China Press: Donald Trump là "điệp viên bí mật của Trung Quốc ở Mỹ"

PHẠM KHÁNH |

Theo trang Chính sách Đối ngoại (FP) của Mỹ, các chính sách mà ông Donald Trump đề xuất sẽ phá hủy các lợi ích của Mỹ và chỉ khiến Trung Quốc mạnh hơn, mặc dù ông đang thực hiện chiến dịch tranh cử mang tên “Đưa nước Mỹ hùng mạnh lần nữa”.

FP cho hay, hôm 28/3, một bài báo trên China Press, tờ báo tiếng Trung tại Mỹ, gọi ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump là “điệp viên bí mật của Trung Quốc ở Mỹ" bởi những kế hoạch ông này đề xuất và nói là để bảo vệ lợi ích của Mỹ thực chất lại chỉ tốt cho Trung Quốc.

Ngay từ đầu chiến dịch tranh cử, ông Trump thường lấy Trung Quốc làm mục tiêu công kích khi cáo buộc nước này "đánh cắp" việc làm của Mỹ và "thao túng tiền tệ". Ông đe dọa sẽ áp đặt hàng loạt các hàng rào thương mại với Bắc Kinh nếu đắc cử.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong khu vực, việc ông Trump phỉ báng mối quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản cũng như chủ nghĩa biệt lập của ông sẽ tăng cường sức mạnh của đảng cầm quyền Trung Quốc và vị thế của nước này trên thế giới.

Trong nhiều thập kỷ qua, ông Trump luôn thúc giục một mối quan hệ lạnh nhạt hơn với Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Trong khi đó, Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Mỹ, sau Canada, Mexico, và Trung Quốc.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng đóng vai trò quan trọng trong các chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt là ở châu Á.

Đất nước này cũng là nơi đang có tới hơn 50.000 binh sĩ Mỹ đang đồn trú, một phần trong kế hoạch đối phó với những nguy cơ từ Trung Quốc và Triều Tiên.

30.000 binh sĩ Mỹ hiện ở Hàn Quốc cũng nhằm mục đích tương tự.

Ông Trump thường cáo buộc Trung Quốc đánh cắp việc làm của Mỹ .
Ông Trump thường cáo buộc Trung Quốc "đánh cắp" việc làm của Mỹ .

Trong một cuộc phỏng vấn vào hôm 25/3 với New York Times, ông Trump đã nhắc lại tư tưởng từ lâu của ông rằng, Mỹ cần phải xem xét rút quân nếu Nhật Bản và Hàn Quốc không trả thêm tiền cho sự hiện diện quân sự của Mỹ trên lãnh thổ của họ.

Ông còn cho hay, Mỹ cần phải suy nghĩ lại liên minh an ninh với Nhật Bản, bởi nếu Nhật Bản bị tấn công, Washington phải bảo vệ, nhưng nếu Mỹ bị tấn công thì Nhật Bản lại không phải làm gì cả.

Theo FP, khi phát ngôn, ông Trump đã không tính đến việc Tokyo đã phải trả đến gần 2 tỷ USD/năm cho lực lượng đồn trú Mỹ. Hơn nữa, Nhật Bản sẽ phải đối mặt với sự phản đối gay gắt nếu cố sửa đổi hiến pháp để nước này có thể bảo vệ Mỹ khi Mỹ bị tấn công.

Ông Ryo Sahashi, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Kanagawa ở Yokohama, Nhật Bản cho biết, việc rút quân đội Mỹ khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc và làm suy yếu liên minh an ninh với hai nước này sẽ giảm vị thế của Mỹ trong khu vực và đó chính là mong muốn của Trung Quốc.

Bên cạnh nhiều hậu quả khác, những chính sách mà ông Trump đang nói đến sẽ làm suy yếu tiếng nói của Washington trong việc phản đối Bắc Kinh xây dựng trái phép trên Biển Đông.

Một nhà ngoại giao Nhật Bản khẳng định, Trung Quốc sẽ cười lớn nếu ông Trump phá hủy các liên minh an ninh với Tokyo và Seoul.

Japan Times dẫn lời ông Tsuneo Watanabe, giám đốc nghiên cứu chính sách tại viện tư vấn Tokyo Foundation cho hay, chiến thắng của ông Trump sẽ có nghĩa là "Trung Quốc sẽ làm được bất cứ điều gì mình muốn" trong khu vực.

Không chỉ có vậy, nhiều chuyên gia nhận định, việc ông Trump dự định rút Mỹ khỏi một số tổ chức quốc tế lớn cũng có thể sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực mà từ đó Trung Quốc có thể nhảy vào.

Dù luôn chỉ trích Trung Quốc nhưng các chính sách ông Trump đề xuất lại được đánh giá là chỉ có lợi cho Trung Quốc.
Dù luôn chỉ trích Trung Quốc nhưng các chính sách ông Trump đề xuất lại được đánh giá là chỉ có lợi cho Trung Quốc.

Trong một bài phát biểu gần đây, ông Trump chỉ trích cái mà ông gọi là "điểm yếu toàn diện và bất lực của Liên Hợp Quốc (LHQ)" và tuyên bố rằng cơ quan quốc tế này "không phải là một người bạn của dân chủ, của tự do. Và thậm chí cũng không phải là bạn của Mỹ.

Hồi đầu tháng 4/2016, ông Trump ngụ ý muốn một Liên Hợp Quốc nhỏ hơn. Ông đặt câu hỏi: “Họ đã bao giờ giải quyết được việc gì chưa?”.

Theo FP, do lo ngại trước việc ông Trump có thể lên làm tổng thống, Liên Hợp Quốc đang vội vã xem xét các thỏa thuận với hy vọng có thể kí kết trước khi ông Obama rời Nhà Trắng vào tháng 1/2017 tới.

Trong khi đó, theo FP, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang muốn hợp tác chặt chẽ hơn với LHQ.

Trong bài phát biểu tại LHQ vào tháng 9/2015, ông Tập cam kết hỗ trợ 1 tỷ USD cho một quỹ mới về hòa bình và phát triển của LHQ. Ảnh hưởng của Bắc Kinh sẽ còn đi xa hơn nữa nếu Mỹ từ bỏ các cam kết của mình tại LHQ.

Bên cạnh đó, ông Trump tuyên bố sẽ trừng phạt các hoạt động thương mại của Bắc Kinh bằng cách áp đặt mức thuế 40% đối với các mặt hàng từ Trung Quốc.

Nhà kinh tế học tại Đại học Brandeis cho rằng, chính sách đó sẽ làm tổn thương Mỹ nhiều hơn Trung Quốc. Ông ước tính, điều đó gây ra tổng thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ lên tới 67 tỷ USD.

Chuyên gia Scott Kennedy ở Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) có trụ sở ở Washington, Mỹ nhận định, cuộc chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng tới các thị trường chứng khoán, lãi suất của Mỹ, từ đó dẫn tới những mất mát lớn hơn nhiều so với lợi ích có thế đạt được.

Hơn nữa, nền kinh tế Bắc Kinh đang dần phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng, đầu tư trong nước. Bằng cách làm cho việc xuất khẩu sang Mỹ ít hấp dẫn hơn, ông Trump sẽ thúc đẩy Trung Quốc xây dựng một nền kinh tế bền vững hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại