Bắc Kinh bí thế, ông Tập phải lên biên giới "mời" Kim Jong Un?

Hải Võ |

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II của Trung Quốc nhưng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vẫn "im hơi lặng tiếng" về lời mời của Bắc Kinh.

Tân Hoa Xã cho hay, hôm 16/7, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm và khảo sát tại tỉnh Cát Lâm của nước này.

Điều đặc biệt đáng chú ý của chuyến công tác là ông Tập đã lựa chọn khu tự trị đa sắc tộc Diên Biên làm điểm đến đầu tiên.

Diên Biên là một địa điểm đặc thù bởi nó nằm ở giao điểm biên giới của ba nước Trung Quốc, Nga và Triều Tiên.

Đây cũng là lần đầu ông Tập thị sát thành phố biên giới này. Hai người tiền nhiệm của ông là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào cũng từng không ít lần đến thị sát Diên Biên, cho thấy tầm quan trọng chiến lược của nơi này đối với Bắc Kinh.

Tập Cận Bình tiến sát biên giới Triều Tiên vào thời điểm "nhạy cảm"

Sở dĩ thời gian nhà lãnh đạo Trung Quốc tiến hành chuyến thị sát sát biên giới Trung-Triều được cho là "nhiều hàm ý", bởi truyền thông quốc tế gần đây không ngừng đưa ra những giả thuyết về việc lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un "có đến lễ duyệt binh của Bắc Kinh hay không".

Cần phải biết, Trung Quốc và Triều Tiên đã xem nhau như "đồng minh xương máu" kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng được duy trì tốt đẹp trong hơn nửa thế kỷ qua với tần suất qua lại, giao lưu của quan chức cấp cao song phương "cao đến khó tin", trang Đa Chiều cho biết.

Ví dụ, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il đã thăm Trung Quốc liên tiếp trong hai năm 2000 và 2001. Sau khi ông Hồ Cẩm Đào lên giữ chức chủ tịch Trung Quốc năm 2004, ông Kim "cha" tiếp tục thăm Trung Quốc 2 lần nữa, trước khi ông Hồ thăm Triều Tiên vào năm 2005.

Thậm chí, trước khi qua đời vào tháng 12/2011, Kim Jong Il cũng công du Trung Quốc đến 2 lần trong năm đó. Hồ Cẩm Đào cũng đích thân đến lễ viếng ông Kim ở Đại sứ quán Triều Tiên tại Bắc Kinh.

Kim Jong Un (trái) cùng lãnh đạo Kim Jong Il (phải) chụp ảnh với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong chuyến công du của ông Kim "cha" tới Bắc Kinh tháng 10/2011. Ảnh: Reuters

Kim Jong Un (trái) cùng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il (phải) chụp ảnh với phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong chuyến công du của ông Kim "cha" tới Bắc Kinh tháng 10/2011. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, quan hệ song phương đã trở nên lạnh nhạt hơn rất nhiều khi 2 nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tập Cận Bình lần lượt lên nắm quyền, xuất phát từ vấn đề hạt nhân Triều Tiên cũng như việc Bình Nhưỡng thanh trừng nhiều quan chức khiến Bắc Kinh bất mãn.

Trong bối cảnh quan hệ Trung-Triều liên tục đi xuống kể từ năm 2013, lãnh đạo 2 quốc gia này chưa từng gặp mặt trực tiếp.

Vì vậy, chuyến đi của ông Tập Cận Bình khiến giới quan sát đặt vấn đề: Phải chăng Trung Quốc đang "nhượng bộ" Triều Tiên? Đặc khu kinh tế mà Triều Tiên ra sức thúc đẩy sẽ có tiến triển? Chuyến thị sát của ông Tập chỉ là "có lệ" và quan hệ Trung-Triều vẫn "không nóng không lạnh"?

Ông Tập "gợi ý tận nơi" cho Kim Jong Un?

Trang Đa Chiều đã phân tích lịch trình làm việc của Tập Cận Bình tại Diên Biên để lý giải "thông điệp chính trị" trong đó.

Theo Tân Hoa Xã, ông Tập đã tới Bảo tàng Diên Biên sau khi đặt chân đến thành phố này, nghe giới thiệu tình hình tổng thể của khu tự trị và tham quan triển lãm thành tựu, phong tục của người dân tộc Triều Tiên (Trung Quốc).

Bảo tàng Diên Biên về cơ bản trưng bày theo 3 chủ đề lớn: Phong tục tập quán của dân tộc Triều Tiên; Lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Triều Tiên; Văn vật Diên Biên.

Tập Cận Bình tham quan Bảo tàng Diên Biên hôm 16/7. Ảnh: Xinhua.

Tập Cận Bình tham quan Bảo tàng Diên Biên hôm 16/7. Ảnh: Xinhua.

Đa Chiều bình luận, việc Trung Nam Hải sắp đặt nơi này làm điểm đầu trong chuyến công tác của Tập Cận Bình "hoàn toàn không đơn giản".

Trên thực tế, tại Trung Quốc, ông Tập mới chỉ tham quan 2 bảo tàng rất lớn là Bảo tàng quốc gia Bắc Kinh và Bảo tàng lịch sử Thiểm Tây.

Cũng theo Đa Chiều, động thái "thăm viện bảo tàng" nhằm mục đích tỏ rõ thái độ "ghi nhớ lịch sử" của Tập Cận Bình, đặc biệt khi Bảo tàng Diên Biên có trưng bày những hiện vật lịch sử về giai đoạn dân tộc Triều Tiên kháng Nhật.

Đặc biệt hơn, việc ông Tập xuất hiện tại biên giới Trung-Triều chỉ hơn 1 tháng trước lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II vào ngày 3/9 có thể được xem là hành động "đích thân mời" lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tới Trung Quốc.

Trong khi các lãnh đạo liên minh châu Âu (EU) có khả năng không tham dự lễ duyệt binh của Trung Quốc, thì sự vắng mặt của lãnh đạo tối cao nước "đồng minh xương máu" Triều Tiên thậm chí được cho là "cái tát" vào sự kỳ vọng của nước này.

Đa Chiều kết luận, trong tình thế "cứng không được, mềm không xong", Trung Quốc chỉ có thể hy vọng sự hiện diện của ông Tập ở biên giới Trung Triều đủ để Kim Jong Un nhận ra "dụng tâm" của họ mà... mau chóng nhận lời tới Bắc Kinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại