Việt Nam "bị" đăng cai hay "được" đăng cai Asiad 18?

Y. Dương (Tổng hợp) |

(Soha.vn) - Một số quốc gia như New Delhi - Ấn Độ, Kuala Lumpur - Malaysia, Abu Dhabi - Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.. đều chủ động rút lui, “nhường” quyền đăng cai cho VN.

> Rút lui không đăng cai tổ chức Asiad 18 chỉ là "hạ sách"?
> "Khi dân còn chui túi nilon thì tiêu hoang cho Asiad là có tội"

Dự trù kinh phí ban đầu mà Bộ VH-TT&DL thông tin để tổ chức Asiad 18 (năm 2019) là 150 triệu USD. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, tính từ thời điểm dự tính đến thời điểm diễn ra Asiad 18, mức chi phí này sẽ "đội" lên rất nhiều. Thậm chí, truyền thông trong nước còn ví tình trạng của chúng ta là "ngồi trên lưng hổ".

Bài toán về kinh phí khi đăng cai Asiad 18 cũng khiến GS Nguyễn Lân Dũng, nguyên Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tỏ ra băn khoăn. Tờ Người Lao Động dẫn lời vị Giáo sư này: “Năm 2003, khi đăng cai SEA Games 22, Việt Nam bội chi gấp 3 lần dự toán. Khi ấy, nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh nên ngân sách kham nổi. Dù vậy, SEA Games vẫn là bài học do các nhà tổ chức không lường được những gì phát sinh. Việc phải làm rõ kinh phí tổ chức 150 triệu USD hay 300 triệu USD là rất quan trọng. Nếu so sánh với những quốc gia đăng cai Asiad thì có thể thấy con số 300 triệu USD chưa tới 1/5 so với Hàn Quốc, nước chủ nhà Asiad 17 năm 2014 (1,6 tỉ USD). Hồng Kông (Trung Quốc) cũng đã thăm dò ý kiến người dân để chạy đua giành quyền đăng cai Asiad 19 vào năm 2023 (1,8 tỉ USD).

Cũng không phải vô cớ mà New Delhi - Ấn Độ, Cao Hùng - Đài Loan (Trung Quốc), Kuala Lumpur - Malaysia, thậm chí Abu Dhabi - Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, đều chủ động rút lui, “nhường” quyền đăng cai tổ chức cho Việt Nam”.

Còn nhớ, Ấn Độ từng tranh giành đăng cai Asiad 17 (năm 2014) với Hàn Quốc. Sau khi không giành được quyền đăng cai, phía Ấn Độ thậm chí coi đó là "may mắn". Bộ trưởng Thể thao Ấn Độ khi đó thừa nhận: “Tiền nhà nước được ưu tiên cho việc xây nhà ở cho cả tỉ dân nghèo trong nước hơn là chạy theo những vòng nguyệt quế thể thao vốn chưa cần thiết, trong khi người dân Ấn Độ còn đang nghèo đói”.

"“Vòng chung kết” quyền đăng cai Asiad 18 chỉ còn Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Indonesia và Việt Nam. Ngay trước khi bỏ phiếu, nước giàu nhất là Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) xin "nhường quyền” cho 2 nước Việt Nam và Indonesia tranh đăng cai. Hà Nội - Việt Nam thắng Surabaya - Indonesia một cách khá... dễ! Ngay thời điểm ấy, dư luận đã đặt câu hỏi: “Nên hiểu là Việt Nam “bị” đăng cai hay “được” đăng cai Asiad?”. Thông tin trên tờ Lao Động.

Nhân sự kiện đăng cai Asiad 18, tờ Lao Động có viện dẫn lại bài học đắt giá năm 2009 khi Việt Nam đăng cai Đại hội thể thao trong nhà Châu Á lần thứ 3 (Asian Indoor Game). Theo đó, chỉ với 45 đoàn và 24 môn thi, nhưng Indoor Game 3 đã ngốn 1.040,2 tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước. Trong đó, kinh phí tổ chức là 466 tỉ đồng, kinh phí đầu tư 574,2 tỉ đồng.

Trên trang cá nhân của mình, PGS Văn Như Cương đã đặt ra sự so sánh đối lập giữa việc dùng tiền đăng cai Asiad 18 và việc dùng chính chi phí đó xây cầu cho giáo viên và học sinh ở bản Sam Lang (xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, Điện Biên) – nơi qua suối bằng túi ny lông . Ông viết: "Nghe nói ta được đăng cai Asiad 18 là vinh dự lắm, là sẽ được các nước phục lắm, là mở rộng tiếng tăm lắm, là người đến VN du lịch đông lắm, là thanh niên ta sẽ khỏe mạnh lên nhiều lắm… Nhưng cũng nghe nói là tốn tiền nhiều lắm lắm… Chỉ riêng cái đường đua xe đạp lòng chảo cũng phải 10.000 tỉ đồng (chỉ mới dự trù, chắc còn đội lên nhiều lần…). Nếu dùng 10.000 tỉ đồng đó mà xây cầu để cô giáo và học sinh khỏi vượt suối bằng cách chui vào túi ny-lông thì được bao nhiêu cái cầu nhỉ? Câu trả lời là 3.000 cái!”.

Năm 2003, khi đăng cai SEA Games 22, Việt Nam bội chi gấp 3 lần dự toán. Ảnh minh họa: Tiền Phong.

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu chia sẻ quan điểm của mình trên tờ Người Lao Động: "Cách đây 2 năm, khi Việt Nam tiếp nhận quyền đăng cai Asiad 18, cá nhân tôi với tư cách là một lãnh đạo cũ của ngành TDTT đã phát biểu trên báo, đại ý không nên đăng cai kỳ Á vận hội này vì kinh phí tổ chức sự kiện tầm cỡ châu lục như vậy vượt quá sự chịu đựng của nền kinh tế Việt Nam vốn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Sau 2 năm, tôi vẫn bảo lưu ý kiến đó. Nếu quá chú trọng đến việc tổ chức thi đấu TDTT đỉnh cao hoặc đăng cai các sự kiện lớn vượt quá khả năng của nền kinh tế đất nước, coi chừng những người có trách nhiệm với ngành TDTT hiện nay đang đi chệch hướng".

Cũng từ nguồn trên, GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh, nếu không xã hội hóa được thì đây vẫn là khoản đầu tư nặng nề cho ngân sách quốc gia. Chúng ta còn thiếu rất nhiều trường học, bệnh viện, thiếu những cây cầu cho vùng sâu, vùng xa, những thứ thiết yếu hơn nhiều.

Trân trọng mời quý độc giả gửi ý kiến thảo luận và viết bài xung quanh vấn đề đăng cai hay xin rút không đăng cai tổ chức Asiad 18. Những bài hay của quý độc giả (hoặc giới thiệu được bài hay) sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Bài viết xin gửi về địa chỉ btv@soha.vn.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại