Tọa đàm trực tuyến: "Bác sĩ Cát Tường" có tội hay thoát tội?

Ban biên tập |

(Soha.vn) - Vụ án tại thẩm mỹ viện Cát Tường không chỉ là vụ án được quan tâm nhất năm 2013, mà theo nhiều chuyên gia, dường như nó chưa hề có tiền lệ ở Việt Nam và thế giới.

Nhà báo Bùi Ngọc Hải - Phó Tổng biên tập Báo điện tử Trí Thức Trẻ chủ trì buổi tọa đàm.

Kính thưa Quý vị, thưa các bạn!

Có thể nói vụ án tại thẩm mỹ viện Cát Tường, không chỉ là vụ án được quan tâm nhất năm 2013, mà theo nhiều chuyên gia, dường như nó chưa hề có tiền lệ ở Việt Nam và thế giới.

"Siêu bão Cát Tường" quét qua đời sống, và làm lộ tận đáy nhiều vấn nạn xã hội.

Chưa bao giờ hành vi tiêu cực của một bác sĩ lại có thể khiến bộ trưởng rơi nước mắt và tạo nên dư chấn đổ xuống ngành Y tế. Tuy nhiên vụ án cũng đã mang đến một số tín hiệu mới: Hàng loạt biện pháp mạnh với mong muốn chấn chỉnh y đức và hình ảnh của ngành Y tế, đã được tiến hành.

Những áp lực không nhỏ cũng đã dồn xuống cơ quan điều tra vụ án. Cho đến thời điểm này, sau nhiều nỗ lực rất lớn của cả công an, gia đình, kết quả tìm xác nạn nhân cũng đang dừng ở con số không.

Vụ án cũng đã đẩy lòng tin của công chúng vào các nhà ngoại cảm đến bờ vực cuối cùng. Hàng trăm nhà ngoại cảm xuất hiện chỉ để thu về sự thất vọng và sự tốn kém nặng nề cho gia đình nạn nhân.

Về mặt pháp lý, cũng đã xảy ra những tranh cãi này lửa về việc khép tội bác sĩ Tường như thế nào nếu không tìm thấy xác nạn nhân. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng, việc tranh luận này, biết đâu đấy, lại có thể dẫn đến những thay đổi về cung cách làm án, về các điều luật và hướng xét xử.

Nhưng trước khi đi vào vấn đề chính của buổi tọa đàm trực tuyến ngày hôm nay, tôi xin trân trọng giới thiệu sự hiện diện của những chuyên gia luật hàng đầu.


	Các chuyên gia luật tham gia buổi Tòa đàm trực tuyến về vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường

Các chuyên gia luật tham gia buổi Tòa đàm trực tuyến về vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường

Đó là TS, luật sư Trần Đình Triển, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.Hà Nội, Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân

Đó là Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm chủ tịch hội đồng tư vấn Công ty luật Hợp Danh Hồng Bách và cộng sự.

Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư InterLa

Luật sư Trịnh Cẩm Bình - Giám đốc công ty Luật Biển Đông

Xin trân trọng cảm ơn các vị khách đã nhận lời trong chương trình tọa đàm trực tuyến này.

Nhà báo Bùi Ngọc Hải: Câu hỏi đầu tiên tôi muốn đặt ra với các vị khách mời là tình tiết đặc biệt nào đã khiến các luật sư quan tâm đến vụ án?

LS. Trần Đình Triển cho rằng: Trước hết, trong vụ án này, cái mà gây lên sự bức xúc nhất với góc độ luật pháp là không tìm thấy thi thể nạn nhân. Đó quyết định mọi vấn đề để xem xét chứng cứ để quy kết  trách nhiệm cho bác sĩ Cát Tường vi phạm vào tội nào? Đó là vấn đề xã hội đang đặt ra.

Vậy, ngoài góc độ tâm linh, đạo lý, gia đình mong muốn tìm được thi thể nạn nhân. Cơ quan bảo vệ pháp luật cũng mong muốn tìm được thi thể của chị Huyền để từ đó quyết định vấn đề định tội xem trong vụ việc này, vi phạm vào tội nào?  Đó là vấn đề được đặt ra nhiều nhất trong vụ án này.

LS. Trịnh Cẩm Bình có ý kiến: Liên quan tới vụ án này cũng như toàn bộ diễn biến tôi nhận thấy hiện nay Cơ quan điều tra (CQĐT) cũng như các cơ quan tố tụng đang giải quyết theo diễn biến vụ án. Ban đầu khởi tố tội giết người, sau đó, quá trình diễn biến do không tìm thấy xác của chị Huyền nên CQĐT khởi tố theo 2 tội danh là Vi phạm các quy định về khám chữa bệnh và Xâm phạm mồ mả, thi thể, hài cốt.

Rõ ràng, tìm thấy xác của nạn nhân là điều hết sức quan trọng của vụ án như LS Triển nói. Trong vụ án này, vấn đề đặt ra là thi thể không tìm thấy. Rất nhiều chuyên gia pháp lý cũng như dư luận đặt ra câu hỏi là nếu không tìm thấy thi thể của nạn nhân thì có thể cho là đã chết hay không?

Vậy thi thể không tìm thấy thì có thể coi là đã chết hay không? Mà chỉ  khi khẳng định được việc có chết hay không thì mới có thể khởi  tố cũng như là giải quyết và xử lý về tội danh của bác sĩ Tường trong vụ án này.

LS. Nguyễn Hồng Bách: Tôi cho rằng vụ án này nguyên nhân gây sự chú ý là người có hành vi thực hiện tội phạm là một bác sĩ. Đây là mấu chốt của vấn đề và cũng là tâm điểm. Bởi vì người có hành vi thực hiện phạm tội là một người thầy đang hành nghề trong lĩnh vực chữa bệnh cho người mà lại thực hiện hành vi phạm tội, dấy lên sự phẫn nộ của dư luận về vấn đề y đức của người thầy thuốc.


	Nhà báo Bùi Ngọc Hải trao đổi với các vị khách mời.

Nhà báo Bùi Ngọc Hải trao đổi với các vị khách mời.

Không chỉ dư luận, bản thân chúng ta, mỗi một gia đình, có lẽ trong cuộc đời ai cũng phải nhờ tới người thầy thuốc. Thế mà y đức của người thầy thuốc lại có vấn đề thì rõ ràng, niềm tin của cả cộng đồng và dư luận xã hội cũng sẽ xuống thấp với người thầy này.  Có 2 nghề đáng kính là thầy thuốc và thầy giáo. Tâm điểm tội phạm để tạo sự chú ý của dư luận lại rơi vào nghề thầy thuốc. Đó là điều đặc biệt trong vụ án.

Còn hành vi tội phạm vẫn diễn ra hàng ngày, thậm chí là hàng giờ, hàng phút nhưng vấn đề tại sao dư luận báo chí, dư luận xã hội và các phương tiện truyền thông nói nhiều như vậy? Vì trường hợp vi phạm pháp luật này rơi vào trường hợp người có nhận thức, người phải đi cứu người thì người ta lại thực hiện hành vi xâm phạm cái tạm gọi như cơ quan điều tra nói là xâm phạm thi thể. Thậm chí dư luận còn cho rằng là tội giết người. Và liệu có cần phải xem xét lại quy trình đạo đức với nghề y hay không?

LS. Trương Quốc Hòe: Tôi nhất trí với quan điểm các đồng nghiệp đưa ra. Liệu bác sĩ Tường có mang yếu tố hành nghề vào hành vi giấu xác ko? Đây là 1 vấn đề mà tôi cho rằng xuất phát từ nền kinh tế thị trường.

Bác sĩ Tường không muốn mất đi danh dự của người bác sĩ, với hành vi này, bác sĩ mong muốn củng cố, che giấu cái lỗi trong quá trình hành nghề của mình.

Tôi cho rằng xã hội đang bị bào mòn đạo đức và nhân cách con người ở chính yếu tố kinh tế thị trường chi phối.

Góc nhìn của tôi trong vụ Cát tường là sự mong muốn chạy theo lợi nhuận, chạy theo cơ chế thị trường đã đẩy đạo đức ngành y xuống cấp 1 bậc.

Có lẽ bác sĩ Tường đã dựa trên quan điểm mình là một bác sĩ cao quý, đứng trên quan điểm nghề này là một nghề cao quý để che giấu cái hành vi mà lẽ ra bác sĩ phải nhận thức một điều rằng bác sĩ phải công khai và hỗ trợ của pháp luật. Tôi cho rằng đây là hệ quả của cơ chế thị trường.

Nhà báo Bùi Ngọc Hải: Bác sĩ Tường đã bị khởi tố về hai tội danh: Tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (Điều 242 Bộ luật hình sự) và Xâm phạm thi thể (Điều 246 Bộ luật hình sự). Theo các luật sư, hai tội danh này có thỏa đáng?

Và nếu có người hỏi rằng: Thi thể nạn nhân thì chưa tìm thấy, làm sao chứng minh được tội xâm phạm thi thể?

LS. Trần Đình Triển: Tôi cho rằng CQĐT khởi tố vụ án với 2 tội danh đó là một việc rất khoa học, rất cân nhắc .

Về nguyên tắc, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can chưa chắc đã có tội, trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng cũng có thể chuyển tội danh này và đình chỉ tội kia. Vì vậy việc khởi tố 2 tội danh trong vụ án này là có sự tính toán của cơ quan điều tra và rất khoa học ở chỗ ấy.

Thứ nhất, là vi phạm về quy chế khám chữa bệnh, rõ ràng là một tội, khởi tố không sai. Thứ hai, vấn đề là tội căn cứ vào lời khai của bác sĩ Tường và lời khai của bảo vệ là có việc như vậy thì đây là cơ sở để tôi khởi tố tội Xâm phạm thi thể.


	Luật sư Trần Đình Triển bày tỏ quan điểm trong buổi tòa đàm.

Luật sư Trần Đình Triển bày tỏ quan điểm trong buổi tòa đàm.

Một số người đặt ra vấn đề là nếu không tìm ra thi thể thì đình chỉ vụ án. Tôi không đồng ý với ý kiến này.

Ở đây chúng tôi nhìn dưới góc độ phòng chống tội phạm. Theo điều 81 Bộ luật tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Tòa án xác định người đó đã chết. Cũng theo điều luật này thời gian yêu cầu xác định người đó đã chết sẽ kéo dài trong vòng 1 năm. Vì vậy trong 3 tháng nay và trong thời hạn 1 năm, gia đình chị Huyền có quyền yêu cầu xác định nạn nhân đã mất. Từ đó phải xác định nguyên nhân là gì? Do bão lụt, hỏa hoạn hay do chính bác sĩ Cát Tường?

Vậy rõ ràng cơ quan tố tụng đang chờ thời điểm để chuyển tội danh. Và tội danh gì chúng ta chưa thể bàn được vì những lời khai của bị can, bị cáo chưa thể chứng minh được là có tội hay không có tội mà phải phù hợp với những chứng cứ khách quan khác ví dụ như lời khai của những người làm chứng rồi việc khám xét, thu giữ những chứng cứ. Vì vậy chúng ta phải đặt ra nhiều giả thiết. Ví dụ khi người bệnh đến phòng khám, bác sĩ giở trò tòm tem, hiếp dâm và người ta chống lại thì sao? Và anh sợ xấu hổ anh giết người ta thì là tội hiếp dâm khi có bằng chứng.

Trường hợp thứ 2, cũng có thể cho rằng gia đình chị Huyền khá giả, mang theo nhiều tài sản nên đã giết người chiếm đoạt tài sản. Hoặc cũng có thể khi anh làm cho người ta không đạt được nguyện vọng, người ta kiện, anh giết người ta thì sao? Hoặc do quá trình phẫu thuật sai sót, anh quá tự tin vào tay nghề dẫn đến cái chết là tội vô ý làm chết người.

Có rất nhiều giả thiết được đặt ra và chúng ta chưa có tài liệu gì từ cơ quan điều tra nên chúng ta chưa thể bàn được đó là tội gì.

Và tôi cho rằng không thể đình chỉ vụ án và sau 1 năm bác sĩ Tường sẽ bị khép vào tội danh ít nhất là vô ý làm chết người.

LS. Trương Quốc Hòe: Tường đang bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (Điều 242 Bộ luật hình sự). Theo tôi, bản thân pòng khám Cát Tường mới chỉ được cơ quan quận Hai Bà Trưng cấp giấy phép về dịch vụ chăm sóc sắc đẹp chứ không có dịch vụ giải phẫu. Tường là bác sĩ hành nghề ở khoa Ngoại ở bệnh viện Bạch Mai. Vậy thì Tường đang lạm dụng chính tay nghề của mình làm giải phẫu tại nơi khám chữa bệnh của thẩm mỹ viện.

Quan điểm của tôi là phải khởi tố theo Điều 99 BLHS thì có căn cứ nhiều hơn. Đó là Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính.

Tức Tường hiện nay đang hoạt động theo ý chí chủ quan mình là một bác sĩ ngoại. Tường lấy ý chí chủ quan đó để mang ra áp dụng phẫu thuật ở phòng khám Cát Tường, nên theo tôi là nên chuyển tội danh.

Luật sư Trương Quốc Hòe nói về việc khởi tố các tội danh đối với đối tượng Tường

Về vấn đề xác chết của nạn nhân Huyền, tôi cho rằng cũng lặp lại yếu tố lòng tự tin vào tay nghề của Tường. Trong khoa Ngoại, Tường thường xuyên tiếp xúc với những vật phẩm thừa do quá trình giải phẫu. Trong quy trình về xử lý rác thải của bệnh viện của khoa ngoại đã có yếu tố này, cũng lại liên quan đến vấn đề hành nghề của Tường. Liệu Tường có sử dụng những gì đã tiếp xúc khi hành nghề đó mang vào tiêu hủy xác chị Huyền không lại là một vấn đề. Tâm lý ban đầu của Tường là lòng tự trọng rất cao.

Thực tế, Tường mới đầu tư vào phòng khám trước khi vụ việc xảy ra 5 – 6 tháng. Trong trường hợp Tường bị khởi tố Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thì thu hồi vốn của phòng khám rất khó khăn. Chính điều này đã gây ra ý chí của Tường vào vấn đề có tiêu  hủy xác chi Huyền hay không?

Việc Tường khai ra vứt xác chị Huyền chỉ là lời khai từ phía cá nhân Tường, còn có phù hợp không thì cơ quan điều tra cần làm rõ. Cả hai tội danh có thể hiện ý chí của Tường.

LS. Nguyễn Hồng Bách: Tôi thiên về tội cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án theo Điều 242.

Chúng ta có thể kết luận một cách khoa học rằng chị Huyền đã chết hay không? Đến thời điểm này chưa có một kết luận. Như vậy, chưa thể nói đến một câu chuyện chắc chắn về khoa học pháp lý là nạn nhân đã chết Tất cả chỉ theo lời khai của bảo vệ Khánh và bác sĩ Tường.

Nếu có tình huống Huyền đã chết thì chúng ta không thể khẳng định cái chết đó có phải do bác sĩ Tường gây ra hay không? Vì không tìm thấy thi thể nên chưa có kết luận giám định pháp y về nguyên nhân gây ra cái chết.


	Luật sư Nguyễn Hồng Bách bày tỏ quan điểm.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách bày tỏ quan điểm.

Có độc giả bình luận mà tôi cho là có lý rằng: Có thể trước đó, chị Huyền đã sử dụng hoặc ăn phải thứ gì đó, hoặc bị 1 chất kích thích tác động mà nguyên nhân chết không phải do việc hành nghề của Tường thì sao? Giữa nguyên nhân và hệ quả không có mối quan hệ nhân quả và hành vi của một bác sĩ không phải trực tiếp là nguyên nhân gây nên cái chết thì không thể đưa vào tội theo Điều 99.

Phân tích hành vi vi phạm pháp luật có hay không, hành vi đó có lỗi và xảy ra hậu quả hay không? Nếu chị Huyền chết do bị đau tim hoặc trong lúc xúc động, hoản loạn quá thì sao? Rất khó cho cơ quan điều tra xét xử sau này nếu không có kết luận về nguyên nhân chết.

Pháp luật hình sự có quy định trường hợp suy đoán. Thế nhưng, áp dụng suy đoán chỉ là áp dụng theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo chứ không áp dụng trong trường hợp bất lợi cho bị can bị cáo. Nếu không đưa ra ra một nguyên nhân bằng một kết luận giám định pháp lý mà đưa ra suy đoán bất lợi cho bị can, bị cáo thì rõ ràng không thể áp dụng nguyên tắc suy đoán.

Cơ quan điều tra khởi tố tội Xâm phạm thi thể theo Điều 246 theo tôi là chưa ổn. Chúng ta phải phân tích chưa thể khẳng định chị Huyền đã chết hay chưa. Nếu đặt một tình huống chị Huyền đang ở đâu đó mà chưa chết thì tội danh này ổn không? Đặt giả thiết chị Huyền đã chết trong quá trình chữa bệnh thì phải xem mục đích của tội phạm là gì? Bác sĩ Tường có mục đích xâm phạm thi thể chị Huyền hay không?

Tôi cho rằng không có. Nếu có thì đó là hành vi nhằm che giấu tội phạm. Như vậy, nó lại chỉ là một tình tiết tăng nặng theo quy định tại Khoản 1, Điều 48 BLHS hoặc tình tiết tăng nặng định khung ở một số tội danh khác.

Ngoài ra, dư luận đang đánh giá theo sự phẫn nộ, tạo nên một hướng nhìn cần xử lý nghiêm hành vi của Tường. Tôi cho rằng, chúng ta phải đánh giá khách quan. Đã là tội phạm thì đều bị xử lý công bằng như nhau, hành vi đến đâu chúng ta xử lý đến đó.

LS. Trịnh Cẩm Bình: Theo tôi, với hành vi của bác sỹ Tường thì việc khởi tố về tội vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thì không phải bàn cãi nữa.

Bởi lẽ, phòng khám của bác sỹ Tường khi tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ thì phải được cấp giấy phép về phẫu thuật thẩm mỹ vì đó là, dịch vụ cần phải có điều kiện.

Khi chưa cấp giấy phép mà bác sỹ vẫn cố tình thì tội danh đó là không phải bàn cãi.


	Luật sư Trịnh Cẩm Bình

Luật sư Trịnh Cẩm Bình

Tuy nhiên, với tội danh xâm phạm đến thi thể, theo như những tài liệu mà chúng tôi được tiếp cận thông qua công luận thì việc khởi tố tội danh đó còn có gì đó khiên cưỡng.

Bởi vì, hành vi của bác sỹ Tường tẩu tán, phi tang cái xác đi thì chỉ có thể coi là tình tiết tăng nặng tội, xảo quyệt, hung hãn nhằm để che giấu tội phạm.

Vào tình thế gây ra cái chết cho chị Huyền thì vào giây phút chưa chấn tĩnh được hoặc giả thiết là tinh thần không ổn định nên bác sỹ Tường mới phi tang xác.

Ở đây, cơ quan điều tra trong cả quá trình điều tra và tình tiết thu thập sau này thì vẫn có thể khởi tố thêm về tội danh xâm phạm thi thể.

Nhà báo Bùi Ngọc Hải: Có ý kiến cho rằng, việc không tìm thấy xác chị Huyền mà vẫn truy cứu trách nhiệm của bác sĩ Tường, thì rất có thể dẫn đến một kịch bản oan sai giống như vụ Nguyễn Thanh Chấn. Ở Trung Quốc, đã có trường hợp nạn nhân được coi là bị giết đột ngột trở về trong khi người bị coi là hung thủ đã bị xử tử. Các luật sư nghĩ sao về điều này?

LS. Triển: Như chúng ta sử dụng biện pháp so sánh, sợ oan sai để tiến hành những biện pháp cưỡng đoạt tôi cho rằng là không đúng. Việc thứ nhất và việc của ông Nguyễn Thanh Chấn, một là người chết đã chết, hai là thông qua chính anh Chấn bị bức cung, buộc phải nhận, nó khác hẳn với vụ việc. Vụ việc này không có ai bức cung bác sĩ Tường và Khánh cả, thậm chí những đối tượng này còn ra hiện trường diễn tả việc quẳng xác xuống như thế nào.

Thứ hai là về việc tố tụng, gia đình nạn nhân có quyền tuyên bố người mất tích vì việc khám chữa bệnh và làm sắc đẹp tại đây. Kết tội như vậy, sau này nếu chị này có quay lại thì không ai chịu trách nhiệm về việc này cả, mà người chịu trách nhiệm là bác sĩ Tường chứ không phải cơ quan  tiến hành tố tụng.

Và trong quá trình tiến hành bồi thường oan sai, nếu người ta tiến hành một cách đầy đủ các biện pháp không bức cung, không mớm cung, không dùng cung mà anh đủ năng lực hành vi, nếu bác sĩ Tường có luật sư, mời luật sư vào, lời khai đó không bị bức cung, không mớm cung, không ép cung, thì dù sau này có oan sai thì những lời khai đó chịu hoàn toàn trước pháp luật.

Tôi cho rằng chúng ta lăn tăn trước oan sai không có việc gì trong vụ này cả. Những người trong cơ quan tiến hành tố tụng họ đang làm hết sức mình. Tôi tin rằng, họ chắc chắn đúng về việc duyệt tội danh, và ít nhất là tội vô ý làm chết người.

Khi bác sĩ Tường đủ năng lực hành vi, không bị ép cung, mớm cung, ép cung nên chiếu theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng như việc bồi thường oai sai trong điều kiện cơ quan tiến hành tố tụng làm sai ví dụ bị bức cung, mớm cung buộc anh phải khai ra điều đó. Nhưng anh đủ năng lực hành vi, tạo ra sự gian dối để buộc cơ quan nhà nước phải tiến hành ép theo điều này thì theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì lỗi chính là do bị can, bị cáo.

LS. Bách: Phải xem xét các thủ tục pháp lý được thực hiện theo đề nghị của ai. Và vấn đề xoay quanh quyền và lợi ích hợp pháp về mặt dân sự của những người đưa ra đề nghị. Nếu gia đình nạn nhân Huyền đề nghị thì rõ ràng tòa phải thực hiện, hậu quả pháp lý của việc tuyên bố một người đã chết khi người đó trở về thì các quyền lợi về mặt dân sự của con người sẽ lập tức được phục hồi.

Chúng ta chỉ nói đến oan sai trong hình sự còn dân sự không nói đến câu chuyện oan sai. Hậu quả pháp lý của việc tuyên bố một người đã chết rồi lấy đó làm căm cứ pháp lý để cho rằng người đó đã chết để xử lý hình sự về một người được cho là gây ra cái chết của người đó thì cơ quan nào thực hiện việc oan sai, thì theo trình tự của luật Bồi thường Nhà nước, cơ quan đó sẽ phải bồi thường.

LS. Bình: Ở đây, chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến oan sai ở đâu? Các cơ quan điều tra căn cứ vào lời khai không chỉ của riêng bác sỹ Tường mà còn là lời khai của rất nhiều người có liên quan khác.

Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao lại có sự thống nhất trong lời khai như vậy và cơ quan điều tra có tìm ra được sự mâu thuẫn trong các lời khai để phá vụ án hay không? Tại sao cơ quan điều tra không tìm ra điều đó và đấy chính là mấu chốt để tìm ra nguyên nhân oan sai ở đâu?

Như vậy, vẫn phải có một cơ quan phải chịu trách nhiệm chứ tôi không đông tình với việc chúng tôi đã làm hết trách nhiệm rồi thì không ai phải chịu trách nhiệm.

>>> Xem video buổi Tọa đàm:

 

>> Vụ Cát Tường: "Nếu chị Huyền quay về thì không buộc tội được ai"

>>  LS Triển: "Sau 1 năm BS Tường sẽ bị khép tội vô ý làm chết người"

 

(Còn nữa)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại