Khi quá muộn, đã đến lúc Mỹ "dĩ độc trị độc" với Triều Tiên?

Thùy Trang |

Kể cả khi đứng cạnh những lệnh trừng phạt trước, lệnh trừng phạt mới của LHQ cũng không có khả năng rời Triều Tiên khỏi bệ phóng hạt nhân, nhà phân tích Bennett Ramberg nhận định.

Tháng 1, Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 4. Đến tháng 2, nước này lại tiếp tục phóng vệ tinh nhằm thu thập dữ liệu để phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Các kĩ sư Triều Tiên, trong lúc đó, tiếp tục chế tạo nguyên vật liệu đủ cung cấp cho hàng trăm quả bom nguyên tử trong nhiều năm tới.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế vẫn không hề có hiệu quả. Sau khi hàng loạt nước liên quan thể hiện sự bất bình, Hội đồng Bảo an LHQ gần đây đã công bố các lệnh trừng phạt mới.

Lệnh trừng phạt lần này sẽ chấm dứt nạn buôn lậu bằng cách giám sát chặt chẽ dòng hàng hóa ra và vào Triều Tiên, cấm xuất khẩu nhiên liệu cho máy bay và tên lửa sang Bình Nhưỡng, ngăn các giao dịch tài chính quốc tế cũng như cấm xuất khẩu than và khoáng sản.

Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Kể cả khi đứng cạnh những lệnh trừng phạt trước, lệnh trừng phạt lần này cũng không có khả năng rời Triều Tiên khỏi bệ phóng hạt nhân. Nói cách khác, đã muộn mất rồi, theo nhận định của nhà phân tích Bennett Ramberg trên Reuters.

Theo ông Ramberg, trước hết, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un không đời nào từ bỏ thứ vũ khí đã đưa đất nước vào "nhóm đặc biệt" những nước sở hữu vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.

Bình Nhưỡng đã đầu tư và hi sinh quá nhiều để phát triển một chương trình hạt nhân, sử dụng chúng làm lá chắn nguyên tử và công cụ đe dọa các nước khác.


Phản ứng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong lúc quan sát vụ phóng tên lửa vào tháng Hai. Ảnh: Reuters.

Phản ứng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong lúc quan sát vụ phóng tên lửa vào tháng Hai. Ảnh: Reuters.

Thứ hai, lịch sử cũng nhiều lần chứng minh rằng các lệnh trừng phạt sẽ không được thực thi hoàn toàn hay đủ khả năng gây áp lực với Triều Tiên.

Đã đến lúc Washington và đồng minh cần nhận thức được rằng phải thay đổi và thích nghi.

Tiến trình thích nghi này thực ra đã bắt đầu từ trước. Hàn Quốc nhiều năm nay đã dồn lực để tăng ngân sách cho quân sự cũng như hiện đại hóa lực lượng quân đội.

Nước này gần đây đã bắt đầu triển khai hệ thống tên lửa đất đối đất tầm xa, kết hợp với mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ.

Seoul cũng đang đàm phán với Washington về việc lắp đặt Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD). Những động thái này chắn hẳn đã tăng cường khả năng phòng thủ của Seoul.

Dù vậy, nhiều người dân Hàn Quốc vẫn lo ngại rằng phát triển quân sự vẫn chưa đủ.

Một số nhà lập pháp bảo thủ và các nhân vật trong và ngoài chính phủ đã kêu gọi đất nước theo đuổi chương trình hạt nhân.

Nếu điều này diễn ra, Hàn Quốc sẽ đi theo bước chân của nhiều quốc gia, như Liên Xô, Anh, Pháp và Pakistan, đáp trả kẻ thù bằng cách cũng sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, mọi động thái phá vỡ Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân có thể đặt Hàn Quốc đối đầu với đồng minh chủ chốt của mình là Washington, nơi luôn phản đối việc theo đuổi vũ khí hạt nhân, bất kể từ đồng minh hay kẻ thù.

Thêm vào đó, theo đuổi hạt nhân sẽ đem tới những thách thức riêng cho Hàn Quốc. Dù đủ tiềm lực về công nghệ để chế tạo bom, nước này sẽ phải mất nhiều năm để hoàn thiện thiết bị vận chuyển cũng như xây dựng một hệ thống hạt nhân thực sự hiệu quả.


Việc theo đuổi vũ khí hạt nhân sẽ đặt Hàn Quốc vào thế đối đầu với đồng minh chủ chốt là Mỹ. Ảnh: Reuters.

Việc theo đuổi vũ khí hạt nhân sẽ đặt Hàn Quốc vào thế đối đầu với đồng minh chủ chốt là Mỹ. Ảnh: Reuters.

Nỗ lực này chắc chắn sẽ tốn kém, đồng thời phân tán ngân sách quốc phòng ít ỏi khỏi những như cầu an ninh thiết yếu. Thậm chí, theo chuyên gia Ramberg, việc này còn có thể chọc giận Trung Quốc.

Câu hỏi đặt ra là, liệu việc Washington tái trang bị bom nguyên tử cho Hàn Quốc, sau khi đã tước bỏ chúng khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, có mang lại thêm lợi ích gì hay không?

Trong bối cảnh Triều Tiên không ngừng phát triển hạt nhân, có phải đã tới lúc xem xét lại quyết định năm 1991? Liệu triển khai vũ khí nguyên tử sẽ tăng cường khả năng phòng thủ hay chỉ khiến Triều Tiên càng thêm phấn khích?

Và điều này có đủ giúp Seoul yên tâm và từ bỏ mong muốn theo đuổi hạt nhân không?

Ngoài ra, còn vấn đề về phản ứng của Trung Quốc. Liệu tái thiết lập kho vũ khí nguyên tử tại Hàn Quốc có hủy hoại quan hệ Trung-Mỹ không? Hay sẽ thể hiện quyết tâm của Washington trong việc bảo đảm an ninh cho tất cả đồng minh Đông Á của mình?

Những câu hỏi trên đáng được đưa ra tranh luận công khai tại cả Mỹ và Hàn Quốc, cùng với nhiều vấn đề đang bị bỏ quên khác nữa.

Đã đến lúc Mỹ đưa tay ra với Triều Tiên, như một cử chỉ nhằm chính thức chấp nhận những điều Washington không thể thay đổi, rằng Triều Tiên là quốc gia được trang bị hạt nhân.

Làm vậy không phải để chiều theo ý quốc gia này, mà để trao đổi, tiến tới xây dựng văn phòng liên lạc chính thức tại thủ đô hai nước.

Văn phòng này sẽ hoạt động như một cầu nối trực tiếp giữa hai nước, và theo chuyên gia Ramberg, có khả năng giảm thiểu nguy cơ chiến tranh nếu căng thẳng xảy ra.

Biện pháp đẩy mạnh cô lập Triều Tiên thực sự chỉ kéo dài thêm ảo vọng rằng Bình Nhưỡng sẽ buộc phải từ bỏ hạt nhân, nếu không sẽ tiếp tục bị trừng phạt.

Thách thức hiện nay, theo ông Ramberg, không phải là tiếp tục ủng hộ các chính sách ngoại giao viển vông, mà là chăm chút những chính sách có khả năng đảm bảo rằng quả bom của Kim Jong Un sẽ không kích nổ cuộc chiến hạt nhân của thế kỉ 21.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại