Việt Nam có 2 trong 10 danh tướng vĩ đại nhất thế giới - Công bố trao thưởng

Quân sự |

Việt Nam có tới 2 trong 10 danh tướng vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới là hoàn toàn xứng đáng. Năm 2014, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã công bố tài liệu nghiên cứu của cố NSUT Minh Hiến về vấn đề này.

Theo tác giả Minh Vương - Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Bách khoa toàn thư Anh Quốc cũng là Bách khoa toàn thư xuất bản trọn bộ sớm nhất trên thế giới: từ năm1768 -1771. Trong khi The Encyclopedia America (Bách khoa toàn thư) của Hoa Kỳ xuất bản năm 1829.

Tham gia soạn thảo Bách khoa toàn thư Anh Quốc là những nhân vật nổi tiếng, rất có uy tín của Viện Hàn lâm London và Edinburg (Thủ đô của Scotland).

Đặc biệt, sách còn có sự tham gia của nhiều học giả tên tuổi ở các trường Đại học Chicago của Hoa Kỳ, Toronto của Canada, Tokyo của Nhật Bản và Đại học Quốc gia Úc tham gia biên soạn và hiệu đính.

Do vậy, cuốn sách này rất có uy tín trên thế giới, đã được xuất bản ở London, ở nhiều thành phố và thủ đô nhiều nước khác như: Chicago, Auckland, Geneva, Milano, Paris, Roma, Seoul, Sydney, Tokyo, Toronto…

Năm 1973, Bách khoa toàn thư Anh Quốc (EB) được tái bản lần thứ 14. Trong lần tái bản này, tuy đã được biên soạn rất công phu nhưng Ban soạn thảo sách thấy vẫn còn có một số vấn đề cần khắc phục, trong đó có vấn đề danh nhân quân sự thế giới.

Ví dụ như: viết về Napoléon thì thấy viết quá kỹ, quá dài từ trang 2 đến trang 10 gồm 1.400 dòng, 14.000 từ. Phần minh họa còn có 2 bức ảnh lớn chụp lại 2 bức tranh ở Bảo tàng Versailles và Bảo tàng Malmaison.

Trong khi đó, tên một vị tướng lừng danh là Kutuzov, vị thống soái tài năng của nước Nga- người đã bẻ gãy mộng bá chủ thế giới của tướng Napoleson nước Pháp lại chỉ có chưa đầy 50 dòng, không có ảnh minh họa.

Sự bình chọn tên tuổi những vị tướng xuất sắc trên thế giới cũng chưa đầy đủ, khách quan và khoa học.

Vì vậy hội đồng biên soạn EB đã bổ sung những khuyết nhược điểm để tái bản lần thứ 15 và lấy tên là The new Encyclopedia Britannica -Tân Bách khoa toàn thư Anh quốc (viết tắt là TNBE).

Tân Bách khoa toàn thư Anh quốc tái bản lần thứ 15 có thêm những vị tướng soái kiệt xuất trước đây chưa hề có, trong đó có Danh tướng Trần Hưng Đạo và Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Việt Nam.

Theo đó thì vào tháng 2-1984, Hội Hoàng gia nước Anh đã tổ chức một cuộc họp với sự tham gia của 478 nhà khoa học và nghiên cứu lịch sử và quân sự nổi tiếng trên thế giới.

Hội nghị đã đề cử một danh sách bao gồm 98 vị tướng soái giỏi trên toàn thế giới để rồi tiến hành bầu chọn ra 10 danh tướng giỏi nhất, kiệt xuất nhất của thế giới để đưa vào cuốn Tân Bách khoa toàn thư Anh quốc.

Thật tự hào, trong số 10 vị danh tướng kiệt xuất thế giới được Hội nghị bầu ra có 2 danh tướng của Việt Nam là Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp.


Tài liệu về việc bầu chọn 2 Danh tướng Việt Nam của gia đình cố NSUT Minh Hiến.

Tài liệu về việc bầu chọn 2 Danh tướng Việt Nam của gia đình cố NSUT Minh Hiến.

Khi viết về 2 vị tướng Việt Nam, cuốn sách TNEB đã nhấn mạnh đến tính nhân dân trong các chiến công oanh liệt chống ngoại xâm như: Trần Hưng Đạo đã được “sự ủng hộ của toàn thể các tầng lớp nhân dân”.

Sau đây là nội dung của hai mục “Võ Nguyên Giáp và Trần Hưng Đạo” trong  cuốn sách TNEB xuất bản năm 1983 tại Anh Quốc:

Mục từ Võ Nguyên Giáp và Trần Hưng Đạo được viết trong sách TNEB (The New Encyclopedia Britannia) Trong đó: Mục từ Trần Hưng Đạo được in ở volume X, trang 88, có 38 dòng, 270 từ (ký hiệu TVKHTH thành phố: Z 256).

Mục từ Võ Nguyên Giáp được in ở volume X, trang 493 -494 có 70 dòng, 490 từ (ký hiệu tại TVKHTH thành phố: Z 256).

Võ Nguyên Giáp: “là con của nhà nho có nhiệt tâm chống thực dân Pháp trở thành một thanh niên đấu tranh cho nền độc lập của Việt Nam.

Ông theo học ở trường Cao đẳng (TNEB nhầm đúng ra là Quốc học Huế) mà trước đó Hồ Chí Minh - lãnh tụ Cộng sản đã học. Cho tới năm 1926, ông tham gia Tân Việt Cách Mạng Đảng. Đảng cách mạng của thanh niên Việt Nam.

Năm 1930, tích cực tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, ông bị mật thám Pháp bắt và kết án tù 3 năm, nhưng đã được trả tự do chỉ sau vài tháng. Ông tiếp tục theo học trường Albert Sarraut ở Hà Nội và được nhận học vị cử nhân luật.

Tiếp đó, ông dạy sử tại trường Thăng Long, nơi đây ông truyền bá cho nhiều giáo sư và học sinh quan điểm chính trị của mình. Năm 1938 ông kết hôn với Minh Thái và cùng nhau hoạt động trong Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đến năm 1939 Đảng bị cấm, ông chạy sang Trung Quốc còn vợ ông cùng với người chị bị cảnh sát Pháp bắt. Người chị vợ ông bị tử hình, còn vợ ông bị kết tù chung thân, sau giảm xuống 15 năm, nhưng bà đã chết trong ngục sau 3 năm bị giam cầm.


Đoạn viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuốn Tân Bách khoa toàn thư của Anh quốc.

Đoạn viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuốn Tân Bách khoa toàn thư của Anh quốc.

Năm 1941, liên kết với Chu Văn Tấn, một lãnh tụ du kích nguời Thổ (một dân tộc thiểu số ở Bắc Việt Nam), Võ Nguyên Giáp hy vọng xây dựng một đội quân chống Pháp và ủng hộ những mục tiêu chính trị của Việt Minh, chính phủ Việt Nam độc lập của Hồ Chí Minh.

 
 

Cùng với Hồ Chí Minh, tháng 8 năm 1945 Võ Nguyên Giáp tiến quân về Hà Nội và đến tháng 9 Hồ Chí Minh tuyên bố nền độc lập của Việt Nam với Võ Nguyên Giáp ở cương vị Bộ trưởng Nội vụ và Tổng chỉ huy quân đội…

Ông nổi lên như một nhà chiến lược và chiến thuật quân sự mang lại chiến thắng quyết định ở Điện Biên Phủ tháng 5 năm 1954 đưa đến sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân.

Khi đất nước bị chia cắt vào tháng 7, ông trở thành Phó thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang ở Bắc Việt Nam.

Ông đã lãnh đạo các lực lượng quân sự của Bắc Việt Nam đánh thắng cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, đuổi quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam năm 1975. Năm 1976, hai miền nước Việt Nam thống nhất, ông lại là phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng.

Ông còn là ủy viên chính thức Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, là tác giả sách “Chiến tranh nhân dân, Quân đội nhân dân”, một tác phẩm viết về chiến tranh du kích trên cơ sở kinh nghiệm bản thân ông.

Trần Hưng Đạo: họ tên là Trần Quốc Tuấn, được phong là Hưng Đạo Vương (năm 1300).

Ông là một gương mặt gần như huyền thoại của lịch sử Việt Nam, nhà chiến lược quân sự xuất sắc đã đánh thắng quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn, và là người anh hùng dân tộc trong nền văn hóa Việt Nam ngày nay.

Vương triều Đại Việt bị quân Mông Cổ tiến công lần thứ nhất năm 1253.

Khi Thành Cát Tư Hãn đòi tiến quân qua đồng bằng sông Hồng để đánh chiếm nước Trung Hoa từ hướng Nam, trong lời Hịch tướng sĩ đầy xúc động, tướng quân Trần Hưng Đạo đã kêu gọi quân đội đánh đuổi xâm lược vì sự thống nhất của Tổ quốc.

Ông ban bố cuốn Binh thư yếu lược, một cẩm nang về nghệ thuật quân sự. Trong lời tựa, ông phác ra tư tuởng Nho giáo về tinh thần trung quân, ái quốc và nghĩa vụ hy sinh chiến đấu thiêng liêng gần như là một bổn phận tín ngưỡng.

Sau một số trận thắng không quyết định, Hưng Đạo dụ hạm đội của quân Mông vào cửa sông Bạch Đằng năm 1288.

Các chiến thuyền của Thành Cát Tư Hãn đã bị những cọc bịt sắt của quân nhà Trần cắm dưới mặt nước xé toạc và nhấn chìm, phỏng theo cách đánh của Ngô Quyền, một nhà quân sự lỗi lạc trước đó, năm 939…” (tài liệu của NSUT Minh Hiển dịch theo bản tiếng Anh trong TNEB Volume X, tái bản lần thứ 15)

Việc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với những chiến tích lừng lẫy, có tác động lớn vượt ra ngoài phạm vi của một quốc gia, đã đươc chọn vào danh sách những vị tướng soái kiệt xuất thế giới in trong TNEB, một Bách khoa toàn thư của nước Anh rất có uy tín, đã và đang được xuất bản ở 11 trung tâm văn hóa lớn của thế giới, đó thật sự là niềm tự hào, vinh quang cho Tổ quốc Việt Nam.

Mới đây gia đình cố NSUT Minh Hiến - nguyên Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam (Bộ VHTTDL) đã cung cấp nhiều tài liệu sưu tầm nghiên cứu của ông về sự kiện 2 danh tướng Việt Nam được bầu chọn là 2 danh tướng kiệt xuất thế giới.

CÔNG BỐ TRAO GIẢI

Nhóm chuyên gia quân sự quyết định trao giải cho 2 bạn đọc Lê Chí Hiếu và Đỗ Thùy Linh.

Lê Chí Hiếu:

Vào tháng 2 năm 1984, Hội đồng khoa học Hoàng gia vương quốc Anh đã xét phong 10 vị tướng tài xuất sắc của thế giới, chọn trong 98 vị từ cổ đại đến hiện đại.

Chân dung 10 vị tướng được đúc tượng vàng và đặt trang trọng ở Viện bảo tàng lớn nhất Luân Đôn. Việt Nam quá vinh dự là nước có hai người con ưu tú trong danh sách trên.

Đó là Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo- Đại vương Trần Quốc Tuấn (cháu của vua Trần Thái Tông) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị đại tướng của nhân dân.

Đó không chỉ là niềm tự hào của dân tộc mà còn thể hiện sự ghi nhận của Quốc tế với Việt Nam cũng như truyền thống vẻ vang luôn được kế thừa và phát triển qua các thời kỳ.

10 vị tướng ấy bao gồm : 
* Alexandros Đại Đế (Megas Alexandros; tháng 7 năm 356 TCN – 11 tháng 6 năm 323 TCN), cũng được biết đến như là Alexandros III, là vua của xứ Macedon (336–323 TCN). 
* Hannibal là một tướng trẻ 25 tuổi trở thành tổng chỉ huy quân Carthage ở TBN (Hy Lạp (247- 183 TCN).Thành tích đánh bại quân La Mã và ảnh hưởng chính trị bấy giờ đã đưa ông đến với tượng đài của các Danh tướng. 
* Xêza (César): La Mã (100- 44 TCN). Người sáng lập nền quân chủ đầu tiên ở La Mã. 
* Thiết Mộc Chân (Temujin 1162-1227): sau này lấy danh hiệu là Thành Cát Tư Hãn, tức Genghis Khan.Một vị tướng cả đời chinh chiến trên vó ngựa thảo nguyên chinh phục thế giới. 
* Napoléon Bonaparte: Hoàng đế Pháp (1804- 1815). Sinh ngày 15/8/1769, mất ngày 5/5/1821.Vị hoàng đế và những trận đánh nổi tiếng cũng như học thuyết quân sự vĩ đại. 
* Mikhain Ilariơnôvích Kutuzov (1745- 1813). Nguyên soái nước Nga, và là người chiến thắng Napoleon (Pháp) trong trận đánh nổi tiếng thế giới. 
* Thống chế Erwin Rommel (1891 - 1944 ): Một vị chỉ huy quân sự được thế giới đánh giá thuộc loại xuất sắc nhất trong hàng ngũ các tướng lĩnh trong quân đội đức Quốc xã cung với Eric von Manstein và Heinz Guderian. 
* Đại tướng Heinz Guderian (17 tháng 6 năm 1888 – 14 tháng 5 năm 1954) của Đức quốc xã

Và hai vị tướng tài của Việt Nam là Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo- Đại vương Trần Quốc Tuấn (cháu của vua Trần Thái Tông) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Vị đại tướng của nhân dân.

1. Trần Hưng Đạo - Hưng Đạo Đại vương (1213-1300): Anh hùng danh nhân quân sự cổ kim của thế giới.

Quốc Tuấn rất thông minh, xuất chúng, đọc rộng các sách cả văn lẫn võ. Trong đời mình Quốc Tuấn đã trải qua một lần gia biến, ba lần nạn nước. Nhưng ông lại càng tỏ ra là người hiền tài, một vị anh hùnh cứu nước.

Ông luôn đặt lợi nước lên trên thù nhà, vun trồng cho khối đoàn kết giữa tông tộc họ Trần, tạo cho thế nước ở đỉnh cao muôn trượng đủ sức đè bẹp quân thù.

Trong lần quân Nguyên sang xâm lược lần thứ ha, thấy rõ ngành trưởng, ngành thứ xung khắc, giữa ông và Trần Quang Khải không chung sức chung lòng thì kẻ thù có lợi chỉ có thể là quân giặc.

Bởi vậy, Quốc Tuấn đã chủ động giao hảo hòa hiếu với Trần Quang Khải, tạo nên sự thống nhất ý chí của toàn bộ vương triều Trần, đảm bảo đánh thắng quân Nguyên hùng mạnh.

"Chuyện kể rằng, một lần ở biển Đông, Quốc Tuấn mời Thái sư Trần Quang Khải sang thuyền mình trò chuyện chơi cờ và sai người nấu nước thơm tự mình tắm rửa cho Trần Quang Khải, vĩnh viễn xóa nỗi hiềm khích giữa hai người, đầu mối của hai chi họ Trần (Quốc Tuấn là con Trần Liễu, Quang Khải là con Trần Cảnh).

Lần khác, Quốc Tuấn đem việc xích mích dò ý các con, Trần Quốc Tảng có ý kích ông nên cướp ngôi chi thứ. Ông nổi giận rút gươm toan chém chết Quốc Tảng.

May nhờ các con và những người tâm phúc van xin, ông bớt giận dừng gươm nhưng bảo rằng: Từ nay cho tới khi ta nhắm mắt, ta sẽ không nhìn mặt thằng nghịch tử, phản thần này nữa.

Trong kháng chiến, ông luôn hộ giá bên vua, tay chống gậy bịt sắt. Dư luận xì xào sợ Ông giết vua,. Ông liền bỏ luôn phần bịt sắt, chỉ chống gậy để tránh hiềm nghi, làm yên lòng quân dân".

Trong ba lần chống giặc ngoại xâm, Ông đều được giao quyền Tiết chế (Tổng tư lệnh quân đội) vì ông biết dùng người tài đúng chỗ, thương yêu bảo vệ binh lính, các tướng sĩ đều hết lòng tin yêu ông.

Đạo quân cha con ấy trở thành đội quân bách chiến bách thắng trong lịch sử Việt Nam.

Trần Quốc Tuấn là tướng trụ cột của triều đình. Ông đã dầy công nghiên cứu và soạn thảo hai bộ binh thư: Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp Tông bí truyền thư dể răn dạy các tướng cầm quân đánh giặc.

Trần Quốc Tuấn viết Hịch tướng sĩ, truyền lệnh cho các tướng, dạy bảo họ lẽ thắng trận, tiến lui. Trần Quốc Tuấn là một bậc tướng tài gồm đủ tài, đức: 

Là tướng nhân, ông thương dân thương quân lính như chính bản thân mình.

Là tướng nghĩa, ông coi việc đúng hơn là cái lợi ích đơn thuần.

Là tướng trí, ông vận dụng binh pháp, tiến thoái theo đạo trời hành sự.

Là tướng dũng, ông xông pha trăm trận, bách chiến bách thắng, Bạch Đằng giang oanh liệt nghìn đời.

Là tướng tín, ông bày tỏ trước cho quân lính theo ông sẽ được gì, trái lời ông thì gặp họa. Cho nên, cả 3 lần đánh giặc Nguyên, ông đều được giao trọng trách điều bát binh mã và đều lập công lớn.

"Hai tháng trước khi mất, vua Anh Tông đến thăm và hỏi: Nếu chẳng may ông mất đi, giặc phương Bắc lại sang xâm lấn thì kế sách làm sao?

Ông đã trăng trối những lời tâm huyết, sâu sắc, đúng cho mọi thời đại: "Thời bình phải khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách giữ nước.".

Tháng Tám, ngày 20 năm Canh Tý (1300), "Bình Bắc đại nguyên soái" Hưng Đạo đại vương qua đời.

Theo lời ông dặn, thi hài ông được hỏa táng thu vào bình đồng chôn trong vườn An Lạc, gần cánh rường An Sinh, không xây lăng mộ, đất san phẳng, trồng cây như cũ.

Vua gia phong cho ông tước Hưng Đạo đại vương. Triều đình lập đền thờ ông tại Vạn Kiếp, Chí Linh, phong ấp của ông lúc sinh thời.

2. Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013) được mệnh danh là bậc thầy số 1 về chiến tranh du kích. Báo chí, truyền thông nước ngoài gọi ông là "Napoleon của Việt Nam".

Không qua một trường lớp quân sự chính quy nào nhưng Võ Nguyên Giáp đã trở thành "vị tướng 5 sao" đầu tiên của Việt Nam khi mới chỉ 37 tuổi. 

Điểm khác biệt của Tướng Giáp mà hiếm có vị tướng nào trên thế giới làm được, đó là sự nể phục và quý trọng của các bại tướng dưới tay ông. Tướng De Castries thất bại trước tướng Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã phải thừa nhận:

“Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”.

Trong buổi gặp gỡ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Robert McNamara năm 1997, tướng Chester Cooper của phía Mỹ đã bày tỏ thái độ ngưỡng mộ với cố Đại tướng Việt Nam: “Thưa ngài, tôi thán phục ngài từ 20 năm trước. Nay tôi vẫn thán phục”.

Và ngay cả một cựu lính Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam là James G. Zumwalt đã phải thốt lên: “Tôi chỉ có thể nói rằng, ông ấy là vị tướng vĩ đại nhất thuộc về một thế hệ vĩ đại nhất của Việt Nam”. 

Với tài thao lược của mình, ông đã chỉ huy thành công chiến dịch Điên Biên Phủ, tiêu diệt “pháo đài bất khả xâm phạm” của Pháp, tổ chức chiến dịch Hồ Chí Minh huyền thoại, chính thức giành lại độc lập cho dân tộc ta.

Cũng từ đây, biệt danh “Napoleon của Việt Nam” bắt đầu xuất hiện. Sở dĩ nhiều người gọi ông như vậy là bởi cách dụng binh của Tướng Giáp có nhiều điểm tương đồng với hoàng đế Pháp.

Ông chỉ huy những chiến dịch tưởng chừng không thể thắng, đưa ra những quyết định mà có lẽ không một vị tướng nào dám thực hiện. Đặc biệt, Tướng Giáp rất giỏi khi tổ chức, bố trí những trận đánh du kích lấy ít địch nhiều.

Điển hình trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ngay sát giờ nổ súng, ông hạ lệnh rút hết quân đội, pháo binh ra khỏi vị trí, lùi thời điểm tiến đánh, chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cố Đại tướng đã ra lệnh cho mở đường mòn Hồ Chí Minh - con đường huyết mạch, cực kỳ quan trọng và đem về thắng lợi toàn cục cho dân tộc ta.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi là một vị tướng tài năng nhất của dân tộc và là vị tướng giản dị, một vị tướng của nhân dân.

Đỗ Thùy Linh:

Năm 1983 cuốn Tân Bách khoa toàn thư Anh quốc - The new Encyclopedia Britannica (TNEB) được xuất bản trong đó bộ Bách khoa toàn thư được tái bản lần thứ 15 này đã bổ sung thêm các danh nhân quân sự.

Trong đó có 2 vị Danh tướng của Việt Nam nằm trong 10 vị danh tướng vĩ đại nhất lịch sử nhân loại là: Đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Cả 2 vị danh tướng của Việt Nam đều được bình chọn với kết quả phiếu bầu tuyệt đối 478/478 trong khi có những vị danh tướng khác tỷ lệ bình chọn không được tuyệt đối như Nguyên soái Kutuzov (Liên Xô) chỉ đạt 72%,... 

Điều đáng chú ý, riêng khi viết về 2 vị tướng Việt Nam TNEB đã nhấn mạnh đến tính nhân dân trong các chiến công oanh liệt chống ngoại xâm.

Trần Hưng Đạo đã được “sự ủng hộ của toàn thể các tầng lớp nhân dân” (support of all classes)  còn Võ Nguyên Giáp là “tác giả của Chiến tranh nhân dân, Quân đội Nhân dân” (The author of People’s war, People’s army).

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại