P-3C Orion - Mảnh ghép hoàn thiện lực lượng chống ngầm VN

Phi Yến |

Nếu trang bị máy bay tuần tra P-3C Orion, có thể nói lực lượng tác chiến chống ngầm của Việt Nam đã lấp kín được hết những khoảng trống chiến thuật.

Reuters ngày 23/9 dẫn nguồn tin từ quan chức cấp cao giấu tên của chính phủ Mỹ tiết lộ, Washington đang tiến gần đến việc bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam và một trong những thương vụ hiện thực đầu tiên của 2 nước có thể là hợp đồng bán máy bay tuần tra chống ngầm P-3C Orion.

Như đã biết, tác chiến chống ngầm luôn là nhiệm vụ đặc biệt khó khăn kể cả đối với những lực lượng hải quân lớn. Có thể lấy ví dụ về trường hợp của Hải quân Trung Quốc, mặc dù có quy mô lớn hàng thứ 2 thế giới nhưng năng lực chống ngầm của họ chưa bao giờ được đánh giá cao và đây vẫn bị coi là khâu yếu nhất.

Vậy còn năng lực chống ngầm của Việt Nam hiện nay ra sao, chúng ta hãy cùng điểm qua một số phương tiện tác chiến chính:

Bộ đôi tàu ngầm Kilo 636 của Việt Nam tại cảng Cam Ranh

Trong 3 lực lượng giữ vai trò chiến lược của tác chiến chống ngầm thì tàu ngầm chống ngầm hiện là lực lượng mạnh và được đánh giá cao nhất của Việt Nam.

Hải quân Việt Nam đã tiếp nhận 2 tàu ngầm Kilo 636 đầu tiên mang số hiệu HQ-182 Hà Nội và HQ-183 Thành phố Hồ Chí Minh, cuối năm nay sẽ nhận tiếp chiếc thứ ba và đến năm 2016 sẽ nhận đủ 6 chiếc theo hợp đồng ký năm 2009. Những “Hố đen đại dương” trang bị ngư lôi hiện đại và cả tên lửa hành trình Klub này có sức răn đe rất lớn đối với bất kỳ hạm đội nào của đối phương.

Tàu hộ vệ săn ngầm Petya của Việt Nam

Tiếp theo là lực lượng tàu mặt nước chống ngầm, Hải quân Việt Nam có trong biên chế tất cả 5 tàu hộ vệ chống ngầm chuyên nghiệp Petya-II/III. Tuy nhiên số tàu chiến này có tuổi đời đã khá cao trong khi đó 2 tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard đầu tiên mang số hiệu HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và HQ-012 Lý Thái Tổ lại hoàn toàn không có chức năng săn ngầm.

Nhận thấy khoảng trống trên, Hải quân Việt Nam đã quyết định đặt hàng 2 tàu hộ vệ tên lửa Gepard tiếp theo có chức năng chống ngầm mạnh. Khi tiếp nhận 2 chiếc này vào năm 2017, lực lượng tàu mặt nước chống ngầm của Việt Nam có thể nói là cũng tạm đủ để đáp ứng yêu cầu.

Trực thăng săn ngầm Ka-28 hạ cánh trên tàu hộ vệ tên lửa Gepard

Cuối cùng là máy bay săn ngầm, hiện nay với chỉ 8 chiếc trực thăng Ka-28 có thời gian và tầm hoạt động khá ngắn (tầm bay 980 km, tốc độ tối đa 270 km/h) cũng như bị hạn chế về tải trọng vũ khí mang theo (4.000 kg) và phương tiện phát hiện tàu ngầm chuyên dụng là chưa đủ để có thể tuần tra kiểm soát vùng biển rộng lớn của Việt Nam.

Khi so sánh với trực thăng săn ngầm thì máy bay săn ngầm cánh bằng kiểu P-3C Orion có ưu thế hơn hẳn cả về tải trọng vũ khí, phương tiện chống ngầm chuyên dụng có thể mang theo cũng như tầm hoạt động.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion

P-3C Orion được trang bị rất nhiều thiết bị trinh sát hiện đại như sonar DIFAR, thiết bị phát hiện điểm từ trường bất thường (MAD), cảm biến tìm kiếm mục tiêu hồng ngoại (FLIR)... Các thông tin thu thập sẽ được chuyển đến máy tính trung tâm, từ đó sẽ phân tích, lưu trữ, gửi đến các cấp chỉ huy hay vận hành tự động các vũ khí trên máy bay.

Loại máy bay này săn ngầm này có khả năng mang nhiều loại vũ khí với tải trọng tối đa lên tới 9.000 kg gồm tên lửa chống hạm AGM-84H/K Harpoon, AGM-84E SLAM, tên lửa đối đất AGM-65F Maverick, ngư lôi Mk-46, Mk-50, Mk-54... tùy thuộc vào nhiệm vụ.

P-3C Orion có chiều dài 35,6 m; cao 10,3 m; sải cánh 30,4 m; trọng lượng cất cánh tối đa 63,45 tấn; sử dụng 4 động cơ cánh quạt T-56-A-13 công suất 4.600 mã lực/động cơ cho tốc độ tối đa 760 km/h, tầm hoạt động tới 4.400 km (khi bay tuần tiễu ở tốc độ 600 km/h).

Sau khi điểm qua những thông số trên thì có thể thấy P-3C Orion hơn hẳn Ka-28 ở tất cả các mặt, có thể đảm trách việc tuần tra bảo vệ bờ biển dài hơn 3.000 km cũng như trên 1 triệu km2 diện tích biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Đây là ưu thế mà trực thăng, tàu mặt nước và cả tàu ngầm đều không thể thực hiện được.

Nếu trang bị máy bay tuần tra P-3C Orion, có thể nói lực lượng tác chiến chống ngầm của Việt Nam đã lấp kín được hết những khoảng trống chiến thuật. 3 lực lượng chiến lược gồm tàu ngầm, tàu mặt nước, máy bay săn ngầm kết hợp với hệ thống phao định vị thủy âm trong lòng biển đang được bố trí đảm bảo đủ sức hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo trong thời kỳ mới.

Bên trong máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại