“Nội soi” trận F-117 của Không quân Mỹ bị Nam Tư bắn hạ

Đại tá Trần Danh Bảng |

Như đã nêu, các loại tên lửa chính của lực lượng phòng không Nam Tư vào thời điểm năm 1999 có tới 90% đã lỗi thời.

NATO áp đảo

Không có lý lẽ và minh chứng nào có thể bác bỏ điều này. Như đã nêu, các loại tên lửa chính của lực lượng phòng không của Nam Tư là: S-75, S-125, Strela-10, Strela-1 và Strela-2, pháo tự hành ZSU-57-2, tổng cộng 170 bệ phóng khác nhau, trong đó có tới 90% đã lỗi thời.

Do đó, các lực lượng phòng không của Nam Tư đã phải chiến đấu trong điều kiện cực kỳ khó khăn. Hầu như bất kỳ nguồn phát bức xạ vô tuyến nào cũng bị tên lửa chống radar AGM-88 HARM tìm diệt sau lần phóng đầu tiên.

Để bảo vệ thủ đô Belgrade, Nam Tư chủ yếu sử dụng các tiểu đoàn S-125 đã được hiện đại hoá một phần, như trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tự động hoá của hãng Marconi và 2 tiểu đoàn được trang bị các trạm hồng ngoại của hãng Phillips.

S-125 còn sử dụng các trạm ảnh nhiệt thụ động do phương Tây sản xuất nhằm bảo đảm khả năng sống còn, tính bí mật và tăng khả năng tác chiến cả ngày lẫn đêm.

Tương quan lực lượng quá chênh lệch, nên gần như 100% mục tiêu công nghiệp dầu mỏ, 70% mục tiêu công nghiệp hàng không, 40 - 50% các nhà máy xe tăng, đạn dược, gần 70% đường ô tô và đường sắt, 20 - 80% hạ tầng quân sự của Nam Tư bị loại khỏi vòng chiến.

Bệ phóng tên lửa phòng không S-125 của Nam Tư
Bệ phóng tên lửa phòng không S-125 của Nam Tư

Nam Tư đã chuẩn bị kỹ lưỡng

Các máy bay chiến thuật thì luôn mang theo tên lửa cao tốc. Bất kể khi nào kíp trắc thủ điều khiển của lực lượng tên lửa Nam Tư bật đài trinh sát mục tiêu (SRTs), thì tên lửa chống radar cao tốc AGM-88 HARM của NATO tấn công lập tức.

Để bảo vệ khí tài, tại các trận địa phòng không của Nam Tư, các cabin điều khiển được phủ các tấm cao su dày 15 - 20 mm, phủ trên cùng là các tấm lát bằng gỗ tròn.

Các quy định tác chiến được thực hiện nghiêm, thời lượng hoạt động thiết bị phát của radar không được quá 6 giây.

Nếu trong quãng thời gian này (nhất là về đêm) mà không bắt bám được mục tiêu thì thiết bị phát radar phải tắt. Sau 10 giây thiết bị phát radar mới được bật lại trong 6 giây tiếp.

Nếu trong quãng thời gian bật lại này vẫn không bắt được mục tiêu thì không được bật lại nữa. Trường hợp bắt bám được mục tiêu thì lập tức tiến hành phóng đạn, thường đồng thời phóng 2 quả đạn tên lửa cùng lúc.

Một “trận” bắn máy bay của tên lửa phòng không, tính bằng thời điểm mở máy đến khi bắn hạ, sau đó chuyển mục tiêu khác, nên nó chỉ diễn ra từ vài đến trên chục phút. Thông tin chỉ thị mục tiêu cho tên lửa được truyền qua điện thoại chỉ rõ phương vị và cự ly.

Có cái khó là số liệu về độ cao bay của các mục tiêu thường không được cung cấp do các khí tài đo cao cơ động đã bị tiêu diệt.

Sai số đo độ cao của đài P-18 là vài trăm mét, không chính xác, do đó việc ước lượng, phán đoán đặt góc ngẩng của mặt phẳng góc tà trên khí tài S-125 được các chỉ huy phân đội tên lửa phía Nam Tư cân nhắc, sao cho phát sóng là “tóm” được mục tiêu ngay.

Tạp chí phòng không Nga VKO cho biết, Tư lệnh Quân chủng Phòng không của Nam Tư sau này đã tiết lộ những điểm yếu trong không kích của máy bay F-117A, nên họ thường tổ chức phục kích theo các đường bay quy luật.

Để làm được điều đó, radar (P-18) vòng ngoài phải đặt ở xa cách 20 km, để có thể chỉ báo sớm hơn, chủ động chặn đánh mục tiêu.

Trong xạ kích, họ tận dụng phương pháp bắn tự động, thay vì “bắn bằng tay”. Các thiết bị phát radar hoả lực được bật lên “chỉ” khi cự ly mục tiêu tới gần, (thường không quá 20 km, tức là bảo đảm mục tiêu luôn nằm trong khu vực sát thương).

Khi bắn ban ngày, hệ thống ngắm quang truyền hình (TVO) được dùng làm phương tiện trinh sát chính, bởi vì hệ thống các khí tài ở chế độ “radio” (vô tuyến) hạn chế sử dụng do đối phương gây nhiễu nặng.

Tướng Nga Anatoly Kulikov viết trong VKO năm 2008 nhận định: Các phương tiện radar Nam Tư đã tiến hành sục sạo mục tiêu ở chế độ phát xạ trong thời gian rất ngắn.

Việc xác định hướng bay và vị trí tương đối chính xác của mục tiêu do radar thụ động KRTP-86 Tamara đảm nhiệm. Hệ thống này với tầm hoạt động đến 450 km, có khả năng sống còn cao trong thu “bắt” mục tiêu.

Nếu các đài radar này bị loại khỏi vòng chiến, sở chỉ huy của lữ đoàn hay trung đoàn nhận tin tình báo máy bay địch qua kênh điện thoại từ sở chỉ huy và các đài quan sát.

Các đài này đã triển khai thành 2 tuyến (mỗi tuyến 8 đài): tuyến 1 cách 30 km, tuyến 2 cách 80 km so với sở chỉ huy các đơn vị tên lửa.

Các hệ thống tên lửa Kvadrat và Pechora rất ít khi được dùng bắn máy bay không người lái và tên lửa hành trình, tránh làm lộ trận địa. Phương tiện chính để đánh tên lửa hành trình và máy bay không người lái là các hệ thống Strela cùng pháo phòng không cỡ nhỏ.

Khi phát hiện được các tốp máy bay lớn (từ 15 - 20 máy bay), các trận địa để cho chúng bay qua, chỉ nổ súng khi bay đơn lẻ hay các tốp máy bay nhỏ (2 đến 4 chiếc) lọt vào khu vực sát thương.

Trong vòng 3 ngày đầu không kích, đại đội điều khiển tên lửa của các tiểu đoàn thuộc lữ đoàn 250 đã không bật đài điều khiển, tránh bị đối phương phát hiện. Liên lạc giữa sở chỉ huy và các trận địa hoàn toàn thực hiện qua cáp điện thoại.

Xác chiếc F-117A bị bắn rơi

Mảnh xác chiếc F-117A bị bắn rơi

Trận đánh để đời

Việc phòng không Nam Tư bắn rơi 1 máy bay F-117A - niềm tự hào của Mỹ tại thời điểm đó là một sự kiện thực sự chấn động.

Dưới quyền Trung tá Dani Zoltan tiểu đoàn trưởng tên lửa phòng không Nam Tư năm 1999 có khoảng 200 sĩ quan, chiến sĩ. Ông huấn luyện họ nắm chắc các động tác ở tất cả mọi thành phần kíp chiến đấu.

Để đào tạo hiệu quả Dani Zoltan sử dụng máy tập mô phỏng "Accord" rèn chiến sĩ theo các kịch bản bài tập chiến đấu rất đa dạng, từ dễ đến khó. Một số binh sĩ đã bị cách chức trong diễn tập thực hành (trước chiến tranh) vì căng thẳng tâm lý khi đối mặt với khó khăn.

Vào buổi tối 27/3/1999, lúc 19h05', đài radar nhìn vòng P-18 của đơn vị hỏng. Việc sửa chữa radar này sau khoảng 45 phút, nó được đổi tần số thấp hơn.

Máy bay F-117 do Trung tá Mỹ Dale Zelko lái mang số 82-0806 và 3 chiếc F-117 khác bay đi hướng bắc. Radar UNV (xe P) của đơn vị Dani Zoltan “nâng cao thế” 20 giây, nhưng không khóa được mục tiêu.

Theo thông báo của các đài xa, Trung tá Dani lệnh sục sạo, phát hiện rõ “con nhộng”, sau đó rất nhanh khóa mục tiêu thứ ba này ở khoảng cách hơn 13 km, độ cao 8 km. Các trắc thủ kỳ cựu vê tay quay bám sát, 2 quả tên lửa SA-3 đã được đưa vào rãnh chiến đấu.

Lệnh phóng phát ra, tên lửa được giao về chế độ tự động bám sát. Tín hiệu đạn hiện về rõ, khoảng cách với “con nhộng” rút ngắn dần. Nói thì lâu, nhưng chỉ tính bằng giây.

Bên ngoài, chiếc F-117 bất thần khựng lại bùng cháy dữ dội, khi độ “quá tải” đang là 6G, nó lập tức lộn nhào, rơi ở khu ruộng gần làng Budanovci. Phi công Dale Zelko nhảy ra được cứu sống nhờ máy bay trực thăng cứu nạn.

Mô tả khác của Tạp chí nghiên cứu chiến lược Strategypage: Tiểu đoàn trưởng Dani Zoltan đã khéo léo bố trí đài điều khiển tên lửa để có thể phát hiện máy bay Mỹ với xác suất cao. Có lẽ radar đã truy theo dấu vết F-117 trong một thời gian ngắn.

Quả tên lửa được phóng đi khi máy bay F-117 đã lọt sâu vào khu vực sát thương, nó đã bị bắn rơi cách các trận địa phóng của tiểu đoàn 13 km.

Sau đó, đại đội 3 của Lữ 250 phòng không còn bắn rơi 1 máy bay F-16 và ngăn chặn được một số tốp tập kích đường không khác. Trong các trận đánh này, đơn vị Zoltan đã không tổn thất người và khí tài.

Theo tạp chí "Hàng không và vũ trụ" của Nga, tháng 12/2006 viết: Giới chức quân sự Mỹ chỉ thừa nhận tổn thất 1 chiếc, đó chính là chiếc F-117A bị tên lửa SA-3 bắn rơi ngày 27/3/1999 cách Bengrad 32 km.

Tạp chí nghiên cứu chiến lược cũng cho rằng: Zoltan đã tìm ra cách nào đó tinh chỉnh hệ thống radar của mình, để bắt được mục tiêu tàng hình vào các mặt phẳng tọa độ của 2 trắc thủ và sĩ quan điều khiển. Nhưng điều này đã không được thảo luận công khai.

Tuy khí tài tên lửa S-125 đã có trên 30 năm trực chiến, thời điểm năm 1999, đài radar dẫn bắn trên xe P của khí tài phòng không Nam Tư đã được phía Liên Xô nâng cấp hệ thống TVK ( quang-truyền hình) với 2 bội số X1 và X2.

Việc nâng cấp cho phép quan sát và bám sát mục tiêu bằng camera trên anten ở cự ly xa tới gần 20 km!

Với cự ly đó đủ thời gian cho kíp bắn chuyển cách đánh bằng radar sang đánh mục tiêu bằng quang truyền hình, hoặc chí ít TVK cũng làm được việc rất quan trọng là “so kim, chỉ chuẩn”.

Mảnh buồng lái chiếc F-117A bị bắn rơi đang được Serbia trưng bày trong bảo tàng
Mảnh buồng lái chiếc F-117A bị bắn rơi đang được Serbia trưng bày trong bảo tàng

Nghệ thuật nguỵ trang mục tiêu xuất sắc Nam Tư đã xoá tan hoàn toàn huyền thoại về sự toàn năng của các phương tiện trinh sát và vũ khí hiện đại. Tuy nhiên theo VKO đánh giá: Trong tác chiến không quân và phòng không Nam Tư đã bộc lộ nhiều nhược điểm.

Đó là khi chiến tranh bùng nổ, chỉ huy phòng không, không quân Nam Tư đã bị lúng túng nhất định, họ nắm không chắc tình hình tác chiến, suy giảm sự chỉ huy tập trung các lực lượng và phương tiện thuộc quyền.

Sự tập trung hoá chỉ huy quá mức (không có lệnh của sở chỉ huy phòng không trung ương thì đại đội trưởng không có quyền thay đổi trận địa phóng) đã dẫn tới việc nhiều đơn vị đã không thay đổi trận địa trong vòng 4 đến 5 ngày nên bị tổn thất.

Đã bước sang thế kỷ XXI được gần 16 năm, giờ đây lý luận tác chiến không quân trong tiến công đường không của các nước đã có nhiều thay đổi.

Trong đó tác chiến điện tử hiệu quả hơn, vũ khí chính xác hơn. Quy mô tác chiến mở rộng, nhiều khí tài và trang bị phối hợp chặt chẽ, từ vũ trụ đến mặt đất, mọi tầng không…

Cố nhiên khí tài phòng không, đại diện là các tên lửa tầm thấp, trung, cao cũng hiện đại hóa rất sâu, sự liên kết số liệu cho phép quản lý vùng trời giữa các vùng miền chặt chẽ, liên thông.

Dẫu vậy, những chiến sĩ phòng không, không quân Việt Nam vẫn không ngừng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm. Nâng khả năng nghi binh, lừa đối phương, tăng cường năng lực cơ động ở tầm cao mới.

Đơn cử việc mua sắm, nâng cấp các dòng tên lửa có thời gian thu hồi, triển khai nhanh gấp nhiều lần đã nói lên điều này. Sử dụng các thiết bị mô phỏng, các máy tập với bài tập áp lực cao, cũng là một hướng nâng cao trình độ kíp trắc thủ.

Nhiều người còn nhớ khái niệm đen-ta “run”, là khái niệm nói về sai số lớn trong thao tác chiến đấu. Làm sao sự khéo léo, tinh thông của người thao tác, ngắm bắn có hệ số “run” thấp nhất, đó là việc mà mọi thế hệ trắc thủ đều tâm niệm.

Bài học về tuân thủ ngặt nghèo những quy chuẩn trong tác chiến đánh trả đối phương tấn công đường không của lực lương phòng không Nam Tư còn mãi đến hôm nay.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại