Không được phép quên quá khứ, thưa nhạc sĩ Trần Tiến!

Trịnh Thị Thuận |

(Soha.vn) - "Người ta nói mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng cái sự so sánh của Ns Trần Tiến thì khập khiễng đến mức khó chấp nhận được!".

Đêm nhạc Giai điệu tự hào số 3 diễn ra đêm 31-3-2014. So với hai đêm trước, các giám khảo lão thành và giám khảo trẻ tuổi đã "nổ" rất hăng và rất thẳng thắn. Nói hỏm hỉnh như một số người về điều này là: Giờ mới "mổ bò".

Trong đêm nhạc, ca sỹ thể hiện khá thành công các nhạc phẩm ra đời thập niên 80, thế kỷ trước. Dù là ca khúc phục vụ chính trị, nhưng vẫn rất hay như bài Tình ca tuổi trẻDấu chân tròn trên cát, Bài ca không quên... Song tôi sốc thực sự khi nghe nhạc sĩ Trần Tiến thể hiện quan điểm về quá khứ của mình. Ông nói đại để:

- Thượng đế sinh ra người ta cái mắt, cái mặt phải quay đằng trước, nếu quay lại sau thì chết mất. Nếu các bạn nhìn về sau, các bạn chóng chết lắm. Hãy quên quá khứ đi... Nhớ rằng nước mắt chỉ chảy xuôi chứ nước mắt không chảy ngược...


Nhạc sĩ Trần Tiến gây sốc khi nêu quan điểm về quá khứ của dân tộc.
 


Nhạc sĩ Trần Tiến gây sốc khi nêu quan điểm về "quá khứ" của dân tộc.
 

 Trần Tiến cổ vũ giới trẻ quên quá khứ dân tộc?

Trước câu nói đầy bất ngờ này, ngay lập tức, PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái đã phản bác:

- Không thể quên được quá khứ. Chỉ có thể khép lại quá khứ chứ không thể quên...

Và bà đã hát mấy câu trong bài Người chiến sỹ ấy để khẳng định. Tôi rất đồng tình với lời phản biện này của PGS. Tại sao lại khuyên lớp trẻ quên quá khứ? Mỗi bộ môn nghệ thuật đều có chức năng giáo dục của nó chứ. Âm nhạc cũng vậy. Cho nên dù là những ca khúc phục vụ chính trị thời ấy, nhưng đến nay vẫn cần để lớp trẻ nghe mà hiểu được phần nào cuộc sống của cha ông từng thời kỳ lịch sử, để sống cho xứng đáng.

Người ta nói mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng cái sự so sánh của Trần Tiến thì khập khiễng đến mức khó chấp nhận được! Chung quy lại ông khuyên lớp trẻ hãy quên quá khứ đi. Nếu không sẽ chóng chết(!?)

Tại sao lại quên quá khứ hào hùng của dân tộc? Quên đi có nghĩa là không cần biết đến những năm tháng chiến đấu bi tráng của ông cha ở từng giai đoạn lịch sử?

Vậy có cần dạy lịch sử, văn học cho học sinh nữa không? Tôi không hiểu Trần Tiến hiểu như thế nào về câu "nước mắt chỉ chảy xuôi" mà lại dùng trong bối cảnh này để khuyên các bạn trẻ. Cứ theo tinh thần của Trần Tiến thì đến một ngày nào đó, con cháu chúng ta sẽ quên cha ông! Thật nguy hại!

Chúng ta không chọn chiến tranh, nhưng chiến tranh đã chọn chúng ta. Nếu không có những sự mất mát, hy sinh của lớp lớp các anh hùng liệt sĩ, làm sao chúng ta và lớp trẻ có ngày hôm nay. Trước hòn tên mũi đạn, cái sống và cái chết gang tấc, sợ lắm chứ! Nhưng người chiến sĩ vẫn tiến lên, vẫn "hát" bởi đó là sự hy sinh cho tổ quốc để giành độc lập tự do. Cho nên lớp trẻ cần phải hiểu và tự hào vì điều đó.

Chúng ta không bao giờ mong muốn con cháu mình gian khổ, phải sống trong mất mát đau thương, nhưng chúng ta đều muốn con cháu mình cần phải biết quá khứ của dòng họ, tổ tiên và dân tộc mình. Các cụ dạy: "Ôn cố tri tân", hiểu quá khứ mà hướng tới tương lai.

"Con hơn cha là nhà có phúc". Chúng ta rất hạnh phúc khi con cháu mình được sống sung sướng, được sống trong hòa bình, nhưng không thể vì thế mà để chúng quên quá khứ. Thưa nhạc sĩ!

Nhà giáo Trịnh Thị Thuận (Hải An, Hải Phòng)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại