EU ra "tối hậu thư, quyết tâm buộc Nga phải trả giá vì Ukraine"

Khuya 30.8, rạng sáng 31.8 (giờ VN), lãnh đạo EU nhất trí ra hạn chót: trong 1 tuần nữa, Nga phải thôi can thiệp quân sự vào Ukraine, nếu không muốn chịu thêm 1 tầng cấm vận nữa.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cảnh báo họ đang bên bờ vực một cuộc chiến tranh tổng lực với Nga.

Nỗi sợ cuộc xung đột quân sự ở vùng biên giới phía đông của EU có thể lan ra toàn lục địa đã bùng lên, khi Mỹ và NATO tuyên bố Nga đã cử quân ủng hộ phe đòi ly khai mở chiến tuyến mới ở đông nam Ukraine.

Chủ tịch EC Herman Van Rompuy nói EU không đặt ra các tiêu chuẩn đặc biệt nào để kích hoạt các mức trừng phạt mới đối với Nga, nhưng 28 lãnh đạo các nước EU “quyết tâm” buộc Nga phải trả giá vì đã làm leo thang căng thẳng.

Lúc kết thúc cuộc họp thượng đỉnh các lãnh đạo EU, ông nói: “Tôi có thể bảo đảm với quý vị, rằng mọi người hoàn toàn ý thức chúng ta phải hành động nhanh, do tình hình ngày càng đáng ngại”.

Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel nói trừng phạt là điều không thể tránh khỏi, nếu tình hình không được cải thiện đáng kể: “Nếu cứ thế này hoặc còn căng thẳng hơn nữa, các mức cấm vận những lãnh vực mà EC đã xem xét cho đến lúc này, như lĩnh vực tài chính và năng lượng, sẽ được nâng lên”.

Đến dự cuộc họp này, tổng thống Poroshenko nói chính phủ Ukraine đang soạn một kế hoạch hòa bình mới, nhưng cảnh báo cuộc khủng hoảng có thể lên tới mức “không còn có đường lùi”.

Các quan chức khác cũng nhận định như vậy. Phe đòi ly khai đang giành lại chút ưu thế, nên các lãnh đạo EU như Tổng thống Pháp François Hollande, Thủ tướng Anh David Cameron…nói tình hình ở miền đông Ukraine khiến cần có một phản ứng của EU.

Nhưng EU có quan hệ tài chính, thương mại và năng lượng với Nga, nên một số nước thành viên cẩn trọng trong việc nâng cao mức căng thẳng với Nga. Thủ tướng Áo Werner Faymann là một trong số các lãnh đạo đặt câu hỏi: cấm vận có tác động nào lên Tổng thống Nga Vladimir Putin?

EU và Mỹ đã có nhiều mức cấm vận Nga về vai trò của họ trong cuộc khủng hoảng Ukraine, như việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3.

Nga luôn phủ nhận không hề đưa quân qua láng giềng phía tây của họ trong khi thứ Năm tuần qua, NATO nói Nga đã cử ít nhất 1.000 lính qua Ukraine giúp quân nổi dậy, cùng một số khí tài quân sự như xe tăng, xe bọc thép cũng như dàn 20.000 quân ở vùng biên giới.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại