"Phương án dự phòng" của Trung Quốc nếu Philippines thắng kiện

Đức Huy |

Trong một bài phân tích đăng trên The Diplomat, tác giả Tiết Lực chỉ ra 3 viễn cảnh bất lợi mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong trường hợp Philippines thắng kiện tại La Haye.

Tháng 12/2014, bộ Ngoại giao Trung Quốc đã xuất bản "sách trắng" về vấn đề Biển Đông, thể hiện quan điểm của nước này trước việc Philippines đưa các tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).

Tuy công khai tuyên bố không tham gia vào vụ kiện của Philippines, nhưng theo chuyên gia Tiết Lực, với việc cho ra mắt "sách trắng" ngay trước thời hạn phản biện (15/12/2014) do ICJ đặt ra, có thể coi đây như một lời đáp trả (dù không chính thức) của Trung Quốc.

Giáo sư - nhà nghiên cứu Trung Quốc
Tiết Lực
Ông Tiết Lực hiện đang là Giám đốc Trung tâm Chiến lược Quốc tế, thuộc Viện Kinh tế Chính trị Thế giới (IWEP). Ông cũng đang giảng dạy tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS). Là tác giả của hơn 100 bài nghiên cứu về các vấn đề Trung Quốc, ông được đánh giá là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu đất nước đông dân nhất thế giới.

Theo ông Tiết, không quá khó để nhận ra Bắc Kinh muốn thông qua văn bản này gây tác động tới quyết định của ICJ cũng như "khuyên" Manila từ bỏ quyết định khởi kiện của mình.

Mục đích thứ hai của văn bản này rõ ràng đã thất bại Philippines vẫn theo đuổi vụ kiện và sẽ hoàn thành trình bày quan điểm trước ICJ trong tuần này nhưng Trung Quốc chắc chắn sẽ đạt được mục đích đầu tiên.

Quan điểm chính thức của một quốc gia, đặc biệt là một nước lớn như Trung Quốc, chắc chắn sẽ tác động tới ICJ, dù chỉ về mặt tâm lý.

Điều này được thể hiện rõ ở chỗ dù "sách trắng" của Trung Quốc không được coi là một lời phản biện chính thức, nhưng chắc chắn ICJ vẫn ngầm đối chiếu những gì Philippines trình bày trong tuần này với nội dung văn bản từ phía Bắc Kinh.

Tuy nhiên, theo giáo sư Tiết, tác động là một chuyện, nhưng nội dung "sách trắng" sẽ không thể ảnh hưởng tới việc ICJ có hay không quyền tài phán đối với tranh chấp giữa hai nước, cũng như tới chính phán quyết cuối cùng của ICJ.

Quan điểm của chính phủ Trung Quốc trong vụ kiện này tương đối rõ ràng: đưa vấn đề "nội bộ" giữa hai nước ra trường quốc tế sẽ không có ích gì trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông, và chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ song phương.

Điều Bắc Kinh muốn là Trung Quốc và Philippines, cũng như các nước ASEAN, "đóng cửa bảo nhau" và giải quyết tranh chấp trong nội bộ khu vực bằng biện pháp "đàm phán hòa bình".

Điều Trung Quốc muốn là giải quyết tranh chấp riêng với Philippines thay vì đưa vấn đề ra quốc tế. Ảnh: AP
Điều Trung Quốc muốn là giải quyết tranh chấp riêng với Philippines thay vì đưa vấn đề ra quốc tế. Ảnh: AP

Nhưng nay, với việc Manila đã quyết tâm theo đuổi vụ kiện, chính phủ Tập Cận Bình cần định ra những "phương án dự phòng" trong trường hợp Philippines giành được phán quyết có lợi từ ICJ.

Theo ông Tiết, nhiều khả năng ICJ sẽ đi đến quyết định họ có quyền tài phán. Khi đó, có 3 viễn cảnh bất lợi cho Trung Quốc mà nước này sẽ phải tính đến:

Thứ nhất, ICJ phán rằng "đường chín đoạn" hoàn toàn phi pháp. Khi đó, các quốc gia ASEAN sẽ không còn "nể nang" gì Bắc Kinh và sẽ tiến hành thăm dò dầu khí trên biển, không loại trừ khả năng sẽ có sự hợp tác từ nhiều công ty dầu khí quốc tế lớn.

Trong trường hợp này, Trung Quốc rõ ràng không muốn cắt bỏ hợp tác hoàn toàn với các công ty dầu khí lớn. Còn một cách đáp trả khác là hạn chế hoạt động của các công ty này tại Trung Quốc, nhưng biện pháp này cũng không thực sự hiệu quả.

Thứ hai, ICJ phán rằng tuyên bố của Philippines về Khu Đặc quyền Kinh tế (EEZ) cũng như thềm lục địa hoàn toàn phù hợp với Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS).

Nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc có thể vẫn sẽ "cứng đầu" không chấp nhận phán quyết của ICJ và ngang nhiên tiếp tục xây dựng trái phép trên Biển Đông, đơn giản bởi Bắc Kinh vẫn ngang ngược nghĩ rằng "không thế lực nào có khả năng ngăn chặn họ".

Tuy nhiên khi đó, giả sử có tranh chấp xảy ra giữa Trung Quốc với một trong các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, truyền thông khu vực cũng như quốc tế sẽ "đánh hội đồng" Bắc Kinh, tố cáo chính phủ Trung Quốc cố tình không tuân thủ luật pháp quốc tế.

Điều đáng lo ngại hơn với Trung Quốc là các nước nói trên sẽ có thêm lý do để thiên về Mỹ, một xu thế rõ ràng không có lợi cho tầm nhìn an ninh khu vực mà Trung Quốc đề ra, cũng như khiến Bắc Kinh thua thiệt trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng tại châu Á.

Thứ ba, ICJ phán rằng những hành vi của ngư dân Trung Quốc như đánh bắt sò tai tượng gần Bãi cạn Scaborough (nằm trong tranh chấp giữa Trung Quốc, Đài Loan và Philippines) đã vi phạm công ước quốc tế về bảo vệ môi trường trên biển.

Trong trường hợp này, Trung Quốc sẽ làm thế nào để ngăn chặn điều này tiếp diễn? Theo ông Tiết, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phải bắt một bộ phận ngư dân nước này ... tìm việc khác.

Phán quyết cuối cùng của ICJ dự kiến sẽ được công bố sớm nhất là vào cuối năm 2015.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại