Bộ GTVT “dọa” truất quyền thu phí của nhà đầu tư QL1 và đường Hồ Chí Minh

Vạn Xuân |

Sáng nay (2/3), lãnh đạo Bộ GTVT đã họp với các nhà đầu tư kiểm điểm tiến độ triển khai các trạm thu phí không dừng trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Cùng dự cuộc họp có đại diện các Vụ: Khoa học công nghệ, Tài chính, Pháp chế, Kết cấu hạ tầng giao thông; Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục QLXD&CLCTGT;

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam; các Ngân hàng: Vietinbank, BIDV; Công ty Cổ phần Tasco.

Tại cuộc họp Thứ trưởng phụ trách Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện tại trên toàn quốc có 72 trạm thu phí, trong đó trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên có 37 trạm.

Tuy nhiên, hầu hết các trạm nay chưa có làn thu phí không dừng (ETC).

Theo ông Nguyễn Hồng Trường, trong đợt cao điểm Tết vừa qua, tình trạng ùn tắc diễn ra tại các tuyến đường ra vào cửa ngõ TP. HCM và phía Nam Hà Nội... đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại của người dân.

Trước tình trạng đó, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các chủ đầu tư trạm thu phí BOT phải mở cửa cho phương tiện đi qua nếu xuất hiện ùn tắc.

“Nguyên nhân ùn tắc tại các trạm thu phí chủ yếu do số lượng cửa tại các trạm còn hạn chế và công nghệ thu phí còn lạc hậu.

Do đó, để hạn chế ùn tắc, việc lắp đặt hệ thống ETC (thu phí tự động) tại các trạm thu phí theo định hướng của Bộ GTVT là bắt buộc đối với tất cả các nhà đầu tư BOT”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu, từ nay đến 30/6 toàn bộ các trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên phải triển khai tối thiểu một nửa số làn ETC, phấn đấu đến cuối năm 2018 toàn bộ các trạm chỉ có làn ETC (vẫn có barier), hết năm 2020 sẽ bỏ barier tại các thu phí.

Tham dự cuộc họp, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tasco-nhà đầu tư thực hiện dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc-giai đoạn 1 áp dụng cho 3 trạm phí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên cho biết, sau khi được Bộ

Giao thông vận tải lựa chọn để triển khai dự án thu phí tự động không dừng, Tasco đã nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để thực hiện dự án nhằm kịp thời cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng cho người dân vào thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, cho đến nay, điều kiện quan trọng nhất để dự án có thể cán mốc không nằm ở việc Tasco làm như thế nào mà là sự hợp tác, đồng thuận của các nhà BOT đối với dự án thông qua việc ký phụ lục hợp đồng với Bộ Giao thông vận tải và Hợp đồng cung cấp dịch vụ thu phí tự động với Tasco.

Theo ông Dũng, để dự án có thể cán đích, Bộ Giao thông vận tải cần ký hợp đồng dự án với Tasco trong tháng 3 này và các nhà đầu tư BOT cần nhanh chóng ký Phụ lục hợp đồng với Bộ Giao thông vận tải cũng như Hợp đồng cung cấp dịch vụ thu phí tự động với Tasco phải được hoàn thiện trong tháng 4/2016.

Đây cũng là vấn đề khó khăn nhất lúc này để dự án có thể đảm bảo tiến độ như đã yêu cầu.

Trước vấn đề Tasco đưa ra, chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Trường cho biết, hiện mới có 10 nhà đầu tư BOT ký với Tasco. Ngay trong hôm nay, tất cả 18 đơn vị còn lại phải ký dứt điểm hợp đồng để có cơ sở pháp lý triển khai,

thực hiện các bước tiếp theo.

“Trong tuần này, nếu Nhà đầu tư BOT nào không ký hợp đồng triển khai trạm thu phí không dừng trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, ngay tuần sau Bộ GTVT sẽ dừng thu phí đối với nhà đầu tư đó”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.

Tham dự cuộc họp, đại diện Công ty Cổ phần BOT Phước Tượng-Phú Gia (đơn vị làm hầm Phước Tượng-Phú Gia trên Quốc lộ 1A, Thừa Thiên Huế) đặt câu hỏi: Tài khoản của đơn vị đăng ký với ngân hàng Việt Á, trong khi dịch vụ thu phí của hệ thống ETC lại là của Tasco và ngân hàng BIBV.

Vậy, số tiền thu phí sẽ được chuyển về lại cho nhà đầu tư BOT như thế nào?

Trước câu hỏi trên, ông Vũ Quang Lâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VETC (Tasco)-nhà đầu tư và vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) cho biết, tiền phí xe qua trạm sẽ "chảy thằng" về Ngân hàng BIDV, sau đó được chuyển sang tài khoản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và sẽ phân phối tới tài khoản ngân hàng mà nhà đầu tư đã ký ngay trong ngày.

Tại cuộc họp, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, trong hợp đồng, các nhà đầu tư BOT đã ghi rõ số tài khoản tại ngân hàng nào và trên hệ thống của Ngân hàng Nhà nước sẽ định danh được tiền của trạm thu phí đó và cam kết thực hiện chuyển tiền về tài khoản của nhà đầu tư ngay trong ngày trước giờ đóng cửa của Ngân hàng Nhà nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại