Học theo tiền bối Reagan, Obama đang cố ý nhường Syria cho Putin?

Đức Huy |

Đó là nhận định của tác giả Chuck Hobbs về tình hình Syria hiện nay trong một bài góc nhìn đăng trên trang tin Quốc hội Mỹ The Hill hôm 5/11 vừa qua.

Khi Nga phát động chiến dịch không kích nhắm vào Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria cũng như hỗ trợ chính phủ Bashar al-Assad hồi cuối tháng 9 vừa qua, phần đông dư luận nước Mỹ đã không tiếc lời chỉ trích vị Tổng thống của mình đã quá chần chừ và để Moscow nắm thế chủ động.

Họ cho rằng ông Obama đã thiếu đi một phương án hợp lý trong việc chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria, gián tiếp gây ra cuộc khủng hoảng nhập cư đang khiến châu Âu đau đầu, đồng thời đặt dấu hỏi cho việc Mỹ không "xử lý" IS một cách triệt để hơn.

Nhưng ở thời đại đa dạng luồng ý kiến như bây giờ, bất kì vấn đề nào cũng sẽ có những người có quan điểm trái chiều. Và trong vấn đề Syria hiện nay, luật sư-nhà nghiên cứu Chuck Hobbs là một trong số đó.

Theo ông Hobbs, trái ngược với những gì truyền thông đang nói về chính phủ Obama, Nhà Trắng hiện nay dường như đang học theo chiến lược khi xưa của cựu Tổng thống Ronald Reagan.

"Dụ" Nga chạy đua vũ trang

Cụ thể, thay vì trực tiếp đối đầu Nga tại Syria nói riêng hay Trung Đông nói chung, Washington có thể "dụ" Nga vào một cuộc chạy đua vũ trang, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng để phản ứng trước mọi biến cố ở Đông Âu khi cần.

Ông Hobbs nhận định, kể từ năm 1999, ngành công nghiệp quốc phòng luôn được Nga đặt rất nhiều kì vọng.

Điều này được thể hiện qua phát biểu của Tổng thống Putin hồi tháng 6 vừa qua, khi ông nói: "Rõ ràng sự hiệu quả trong công nghiệp quốc phòng là chìa khóa quan trọng nhất mở đường cho phát triển kinh tế".

Luật sư này cũng chỉ ra rằng, ông Putin đã thiết lập một chương trình cho phép lính mới nhập ngũ thay vì ra chiến trường có thể chọn công tác trong ngành công nghiệp quốc phòng, nơi đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 2,5 triệu người Nga.

Theo ông Hobbs, với nhu cầu vũ khí đạn dược như hiện nay, việc ông Putin phô diễn các sản phẩm quân sự của Nga trên chiến trường như hiện nay tại Syria cũng không có gì ngạc nhiên, vì điều đó cũng sẽ góp phần tăng thêm sức mua đối với "hàng Nga".

Đặc biệt, trong khi giá dầu vẫn còn ở mức thấp như lúc này, Moscow sẽ còn phải dựa vào một ngành công nghiệp quốc phòng phát triển ổn định để "cứu cánh" cho nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của Nga.

Nhưng theo một bản báo cáo tháng trước của tạp chí quân sự IHS Jane's, chi phí cho mỗi ngày hoạt động tại Syria của không quân Nga đang ở mức 4 triệu USD. Nếu tính từ 30/9, khi Nga phát động chiến dịch, thì đến nay Moscow đã tiêu tốn khoảng 150 triệu USD.

Với ngân sách quốc phòng khoảng 50 tỉ USD/năm (quá nhỏ nếu so với con số 615 tỉ của Mỹ), thì theo ông Hobbs, nhiều khả năng Nga sẽ không thể kéo dài chiến dịch tại Syria được lâu.

Luật sư này cũng viết rằng những diễn biến hiện nay khiến ông nhớ lại thời điểm năm 1983, khi cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đề xuất Sáng kiến Quốc phòng chiến lược, và được báo chí Mỹ ví von là "Chiến tranh giữa các vì sao".

Ông Reagan trong bài phát biểu về chiến lược Chiến tranh giữa các vì sao năm 1983. Ảnh: History.com
Ông Reagan trong bài phát biểu về chiến lược "Chiến tranh giữa các vì sao" năm 1983. Ảnh: History.com

Ông Hobbs nhận định, chính màn khích tướng này của ông Reagan đã lôi kéo Liên Xô vào một cuộc chạy đua vũ trang mà kết cục là Liên Xô phải "phá sản", qua đó kéo đổ Bức màn Sắt chia cắt châu Âu.

Nay, theo ông Hobbs, khi mà ông Putin không hề giấu giếm ý định đưa Nga trở về thời hoàng kim của một Liên Xô thống trị ảnh hưởng trên trường quốc tế khi xưa, Washington hoàn toàn có thể tận dụng điều đó để đưa Moscow vào bẫy thêm một lần nữa.

Trước mắt, ông Hobbs cho rằng việc Nga nhất quyết theo đuổi các biện pháp quân sự, như hiện nay là tại Syria, đến một lúc nào đó sẽ khiến nước này đi đến bờ vực "phá sản" như Liên Xô ngày trước.

Bảo vệ đông Âu

Trong thời kì Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và Mỹ luôn tìm cách lôi kéo các nước "vệ tinh" về với mình để mở rộng ảnh hưởng. Nay, ông Hobbs nhận định, Mỹ cần đề phòng Nga có thể sẽ áp dụng những gì đã làm với Crimea tại các nước Baltic.

Luật sư này cho rằng ông Obama đã nhận ra được điều đó, với việc có thông tin cho rằng Mỹ và NATO đang cân nhắc điều động thêm binh sĩ Mỹ tới đóng tại Estonia, Latvia và Lithuania.

Ngoài ra, cuộc tập trận Trident Juncture mới đây với sự tham gia của 36.000 binh sĩ đến từ tất cả 28 nước thành viên NATO cũng có thể coi như một lời khẳng định từ liên minh này nói chung và Mỹ nói riêng rằng, họ sẽ không để Nga gây bất ngờ như tại Crimea trước đây.

Do đó, ông Hobbs kết luận, dù bị đánh giá là yếu thế ở Syria, nhưng dường như ông Obama đang cố ý "nhường" sân khấu để ông Putin tự đưa mình vào vũng lầy kinh tế do quá chú tâm vào quân sự, qua đó lặp lại lịch sử của Liên Xô khi xưa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại