Việt Nam có thể lắp vũ khí mới nào lên tàu BPS-500?

Ly Vy |

Những vũ khí thế hệ mới, nếu được trang bị cho BPS-500, có thể làm gia tăng đáng kể sức mạnh của con tàu.

Hãng tin ITAR-TASS dẫn nguồn tin từ người đứng đầu Phòng thiết kế phương Bắc của Nga, ông Vladimir Spiridopulo cho biết, tàu hộ vệ tên lửa BPS-500 duy nhất của Việt Nam mang số hiệu HQ-381 đang trong quá trình hiện đại hóa tại Nhà máy đóng tàu Ba Son.

Tàu HQ-381, tàu BPS-500 đầu tiên và duy nhất của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Tàu hộ vệ tên lửa BPS-500 số hiệu HQ-381 của Hải quân Nhân dân Việt Nam

Đặc biệt, theo tiết lộ của ông Spiridopulo thì quá trình sửa chữa, nâng cấp sẽ tiến hành thay thế các hệ thống vũ khí mới nhằm tạo ra một phiên bản mạnh hơn. Vậy tàu HQ-381 có thể được nâng cấp những vũ khí nào?

Tàu HQ-381 khi vừa được hạ thủy.

Tàu HQ-381 khi vừa được hạ thủy

Dự án đóng tàu BPS-500 (một số nguồn gọi là PS-500) bắt đầu từ năm 1996 (nằm trong chương trình KBO-2000).

Chiếc HQ-381 được khởi đóng tại Nhà máy đóng tàu Ba Son với sự hỗ trợ công nghệ từ phía Nga, con tàu hạ thủy vào năm 1999 và chuyển giao cho Hải quân Nhân dân Việt Nam vào năm 2001.

BPS-500 có chiều dài 62 m, rộng 11 m, lượng giãn nước đầy tải 520 tấn. Tàu có tốc độ tối đa 30 hải lý/h, tốc độ hành trình 16 hải lý/h, tầm hoạt động 3.500 hải lý, dự trữ hành trình 30 ngày, thủy thủ đoàn 49 người.

Hệ thống điện tử và vũ khí trang bị của BPS-500 gồm: Radar kiểm soát hỏa lực MR-123; radar cảnh giới Positiv-E; 1 pháo hạm AK-176M; 1 pháo bắn nhanh AK-630M; 2 súng máy hạng nặng 14,5 mm và 8 tên lửa hành trình chống hạm Uran-E.

Ảnh đồ họa tàu tên lửa cao tốc BPS-500 của Viện thiết kế phương Bắc.

Ảnh đồ họa tàu tên lửa cao tốc BPS-500 nâng cấp của Viện thiết kế phương Bắc

Trên trang web của Viện thiết kế vũ khí phương Bắc đã công bố phiên bản tàu PS-500 nâng cấp như sau: lắp đặt pháo A-190E cỡ 100 mm thay pháo AK-176M cỡ 76,2 mm; trang bị thêm sonar MGK-335EM-05 cùng ngư lôi thế hệ mới Paket-E.

Phương án nâng cấp này ngoài tăng cường đáng kể năng lực diệt hạm thì còn bổ sung cả khả năng chống ngầm cho tàu.

Tuy nhiên việc lắp thêm sonar vào thân tàu chỉ thích hợp cho đóng mới thay vì nâng cấp trên khung thân có sẵn vì sẽ phá vỡ hoàn toàn kết cấu cũ.

Mô hình tàu PS-500 với hệ thống Kashtan và pháo A-190E, người chú thích bức ảnh này đã nhầm lẫn về tên lửa Yakhont, mô hình này vẫn sử dụng tên lửa Uran.

Mô hình tàu PS-500 với hệ thống CIWS Kashtan và pháo A-190E, tên lửa Yakhont như chú thích trên mô hình thực chất vẫn là tên lửa Uran.

Do đó, phương án nâng cấp tối ưu cho tàu HQ-381 chỉ nên bao gồm những thay đổi sau:

Pháo AK-176M có thể được thay bằng pháo A-190E nhằm tăng cường sức mạnh hỏa lực khi tấn công tầm gần hoặc hỗ trợ đổ bộ.

Thay pháo AK-630M bằng hệ thống Palma, do hệ thống này đã được lắp đặt trên 2 tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ nên phương án trên vừa đáp ứng tăng cường khả năng phòng thủ của tàu vừa đảm bảo yêu cầu đồng bộ.

Phương án nâng cấp cuối cùng và cũng là để sức mạnh của tàu có sự thay đổi về chất chính là thay thế các bệ phóng Uran-E bằng Uran-UE.

Việc lắp đặt Uran-UE sẽ giúp BPS-500 như có thêm cánh tay nối dài, tên lửa Uran-UE với tầm bắn lên đến 260 km vượt trội hoàn toàn so với cự ly 130 km của Uran-E.

Tuy nhiên phương án nâng cấp này cần đi đôi với việc lắp đặt radar dẫn bắn Garpun-Bal cho tên lửa như trên các tàu Molniya 1241.8.

Tàu HQ-381 hiện tại chỉ có radar cảnh giới Positiv-E mà không có Garpun-Bal, tuy nhiên loại radar này hoàn toàn có thể được bố trí ở phía trên nóc ca bin chỉ huy.

Nếu những phương án nâng cấp, thay thế trên được triển khai, tàu HQ-381 sẽ có sức mạnh mới không hề thua kém Molniya 1241.8 hay Gepard 3.9.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại