Kim Jong Un công khai thách thức Bắc Kinh, lộ rõ mâu thuẫn

Hải Võ |

Dù đã nhận chức gần 4 tháng, Đại sứ Trung Quốc tại Triều Tiên vẫn không được lãnh đạo Kim Jong Un tiếp kiến. Điều này hé lộ những rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ Trung-Triều.

Triều Tiên đang tỏ thái độ thù địch rõ rệt với Trung Quốc?

Tờ JoongAng Ilbo (Hàn Quốc) ngày 16/7 cho hay, hồi tháng 3/2015, đại sứ Trung Quốc tại Triều Tiên Lý Tiến Quân đã nhận chức vụ tại Bình Nhưỡng. Ngày 30/3, ông Lý đã trình quốc thư lên Chủ tịch Quốc hội CHDCND Triều Tiên.

Mặc dù Lý Tiến Quân đã chính thức chuyển lời mời Bí thư thứ nhất Ủy ban quốc phòng Triều Tiên Kim Jong Un tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II vào ngày 3/9 tới tại Bắc Kinh, song đến nay ông Lý vẫn không hề được ông Kim tiếp kiến.

Bình Nhưỡng cũng không hề đưa ra bất kỳ phản ứng nào về khả năng Kim Jong Un sẽ tới Bắc Kinh vào tháng 9.

Theo JoongAng Ilbo, quan chức cao cấp Bộ ngoại giao Hàn Quốc hôm 15/7 tiết lộ: "Hiện nay Triều Tiên đang có thái độ khá thù địch đối với Trung Quốc. Đối với Bắc Kinh mà nói, điều này giống như một mối đe dọa."

Quan chức này cho biết thêm, để đạt được sự ổn định về địa chính trị, Trung Quốc gần như chỉ có thể... chấp nhận việc duy trì chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

"Biết được điều đó nên ông Kim Jong Un đã mạnh tay thách thức Bắc Kinh." - ông này cho biết.

Một báo cáo của Viện nghiên cứu thống nhất (Hàn Quốc) hồi đầu năm 2015 phân tích hiện trạng và triển vọng quan hệ Trung-Triều.

Báo cáo cho biết: "Quy định 4 tiêu chuẩn lớn trong quan hệ Trung-Triều là giao lưu quan chức cấp cao, xác nhận quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác kinh tế cùng viện trợ, thỏa thuận vấn đề an ninh chính trị.

Tuy nhiên, trong năm 2014, cả 4 hạng mục trên đều không hề được khởi động."

Đến nay Kim Jong Un vẫn "không thèm" tiếp kiến Đại sứ Trung Quốc Lý Tiến Quân, dù ông Lý đã nhận chức từ tháng 3.

Đến nay Kim Jong Un vẫn "không thèm" tiếp kiến Đại sứ Trung Quốc Lý Tiến Quân, dù ông Lý đã nhận chức từ tháng 3.

Ngoài việc không tổ chức hội đàm thượng đỉnh song phương, hoạt động kỷ niệm 53 năm ký kết hiệp ước hữu nghị Trung-Triều tháng 7/2014 và kỷ niệm 65 năm xây dựng quan hệ ngoại giao song phương cũng bị hủy bỏ.

Đặc biệt, trong năm 2014, Bình Nhưỡng có hàng loạt động thái "thoát Trung" và tìm cách kết nối với quốc tế.

Cụ thể, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su Yong lần đầu tiên được cử tới tham dự hội nghị của Đại hội đồng LHQ sau 15 năm gián đoạn.

Bí thư phụ trách đối ngoại của Đảng Lao động Triều Tiên Kang Sok Ju cũng được lãnh đạo Kim Jong Un cử đi công du châu Âu vào tháng 9/2014 và tích cực triển khai hàng loạt hoạt động ngoại giao.

JoongAng Ilbo cho hay, thông thường nếu muốn đi ra nước ngoài từ Triều Tiên đều phải đổi chuyến bay quốc tế tại sân bay Bắc Kinh. Nhưng trong 2 năm trở lại đây, các quan chức Triều Tiên công du qua đây cũng "phớt lờ" chính phủ Trung Quốc.

Sau khi ông Tập Cận Bình chính thức lên giữ chức chủ tịch Trung Quốc vào tháng 2/2013, Bình Nhưỡng đã không ngần ngại tiến hành vòng thử hạt nhân thứ 3, khiến quan hệ song phương "nổi sóng ngầm".

Trung Quốc "tiến thoái lưỡng nan"

Giáo sư ĐH Yonsei (Hàn Quốc)
Moon Chung In
Trong khi Trung Quốc chưa thể 'kiểm soát' được Triều Tiên, Hàn Quốc buộc phải thể hiện vai trò tích cực hơn để giúp Bắc Kinh phát huy vai trò của mình ở bán đảo Triều Tiên. Chỉ có sự hợp tác của Trung-Hàn mới buộc Triều Tiên phải có sự điều chỉnh.

Sự rạn nứt giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng lên đến đỉnh điểm sau vụ Triều Tiên thanh trừng ông Jang Song Thaek, "quyền lực số 2" của Triều Tiên khi đó và là một trong số lãnh đạo "thân Trung Quốc" của nước này.

Các nhà phân tích Hàn Quốc đánh giá, quỹ đạo quan hệ Trung-Triều đã "hoàn toàn bị cắt đứt" sau vụ xử tử ông Jang.

Cùng với việc "đòn bẩy" Trung Quốc mất tác dụng đối với Triều Tiên, những áp lực mà Mỹ và phương Tây tạo ra cho Bình Nhưỡng cũng dần trở nên vô nghĩa.

Vụ thanh trừng ông Jang Song Thaek (trái) khiến quan hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng rạn nứt nghiêm trọng.

Vụ thanh trừng ông Jang Song Thaek (trái) khiến quan hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng rạn nứt nghiêm trọng.

Nhà nghiên cứu Jin Kai thuộc Viện nghiên cứu quốc tế ĐH Yonsei (Hàn Quốc) đánh giá: "Hiện nay Trung Quốc đang gửi thông điệp tới Triều Tiên rằng sẽ không còn 'thái độ thân thiện miễn phí' từ nước này.

Bắc Kinh sẽ không đóng vai trò 'lá chắn hoãn binh' giúp Triều Tiên để bị dư luận quốc tế 'ném đá' như vụ chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc tháng 3/2010 và vụ nã pháo lên đảo Yeonpyeong (Hàn Quốc) tháng 11/2010 nữa."

Ông Kim nhận định, có thể xem sự lạnh nhạt hiện tại trong quan hệ Trung-Triều là "tình trạng thông thường mới" khi hiện trạng này đã trở nên không còn lạ lẫm.

Tuy nhiên, trên thực tế Trung Quốc cũng ở vào thế "tiến thoái lưỡng nan".

JoongAng Ilbo dẫn lời quan chức ngoại giao Hàn Quốc cho biết: "Sự e ngại của Bắc Kinh xuất phát từ việc họ không nắm bắt được con người nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Trước đây, Trung Quốc còn có thể trao đổi thông tin với Bình Nhưỡng thông qua các quan chức cấp cao được gọi là 'bộ ba hạt nhân' của Triều Tiên.

Tuy nhiên, hiện giờ Bắc Kinh cũng không thể xác định được nhóm này có còn tồn tại hay không."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại