằng, các trường đại học nên đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự hiểu biết đầy đủ hơn về lịch sử, bao gồm cả những chương đau đớn nhất.

Sự sẵn sàng của Bob khi đối mặt với quá khứ đã phản ánh niềm tin này. Trong tương lai, FUV sẽ đóng vai trò thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa người Mỹ và người Việt Nam về lịch sử chung đau thương của hai dân tộc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại