Niềm mong ước cuối đời của NSND Thế Anh

Lê Công Sơn |

Nghệ sĩ Thế Anh tên thật là Nguyễn Thế Anh, sinh ra trong một gia đình trí thức ở Hà Nội. Khi cậu bé Thế Anh mới lên 3 tuổi cha cậu đã đỗ học bổng sang Pháp học bác sĩ nên nhà chỉ còn hai anh em trai.

Ngay từ nhỏ Thế Anh đã đam mê nghề diễn viên và bắt đầu sưu tầm ảnh poster các bộ phim nổi tiếng trên thế giới, vì vậy học xong phổ thông Thế Anh thi vào Trường Đại học Sân khấu ngay.

Là thế hệ vàng đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, cùng với các nghệ sĩ Trà Giang, Thanh Quý, Lâm Tới, Như Quỳnh và nhờ sự phát hiện, bồi dưỡng của những đạo diễn như Hải Ninh, Bạch Diệp, Phạm Văn Khoa, Vũ Phạm Từ… mà theo lời nghệ sĩ tài hoa này, “Không có những đạo diễn tên tuổi ấy thì làm gì có NSND Thế Anh của ngày hôm nay”.

Đam mê với nghề

Nếu như Trung úy Phương thư sinh, đẹp trai lần đầu tiên đã đưa tên tuổi Thế Anh đến với khán giả cả nước thì với Ba Duy, gã giang hồ khét tiếng ở Sài Gòn do một nghệ sĩ phía Bắc chính hiệu thủ vai, đã gây hiệu ứng sốt vé, kín rạp mỗi khi mang đi công chiếu.

“Phải nói ông Hải Ninh có con mắt rất thần khi chọn tôi vào vai này, vì khi ấy có tới hơn một nửa ý kiến không đồng ý chọn tôi.

Mọi người muốn chọn diễn viên trong Nam để thể hiện vai diễn chân thực hơn nhưng rồi cuối cùng đạo diễn Hải Ninh vẫn quyết định chọn tôi.

Nhờ thế mà một chàng trai thủ đô là tôi mới biết đến tính cách đặc biệt của một ông trùm Sài Gòn, đi bụi đời, hít chích xì ke rồi lái xe lạng lách như thế nào”.

Nhờ vốn sống thực tế và lối diễn xuất y như thật, NSND Thế Anh đã mang về cho bộ phim Nổi gió giải thưởng Bông sen vàng và vai diễn Ba Duy giải diễn viên xuất sắc nhất.

Có mặt trong 100 bộ phim, đa phần là vai chính ấn tượng trải dài trong thời gian một đời người nhưng ngồi lại ông vẫn nhớ vanh vách: Trung úy Phương (Nổi gió), Ba Duy (Mối tình đầu), Dư (Đường về quê mẹ), sĩ quan tên lửa (Em bé Hà Nội), thiếu tá Vĩnh Quán (Tự thú trước bình minh), chúa Trịnh Sâm (Đêm hội Long Trì), đại tá Võ (Chiến trường chia nửa vầng trăng), ông chủ rạp (Gánh xiếc rong), ông Cọp (Điện Biên Phủ), Quang Trung - Nguyễn Huệ (Thăng Long đệ nhất kiếm), vua Mèo (Lưu lạc, trở về Sam Sao).

Sau này, ông cũng có tham gia một số phim truyền hình: Dốc tình, Giao thời, Hoa dã quỳ, Tiếng cuốc đêm khuya, Xin lỗi tình yêu… được khán giả rất yêu thích.

Ông kể: “Diễn viên điện ảnh thời trước lao động nghệ thuật  vất vả dữ lắm. Vì vậy mặc dù kinh phí làm phim khá thấp nhưng luôn có phim hay.

Hồi đóng Tiền tuyến gọi, tôi phải theo Giáo sư Tôn Thất Tùng học nghiệp vụ hơn 30 ngày để xem cách thức ông sát trùng trước khi mổ, dáng điệu đi đứng, kể cả kiểu cách… ngáp, gãi… của ông.

Phim Em bé Hà Nội quay trong lúc máy bay gầm rú, bom đạn ác liệt thế mà vẫn không sợ, chỉ mong có những thước phim chân thực nhất để tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ.

Ở phim Nổi gió, để có cảnh dòng sông lấp loáng trong ánh nắng đón đoàn quân giải phóng trở về, chúng tôi phải nằm chờ thời tiết đẹp hàng tháng trời mới quay được, chứ không đơn giản và vội vã như đóng phim bây giờ.

Thông thạo tiếng Pháp, vốn tiếng Anh nghe hiểu được nên ngoài thời giờ dành cho công việc ông lại mày mò lên mạng với chiếc máy tính cũ kỹ để tìm xem phim bản gốc, tra từ khóa các diễn viên đặc biệt yêu thích và nhất là chương trình trực tiếp trao các giải thưởng danh giá để bổ sung kiến thức và kinh nghiệm diễn xuất.

Sau này, NSND Thế Anh có vào một số vai thời kinh tế thị trường: Đại gia (Xin lỗi tình yêu), ông Tài (Giao thời)… cho đỡ nhớ nghề chứ ông nói không thích lắm.

“Một bộ phim bom tấn nước ngoài đầu tư công phu thì đóng mới sướng còn như mình mấy trăm triệu mà nhà đầu tư đòi hỏi phải thu lãi gấp đôi, mạnh ai lại “thêm mắm, dặm đường” thì làm sao có tác phẩm hay được.

“Với lại, nghệ sĩ Thế Anh bây giờ “tóc bạc da mồi” không nên đóng phim nhiều để khán giả mất đi thần tượng đẹp trai ngày xưa nữa”. Ông lại cười khà khà.

Niềm mong ước cuối đời

Tại giải Cánh diều vàng năm 2014, danh hiệu “Thành tựu trọn đời” đã được trao cho NSND Thế Anh với nhiều đóng góp vượt bậc cho điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng mong ước nhất của trung úy Phương bây giờ chính là mong chờ được sự đầu tư của nhà nước hoặc sự hỗ trợ của các mạnh thường quân cho những bộ sưu tập quý giá của ông đang xuống cấp theo thời gian.

NSND Thế Anh cho biết: “Ngay từ nhỏ, tôi đã có sở thích sưu tập hình các diễn viên nổi tiếng và những đồ vật lưu niệm liên quan tới điện ảnh.

Sau này tham gia đóng phim, đi nhiều nơi tôi lại có thêm điều kiện góp nhặt mang về. Một số  kỉ vật, poster phim của các nước trên thế giới, của điện ảnh Việt Nam mà có thể duy nhất tôi là người hiện đang sở hữu rất hiếm và quý báu…”.

Tính đến nay, “gia tài” của NSND Thế Anh đã có hàng trăm poster phim Việt Nam, từ những bộ phim đầu tiên của điện ảnh Cách mạng Việt Nam và nhiều tác phẩm kinh điển, bom tấn của thế giới đều có mặt trong bộ sưu tập của ông.

Mỗi khi đi dự Liên hoan phim ở nước ngoài, ông lại cất công truy lùng cho bằng được để sưu tầm cất giữ, một số poster phim: Chung một dòng sông, Nổi gió, Đường về quê mẹ, Em bé Hà Nội... nhìn mà không tin rằng nó vẫn đang còn tồn tại đến ngày hôm nay.

Cả cuộc đời gắn bó với nghiệp điện ảnh và được tôn vinh danh hiệu “Thành tựu trọn đời” tại giải Cánh diều vàng năm nay là một ghi nhận những cống hiến của ông.

NSND Thế Anh còn có một tài sản vô giá khác là những trang phục, đạo cụ, hàng trăm poster, bản phim gốc mà ông cất công sưu tầm được hơn nửa thế kỷ qua.

Nhiều tư liệu độc bản duy nhất chỉ mình ông có đang bị phủ mờ bởi lớp bụi thời gian, đó là điều rất trăn trở.

Đến nhà riêng của ông, NSND Thế Anh mang ra khoe các đạo cụ: cung, tên, nỏ, tẩu thuốc… ông lưu giữ được từ hồi đóng phim Lưu lạc, trở về Sam Sao.

Trang phục những vai diễn để đời và các bức chân dung của ông do nhiều họa sĩ nổi tiếng phác họa.

Tấm áp phích của phim Điện Biên Phủ có chữ ký và lời đề tặng: “Gởi Thế Anh, gởi Ông Cọp. Kỷ niệm những ngày làm phim. Tôi yêu anh lắm” của đạo diễn nổi tiếng thế giới người Pháp Pierre Schoendoerffer được ông treo trang trọng giữa nhà..

Hình ảnh của các diễn viên Việt Nam, phim Việt Nam một thời khói lửa của điện ảnh Cách mạng do ông tự bảo quản nên theo thời gian, nhà cửa chật hẹp ẩm thấp, mối mọt đã làm chất lượng bị xuống cấp.

Vì vậy, ông rất mong muốn được nhà nước hoặc những ai yêu điện ảnh hỗ trợ ông có kinh phí sửa chữa, làm mới lại toàn bộ những bộ sưu tập quý giá này mà cả cuộc đời ông tâm huyết với nghề nghiệp mới có được.

“Nếu không bảo quản kịp thời và chuyên nghiệp các kỷ vật trong  “kho báu” này sẽ xuống cấp theo thời gian, rất lãng phí. Tiếc lắm.

Tôi dự định sẽ dành toàn bộ căn nhà đang ở này để lưu giữ và tổ chức những đợt triển lãm mini về điện ảnh để mọi người cùng đến tham quan, chiêm ngưỡng…

Nếu nhà nước hoặc mạnh thường quân nào đó tài trợ cho một số tiền để tôi lập được một phòng trưng bày mini để bảo quản các hiện vật, cho khách đến tham quan và lưu trữ cho các thế hệ mai sau thì đây sẽ là niềm vui lúc cuối đời” - NSND Thế Anh ao ước.

Sau vinh danh thành tựu trọn đời của điện ảnh Việt Nam, hạnh phúc của NSND Thế Anh là được ra thăm Trường Sa, ông ngồi tính từng ngày, chờ từng giờ được lên đảo và ra thăm lính nhà giàn nhưng không biết ở tuổi 78 có còn đủ sức khỏe để lên đường hay không?

Ngoài điện ảnh, trong lĩnh vực sân khấu, NSND Thế Anh cũng có nhiều vai diễn tạo ấn tượng: bác sĩ Hải (Đôi mắt), Rubakov (Chuông đồng hồ điện Kremlin), gián điệp Đức Stavinsky (Nila - cô bé đánh trống trận), cố vấn Mỹ (Anh Trỗi).

Một số nhân vật phản diện và chính diện với lối diễn xuất phóng khoáng, có chiều sâu trong Hoa anh túc, Âm mưu và tình yêu, Khúc thứ ba bi tráng, Vụ án Eroxtrat, Đại đội trưởng của tôi, Othello, Bài ca Điện Biên, Người cha thô bạo, Hòn đảo thần vệ nữ...

Năm 1984, ông vinh dự nhận danh hiệu NSƯT và được phong tặng NSND năm 2001.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại