NATO bất ngờ chìa "cành ô liu" khiến Putin bối rối?

Hải Võ |

Điện Kremlin vẫn "im hơi lặng tiếng" sau 3 ngày từ khi Nga nhận được lời mời làm quan sát viên tại cuộc tập trận "lớn nhất thập kỷ" của NATO.

Sputnik News (Nga) hôm 15/7 đưa tin, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tổ chức cuộc tập trận quân sự Trident Juncture 2015 ở Địa Trung Hải từ tháng 10 đến tháng 11.

Theo đó, Nga đã được liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu mời tham dự hoạt động quân sự nói trên trong vai trò quan sát viên.

Sputnik đánh giá, động thái này là "cành ô liu" mà NATO chìa ra với Nga, nhưng đến lúc này Moscow vẫn chưa thể đưa ra phản ứng thích hợp.

Lời mời của NATO là chiêu "đo lòng" Nga?

Đại tướng Hans-Lothar Domrose - trưởng ban tổ chức các cuộc tập trận của NATO - cho biết, các quốc gia hiện đại có quyền quan sát những hoạt động tập trận.

"Ngày nay đa số các nước đều có vệ tinh, cho nên dù được mời hay không thì bọn họ cũng đều tiến hành giám sát hoạt động của NATO.

Vì vậy, động thái lần này của NATO đơn giản là mời Nga quan sát một cách 'quang minh chính đại' mà thôi." - ông Domrose cho hay.

Tân Hoa Xã (Trung Quốc) bình luận, việc NATO mời Nga làm quan sát viên có thể là một tín hiệu tích cực, cho thấy dù NATO tiến hành cuộc tập trận "lớn nhất thập kỷ", nhưng trên thực tế bọn họ không hy vọng hoạt động này "chọc giận Nga".

Chuyên gia nghiên cứu thuộc Học viện khoa học xã hội Trung Quốc Hình Quảng Trình phân tích, lời mời của NATO "mang đậm sắc thái ngoại giao" nhằm chuyển tải thông điệp "Nga-NATO có thể giao lưu và hiểu rõ lẫn nhau".

Tuy nhiên, theo ông Hình, Nga-NATO đang ở thế đối đầu là thực tế không cần tranh cãi, và thái độ thiện chí bất ngờ của NATO hoàn toàn không đơn giản.

"Cần khẳng định cuộc tập trận của NATO có ý đồ uy hiếp Moscow." - Hình Quảng Trình đánh giá.

Ông này bổ sung, trong bối cảnh quan hệ Nga và phương Tây khá tồi tệ, đặc biệt là với mật độ tập trận quân sự dày đặc của cả hai bên, việc "khoe cơ bắp" dọa dẫm lẫn nhau không có gì lạ.

Theo BBC, tướng chỉ huy lực lượng Mỹ tại châu Âu Philip Breedlove bình luận sự khác biệt giữa tập trận của Nga và NATO nói: "Các cuộc tập trận của chúng tôi là công khai và minh bạch, đồng thời không mang tín hiệu đe dọa."

Nói cách khác, ông Breedlove ám chỉ các cuộc tập trận của Nga là "không quang minh chính đại, có ý đồ đe dọa".

Hình ảnh cuộc tập trận Noble Jump của NATO ở gần  Swietoszow Zagan, Ba Lan hôm 18/6. Ảnh: AP.

Hình ảnh cuộc tập trận Noble Jump của NATO ở gần  Swietoszow Zagan, Ba Lan hôm 18/6. Ảnh: AP.

"Sóng ngầm" đằng sau "cành ô liu"?

Tân Hoa Xã bình luận, lời mời từ NATO thực chất là một "đòn hiểm" đối với Nga, bởi bất kể Moscow biểu hiện tích cực hay thẳng thừng từ chối, thì phản ứng của Điện Kremlin đều lộ rõ chính sách của nước này đối với NATO.

Có lẽ đây cũng là điều mà phương Tây đang rất muốn "định lượng".

Chuyên gia Hình Quảng Trình đánh giá, nếu Nga nhận lời NATO đồng nghĩa với việc tỏ thái độ Moscow không hy vọng khiến cục diện đối đầu trở nên bế tắc hơn nữa và có ý "ngả dần" về phía liên minh châu Âu (EU).

Ngược lại, sự từ chối của Nga sẽ là sự duy trì thái độ cứng rắn vốn có của nước này đối với phương Tây, cho thấy thế bế tắc "còn lâu mới có thể phá vỡ".

Dù vậy, với tình trạng đối đầu không ngừng leo thang giữa Nga và NATO như hiện nay, đôi bên dường như không quá mặn mà với việc hóa giải bế tắc.

Reuters chỉ ra, NATO đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc đối đầu dài hạn với Moscow.

Mặc dù một số nước thành viên NATO hy vọng tránh được "Chiến tranh Lạnh mới", hoặc bị cuốn vào cuộc chạy đua vũ trang "hao tiền tốn của", song quan hệ Nga-NATO vào thời điểm hiện tại gần như không có khả năng vãn hồi.

Thậm chí, theo Reuters, quan hệ Nga-NATO đã bước vào "thời kỳ băng giá mới có thể kéo dài rất lâu", và NATO đang đưa ra điều chỉnh chiến lược để thích ứng với điều kiện mới.

BBC phân tích, mặc dù Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter bày tỏ "không hy vọng phải tái khởi động Chiến tranh Lạnh", nhưng cả nga và phương Tây đều quyết liệt trong cuộc "đấu võ mồm", không bên nào có hành động thực tế để cứu vãn tình hình.

Tân Hoa Xã đánh giá, việc NATO mời Nga quan sát tập trận thực chất vẫn là "cành ô liu có gai", và cuộc chiến không khoan nhượng giữa đôi bên vẫn tiếp diễn.

Vì vậy, dù Tổng thống Nga Vladimir Putin có thực lòng muốn "nắm lấy tay NATO" cũng khó vô cùng.

Cuộc tập trận "minh bạch"

Hãng Reuters cho hay, tính đến cuối năm 2015, NATO sẽ tổ chức hơn 300 cuộc tập trận quân sự chung lớn nhỏ, nhiều hơn 100 cuộ tập trận so với năm ngoái.

Không chỉ nhiều hơn về số lượng, các cuộc tập trận của NATO năm 2015 cũng lập kỷ lục mới, tức Trident Juncture sẽ trở thành cuộc tập trận quy mô lớn nhất của khối này kể từ năm 2002.

Trident Juncture 2015 sẽ được diễn ra tại Italy, Bồ Đào Nha và Tây ban Nha với sự tham gia của hơn 30 nước NATO cùng các đối tác ngoài khối như Thụy Điển, Áo...

Ngoài ra, NATO cũng sẽ điều động hơn 60 tàu chiến, 140 máy bay và bố trí 36.000 binh sĩ tại Địa Trung Hải để phục vụ hoạt động quân sự này.

Theo Reuters, bên cạnh mục tiêu trấn áp tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS), Nga cũng là đối tượng để NATO "khoe cơ bắp".

Đại tướng Hans-Lothar Domrose - trưởng ban tổ chức các cuộc tập trận này - cho biết, NATO mời Nga cùng một số quốc gia làm quan sát viên để chứng minh "sự minh bạch của tổ chức này".

Domrose hy vọng cuộc tập trận "minh bạch" sẽ để lại ấn tượng tốt đối với Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại