“Chọn bắt cá tôm hay chọn nhà máy?”. Tôi chọn… tỉnh táo!

Bùi Hải |

Một cơn bão chưa từng có đã đổ xuống đầu ông Chu Xuân Phàm - trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội sau câu phát ngôn “thật thà” ấy.

"Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi! Nếu chọn cả hai thì làm Thủ tướng cũng không giải quyết được…” – ông Phàm diễn đạt nói bằng tiếng Việt.

Nhưng đúng lúc dư luận được dẫn dắt bởi cảm xúc phẫn nộ, thì nhiều người lại thấy cần bình tĩnh, tỉnh táo hơn bao giờ hết.

Chưa có một bằng chứng khoa học nào chứng tỏ Formosa là tác giả của nhiều tấn cá nổi trắng bờ biển miền Trung.

Nếu ngày mai, kết luận cuối cùng được đưa ra: Formosa xả thải đúng tiêu chuẩn, thì rất nhiều người sẽ phải tự nhắc mình xem lại tư duy lý trí.

Hãy cùng trả lời các câu hỏi sau để thấy tại sao chúng ta lại cần tỉnh táo và bình tĩnh?

Có nhà tư bản nào, có người kinh doanh nào mà lại không ham lợi nhuận?

TS Trần Bắc Hải, một người Việt ở Úc, trong bài gửi cho chúng tôi “Hồ sơ hủy hoại môi trường của Formosa trên thế giới kinh khủng như thế nào?”, đã đưa ra đánh giá xác đáng:

“Ở đâu cũng vậy, nhiều tập đoàn tư bản thường sẵn sàng hy sinh môi trường, hy sinh lợi ích của cộng đồng vì lợi nhuận của mình.

Vấn đề là cộng đồng phải có các cơ chế (luật pháp, chính quyền, báo chí, các tổ chức xã hội dân sự…) để ngăn ngừa, giảm thiểu sự tàn phá môi trường do công nghiệp hóa gây ra và tự bảo vệ mình”.

Lên án Formosa hay phải xem lại chính sách về bảo vệ môi trường khi thu hút đầu tư của chúng ta?

Cần phải nhấn mạnh rằng: Yếu tố quyết định để Formosa có mặt ở Việt Nam, là vì Việt Nam đã chấp thuận họ.

Hiểu như vậy, sẽ thấy câu nói của ông Phàm: “Chọn bắt tôm cá hay chọn nhà máy” là câu nói hoàn toàn đúng.

Nếu Việt Nam đã chấp thuận, thì việc Formusa làm đúng các quy định của pháp luật ở Việt Nam, không đáng bị lên án.

Nếu Formosa làm đúng những tiêu chuẩn về môi trường ở Việt Nam, mà vẫn gây ô nhiễm, thì cái cần phải xem lại không phải là Formosa mà là các quy định pháp luật của Việt Nam đã đủ chặt chẽ và yêu cầu cao chưa.

Còn nếu các cơ quan chức năng phát hiện: Việc xả thải của Formosa không tuân theo quy định của Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, thì việc lên án Formosa cũng cần phải kiên quyết nhưng tỉnh táo, tránh kinh động môi trường đầu tư.

Liệu Formosa có phải là tác giả của nhiều tấn cá nổi trắng bờ biển miền Trung?
Liệu Formosa có phải là tác giả của nhiều tấn cá nổi trắng bờ biển miền Trung?

Nhà báo Phạm Trung Tuyến đã đặt ra một câu hỏi: Tại sao nhiều hãng lớn không thu hồi sản phẩm lỗi ở Việt Nam như đã thu hồi ở Âu, Mỹ?

Nhà báo Tuyến đưa ra câu trả lời:

“Thực tế là chúng ta đã chấp nhận vị trí cửa dưới trong cơn sốt thu hút đầu tư nước ngoài. Chúng ta đã quá hoan hỉ với những con số thống kê về tốc độ tăng trưởng kinh tế?” mà chưa khắc cốt ghi tâm con đường phát triển bền vững.

Một đất nước đang phát triển như Việt Nam, không thể chỉ lựa chọn 1 thứ, hoặc cá tôm hoặc nhà máy.

Chúng ta phải giải bài toán khó: Vừa tăng trưởng tốt vừa có chất lượng sống tốt.

Bàn về chuyện tôm cá và nhà máy, một doanh nhân Việt có tiếng đã đề cập đến chuyện “phải nhăn não”.

Tôi xin trích cả đoạn dài ông viết, vì khó có thể viết ngắn gọn, đầy đủ hơn ông:

“Ai đã xem màn khai mạc Olympic London 2012 hẳn còn nhớ, vài thế kỉ trước London luôn bị sương mù bao phủ. Đến nỗi người ta tưởng là tại khí hậu.

Sau khi nước Anh di dời các nhà máy công nghiệp khỏi lãnh thổ thì bầu trời London lại trong xanh như ở Địa Trung Hải.

Cảng biển Liverpool được chuyển đổi thành siêu thị và bảo tàng. Không còn tàu bè ra vào.

Tôi đã đi tàu, ô tô dọc UK và không thấy 1 ống khói nhà máy nào, chỉ có các cánh đồng xanh ngát.

Không khí ở Bắc Kinh bị ô nhiễm nặng. Đó là giá trả cho quá trình công nghiệp hoá và sự tăng trường GDP của TQ.

Ai đi qua vùng Phả Lại, nơi có mấy nhà máy nhiệt điện sẽ thấy bầu không khí y hệt như Bắc Kinh.

Nếu ngu ngốc thì chúng ta luôn phải lựa chọn: Nhà máy hay môi trường sạch. Được cái nọ sẽ mất cái kia.

Ngày nay con người đã thông minh hơn. Một quốc gia có thể chọn con đường tăng trưởng GDP mà giá trả cho sự huỷ hoại môi trường thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trước đây đã phải trả.

Nhưng muốn thế thì phải nhăn não”.

> Mời xem những bài viết cùng tác giả TẠI ĐÂY

Lựa chọn con đường phát triển để dân tộc này không phải trả giá nhiều chục, nhiều trăm năm về sau, không bao giờ là chuyện đơn giản, mà phải “nhăn não”.

Và không chỉ một vài người “nhăn não”. Cả một guồng máy chính quyền, cả các nhà khoa học và nhân sĩ trí thức đều cùng phải “nhăn não”.

Và trước khi chúng ta cần “nhăn não” với câu hỏi về phát triển bền vững, thì hãy “nhăn não” để đặt câu hỏi: Tại sao dư luận luôn luôn thiếu thiện cảm (lẽ ra là phải rất vui mừng) với một dự án nhiều tỉ đô như vậy?

Chúng ta dễ dàng nhận thấy trong những status, những comment bức xúc có tâm lí “bài Hoa”, tâm lý dân tộc hẹp hòi – điều mà các nhà quản lý đã nhắc nhở nhiều lần, là ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển của đất nước.

Chúng ta, dù muốn dù không, vẫn phải chơi và nên chơi với các Doanh nghiệp gốc Hoa. Cả thế giới đều phải chơi với họ. Họ mang lại lợi ích lớn cho chúng ta, nếu cuộc chơi sòng phẳng minh bạch, có các hàng rào kỹ thuật bảo vệ môi trường.

Mấy ngày qua, thực tế có không ít người, nhân cơ hội Formosa khủng hoảng, muốn xúi giục, làm bậy để đục nước béo cò.

Dư luận bị dẫn dắt không bởi lý trí, nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác có thể hoảng sợ.

Mặt khác, chúng ta cũng thông cảm phần nào cho sự bức xúc của dư luận, vì trong suốt thời gian diễn ra dự án, Formosa đã có nhiều yêu sách đặc quyền đặc lợi và có vẻ như chúng ta cũng quá “cưng chiều” họ.

Người Việt, hay bị những bức xúc trước mắt và tức thời mà quên đi việc giải đáp những câu hỏi cốt lõi và lâu dài nhất.

Vì thế, tôi cho rằng, thời điểm này, người Việt phải chọn “bình tĩnh và tỉnh táo”.

Hãy xem lại mình trước hết. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại